Pechora-2TM Việt Nam “đánh lừa” tên lửa diệt radar bằng cách nào?
Bên cạnh kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn chiến đấu, tổ hợp tên lửa phòng không Pechora-2TM còn có thể nâng cao khả năng sống sót bằng khí tài bảo vệ vô tuyến đồng bộ thế hệ mới.
Máy bay F-16 phóng tên lửa AGM-88 HARM
Từ kinh nghiệm “gạt sơ-rai” trong chiến tranh…
Dòng tên lửa chống radar AGM-45 Shrike mà bộ đội ta hay gọi là Sơ-rai đã được phát triển và trang bị trên máy bay F-105F/G, F-4D để tìm diệt các trận địa tên lửa, tạo những hành lang an toàn cho máy bay Mỹ vào ném bom Miền Bắc.
Với đầu tự dẫn, tên lửa Shrike tự động “nương” theo cánh sóng phát ra từ các đài radar để lao tới diệt mục tiêu. Nếu không kịp thời phát hiện và vô hiệu chúng, rất có thể ta phải chịu tổn thất về người và khí tài.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, bộ đội tên lửa Việt Nam đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và phát hiện điểm yếu quan trọng nhất của tên lửa Shrike lúc bấy giờ là nó không nhớ được tọa độ mục tiêu khi bị “mất sóng”.
Nếu kịp thời ngừng phát sóng hoặc quay ăng ten sang hướng khác thì Shrike chỉ như một quả bom lượn bay theo quán tính và nổ ở cách xa trận địa.
Đây là bài học kinh nghiệm quý giá, thể hiện sự thông minh, sáng tạo của bộ đội tên lửa Việt Nam khi tìm ra cách khắc chế, vô hiệu Shrike để vẫn điều khiển đạn liên tiếp diệt mục tiêu.
Máy bay F-16 phóng tên lửa AGM-45 Shrike
Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp nhận một số loại tên lửa phòng không thế hệ mới, các tổ hợp Pechora-2TM vẫn đóng vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không.
Đây là loại tên lửa phòng không qua nâng cấp mặc dù có nhiều tính năng ưu việt như triển khai thu hồi nhanh, kháng nhiễu tốt, xác suất và cự ly diệt mục tiêu tăng lên đáng kể, nhưng khả năng chống tên lửa diệt radar còn hạn chế.
Trong khi đó, trên thế giới đã xuất hiện nhiều loại tên lửa thế hệ mới như các đạn chống radar chỉ được dẫn thụ động theo cánh sóng khi đài phát đang phát, âm thầm lao đến diệt mục tiêu.
Bên cạnh đó, hầu hết tên lửa chống radar ngày nay đã có khả năng nhớ vị trí đài phát nhờ dẫn quán tính hoặc dẫn bằng vệ tinh. Do vậy kể cả khi đài phát đã ngừng phát sóng vẫn có thể bị đánh trúng.
Những kinh nghiệm chống Shrike từ thời chiến tranh tuy vẫn còn giá trị tham khảo nhất định nhưng không thể giúp khắc chế hữu hiệu các loại tên lửa diệt radar thế hệ mới.
Để tăng khả năng sống còn, Tetraedr đã chào gói nâng cấp Pechora-2TM kèm xe đài bảo vệ vô tuyến kỹ thuật SRTZ-2TM, chuyên dùng để bảo vệ xe ăng ten UNV-2TM của đài điều khiển tên lửa SNR-125-2TM trước các loại tên lửa chống bức xạ điện từ của đối phương.
… đến đánh lừa địch bằng khí tài hiện đại
Xe đài bảo vệ SRTZ-2TM hoạt động đồng bộ với chế độ làm việc của đài điều khiển tên lửa SNR-125-2TM, để tạo nguồn phát và cánh sóng giả nhằm thu hút các loại tên lửa chống radar của đối phương ra khỏi khu vực công tác an toàn của tổ hợp đài điều khiển SNR-125-2TM.
