PGĐ CA Hà Nội: Không có “đầu gấu” trong buồng giam
Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó giám đốc Công an Hà Nội khẳng định không có tình trạng “anh chị, đầu gấu”, cầm trịch trong buồng giam giữ; không để xảy ra bức cung, nhục hình.
“Mời các ĐBQH đến giám sát các buồng giam giữ tại Hà Nội để biết rõ thêm tình hình. Chúng tôi đảm bảo không có tình trạng này”, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội ngỏ lời với các ĐBQH ngay sau lời khẳng định của mình.
Ngày 17/7, hội thảo “Một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án luật Tạm giữ, tạm giam” do UB Tư pháp của QH tổ chức ở Quảng Ninh tiếp tục ngày làm việc thứ hai với nhiều ý kiến xoay quanh bất cập trong công tác quản lí giam giữ.
Phó giám đốc Công an TP Hà Nội Đinh Văn Toản
Ăn ở tù túng, thiếu ánh sáng cũng là nhục hình
Thiếu tướng Toản cho biết, hàng năm, số can phạm, phạm nhân giam giữ từ 25.000 – 26.600 lượt. Trong đó, Công an TP Hà Nội đang giam giữ 98 người bị kết án tử hình (có cả án tử từ nơi khác đưa về), 384 đối tượng phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng, số phạm tội do sử dụng ngáo đá ở mức cao.
Phó giám đốc Công an Hà Nội cũng cho hay trong khi số lượng can phạm, phạm nhân đang quá tải thì các điều kiện cơ sở, vật chất tại các nhà tạm giam, tạm giữ đang xuống cấp, sập xệ, không đảm bảo an toàn. Hiện 3 trạm giam và khoảng 2/3 nhà tạm giam giữ của Công an thành phố xây dựng từ rất lâu, buồng giam ẩm thấp, cửa sắt bịt kín, chỉ có một ô nhỏ bằng bát con, thiếu ánh sáng…
Video đang HOT
“Không phải đánh đập mới là nhục hình mà chỗ ở ẩm thấp, nóng bức, không đủ ánh sáng cũng là nhục hình”, Thiếu tướng Đinh Văn Toản nhấn mạnh.
Ông cũng nêu tình trạng thiếu nơi khám chữa bệnh cho can phạm, phạm nhân. Nhiều trường hợp phải đưa họ đến bệnh viện khám chữa bệnh. Chính vì vậy mới có hình ảnh tại bệnh viện, một bên người dân khám bệnh, một bên can phạm, phạm nhân bị cùm chân tay khám bệnh rất phản cảm.
Để giảm quá tải các trại tạm giam, tạm giữ, Phó giám đốc Công an Hà Nội kiến nghị, không đưa bị án của các tỉnh, thành khác về Hà Nội thi hành án tử hình. Đồng thời sớm ban hành đề án tạm tha có điều kiện cho phạm nhân đang ở tù, đây cũng là biện pháp nhân đạo phù hợp Hiến pháp 2013.
Trung tướng Nguyễn Hoàng Hà, Phó tổng cục trưởng Tổng cục VIII, Bộ Công an đề nghị QH giữ nguyên mô hình tổ chức giam giữ, tạm giam người có án tử hình như hiện nay. Theo ông, nếu xây hai trạm giam để quản lí tập trung phía Nam và Bắc sẽ tốn 450 tỷ đồng, chưa kể biên chế mới phát sinh để quản lí hai nơi này. Trong khi cải tạo, nâng cấp 300 chỗ giam giữ hiện tại chỉ mất 50 tỷ đồng.
Trung tướng Nguyễn Hoàng Hà, Phó tổng cục trưởng Tổng cục VIII, Bộ Công an
Vì vậy, ông Hà đề nghị QH và Chính phủ có sự đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất của các trại tạm giam, tạm giữ để đảm bảo an toàn và đáp ứng các nhu cầu tối thiểu, đảm bảo quyền con người, quyền công dân của người bị tạm giam, tạm giữ.
