Phải vượt qua khuôn khổ pháp lý
Dịch vụ tài chính ngày càng dựa vào công nghệ, do vậy bản chất của các trung tâm tài chính (TTTC) sẽ dịch chuyển thành các trung tâm công nghệ và/hoặc cộng sinh với các trung tâm công nghệ. Đây sẽ là thách thức cho các trung tâm hiện hữu, đồng thời là cơ hội cho các trung tâm non trẻ ra đời.
Một góc TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Khung pháp lý phải rõ ràng
Rất nhiều khách du lịch đến thăm Phố Wall ngạc nhiên và có phần thất vọng, vì biểu tượng tài chính lừng danh này chỉ là một con phố nhỏ không hơn đường Huỳnh Thúc Kháng ở quận 1, TPHCM là mấy. Ngay cả trụ sở của sàn giao dịch chứng khoán New York ngay giữa Phố Wall cũng khá khiêm nhường.
Có lẽ chỉ có mỗi tượng con bò bằng đồng ở đầu phố, biểu tượng cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, chỉ dấu để khách du lịch tin rằng mình đang đứng giữa trái tim tài chính của nước Mỹ và thế giới.
Song điều làm New York trở thành một trong những nơi trung chuyển vốn lớn nhất thế giới không phải là các tòa nhà chọc trời, mà là hệ sinh thái các dịch vụ tài chính của nó. Không chỉ New York, tất cả các TTTC khác trên thế giới đều như vậy.
Tài chính là một loại dịch vụ thứ cấp, nên nó phải phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất, dù rất quan trọng nhưng các hoạt động tài chính luôn đứng đằng sau các loại hình kinh tế khác. New York, Chicago, London, Frankfurt, Hồng Kông đều là các trung tâm kinh tế, thương mại lớn trước khi trở thành TTTC.
Vì hầu hết các hoạt động kinh tế đều cần vốn, nên các đầu mối kinh tế luôn có nhu cầu lớn cho các dịch vụ thu xếp vốn, thông qua khoản vay ngân hàng hay các đợt phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra thị trường chứng khoán. Bởi vậy điều kiện cần để một TP trở thành một TTTC là bản thân nó phải là một trung tâm kinh tế, thương mại trước đã.
Thứ hai, giống như các loại dịch vụ khác khi “phần mềm” quan trọng hơn “phần cứng”, điều kiện đủ để một TP trở thành TTTC là 2 loại “vốn xã hội”: nguồn nhân lực chất lượng và môi trường pháp lý hiệu quả.
Nhiều TTTC quốc tế ra đời từ khi thế giới chưa có máy tính, thậm chí chưa có điện thoại cố định, nhưng chúng vẫn giúp luân chuyển dòng vốn rất tốt nhờ vào những khung khổ pháp lý rõ ràng cùng đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Nếu những hành vi lừa đảo, phạm pháp tài chính tràn lan, thì các thể chế tài chính sẽ nhanh chóng bị mất niềm tin từ cả phía cung lẫn phía cầu vốn và sẽ không thể phát triển thành TTTC lớn được.
Video đang HOT
Ở hầu hết các nước, khung khổ pháp lý liên quan đến tài chính như luật chứng khoán, tiêu chuẩn kế toán, kiểm toán, niêm yết được quy định ở tầm mức quốc gia. Nhưng các địa phương vẫn có thể gia tăng sự thông thoáng môi trường pháp lý của mình, đặc biệt ở các cơ quan hành chính, tòa án, trọng tài kinh tế sở tại.
Giúp các tổ chức nghề nghiệp đưa ra các tiêu chuẩn ngành, có tiếng nói trong quá trình soạn thảo luật quốc gia, vận động cho các chính sách kinh tế có lợi cho sự phát triển của ngành tài chính là những điều chính quyền địa phương hoàn toàn có thể làm được.
Con người và công nghệ rất quan trọng
Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng khó có cửa trong cuộc đua xây dựng một trung tâm tài chính tầm quốc tế theo cách truyền thống, nhưng thai nghén một vài công ty kỳ lân – công ty khởi nghiệp xuất sắc được định giá trên 1 tỷ USD – về fintech có độ phủ quốc tế hoàn toàn nằm trong tầm với.
