Phải lòng bánh cóng miền Tây
Chiếc bánh cóng tròn xinh, nóng hôi hổi, bao quanh là những loại rau xanh mơn mởn. Chén nước mắm đỏ au màu cà rốt đặt cạnh. Một bức tranh ẩm thực hài hòa sắc vị, háo hức chờ thực khách nếm thử.
Rất nhiều món bánh dân dã của miền Tây thường hội tụ đầy đủ sản vật của vùng sông nước như hạt gạo, tôm cá, rau trái… Nhưng tôi yêu bánh cóng nhất. Từ cách kết hợp nguyên liệu, chế biến, cách thưởng thức đều rất thú vị.
Có lẽ cũng cần nói qua về tên gọi ngộ nghĩnh này: bắt nguồn từ dụng cụ đổ bánh. Tên gọi không mỹ miều, lấy luôn tên cái cóng cho tiện, hồn hậu như tính cách người miền Tây. Chính xác là bánh cóng chứ không phải “bánh cống” như nhiều người vẫn gọi.
Thành phần cơ bản là bột gạo nhưng cách pha bột phải trải qua nhiều công đoạn, chiếc bánh ngon hay không là nhờ khâu này, đòi hỏi người làm bánh phải giàu kinh nghiệm. Thêm đậu xanh và gia vị vào bột. Đậu xanh chỉ hấp cho chín tới, vừa nứt vỏ chứ không chín nhừ, sao cho khi bánh chín vẫn còn vị bùi bùi thơm thơm. Có nơi thêm khoai môn, nơi thêm củ sắn hoặc thịt heo bằm, trứng gà. Bột pha sền sệt chứ không loãng như bánh xèo, dùng hết trong ngày để tránh bị chua.
Chiếc cóng đổ bánh thường làm bằng nhôm, nhưng có nơi bằng inox, có nơi bằng tre, làm sao cho chiếc bánh cỡ nắm tay người lớn.
Chọn tôm tươi là một khâu quan trọng. Con tôm phải còn nguyên đầu và đuôi, thân tròn lẳn, lóng lánh. Tôm ươn thì chiếc bánh coi như bỏ. Khi bánh chín, vỏ tôm giòn rụm, cắn ngập răng thấy thật thơm, thật ngọt mới đạt.
Video đang HOT
Khi đổ bánh phải lắc khuôn sao cho lượng nhân và bột cân đối rồi đặt con tôm lên trên cùng. Đợi dầu sôi già, nhúng vào ngập khuôn, canh vài phút cho bánh chín vàng là vớt ra, tránh để lâu bánh bị ngấm dầu.
Trước khi chiên phải chuẩn bị rau, gồm xà lách, diếp cá, húng quế, cải bẹ, đọt xoài… Và không thể thiếu nước chấm. Pha nước mắm theo tỉ lệ thích hợp với đường hoặc nước dừa, khi ăn thì cho thêm cà rốt và củ cải thái sợi.
Cách thưởng thức cũng nhiều điều thú vị. Có người cắt bánh ra làm tư, cho vào chén với ít rau sống, rưới nước mắm lên. Có người lấy cải bẹ xanh làm lớp vỏ ngoài, cuốn với bánh và các loại rau khác rồi đẫm vào nước mắm. Người khác thì dùng tay bẻ bánh ăn để thưởng thức hương vị nguyên thủy, hoặc trộn chung với bún trong tô lớn như chả giò.
Dẫu có là cách ăn nào thì cắn một miếng bánh cóng giòn rụm, nóng hổi vẫn cứ ngon tuyệt. Vị ngon ngọt của tôm tươi; vị bùi béo của bột gạo, đậu xanh, khoai môn; vị nhân nhẫn của cải, chát của đọt xoài, chua ngọt của nước mắm cứ du dương hài hòa vào nhau. Tôi yêu bánh cóng!
.Theo Amthuc365
Cá lóc - món ăn không thể bỏ qua khi đến miền Tây
Miền Tây, miền sông nước chỉ vì vậy đặc sản để tiếp đãi khách cũng chính là những món từ chính miền sông nước này. Đó là những con cá, com tôm và đặc biệt, bạn không thể bỏ qua những món ăn từ cá lóc.
