“Pacific Rim: Uprising” – Cảnh Điềm cứu cả thế giới nhưng giết chết luôn thương hiệu
“ Pacific Rim: Uprising” thua kém phần phim đầu tiên của Guillermo del Toro về mọi mặt.
Ý tưởng chế tạo người máy khổng lồ để đối đầu với quái vật không hề mới nhưng cách thể hiện của Guillermo del Toro với Pacific Rim (2013) lại vô cùng ấn tượng. Thế nhưng, phần phim thứ hai của thương hiệu không giữ được cái “hồn” của đạo diễn người Mexico và trở thành một tác phẩm nhàm chán về mọi mặt.
10 năm trước, những con quái vật Kaiju khổng lồ bắt đầu tấn công thế giới. Chúng được một chủng tộc người ngoài hành tinh Precursors gửi đến thông qua khe nứt tại Thái Bình Dương. Con người quyết định chế tạo các Jaeger để đối phó với lũ quái vật. Trong một nỗ lực cuối cùng, nguyên soái Stacker Pentecost (Idris Elba) đã hy sinh để đóng khe nứt này lại.
Nội dung Pacific Rim: Uprising lấy bối cảnh 10 năm sau phần đầu tiên, chương tình Jaeger vẫn được phát triển để đề phòng Kaiju quay lại. Jake Pentecost ( John Boyega) – con trai của Stacker – kiếm sống bằng cách trộm linh kiện của các Jaeger sau khi giải ngũ khỏi Lực lượng Phòng vệ Vàng đai Thái Bình Dương (PPDC). Trong một phi vụ, anh cùng cô bé Amara Nanami ( Cailee Spaeny) bị bắt giữ và buộc phải trở lại lực lượng.
Trong cuộc họp hội đồng của PPDC, Mako Mori (Rinko Kikuchi), nữ chính của phần đầu tiên, bất ngờ bị một Jaeger tên Obsidian Furi giết chết. Từ đây, hàng loạt bí ẩn về cuộc chiến năm xưa dần hé lộ. Đồng thời, những con quái vật ở Thái Bình Dương cũng bắt đầu trỗi dậy.
Nội dung nhàm chán
Dàn nhân vật trong phim “drama” hết chỗ nói
Nếu như đến rạp với hy vọng xem một bộ phim hành động liên tục thì khán giả ắt phải rất thất vọng. Thay vì người máy và quái vật đánh nhau, Pacific Rim: Uprising sẽ mang tới những màn… đấu khẩu vô cùng kịch tính. Nào là chị em nuôi cãi nhau, bạn bè tranh luận, âm mưu chính trị, đâm lén sau lưng,… vô cùng phức tạp. Nhưng chẳng có bất kỳ thứ gì trong đó liên quan tới cốt truyện cả.
Trong khi đó, những cảnh đấm nhau thì cực kỳ chóng vánh. Thế là sao? Người xem chỉ muốn nhìn Jaeger đấm Kaiju thôi mà. Ai quan tâm những bí mật hậu trường đăng sau cơ chứ? Đây chính là lý do vì sao mà ít khi nào mà Michael Bay chèn nội dung quá nhiều vào loạt phim Transformers của mình.
Đóng phim Hollywood toàn fail đi về Trung Hoa có áy náy?
Ấy vậy mà những màn đấu khẩu đó vẫn cứ kéo dài không hồi kết. Bộ phim gây ức chết cao độ khi nữ chính của phần phim trước bị giết một cách nhạt nhẽo trong khi chàng nam chính chẳng được ai nhắc tới như thể chưa từng tồn tại. Câu chuyện tha hóa của một nhân vật trong phần phim trước càng khiến cốt truyện thêm phần mâu thuẫn và nhàm chán, xa rời khỏi ý tưởng ban đầu của del Toro.
Yếu tố mua đi bán lại của một tập đoàn Trung Quốc còn gợi nhắc tới việc hãng Legendary đã bị tập đoàn Vạn Đạt thâu tóm toàn bộ khiến tất cả những nhân vật phụ trong phim (kể cả vị tướng) đều thành người xứ Trung. Dễ hiểu khi Pacific Rim: Uprising luôn lái câu chuyện để người Trung Quốc, đặc biệt là Cảnh Điềm, góp phần giải cứu thế giới dù chẳng cần thiết.
Hành động cũng chẳng ra sao
Đây đích thị là “Tranformers 6″ rồi
Yếu tố hành động trong Pacific Rim: Uprising không chỉ ít mà còn kém hơn hẳn phần đầu tiên. Còn nhớ, các Jaeger trong phim của Guillermo del Toro được thể hiện vô cùng chân thật với tiếng kim loại chạm vào nhau trong từng hành động. Mỗi một bước đi của chúng thấy rõ sự nặng nề với từng khớp nối hoạt động hết công suất. Với sức nặng đó, chúng khó lòng mà thực hiện những động tác bay nhảy linh hoạt.
Sang phần phim này, Jaeger trở thành một phiên bản Transformers đầy nhàm chán. Dàn người máy thoải mái mà phi thân hay bay nhảy như “cao thủ võ lâm” bất chấp sức nặng lên tới cả ngàn tấn. Những cảnh đánh nhau trong phim mang tới cảm giác y hệt một tác phẩm Power Rangers với kỹ xảo nhỉnh hơn một tẹo khi hai bên liên tục “trao đổi chiêu thức” mà chẳng ai bị gì.
Dàn người máy màu mè quá mức cần thiết
Vũ khí của Jaeger cũng được thiết kế màu mè quá sức nhưng chẳng mấy hữu dụng. Trong khi đó, những màn cận chiến đậm chất phô trương nhưng thiếu hẳn tính bạo lực và tăm tối cần thiết của phần đầu tiên. Màn hạ trùm cũng chẳng thể nhạt nhẽo hơn khi chỉ kéo dài tầm chục phút với vài pha hành động chớp nhoáng.
Nhìn chung, Pacific Rim: Uprising là một phần tiếp theo tệ hại và nhàm chán. Có lẽ màn tấn công hang ổ của Precursors khó lòng mà diễn ra khi thương hiệu này đã bị tổn hại nghiêm trọng.
Theo Trí Thức Trẻ
Có phải "Pacific Rim: Uprising" đang trở nên tươi sáng quá đà như phim cho "trẻ em"?
Trailer mới nhất của "Pacific Rim: Uprising" đã dấy lên nhiều tranh cãi.
Trailer mới của bộ phim Pacific Rim: Uprising, phần nối tiếp cho Pacific Rim (2013) của đạo diễn lừng danh Guillermo del Toro cuối cùng cũng đã được trình làng sau một thời gian dài được các fan hâm mộ ngóng trông. Ấy vậy nhưng cuối cùng thì những hình ảnh được tiết lộ trong trailer của Pacific Rim: Uprising lại gây nên một nỗi thất vọng không tưởng với những ai từng là fan ruột của tựa phim viễn tưởng đình đám này.
Trailer của "Pacific Rim: Uprising" (Nguồn: YouTube)
Hình ảnh tươi sáng quá mức, thiếu sự chân thực
Vào năm 2013, khi Pacific Rim của Guillermo del Toro được ra mắt khán giả trên toàn thế giới, bộ phim đã tạo ra một luồng gió mới cho dòng phim viễn tưởng với phong cách Cyber Punk tuyệt đẹp của mình. Khán giả xem phim vào thời điểm đó đều phải công nhận rằng màu sắc của Pacific Rim có chút gì đó tăm tối và ảm đạm hơn hẳn so với một series phim khác cùng thể loại là Transformers.
Sự đối lập trong màu sắc và cách thể hiện của "Pacific Rim" với "Transformers"
Sự khác biệt của Pacific Rim còn đến từ cách xây dựng hình ảnh Jaeger, những robot khổng lồ được con người điều khiển để chiến đấu chống lại đám quái vật khổng lồ Kaiju với phong cách bụi bặm, cử động mang đậm chất cơ học chân thực chứ không biến hình một cách phi lý như trong Transformers.
Thêm vào đó, bối cảnh của phim cũng là những thành phố bị tàn phá dưới sự tấn công của các Kaiju khổng lồ. Những thành phố với từng góc bị phá hủy còn chưa kịp dọn dẹp và tái thiết, người dân thì lộ rõ sự sợ hãi của mình trước thảm họa diệt vong hiện hữu ngay trước mắt.
Sự màu mè và tươi sáng khác hẳn với phần 1
Ấy vậy mà Pacific Rim: Uprising lại mang đến cho chúng ta một cảnh mở đầu mang phong cách của Godzilla. Các Jaeger đối đầu với đám Kaiju trong giữa một thành phố toàn tòa nhà cao ốc và thoải mái đánh đấm xô đổ những tòa nhà xung quanh bất chấp việc đó có thể khiến hàng nghìn người chưa kịp di tản mất mạng như chơi.
Tất cả những cảnh đó đáng lẽ phải được thể hiện trong sự ảm đạm, tang thương thì lại được lồng ghép trong thứ ánh sáng hào nhoáng oai hùng, kết hợp với nền nhạc "trẻ trung" chẳng ăn nhập gì cho lắm khiến phim từ một bom tấn viễn tưởng đậm chất chân thực trở thành một phim robot đối đầu quái vật dành cho trẻ em.
Dàn diễn viên mất chất
Ngược trở lại với dàn diễn viên của Pacific Rim (2013), chúng ta có thể thấy rõ được sự chín chắn, trưởng thành của họ. Chúng ta có Charlie Hunnam đẹp trai, cá tính và phá cách nhưng vẫn có sự trưởng thành với vai diễn Raleigh Becket. Idris Elba thì lại vào vai người chiến binh giàu kinh nghiệm, luôn xuất hiện với vẻ trầm ngâm, nhiều suy tính.
Dàn diễn viên cũ của Pacific Rim tương đối phù hợp với không khí của phim
Còn đến với phần 2 - Uprising này, chúng ta lại có Jon Boyega, anh chàng diễn viên gốc Phi từng tham gia trong 2 phần phim mới của Star Wars thủ vai Jake Pentecost, một chàng trai "trẻ trâu" với tâm lý cực kì bất ổn nhưng sau lại trở thành anh hùng cứu thế. Sự xuất hiện của anh chàng này dường như đã kéo tụt Pacific Rim từ một phim viễn tưởng mang màu sắc chân thực thành một tựa phim robot dành cho lứa tuổi teen như Power Rangers.
Dàn diễn viên trẻ không mấy ấn tượng, tạo cảm giác "trẻ trâu" hơn phần 1 rất nhiều
Chưa kể tới những vai diễn còn lại như anh chàng Scott Eastwood với lối diễn xuất mờ nhạt không mấy ấn tượng hay cô nàng Cảnh Điềm xuất hiện trong phim như một cách để câu kéo khán giả tại thị trường Trung Quốc và nếu bạn đã từng xem Kong: Skull Island thì bạn sẽ biết cô nàng xinh đẹp này có diễn xuất ra sao trong các phim Hollywood.
Đám Kaiju cũng biết hợp thể?
Một trong những điểm thú vị của Pacific Rim đó là các tình tiết viễn tưởng trong phim đa phần đều sẽ được lý giải một cách khá hợp lý và chân thực. Như trong Pacific Rim (2013), khán giả sẽ phải gật gù khi nghe lời giải thích rằng mỗi robot Jaeger sẽ phải được điều khiển bởi 2 người vì lượng thông tin cần xử lý là quá lớn. Và để làm được điều này thì hai chiến binh được lựa chọn phải có não bộ tương thích với nhau.
Đám Kaiju cũng biết hợp thể như trong phim Siêu Nhân
Hay như cách mà các nhân vật của chúng ta khám phá ra rằng đám Kaiju đang ngày càng trở nên thông minh hơn, to lớn hơn giống như chúng biết rút kinh nghiệm sau mỗi lần tấn công thế giới con người.... Tất cả đều được lý giải tương đối hợp lý để tạo nên một tổng thể logic chung cho thế giới viễn tưởng trong phim.
Còn trong trailer của Pacific Rim: Uprising, chúng ta lại được chứng kiến màn hợp thể kì quặc của đám Kaiju thành một con quái vật... to hơn. Còn các nhân vật của chúng ta thì nhìn thấy đối phương biến hình to lớn như vậy, chẳng cần rút lui để tính kế đối phó gì cả mà cứ hùng hục lao vào đánh đấm chẳng khác gì một bộ phim siêu nhân dành cho trẻ em ở thế kỉ trước.
Dàn Jaeger với vũ khí màu mè như 5 anh em siêu nhân
Một điểm trừ của Pacific Rim (2013) đến nay vẫn được các fan hâm mộ nhắc đi nhắc lại đó là việc Jaeger của chúng ta "ém hàng" một thanh kiếm báu mà mãi không đem ra sử dụng. Chỉ đến lúc bị Kaiju dồn vào đường cùng thì mới lôi ra và chỉ bằng một vài đường kiếm đơn giản, con Kaiju đã phải gục ngã dưới chân của anh chàng Raleigh Becket. Giá như anh ta biết sử dụng thanh kiếm này sớm hơn thì các đồng đội của anh ta đã không phải vất vả đến vậy.
Jaeger thiết kế chân thực của "Pacific Rim 2013"
Tình tiết có đôi chút phi lý này trong phần một không những không được khắc phục mà còn được đạo diễn Steven S. DeKnight khuếch đại thêm trong phần tiếp theo này. Dàn Jaeger của phim không chỉ màu mè sặc sỡ hơn, bóng bẩy với nước sơn mới cóng không chút bám bụi lại được trang bị thêm mỗi người một loại vũ khí khác nhau để thể hiện sự "cool ngầu".
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười
Chúng ta có nào là kiếm ánh sáng, nào là quả chùy lưu tinh khổng lồ (thứ vũ khí đã được khoa học chứng minh là không có chút thực tiễn nào để áp dụng trong chiến đấu cả) rồi cả khẩu súng phóng năng lượng với những tia sét li ti phóng ra như bị... chập điện. Tất cả đều khiến khán giả phải liên tưởng tới một phiên bản nâng cấp của phim Power Rangers vậy.
Theo Trí Thức Trẻ
Điểm danh dàn Jaeger cực ngầu trong "Pacific Rim: Uprising" Dù chưa ra mắt nhưng "Pacific Rim: Uprising" đã khiến người xem mê mệt với dàn Jaeger hầm hố. Dòng phim quái vật khổng lồ không mấy mới lạ trên màn ảnh rộng nhưng ý tưởng con người chế tạo ra người máy để tự vệ trong Pacific Rim thì quả là có một không hai. Sau thành công của phần đầu tiên,...