Ở khía cạnh con người, ngoài việc đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu, chính quyền có thể theo đuổi mục tiêu thu hút nguồn nhân lực từ các địa phương khác và từ nước ngoài, không chỉ cho ngành tài chính mà mọi hoạt động kinh tế. Thu hút chất xám không chỉ là đãi ngộ, thực ra thu nhập của khu vực tài chính khá cao nên không cần chính quyền can thiệp. Điều quan trọng để thu hút chất xám là môi trường sống tốt, hạ tầng công cộng, giáo dục, y tế có chất lượng.
Khoảng chục năm lại đây, trong bối cảnh làn sóng công nghệ di động, tính toán đám mây và nhất là trí tuệ nhân tạo bùng nổ, ngành tài chính thế giới đang bước vào một cuộc thay đổi lớn. Dịch vụ tài chính ngày càng dựa vào công nghệ, do vậy bản chất của các TTTC sẽ dịch chuyển thành các trung tâm công nghệ và/hoặc cộng sinh với các trung tâm công nghệ. Đây sẽ là thách thức cho các TTTC hiện hữu đồng thời là cơ hội cho các trung tâm non trẻ ra đời.
Một đặc điểm quan trọng của làn sóng công nghệ mới là tính phi tập trung ngày càng cao, dù là trong các ứng dụng blockchain, cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending), hay huy động vốn từ đám đông (crowdfunding). Phi tập trung theo chiều ngang khi các dịch vụ tài chính không cần tập trung hoặc thông qua các đầu mối lớn nữa, trong khi phi tập trung theo chiều dọc với các công ty fintech nhỏ gặm nhấm dần từng mảng dịch vụ của các định chế tài chính hiện hữu. Quá trình này sẽ làm giảm dần lợi thế nhờ quy mô (economy of scale) của các TTTC lớn.
Bởi vậy, bên cạnh các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp truyền thống, phát triển hệ sinh thái fintech sẽ là một hướng mới cho các TTTC. Về cơ bản đó cũng là các chính sách khuyến khích phát trển đặc thù cho thế giới startup công nghệ: thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, các dịch vụ tư vấn trợ giúp, tài trợ cho các hoạt động R&D, hội thảo, workshop công nghệ, thiết lập các văn phòng làm việc chung (co-working space) với hạ tầng thông tin và tính toán mạnh.
Nhưng có lẽ giúp đỡ lớn nhất cho hệ sinh thái fintech là giúp dỡ bỏ các rào cản pháp lý và hạn chế các định chế tài chính hiện hữu vận động hành lang bảo vệ vai trò độc quyền của họ.
Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, khó có cửa trong cuộc đua xây dựng một TTTC tầm quốc tế theo cách truyền thống, nhưng thai nghén một vài kỳ lân (unicorn) về fintech có độ phủ quốc tế hoàn toàn nằm trong tầm với. Trusting Social, một công ty công nghệ tài chính thuần Việt, đang tiến gần tới mục tiêu đó và còn nhiều startup khác cũng rất có triển vọng. Đó sẽ là tương lai TTTC của Việt Nam, của TPHCM.
TS. Lê Hồng Giang, Giám đốc Chiến lược đầu tư Quỹ Tactical Global Management, Brisbane, Australia
Theo saigondautu.com.vn
London - Mô hình trung tâm tài chính quốc tế chuẩn mực
Chiếm tới 37% lượng giao dịch tiền tệ trên toàn cầu và có khoảng 5.100 tỷ USD giao dịch mỗi ngày, Trung tâm tài chính London (Anh) có tác động một cách toàn diện đến hoạt động của các thị trường tài chính khác, là mô hình trung tâm tài chính chuẩn mực.
Trao đổi với TG&VN, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp, Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính chia sẻ quan điểm về vai trò, cũng như những ưu thế của một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, từ đó gợi ý những bài học kinh nghiệm khi xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới.
Ông có thể giới thiệu về quá trình xây dựng, hình thành của Trung tâm tài chính London, nơi diễn ra các giao dịch tài chính sôi động, ảnh hưởng tới nền tài chính toàn cầu?
Năm 1795, sau khi trung tâm tài chính Amsterdam (Hà Lan) sụp đổ do cuộc tấn công của Napoleon, hoạt động tài chính thế giới, mà lúc đó chủ yếu ở châu Âu, bị đình trệ khiến người ta phải tìm nơi thay thế, và London được chọn. Khi đó, sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, London đã bắt đầu có vị thế của của một trung tâm thương mại. Một loạt nhà tài chính tên tuổi đã đến London, biến nơi đây từ trung tâm tài chính của riêng nước Anh thành trung tâm tài chính khu vực và toàn cầu.