Xe SRTZ-2TM giúp tổ hợp đài điều khiển SNR-125-2TM đối phó hữu hiệu trước sự đe dọa từ cả đạn chống radar dẫn thụ động theo cánh sóng khi đài đang phát, lẫn đạn có khả năng nhớ vị trí nhờ dẫn quán tính hoặc dẫn vệ tinh khi đài phát đã ngừng phát sóng.
Video đang HOT
Xe đài bảo vệ vô tuyến kỹ thuật SRTZ-2TM
Xe đài bảo vệ SRTZ-2TM gồm một thùng công tác với các tổ hợp trang thiết bị kỹ thuật và máy phát tự cấp nguồn được bố trí trên khung gầm xe MAZ-6317 như sau:
- Khối ăng ten thu lắp trong chụp nhựa bảo vệ gắn phía ngoài thùng công tác.
- Khối tiếp nhận, phân tích và điều chế tín hiệu nguồn phát giả đồng bộ với tín hiệu nguồn phát của đài điều khiển.
- Khối trải tần tự động.
- Khối ống dẫn sóng giữa các khối điều chế, khuếch đại và ăng ten nguồn phát giả.
- Khối cấp khí nén cho bộ ống dẫn sóng.
- Khối hiển thị vị trí tương đối giữa nguồn phát sóng giả và đài điều khiển.
- Khối sao chép dữ liệu công tác phục vụ kiểm tra, đánh giá và huấn luyện vận hành nguồn phát giả.
- Bộ ăng ten phát tạo cánh sóng giả nguồn phát đài điều khiển với phương vị 360o và góc tà 15o – 80o, gồm 1 khối ăng ten gắn trên nóc thùng công tác và 1 khối ăng ten gắn trên đầu cần ăng ten có chiều dài 5 m, được kéo theo phương ngang từ thùng công tác.
- Khối tích hợp khí tài phòng vệ bằng mồi nhiệt, đạn khói và đạn tạo nhiễu vô tuyến chống tên lửa chống radar có tích hợp đầu tự dẫn ảnh nhiệt hoặc tự dẫn radar.
- Khối máy phát tự cấp nguồn công suất 20 kW.
Xe bảo vệ vô tuyến kỹ thuật SRTZ-2TM là “thần hộ mệnh” đáng tin cậy của đài điều khiển SNR-125-2TM
Xác suất bảo vệ tổ hợp đài điều khiển SNR-125-2TM của xe SRTZ-2TM trước đạn chống radar AGM-88 HARM là 95% khi bị tấn công bằng 1 đạn, 93% khi bị tấn công đồng thời bằng 2 đạn và 90% khi bị tấn công đồng thời bằng 4 đạn.
Xác suất tự bảo vệ của xe SRTZ-2TM khi tạo nguồn phát giả trong cùng tình huống chiến đấu vừa nêu là 93%, 92% và 90%.
Nếu được trang bị xe SRTZ-2TM, khả năng sống sót của tổ hợp tên lửa phòng không Pechora-2TM sẽ tăng lên đáng kể, giúp bộ đội tên lửa Việt Nam thực hiện tốt chiến thuật “phòng tránh, đánh trả” và diệt mục tiêu trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Theo Tri Thức Trẻ
Nâng cấp Pechora: Chuyên gia nước ngoài ngỡ ngàng vì trình độ Việt Nam
Nhờ có nhiều tính năng ưu việt mà phiên bản tên lửa phòng không Pechora-2TM nâng cấp đã được Việt Nam lựa chọn.
Hành trình nâng cấp tên lửa Pechora của Việt Nam
Theo ước tính, bộ đội phòng không Việt Nam hiện đang sử dụng khoảng trên 20 tổ hợp tên lửa phòng không Pechora (chưa kể số niêm cất) gồm các phiên bản phiên bản S-125, S-125M, S-125M1A.
