Phấn đấu tăng kim ngạch thương mại Việt – Đức lên 20 tỷ USD
Đầu tư trực tiếp của Đức vào Việt Nam còn khiêm tốn, mới đạt 1,41 tỷ USD, đứng thứ 5 trong Liên minh châu Âu (EU). Vì thế, sau chuyến thăm của chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên kỳ vọng sẽ nâng kim ngạch lên 20 tỷ USD trong 5 năm tới.
Xem bài khác trên Vef.vn
Trong chuyến thăm Đức từ ngày 24-26/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại thủ đô Berlin.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự phát triển nhanh và bền vững của việc trao đổi thương mại song phương. Trong vòng 5 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng gấp đôi, từ 4,1 tỷ USD năm 2010 lên 7,8 tỷ USD năm 2014.
Đức luôn duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp của Đức vào Việt Nam còn khiêm tốn, hiện mới đạt 1,41 tỷ USD, đứng thứ 5 trong Liên minh châu Âu (EU).
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tạo bước chuyển biến mới và đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất
Vì thế, hai nhà lãnh đạo nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại lên 20 tỷ USD và đầu tư của Đức tại Việt Nam lên 5 tỉ USD trong 5 năm tới, đồng thời nhất trí sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư, kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực hai nước có thế mạnh và nhu cầu như công nghiệp chế tạo, kỹ thuật điện và điện tử, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, hàng tiêu dùng, hàng nông – thủy sản,…
Thủ tướng Angela Merkel cũng nhất trí Đức sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Trong khi đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị phía Đức mở rộng chương trình hợp tác lao động sang các ngành nghề có nhiều triển vọng như nhân viên kỹ thuật trong bệnh viện, công nhân sản xuất trang thiết bị chấn thương chỉnh hình.
Video đang HOT
Hai bên cũng trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thủ tướng Đức khẳng định ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, trong đó có việc thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và EU công nhận quy chế thị trường của Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với EU và Đức.
Trả lời báo chí sau khi kết thúc chuyến thăm, Phó thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, chuyến thăm nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi Đức là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, mong muốn thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.
Phó Thủ tướng cho biết, tại các cuộc hội đàm, hai bên đã xác định những phương hướng và biện pháp cụ thể đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức trong thời gian tới, nhất là về hợp tác thương mại – đầu tư, khoa học – công nghệ và giáo dục – đào tạo. Nhiều cơ hội hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng đã được thiết lập tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Đức tại Frankfurt, góp phần tạo xung lực mới, khơi thông dòng chảy giao thương giữa hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai bên đã ký kết 6 thỏa thuận hợp tác.
Hiện Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch giữa Việt Nam và EU (bằng cả Anh và Pháp cộng lại) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.
Với sự phục hồi nhanh của kinh tế Đức, trao đổi thương mại song phương năm 2014 tăng mạnh bất chấp tác động tiêu cực của khủng hoảng nợ châu Âu, đạt 7,8 tỷ USD (trong đó xuất khẩu đạt 5,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2,6 tỷ USD); kim ngạch thương mại song phương 6 tháng đầu năm 2015 đạt 4,02 tỷ USD.
Tính đến cuối tháng 10/2015 Đức có 274 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.478 tỷ USD, đứng thứ 21 trên tổng số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Đức có dự án đầu tư tại 30 tỉnh, thành phố của cả nước, hầu hết tập trung ở các thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển như TP.HCM, Ninh Thuận, Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng,…
Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức đã có đầu tư tại Việt Nam như: DaimlerChrysler (sản xuất ô tô Mercedes-Benz), B.Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim).
Thanh Liêm
Theo_VietNamNet
Tin tưởng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển sâu rộng
LTS - Tại hội thảo "Mối liên hệ giữa chặng đường 70 năm hậu chiến của Nhật Bản và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam", do Học viện Ngoại giao phối hợp Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vừa tổ chức mới đây, các học giả, nhà nghiên cứu hai nước đã đi sâu phân tích và làm rõ mối quan hệ gắn kết lâu đời giữa hai nước, cũng như cơ sở và tiềm năng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, qua đó góp phần thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến của các học giả Nhật Bản.
GS Y.Hô-xoi-a, Đại học Cây-ô:
Việt Nam và Nhật Bản đều mong muốn đóng góp vào hòa bình, ổn định ở khu vực
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có chuyến thăm rất thành công tới Nhật Bản hồi tháng 9 vừa qua. Ông đã được cả Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đón tiếp nồng hậu. Người Nhật Bản rất tôn trọng dân tộc Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, như trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và giữ độc lập tự chủ. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, người dân rất thân thiện. Nhật Bản và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng. Cả hai nước đều bị tàn phá trong chiến tranh và đều rất nỗ lực để xây dựng lại đất nước, làm cho đất nước thịnh vượng hơn.