London đã thu hút được những chuyên gia tài chính hàng đầu, nhất là các nhà tài chính Do Thái, những người nắm được các công cụ tài chính, hiểu biết về mặt tài chính tốt nhất thời bấy giờ. Đến thế kỷ XIX, London đã trở thành trung tâm tài chính hàng đầu khu vực và thế giới. Hiện nay, London luôn là một trong những trung tâm tài chính quốc tế dẫn đầu thế giới, tất nhiên, cũng có những năm London bị "vượt mặt".
Về mặt quy mô, Trung tâm tài chính London thu hút khoảng 350.000 nhà tài chính, khoảng 500 ngân hàng hàng đầu thế giới, lượng giao dịch tiền tệ chiếm 37% toàn cầu, khối lượng giao dịch vô cùng lớn, trung bình khoảng 5.100 tỷ USD mỗi ngày. Khoảng 75/100 doanh nghiệp hàng đầu thế giới và 75% các công ty trong danh sách Fortune 500 có trụ sở, văn phòng ở London.
Để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, phải có điều kiện cần và đủ chứ không phải cứ thích là làm được.
Với quy mô như vậy, ông nhận định thế nào về vai trò của Trung tâm tài chính London đối với nền tài chính khu vực và thế giới?
Sau Thế chiến II, New York (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản) vươn lên trở thành những trung tâm tài chính lớn. Nhưng, như tôi đã nói, chỉ có vài năm London bị "vượt mặt", còn London vẫn là trung tâm chính đứng đầu.
Là trung tâm chính quốc tế thì có nhiều vai trò lớn. Trung tâm tài chính London là nơi quyết định Lãi suất liên ngân hàng London (LIBOR). LIBOR là lãi suất thống nhất của tám ngân hàng lớn nhất thế giới và có vai trò quyết định lãi suất chung của hệ thống ngân hàng toàn cầu, là cơ sở tham chiếu của nhiều thị trường tài chính, từ New York đến Paris (Pháp), Hong Kong (Trung Quốc)... Vì vậy, lãi suất, tỷ giá hối đoái, trái phiếu trên thị trường London tác động một cách toàn diện đến các thị trường tài chính khác.
Tuy nhiên, nếu nói về tính linh hoạt, sáng tạo, đột phá, nguời ta đánh giá cao thị trường New York hơn. Ở đó xuất hiện những hình thức, phương thức kinh doanh hàng hóa mới trên thị trường chứng khoán, thị trường chứng khoán phái sinh và các thị trường liên quan khác. Nhưng London, tuy là thị trường truyền thống, vẫn là một mẫu chuẩn mực cho các thị trường thị tài chính khác.
Theo ông, Trung tâm tài chính London có ưu thế và hạn chế gì?
Trung tâm London có ưu thế rất lớn về quy mô ngành nghề với lượng giao dịch ngoại hối lớn, các sản phẩm phái sinh chiếm khoảng 48% toàn cầu, 18% những khoản vay của các công ty đa quốc gia.
Ngoài ra, tuy là thị trường truyền thống, môi trường thể chế pháp luật ở Anh theo thông lệ và phán quyết quốc tế, coi trọng và bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư (đứng thứ tư thế giới theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới - WB), vì vậy thích ứng nhanh với sự biến động của thị trường. Cơ chế bảo vệ tài chính chặt chẽ và linh hoạt cũng giúp ngành tài chính London phát triển nhanh chóng, quản lý tương đối ôn hòa trong đó coi trọng sự điều tiết, trao đổi giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Và vì thế, giá thành hoạt động đối với các công ty tương đối ổn định.
Thêm vào đó, nước Anh có môi trường thuận lợi cho đào tạo chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới. Châu Âu trước đây có năm chương trình giáo dục về quản trị tài chính thì ở Anh có bốn, cung cấp một lượng lớn chuyên gia tài chính cho khu vực. Hơn nữa, thuế suất, bình quân 20% (so với các nước khác là 33-35%) hay tính bền vững của thị trường này cũng là những yếu tố thu hút các doanh nghiệp.