1. Cá lóc hấp mẻ
Để chế biến món cá lóc hấp mẻ rất đơn giản, cá không cần đánh vẩy, cao nhớt, mổ ruột hay tẩm ướp gia vị trước. Để nguyên cả con cá, chỉ cần khía phần thân cá ra từng khúc một đem ngâm nước muối ít phút, rửa lại thật sạch và cho lên khay. Mẻ để nấu cá là chất chua từ cơm nguội để lâu len men. Tùy vào khả năng ăn chua của từng người để cho ít hay nhiều mẻ.
Thông thường phủ một bát mẻ lên mình con cá, để lửa sôi liu riu. Thấy da cá nhăn nhăn lại là cá đã chín. Cá lúc này thịt rất thơm, mềm, dai rất ngon thêm vị chua chua dịu của mẻ ăn kèm hành củ cắt lát mỏng, hành cọng cắt khúc dài thì khỏi chê.
2. Cá lóc nướng trui
Những ai từng được thưởng thức món cá lóc nướng trui sẽ không quên được độ ngon ngọt của thịt cá cùng nước chấm. Cá lóc chọn con khoảng 400 - 500g để nguyên con không cạo vảy, dùng que tre hoặc thanh trúc xiên từng con cá một và đặt lên bếp nướng. Món cá thơm ngon phải đốt bằn rơm không dùng than cho đến khi ngửi thấy mùi cá cháy khét. Trong thời gian nướng cần đảo các mặt cá để nướng đều lửa và bôi mỡ hành lên thân cá. Sau khi cá chín, đem cạo bỏ lớp vảy cá bị cháy sẽ làm lộ ra da cá vàng cháy. Riêng bộ lòng cá cho vào bát nước mắm dường dầm me, tỏi, ớt dùng làm nước chấm.
3. Cháo cá lóc
Cháo cá lóc ở miền Tây thường được chia làm hai loại là cháo cá lóc rau đắng hoặc cháo cá lóc rau mồng tơi. Nguyên liệu chính của món này là cá lóc đồng. Cá lóc đồng sau khi làm sạch, đem luộc chín, lột da và lấy hết xương, thịt cá trắng tinh được xếp gọn gàng trên đĩa. Tùy sở thích mà người ta có thể ăn kèm món này với nấm rơm, thêm rau đắng hoặc rau mồng tơi, cải xanh. Trong những ngày nắng nóng, cháo cá lóc không chỉ là món ăn ngon miệng mà còn có tác dụng giải nhiệt rất tốt.
4. Cá lóc kho me
So với cách nấu truyền thống ở trên thì cá lóc kho me là món lạ miệng nhất. Cá lóc làm sạch rửa kỹ với muối, cắt lát khoanh tròn. Ướp cá với tỏi, nước mắm, hạt mêm, bột ngọt và hạt tiêu thêm một thìa dầu ăn. Với me ngâm nước nóng, dùng tay bóp mẹ tan rồi lọc lấy nước, bỏ bã me đi. Khi nấu món này không được đậy nắp kín. Cá lóc kho me hứa hẹn sẽ rất "tốn" cơm, bạn sẽ cảm nhận được đầy đủ vị từ thịt cá thơm ngon, vị chua dịu dịu của me cùng gia vị cay cay của ớt, thơm của hành, tỏi.
5. Bánh canh cá lóc
Một tô bánh cánh cá lóc ăn vào buổi sáng cung cấp đủ dưỡng chất cho bạn làm việc cả buổi sáng không mệt mỏi. Bát bánh canh chan nước lèo, vài miếng cá, rắc tiêu, ớt và hành ngò thái nhỏ luôn khiến người lạ muốn ăn thêm bát nữa. Món này ăn nóng kèm với 1 bát nước mắm nguyên chất càng thêm cảm giác ngon miệng.
Theo Amthuc365
Về miền Tây Nam Bộ thưởng thức bánh khọt Trong số các món bánh ăn chơi ở miền Tây Nam bộ, bánh khọt không phải là đặc sản địa phương mà nó đã theo bước chân những người tứ xứ đến đây khai phá vùng đất mới. Với sự sáng tạo của người dân vùng sông nước, bánh khọt đã có những đổi thay để phù hợp với đời sống bản địa...