Trùm ma túy khét tiếng nhất châu Á bị bắt
Tse Chi Lop , thủ lĩnh tổ chức tội phạm lớn nhất châu Á, bị Hà Lan bắt ngày 22/1 theo yêu cầu của cảnh sát Australia.
“Ông ta đã nằm trong danh sách bị truy nã gắt gao nhất và ông ta bị bắt tại sân bay Schiphol dựa trên thông tin tình báo mà chúng tôi nhận được”, phát ngôn viên cảnh sát Hà Lan Thomas Aling nói tại Amsterdam ngày 23/1. Tse dự kiến bị dẫn độ sang Australia sau khi xuất hiện trước thẩm phán.
Tse Chi Lop , kẻ được cho là đứng đầu băng nhóm ma túy Sam Gor. Ảnh: Reuters .
Tse Chi Lop , 57 tuổi, người Canada gốc Hoa, thường được truyền thông gọi là “trùm ma túy bị truy nã gắt gao nhất châu Á”. Jeremy Douglas, đại diện Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) năm 2019 mô tả “Tse Chi Lopi ở tầm cỡ El Chapo hoặc Pablo Escobar”, nhắc đến các trùm ma túy khét tiếng nhất Mỹ Latinh .
Tse được cho là cầm đầu tổ chức buôn ma túy đa quốc gia được thành lập từ liên minh 5 băng nhóm thuộc Hội Tam Hoàng ở châu Á. Các thành viên gọi nó là “Công ty”. Cảnh sát gọi mạng lưới này là Sam Gor (Tam Ca), đặt theo một trong những biệt danh của Tse.
Sam Gor thống trị hoạt động buôn bán ma túy đá ở châu Á – Thái Bình Dương. Giới chức hành pháp khu vực nói rằng tổ chức này đã tuồn ma túy đá vào hơn một chục quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand, đồng thời cũng buôn bán heroin và thuốc lắc. UNODC ước tính Sam Gor kiếm được 17 tỷ USD năm 2018.
Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) ngày 24/1 cho biết họ đã ban lệnh bắt Tse vào năm 2019, “liên quan đến Chiến dịch Volante do AFP dẫn đầu, triệt phá một tổ chức tội phạm toàn cầu hoạt động ở 5 quốc gia”.
AFP cũng dẫn đầu một cuộc điều tra quốc tế gồm khoảng 20 cơ quan từ hơn 10 quốc gia có tên là Chiến dịch Kungur, nhắm vào Tse và tổ chức của ông ta. Hoạt động rửa tiền của tổ chức được cho là diễn ra toàn cầu, với các khoản đầu tư vào sòng bạc và bất động sản.
Douglas ca ngợi vụ bắt Tse là một “kết quả tuyệt vời” nhưng cảnh báo rằng nó có thể không ảnh hưởng lớn đến hoạt động buôn bán ma túy trong khu vực. “Họ đã bắt được gã trùm sò. Xin gửi lời khen ngợi đến Cảnh sát Liên bang Australia. Nhưng tổ chức này vẫn còn, nhu cầu ma túy tổng hợp vẫn đang tăng và sẽ có kẻ thay thế Tse”, Douglas nói.
Hoài nghi khả năng Mỹ đặt hạm đội mới ở Singapore
Bộ trưởng Hải quân Mỹ Braithwaite đề xuất lập hạm đội mới đóng quân ở Singapore, song giới chuyên gia nói điều này khó xảy ra.
Tại hội nghị chuyên đề của Liên đoàn Tàu ngầm Hải quân Mỹ ngày 16/11, Bộ trưởng Hải quân Kenneth Braithwaite cho biết nước này dự định thành lập thêm một hạm đội ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để hỗ trợ Hạm đội 7 đang đóng quân tại Yokosuka, Nhật Bản.
Braithwaite nói hạm đội mới, có thể được đặt tên là Hạm đội 1, sẽ đóng quân tại khu vực của ngõ giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương "để chứng tỏ sự hiện diện của Mỹ trong khu vực". Braithwaite giải thích rằng Mỹ "cần tìm đến các đồng minh và đối tác như Singapore, Ấn Độ và đặt một hạm đội tại khu vực có giá trị nếu có biến cố xảy ra".
Tuy nhiên, một số chuyên gia hàng hải châu Á mô tả đề xuất này của Washington là "quá đột ngột" và là một "phép thử" đơn phương của chính quyền sắp mãn nhiệm Donald Trump, nhưng nhiều khả năng sẽ không nhận được sự ủng hộ vồn vã của các nước trong khu vực.
Nhiều nước châu Á đã bày tỏ lập trường hoan nghênh sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ ở khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những động thái quyết liệt nhằm gia tăng ảnh hưởng tại đây. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng việc cho phép một căn cứ quân sự thường trực Mỹ mới của Mỹ trong khu vực sẽ vấp phải phản ứng mạnh từ Trung Quốc, điều các nước ở châu Á không muốn chứng kiến vào thời điểm này.
Bộ Quốc phòng Singapore cho hay họ chưa thảo luận với phía Mỹ về việc triển khai thêm tàu chiến ở nước này.
Collin Koh Swee Lean, chuyên gia thuộc trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), nhận định dù là một trong những đối tác chiến lược chủ chốt của Mỹ ở Đông Nam Á, Singapore sẽ coi việc Mỹ triển khai một hạm đội ở đây là "không thể chấp nhận được". Singapore đang tìm mọi cách để "xóa bỏ ấn tượng" rằng nước này đang lập liên minh quân sự chính thức với Mỹ.
Ý tưởng lập hạm đội mới ở châu Á cũng khó được Tổng thống đắc cử Joe Biden thông qua nhanh chóng mà không cần xem xét kỹ lưỡng.
"Tôi cho rằng chính quyền Biden sẽ thận trọng hơn với các vấn đề chính trị nhạy cảm trong khu vực và sẽ thảo luận kỹ lưỡng đề xuất này với các đồng minh, đối tác của Mỹ, nếu kế hoạch này chưa bị loại bỏ vào tháng 1/2021", Koh nói.
Tiêm kích F/A-18E bay trên tàu sân bay Ronald Reagan tại Biển Đông, ngày 8/11. Ảnh: US Navy .
Chuyên gia Olli Pekka Suorsa thuộc RSIS tin rằng đề xuất lập hạm đội mới ở châu Á của Bộ trưởng Hải quân Mỹ chỉ là "đòn tâm lý" nhằm truyền đi thông điệp về "ý định và quyết tâm cạnh tranh về lâu dài" của Mỹ tới Trung Quốc.
Trong khi đó, chuyên gia John Bradford của RSIS nói từ quan điểm của hải quân Mỹ, ý tưởng lập hạm đội mới là phù hợp do Hạm đội 7, đóng quân tại Nhật Bản, đang phải "căng mình" do phụ trách khu vực quá lớn nhằm đối phó với "các thách thức hàng hải lớn nhất của Mỹ".
Bộ trưởng Braithwaite cũng cho rằng Mỹ không thể chỉ dựa vào Hạm đội 7 để ứng phó với mọi thách thức ở châu Á và tin rằng hạm đội mới có khả năng răn đe mạnh mẽ hơn.
Ông cho rằng Hạm đội 1 có thể trở thành "lực lượng viễn chinh" di chuyển khắp Thái Bình Dương để hỗ trợ các đồng minh và đối tác. Tuy nhiên, Braithwaite không cung cấp thông tin chi tiết về quy mô dự kiến của Hạm đội 1 hay khả năng điều động chiến hạm từ các hạm đội khác tới.
Một phát ngôn viên hải quân Mỹ sau đó cho biết "chưa có quyết định về thời gian hoặc địa điểm thành lập một hạm đội mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Hai hạm đội của Mỹ đang phụ trách khu vực này, gồm Hạm đội 7 hoạt động ở vùng biển rộng 48 triệu km 2 từ đường đổi ngày giữa Thái Bình Dương tới khu vực ngoài khơi tiểu lục địa Ấn Độ, và Hạm đội 5 phụ trách phần còn lại của Ấn Độ Dương cùng khu vực Trung Đông.
Vùng hoạt động của các hạm đội thuộc Hải quân Mỹ. Đồ họa: Wikimedia.
Chuyên gia Koh nói kế hoạch của Braithwaite dường như "chưa được cân nhắc kỹ lưỡng" so sánh nó với đề xuất triển khai tên lửa tầm trung tại châu Á được cựu bộ trưởng quốc phòng Mark Esper công bố tháng 8/2019, song nhiều đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc khi đó không mặn mà với phương án này.