Việt Nam hiện là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nhật Bản ở khu vực, bên cạnh các đối tác quan trọng khác như Mỹ, Ô-xtrây-li-a và Ấn Độ. Các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác về kinh tế và an ninh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Với việc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được hình thành, Nhật Bản và Việt Nam càng có thêm nhiều cơ hội gia tăng hợp tác, đem lại nhiều lợi ích hơn cho mỗi nước. Hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản đều mong muốn đóng góp vào hòa bình, ổn định ở khu vực, vì thế, việc hai nước đẩy mạnh hợp tác cũng là để thúc đẩy giá trị chung này. Việc hai nước tiếp tục làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau và tăng cường hợp tác ở các cấp độ là điều cần thiết, không những đóng góp cho công cuộc phát triển ở mỗi nước, mà còn góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
TS T.Hô-si-nô, Đại học Ô-xa-ca:
Hai nước nên tận dụng tốt nhất quan hệ đối tác chiến lược song phương
Thành phố Ô-xa-ca nơi tôi đang sinh sống là một thành phố cảng, lớn hàng đầu ở Nhật Bản, cách thủ đô Tô-ki-ô khoảng 500 km về phía tây. Cảng Ô-xa-ca là một trong năm cảng quốc tế chính tại Nhật Bản, một cửa ngõ hàng hải quan trọng.
Chuyến thăm lần đầu của tôi tới thành phố cổ Hội An tháng trước là một chuyến đi có tính khai sáng đối với tôi. Ở Hội An có một cây cầu có mái che, tuy nhỏ nhưng rất đẹp, được gọi là "Cầu Nhật Bản", do cộng đồng người Nhật Bản sống tại thành phố này vào khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 xây dựng. Chuyện kể rằng, một thương gia ở TP Xai-ca của tỉnh Ô-xa-ca đã phát hiện một ngôi mộ của tổ tiên ông ở Hội An. Ngôi mộ này được các công dân ở Hội An gìn giữ và bảo vệ trong hơn 400 năm, thể hiện sự tôn trọng và ghi nhớ công lao của người này vì đã có công giúp người dân địa phương đào giếng sâu lấy nước ngọt để sinh hoạt, thay cho nước biển. Vì mối quan hệ này, TP Xai-ca hiện là nơi đặt Văn phòng Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản, là cơ quan đại diện quan trọng của Chính phủ Việt Nam ở phía tây Nhật Bản. Đó là một minh chứng của mối quan hệ lâu dài giữa Ô-xa-ca và Hội An, được kết nối bằng đường biển.
Ngày nay, Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á. Hai nước nên tận dụng tốt nhất quan hệ đối tác chiến lược song phương này ứng phó các bối cảnh quốc tế của thế kỷ 21 hiện nay, khi mà đời sống kinh tế - xã hội của chúng ta phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ chưa từng có bởi các làn sóng toàn cầu kết nối các dân tộc, vượt ra ngoài biên giới quốc gia của họ.
GS T.Si-nô-đa, Đại học Tổng hợp Quốc tế Nhật Bản:
Nhật Bản thu được nhiều lợi ích khi làm sâu sắc quan hệ với ASEAN
Trong nhiệm kỳ thứ nhất (2006-2007), Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê đã nâng quan hệ giữa Nhật Bản với Việt Nam từ đối tác bền vững hướng tới quan hệ đối tác chiến lược. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong số các quốc gia ASEAN mà Thủ tướng A-bê chọn là điểm đến khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, hồi tháng 1-2013. Điều đó thể hiện Thủ tướng A-bê coi trọng quan hệ với Việt Nam và khu vực ASEAN như thế nào. Trong nhiệm kỳ thứ hai này của Thủ tướng A-bê, hai nước đã nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới, thành đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, nhân chuyến thăm Nhật Bản tháng 3-2014 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Khuôn khổ mới này bao gồm nhiều lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, kinh tế đến văn hóa, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.
Trong bối cảnh môi trường quốc tế thay đổi đáng kể, Chính phủ Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng A-bê đã tuyên bố Chiến lược an ninh quốc gia lần đầu vào tháng 12-2013. Nhằm tăng cường hợp tác an ninh vì hòa bình và ổn định trên thế giới, Nhật Bản đã coi Hàn Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), Ô-xtrây-li-a và Ấn Độ là những đối tác cùng chia sẻ những giá trị toàn cầu và lợi ích chiến lược, bên cạnh Hoa Kỳ. Các nước ASEAN nằm trong khu vực mấu chốt của Tuyến vận tải thương mại trên biển (SLOC) của Nhật Bản.
Hồng Hạnh (Thực hiện)
Theo_Báo Nhân Dân
Tổng thống Obama: Tôi mong sớm thăm Việt Nam Ngày 7/7, tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Tại đây, ông Obama đã nhận lời mời thăm Việt Nam thời gian tới. Theo TTXVN, tại hội đàm, Tổng thống Obama nhiệt liệt hoan nghênh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn...