Panasonic giới thiệu ultrabook màn hình lật ngược siêu bền
Máy có màn hình cảm ứng xoay linh hoạt, cấu hình vi xử lý mới nhất, pin 13 tiếng cùng khả năng chịu lực ấn tượng.
Sản phẩm mới của Panasonic có tên AX3. Thiết kế của model này gần giống Lenovo IdeaPad Yoga hay Dell XPS 11 với màn hình có khả năng xoay 360 độ. Nhờ đó, chiếc máy tính xách tay thông thường có thể “biến” thành máy tính bảng.
Ultrabook mới của Panasonic có tên AX3. Ảnh: Slashgear.
Một điểm đặc biệt khác của mẫu ultrabook này là máy có thể chịu lực khi rơi từ độ cao khoảng 0,76 mét. Hãng sản xuất Nhật Bản cho biết sản phẩm còn có thể “trụ” tốt khi có vật nặng gần 100 kg đè lên.
Về cấu hình, Panasonic AX3 được trang bị bộ xử lý Intel Core i7 tốc độ 1,8 GHz dựa trên nền tảng Haswell mới nhất. Máy sở hữu RAM 4 GB cùng ổ SSD 128 GB. Pin đi kèm sản phẩm hứa hẹn cho thời gian hoạt động liên tục tới 13 tiếng.
Video đang HOT
Ultrabook mới của Panasonic sử dụng màn hình cảm ứng IPS độ phân giải Full HD, hỗ trợ cảm ứng đa điểm. Theo Slashgear, kích thước màn hình của AX3 có thể dao động từ 13 đến 14 inch.
Hiện giá, giá bán cũng như ngày phát hành của sản phẩm vẫn chưa được công bố. Tuy vậy, theo dự đoán, máy sẽ được đưa lên kệ vào cuối năm nay.
Theo VNE
CEO Lenovo Việt Nam: Chiến lược PC Plus đang đi đúng hướng
Khẳng định được vị thế trên thị trường máy tính cá nhân bằng những thành công ngoạn mục trong thời điểm đầy thách thức, ông Nguyễn Minh Sơn, tân Tổng giám đốc Lenovo Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về chiến lược PC plus của Lenovo.
Ông Nguyễn Minh Sơn trong lễ ra mắt sản phẩm mới IdeaPad Yoga và ThinkPad Twist của Lenovo tại Việt Nam ngày 16/1 vừa qua.
Lenovo vừa đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, ông có thể chia sẻ thành công này được xây dựng trên những nền tảng nào?
Lenovo đặt trọng tâm vào sự đổi mới và hỗ trợ khách hàng trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng hành vi tiêu dùng. Đội ngũ nghiên cứu và thiết kế của Lenovo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khảo sát và đánh giá nhu cầu tiêu dùng, để tạo ra những sản phẩm mang lại cho người sử dụng giá trị sử dụng lâu dài với mức chi phí hợp lý.
Với những nghiên cứu chiến lược dài hạn, Lenovo xác định trọng tâm vẫn là máy tính cá nhân (PC), đồng thời phát triển nghiên cứu sang các dòng sản phẩm mang tính chất thời thượng như smartphone, tablet, smart TV... và cố gắng tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, mà ở đó, PC là "trái tim" cho cuộc sống số của người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Đây chính là điểm khác biệt của Lenovo so với các hãng khác.
Để tiếp cận sâu hơn với từng phân khúc khách hàng, bộ phận kinh doanh của Lenovo cũng được chia ra thành 2 nhóm. Think Business Group chuyên về các dòng sản phẩm cao cấp cho doanh nghiệp, doanh nhân cùng với các giải pháp dành cho doanh nghiệp (lưu trữ, máy chủ) và máy trạm. Còn Lenovo Business Group chuyên về các dòng sản phẩm phổ thông cho đại đa số người dùng.
Trên phạm vi toàn cầu, Lenovo vẫn theo đuổi chiến lược "protect and attack" (bảo vệ và tấn công). Nghĩa là vừa bảo vệ thị phần tại các phân khúc thị trường mà Lenovo đang chiếm vị trí dẫn đầu, đồng thời phát triển các thị trường mới. Chiến lược đúng đắn này đã mang lại sự tăng trưởng thần kỳ của hãng trong thời gian vừa qua.
Vậy Lenovo định vị thế nào về thị trường Việt Nam trong chiến lược toàn cầu của mình?
Việt Nam với 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, kinh tế đang phát triển là thị trường rất tiềm năng và quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Lenovo đang nỗ lực không ngừng thúc đẩy tăng trưởng tại thị trường này thông qua việc mang đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho người sử dụng. Hệ thống bảo hành, bảo trì cũng tiếp tục được Lenovo phát triển mạnh để tiếp cận gần nhất và rộng rãi nhất tới khách hàng.
Trong chiến lược dành cho thị trường Việt Nam, việc bổ nhiệm CEO bản xứ vào vị trí "thuyền trưởng" Lenovo Việt Nam mang ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Việc lựa chọn một CEO là người địa phương cho thấy Lenovo tin tưởng vào kinh nghiệm và khả năng của người địa phương cũng như xem trọng việc am hiểu thị trường, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng bản địa để có những chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả.
Hiểu rõ thị trường là yếu tố quan trọng trong chiến lược "protect and attack" của Lenovo và là bước tiên quyết để các sáng tạo của Lenovo đem lại các sản phẩm có giá trị sử dụng lâu dài cho người sử dụng.
Lenovo vừa công bố chiến lược PC plus, điều này liệu có hợp lý khi mà các hãng khác đang theo đuổi mục tiêu phát triển các thiết bị di động cá nhân?
Đây là chiến lược tạo nên sự khác biệt của Lenovo và được Lenovo hiện thực hoá thành công qua kết quả kinh doanh trong nhiều quý gần đây nhất.
Theo các báo cáo của IDC, trong 12 quý liên tiếp vừa qua, Lenovo có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với các hãng PC lớn với tỷ lệ trung bình 10,2% hàng năm. Lenovo cũng nắm giữ vị trí số 1 tại 5 trong số 7 thị trường PC lớn nhất trên thế giới. Quý IV/2012, Lenovo vẫn duy trì đà tăng trưởng này với tỷ lệ 8,2%, cao nhất trong các hãng sản xuất PC. Điều này cho thấy chiến lược PC plus của Lenovo đang đi đúng hướng.
Theo đánh giá của IDC, thị trường PC thế giới vào khoảng 260 triệu máy vào năm 2011, đến năm 2016 là hơn 500 triệu máy, với mức tăng trưởng 7,7%/năm. Vì vậy, Lenovo càng có cơ sở cho chọn lựa của mình. Ngoài ra, Lenovo không bỏ qua các phân khúc sản phẩm công nghệ cao khác như smartphone, tablet, smart TV theo cách tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho các khách hàng sử dụng sản phẩm của Lenovo.
Theo Báo Đầu Tư
Những điểm nhấn đáng chờ đợi của làng máy tính 2013 (phần 1) 2012 sắp qua đi với nhiều sự kiện nhộn nhịp trong làng PC. Windows 8 ra mắt, Intel ra mắt chip xử lý Core i thế hệ 3, hàng loạt các hãng PC tung ra sản phẩm của riêng mình trong "cuộc chiến" giành lại người dùng vốn không ít đã bị mất đi từ khi tablet ra mắt. Sau khi Windows 8...