Việc Bộ trưởng Braithwaite nêu đích danh Singapore là nơi đóng quân của hạm đội mới cũng khiến nhiều chuyên gia chú ý. Giới chức Singapore từ năm 1990 cho phép Mỹ tiếp cận các cơ sở quân sự trên quốc đảo. Các nhóm tác chiến tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân Mỹ thường xuyên ghé qua căn cứ hải quân Changi của Singapore, nơi đóng vai trò là điểm tiếp liệu và tiếp tế cho lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương.
Singapore từ năm 2013 bắt đầu cho tàu tác chiến ven biển Mỹ triển khai luân phiên tại nước này, sau đó là các trinh sát cơ P-8 Poseidon. Tuy nhiên, những thỏa thuận này không tạo thành liên minh quân sự giữa Singapore và Mỹ. Thủ tướng Lý Hiển Long gần đây nhấn mạnh rằng quan hệ chiến lược với Mỹ không đồng nghĩa Singapore chọn phe trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Singapore cho biết thỏa thuận năm 2012 về luân phiên triển khai 4 tàu tác chiến ven bờ của Mỹ vẫn "còn hiệu lực". "Chưa có thêm yêu cầu hay cuộc thảo luận nào với Bộ Quốc phòng Mỹ về triển khai thêm tàu chiến của nước này tại Singapore", phát ngôn viên này cho biết.
"Singapore nguy cơ phải trả cái giá lớn hơn lợi ích nhận được nếu cho phép Hạm đội 1 đóng quân, do đây được coi là đơn vị hậu thuẫn cho chiến lược tái cân bằng cứng rắn của Mỹ nhằm vào Trung Quốc", Thomas Daniel, chuyên gia Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Malaysia, cho biết.
Các quốc gia láng giềng của Singapore cũng khó lòng đồng ý thỏa thuận cho phép Mỹ đặt căn cứ thường trực, do động thái như vậy có thể làm gia tăng đáng kể căng thẳng trong khu vực.
Tàu tác chiến ven biển USS Montgomery neo đậu tại căn cứ quân sự Changi, Singapore, tháng 6/2019. Ảnh: US Navy .
Chuyên gia Koh nói Singapore tìm cách tạo điều kiện cho Mỹ hiện diện lâu dài và bền vững trong khu vực, song tránh để điều này bị hiểu thành "liên minh chính thức với Mỹ hoặc mối quan hệ quốc phòng tương đương". "Singapore được cho từ chối đề nghị trở thành đồng minh ngoài NATO của Mỹ năm 2003 và tôi thấy họ đang tìm cách duy trì điều đó", Koh nói.
Các chuyên gia khác cho rằng quy mô lớn của một căn cứ thường trực cấp hạm đội khiến Singapore khó trở thành nơi Mỹ đặt trụ sở Hạm đội 1 nếu nước này thành lập. "Có khác biệt giữa việc Mỹ triển khai số lượng hạn chế chiến hạm với việc đặt trụ sở một hạm đội tại Singapore", chuyên gia Suorsa cho biết.
"Việc xây dựng lực lượng hải quân đồn trú tại nước ngoài lớn hơn đòi hỏi nguồn lực và cơ sở hạ tầng đáng kể ở nước sở tại. Singapore sẽ phải mở rộng đáng kể bất cứ cơ sở nào đang có nếu cho một hạm đội của Mỹ đồn trú. Tôi thấy Singapore không có động lực chính trị để làm điều này", Suorsa nói.
Bradford, cựu sĩ quan hải quân thuộc Hạm đội 7, nhận định dù dự kiến hoạt động ở cửa ngõ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, hạm đội mới "không nhất thiết phải đóng quân ở châu Á". "Mỹ có nhiều kinh nghiệm chỉ huy từ xa các chiến dịch tại một khu vực. Hạm đội 1 có thể hữu ích nếu lên kế hoạch phát triển cẩn thận, tỉ mỉ và huy động được nguồn lực", Bradford nói.
Hà Lan lần đầu lên tiếng về Biển Đông Hà Lan kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng mạnh mẽ hơn trước các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Đây là một trong những nội dung chính trong chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Bộ Ngoại giao Hà Lan công bố hôm 13/11. Chiến lược này được...