Ngoài ra, múi giờ ở London là giữa múi giờ 24 tiếng nên tạo điều kiện để nối liền mạch giữa thị trường châu Á, châu Âu và Mỹ, các thị trường từ Franfurt đến New York, Hong Kong, Tokyo kết nối với nhau rất dễ thông qua thị trường London.
Về mặt không thuận lợi, thứ nhất là do tính ổn định cao nên tính "bảo thủ" của trung tâm này cũng tương đối cao, đôi khi "vênh" với các thông lệ quốc tế, tạo ra xung đột, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ hai, hiện nay, với sự phát triển của Internet, các chủ thể có thể liên hệ trực tiếp với nhau, việc thông qua các thị trường giảm đi. Điều này không chỉ London mà các trung tâm tài chính khác cũng gặp phải. Ngoài ra, vì tồn tại hơn 200 năm và có nhiều ưu thế, London luôn bị các trung tâm tài chính khu vực và thế giới cạnh tranh.
Bên cạnh đó, thị trường London đi lên từ thị trường quốc gia, sau đó được quốc tế hóa, nên vẫn có những cơ chế tài chính của nước sở tại. Và trong điều kiện hội nhập hiện nay, đây là một cản trở. Việc Anh cố giữ đồng Bảng và gần đây là Brexit, là những hạn chế lớn. Đang và sẽ có nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính rời khỏi Anh. Rõ ràng, việc bị đứng ngoài lề so với các quốc gia châu Âu khác khiến London có khả năng chịu phân biệt thậm chí cô lập trong hoạt động tài chính là có.
TP. Hồ Chí Minh đang có kế hoạch xây dựng trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Theo ông, từ thực tế hoạt động của Trung tâm tài chính London, Thành phố có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì?
Để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, phải có điều kiện cần và đủ chứ không phải cứ thích là làm được. Hiện nay, có hàng chục trung tâm tài chính khu vực nổi lên như là các trung tâm giao dịch về vốn, cổ phiếu, trái phiếu... trong đó có những nơi gần Việt Nam như Bangkok (Thái Lan), Seoul (Hàn Quốc) và Kuala Lampur (Malaysia). Và Việt Nam, với nền kinh tế phát triển rất nhanh, dân số hơn 100 triệu, nhu cầu về vốn, kinh doanh buôn bán rất lớn, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh là khả thi, hợp lý và đúng thời điểm.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rõ những khó khăn và những việc phải làm. Trước hết, cần phải thu hút được những nhà đầu tư tài chính quốc tế đến Việt Nam để mua bán cổ phiếu, trái phiếu, những giấy tờ chứng từ có giá trị hay đầu tư chứng khoán. Điều này tương đối khó, bởi thứ nhất, trái phiếu của Việt Nam ít, doanh nghiệp nhỏ bé; thứ hai, thị trường chứng khoán Việt Nam mới thành lập và chưa có hoạt động ổn định; thứ ba, chính sách, cơ chế quản lý đối với thị trường tài chính chưa ổn định, đang trong quá trình hoàn thiện; thứ tư, hàng hóa cũng như thị trường nhánh chưa có tính đa dạng, thị trường chứng khooán phái sinh chưa phát triển, không đủ sức cuốn hút nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cũng thiếu và yếu nên không phải một sớm một chiều triển khai được ngay mà cần một quá trình nỗ lực phấn đấu lâu dài.
Là người đi sau, TP. Hồ Chí Minh nên cố gắng để kết nối, học hỏi, kêu gọi được sự giúp đỡ của các thị trường đi trước. Có thể cử người đi học hỏi kinh nghiệm, nhờ họ giúp xây dựng cơ sở vật chất và tạo nên những ngân hàng dữ liệu. Nếu có sự giúp đỡ, cộng thêm sự học hỏi và đầu tư nghiêm túc, TP. Hồ Chí Minh có cơ sở và niềm tin để xây dựng thành trung tâm tài chính khu vực và toàn cầu.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Nam
Theo baoquocte.vn
Sáp nhập 2 sàn để tránh '1 thuyền, nhiều người chèo' Tại cuộc gặp gỡ với đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM vào chiều 10-10, một số ý kiến đã đề cập đến việc khả năng sáp nhập 2 sàn chứng khoán Hà Nội và TP.HCM về một đầu mối. Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên Hội đồng chuyên trách Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (Hose) tán đồng việc sáp nhập 2...