Mặc dù Quân chủng Phòng không - Không quân được xác định tiến thẳng lên hiện đại, nhưng với ngân sách có hạn, chưa thể ngay một lúc mua mới để thay thế toàn bộ, nên với tiềm năng nâng cấp sâu, dự án cải tiến hiện đại hóa triệt để tên lửa Pechora là hết sức cần thiết.
Tổ hợp tên lửa phòng không Pechora của Việt Nam.
Lý do Việt Nam lựa chọn gói nâng cấp Pechora-2TM
Thứ nhất, so về đặc tính kỹ chiến thuật thì Pechora-2TM vượt trội hơn hẳn so với các phiên bản nâng cấp khác, cụ thể:
So sánh thông số kỹ thuật cơ bản của các gói nâng cấp (Pechora-2TM/ Pechora-2M/ Pechora-2D/ Cenrex Newa):
Cự ly nghiêng tối đa trong vùng diệt mục tiêu (km): 35,4/ 30/ 35/ 25.
Độ cao vùng diệt mục tiêu (m): 20 - 25.000/ 20 - 20.000/ 20 - 21.000/ 100 - 18.000.
Tốc độ bay tối đa của mục tiêu có thể tiêu diệt (m/s): 900/ 700/ 800/ 700.
Số đạn trên mỗi bệ (đạn tên lửa): 4/ 2/ 4/ 4.
Số kênh điều khiển (kênh): 2/ 2/ 1/ 1.
Số lượng mục tiêu có thể diệt đồng thời: 2/ 2/ 1/ 1.
Xác suất diệt mục tiêu cao nhất bằng 1 đạn: 0,92/ 0,99/ 0,95/ 0,95.
Khả năng kháng nhiễu chặn tích cực (W/MHz): 2.700/ 2.000/ - / -.
Cự ly phát hiện mục tiêu tối đa (km): 100/ 100/ 100/ 80.
Thời gian thu hồi / triển khai tổ hợp (phút): 25/ 30 / - / 20.
Thời gian khai thác sử dụng đạn (năm): 15/ 15/ 15/ 10.
Ghi chú: (-) là không có thông tin.
Với phương án Pechora-2TM, Việt Nam có thể tận dụng được khá nhiều khí tài của tổ hợp nguyên bản, giúp giảm giá thành và đơn giản, phù hợp với trình độ của Việt Nam hơn trong quá trình triển khai nâng cấp.
Bên cạnh đó, trên thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của tên lửa Pechora-2TM, bằng kỹ năng thành thục, sáng tạo, các kíp trắc thủ đã liên tiếp lập kỷ lục về thời gian triển khai thu hồi, chỉ bằng hơn nửa thời gian so với tiêu chuẩn mà nhà sản xuất đề ra.
Lắp ráp đạn tên lửa của tổ hợp Pechora-2TM.
Thứ hai, đa phần các phiên bản chào hàng mặc dù rất hiện đại nhưng lại không đáp ứng được khí hậu khắc nghiệt ở Việt Nam do chưa được nhiệt đới hóa, nhất là trong điều kiện khí hậu nóng ẩm (đôi khi độ ẩm trong không khí lên tới 100%).
Tetraedr cam kết và đã làm được điều này, qua hơn 3 năm vận hành, các tổ hợp Pechora-2TM nâng cấp đã chứng minh được độ tin cậy, hoạt động ổn định, ít hỏng hóc.
Thứ ba, yêu cầu của Việt Nam là được chuyển giao sâu công nghệ để làm chủ toàn bộ quá trình nâng cấp và bảo dưỡng, sửa chữa sau này.
Với Việt Nam, Tetraedr đã đưa ra bản chào hết sức hấp dẫn, thực hiện đúng phương châm "khách hàng là thượng đế".
Bạn đồng ý chuyển giao cho ta toàn bộ quy trình cải tiến hiện đại hóa tổ hợp tên lửa Pechora lên chuẩn Pechora-2TM. Theo đó, bộ đầu tiên "bạn" trực tiếp làm, ta "xem, học", bộ thứ 2 cả hai bên cùng thực hiện.
Chuyên gia bạn hết sức bất ngờ bởi "ta" học quá nhanh để đến bộ thứ 3 "ta" đã tự làm toàn bộ, "bạn" chỉ đóng vai trò giám sát. Từ bộ thứ 4 trở đi, "bạn" hoàn toàn tin tưởng vào tay nghề của kỹ sư và kỹ thuật viên Việt Nam.
Kết quả thử nghiệm trên thực địa
Sau một thời gian triển khai công tác nâng cấp tại Nhà máy A31 Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân, Tiểu đoàn 152 thuộc Trung đoàn tên lửa 250 là đơn vị đầu tiên nhận được bộ khí tài S-125-2TM mới nâng cấp.
Từ ngày 26 - 28/3/2011, Tiểu đoàn 152 cùng các chuyên gia Tetraedr, Nhà máy A31 và Cục kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân đã tiến hành bắn nghiệm thu khí tài tại trường bắn TB1.
Trong đợt bắn này, kíp bắn đạn thật của tiểu đoàn 152 đã phóng tổng cộng 6 đạn (1 đạn tiêu thụ ngày 26/3/2011 và 5 đạn tiêu thụ ngày 28/3/2011) diệt cả 6 mục tiêu bay từ cự ly 14 - 15 km, đạt hiệu suất 100%.
Đạn tên lửa 5V27 do kíp điều khiển Tiểu đoàn 152 phóng ngày 26/3/2011.
Như vậy, toàn bộ quá trình nâng cấp từ khi triển khai đến bắn nghiệm thu đã thành công mỹ mãn. Không những thế, bạn còn trân trọng và ghi nhận từng ý kiến góp ý của ta để hoàn thiện nhằm tối ưu hóa tính năng của tổ hợp.
Chính chuyên gia bạn cũng phải thốt lên "Các kỹ sư Việt Nam cũng là những người thầy của chúng tôi" tự đáy lòng chứ không phải là ngôn từ khách sáo. Nhờ đó, đến các bộ 7, 8, 9, tên lửa Pechora-2TM đã có nhiều cải tiến vượt trội so với những bộ đầu tiên.
Nghiêm túc, cầu thị trong công việc, nhưng các chuyên gia bạn cũng hết sức hòa đồng, yêu quý các đồng nghiệp Việt Nam. Hết giờ làm, bạn cũng ra sân chơi bóng chuyền cùng ta trong đội hình "liên quân" Việt Nam - Belarussia, cũng đập tay, cười sảng khoái sau mỗi pha bóng hay.
Kíp trắc thủ chụp ảnh lưu niệm cùng chuyên gia bạn sau khi hoàn thành xuất sắc bài bắn, tiêu diệt mục tiêu ngay từ quả đạn đầu.
Chính nhờ sự đồng điệu không chỉ trong công việc mà còn trong cả cuộc sống thường ngày đã tạo "chất kết dính" đem lại những quả ngọt ngày hôm nay.
Điều đó là minh chứng hùng hồn cho quyết định hết sức đúng đắn trong việc lựa chọn đối tác và cấu hình của vũ khí, khí tài, đáp ứng yêu cầu tác chiến phòng không hiện đại.
Hy vọng trong các lần bắn thử tới đây, các kíp trắc thủ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy thành tích diệt mục tiêu ngay từ quả đạn đầu, xứng đáng với truyền thống Bộ đội Phòng không - Không quân anh hùng.
Theo Đại Lộ
Hành trình nâng cấp tên lửa Pechora của Việt Nam Dự án nâng cấp các tổ hợp tên lửa phòng không Pechora của Việt Nam lên chuẩn Pechora-2TM được đánh giá là hết sức thành công. Lỡ cơ hội tham gia chiến dịch phòng không lịch sử Tiểu đoàn 169 thuộc Trung đoàn tên lửa 276 chính là đơn vị đầu tiên được trang bị hệ thống tên lửa phòng không Pechora (SAM-3)....