Không cùm chân tay để trừng trị
Nói về việc tạm giam người bị kết án tử hình, Trung tướng Hà cho hay hiện cả nước 10 trại giam tập trung những người có án tử hình tại một số tỉnh thành: TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai…
Theo quy định hiện nay, những người này phải cùm chân 24/24, mỗi tuần đổi chân cùm ít nhất một lần, mỗi ngày mở chân cùm một lần không quá 15 phút để làm vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên Trung tướng Nguyễn Hoàng Hà cho rằng quy định này chưa phù hợp với thực tế, nhất là các trại giam đông người bị kết án tử hình.
Ông Hà cũng nhìn nhận chính tình hình quá tải giam giữ dẫn đến việc thực hiện các chế độ, chính sách và các quyền đối với người bị kết án tử hình gặp nhiều khó khăn.
Cố vấn chính sách của UNDP tại Việt Nam, luật sư Scott Ciment khuyến cáo: “Sự ngược đãi về thể xác và giam trong phòng tối đối với những người bị tạm giam, tạm giữ bị luật pháp quốc tế nghiêm cấm. Cùm chân, cùm tay cũng bị coi là một hình thức dùng nhục hình”.
Luật sư Scott Ciment
“Vậy với những tội phạm giết người hung hãn có khả năng phạm tội tiếp, hay những trường hợp có ý định tự sát, hay tấn công người khác, nếu không cùm chân tay họ thì quản lí bằng cách nào để đảm bảo an toàn?”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyên hỏi ông Ciment.
Cố vấn của UNDP nhấn mạnh: “Không cùm chân tay người bị tạm giam, tạm giữ với mục đích trừng phạt. Còn cùm để đảm bảo an ninh trong những trường hợp cần thiết thì được nhưng áp dụng càng ít càng tốt”.
Chết khi tạm giam, trách nhiệm người quản lí như thế nào? ĐB tỉnh Nam Định Vũ Xuân Trường đề nghị quy định rõ trách nhiệm của người quản lí để xảy ra tình trạng người bị tạm giam, tạm giữ chết trong buồng tạm giam, giữ do nguyên nhân chủ quan. Ông cũng đề nghị dự thảo luật quy định rõ, khi đã xác định giam giữ trái pháp luật VKS phải trả tự do ngay cho người bị tạm giam, tạm giữ chứ không cần yêu cầu có quyết định của người có thẩm quyền như dự thảo quy định.
Theo Thu Hằng
VietNamnet
Hà Nội kiến nghị không nhận tử tù của tỉnh ngoài
Hà Nội kiến nghị xây dựng phòng thi hành án tử hình ở các tỉnh khác, giảm bớt gánh nặng cho thủ đô. Tại hội thảo do Ủy ban Tư pháp QH tổ chức sáng 17 -7,Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó giám đốc Công an Hà Nội kiến nghị không nhận tử tù của các tỉnh.
Theo ông Toản, thực hiện quy định mới của Bộ luật Hình sự về thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc, Bộ Công an đã xây dựng năm phòng thi hành án tại năm tỉnh, thành, trong đó một đặt tại Hà Nội. Ban đầu, Bộ giao cho Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành án tử hình cho tử tù đến từ 12 tỉnh, nhưng gần đây đã nâng lên thành 18.
"Cử tri Hà Nội rất băn khoăn. Là thủ đô, trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước mà lại phải làm những việc như vậy không hay chút nào. Chúng tôi đã báo cáo, kiến nghị Bộ không giao Hà Nội làm như vậy nữa. Cần khẩn trương xây dựng phòng thi hành án ở các tỉnh khác, giảm bớt gánh nặng cho Hà Nội", ông Toản đề nghị.
Theo ông Toản, cơ sở tạm giam, tạm giữ ở thủ đô đang rất xuống cấp. Mới tuần trước, khi kiểm tra nhà tạm giữ ở Công an huyện Hoài Đức, thấy tình trạng "không thể chấp nhận được", lãnh đạo Công an Hà Nội đã quyết định dừng xây dựng một trụ sở làm việc để tập trung đầu tư xây dựng lại nhà tạm giam này.
Theo Nghĩa Nhân
Pháp luật TP Hồ Chí Minh
Lừa đảo mua bán hoa phong lan rừng qua facebook Một số người dân trên địa bàn TP HCM, TP Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu... liên tiếp bị lừa đảo dưới hình thức mua bán hoa phong lan rừng qua facebook. Thời gian qua, một số người dân trên địa bàn TP HCM, TP Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai, Đắk Lắk liên tiếp bị lừa đảo dưới...