Oxford Economics công bố danh sách những thành phố có nền kinh tế hàng đầu thế giới
Ngày 21/5, công ty tư vấn Oxford Economics công bố Chỉ số các thành phố toàn cầu, đánh giá toàn diện về 1.000 thành phố hàng đầu thế giới về khía cạnh kinh tế.
Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Oxford Economics đánh giá dựa vào 27 chỉ số để xác định New York, London và San Jose là những thành phố đứng đầu danh sách với 50 vị trí đầu tiên đều thuộc về Mỹ và châu Âu. New York (Mỹ) có nền kinh tế lớn nhất so với bất kỳ thành phố nào trên thế giới tính đến nay. Với sự tăng trưởng ổn định, thành phố này đứng đầu về tiêu chí kinh tế.
Trong khi đó, London (Anh) mạnh nhất về nguồn nhân lực, nhờ có nhiều trường đại học hàng đầu và là nơi đặt trụ sở của các doanh nghiệp toàn cầu. Còn Grenoble (Pháp) có chất lượng cuộc sống tốt nhất nhờ không có tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Tuy nhiên, 2 thành phố dẫn đầu lại có thứ hạng thấp về chất lượng cuộc sống, với New York đứng ở vị trí 278 và London xếp hạng 292.
Ngoại trừ Tokyo, thành phố ở vị trí thứ 4, thành phố tiếp theo của châu Á trong danh sách là Seoul ở vị trí thứ 41 và Singapore ở vị trí thứ 42. Các thành phố của Australia đứng ở các vị trí cao hơn, với Melbourne ở vị trí thứ 9, Sydney thứ 16 và Perth thứ 23.
Chỉ số trên được đưa ra dựa trên 5 tiêu chí là kinh tế, nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống, môi trường và quản trị, trong đó quan trọng nhất là các yếu tố kinh tế như GDP và tăng trưởng việc làm.
Giám đốc phụ trách các dịch vụ về các thành phố của Oxford Economics, ông Mark Britton, nói rằng Chỉ số các thành phố toàn cầu tạo cơ sở nhất quán cho việc đánh giá điểm mạnh và yếu của 1.000 thành phố lớn nhất trên thế giới và kết hợp với các dự báo sẽ cho phép các tổ chức và các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định chiến lược.
Video đang HOT
Việt Nam và Pháp tiến hành Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, thực hiện thỏa thuận giữa chính phủ hai nước Việt Nam và CH Pháp, Kỳ họp lần thứ 8 Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt - Pháp đã diễn ra ngày 17/5 tại thủ đô Paris.
Phái đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương dẫn đầu tham dự Kỳ họp lần thứ 8 Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt - Pháp. Ảnh: Nguyễn Thu Hà/Pv TTXVN tại Pháp
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Bộ trưởng Ngoại thương, Thu hút nước ngoài, Pháp ngữ và người Pháp ở nước ngoài, Franck Riester, đã đồng chủ trì kỳ họp này, với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, các đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, thành phố Hà Nội, tỉnh Ninh Bình và các đối tác Pháp.
Phát biểu tại kỳ họp, Bộ trưởng Frank Riester nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc đối thoại thường niên năm nay đối với hai nước, vốn có mối quan hệ năng động, được hình thành qua nhiều thập kỷ hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, ông cho rằng mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong 11 năm quan hệ đối tác chiến lược vừa qua, hai nước vẫn cần nỗ lực để tiếp tục đạt được tiến bộ mới, cùng nhau đối mặt với những thách thức toàn cầu, đồng thời đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới, bền vững hơn và toàn diện hơn.
Bộ trưởng cho biết nhờ vào hàng loạt cải cách đầy tham vọng về thuế, lao động và năng lực cạnh tranh kinh doanh trong 5 năm qua, Pháp đang là một trong những quốc gia hấp dẫn nhất châu Âu. Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong những nền kinh tế năng động nhất ASEAN và việc duy trì tốt sự tăng trưởng đã giúp nước này đối phó tốt với cuộc khủng hoảng hiện nay. Theo Bộ trưởng Frank Riester, Việt Nam đang ngày càng hiện diện trong các chuỗi giá trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cả hai nước cùng trong khu vực trọng yếu đối với sự cân bằng toàn cầu hiện nay. Việt Nam cũng là đối tác kinh tế chiến lược lớn của Pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Trao đổi thương mại hai nước đã tăng hơn gấp đôi sau 10 năm với con số 7,6 tỷ euro được ghi nhận vào năm 2023. Đầu tư song phương cũng đã tăng đáng kể trong những năm gần đây với 1,5 tỷ euro vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Pháp vào Việt Nam. Bộ trưởng tin rằng các doanh nghiệp Pháp có thể hỗ trợ Việt Nam đạt được các tham vọng của mình và bày tỏ mong muốn cùng Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu đã đặt ra, trong đó phải kể đến mối quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mà Pháp, thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), đã huy động 500 triệu euro để thực hiện. Bộ trưởng Frank Riester tin rằng những trao đổi hiệu quả trong kỳ họp này sẽ góp phần làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường mối quan hệ song phương và mở đường cho sự hợp tác chặt chẽ và năng động hơn nữa giữa Pháp và Việt Nam.
Quang cảnh Kỳ họp lần thứ 8 Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt - Pháp tại thủ đô Paris. Ảnh: Nguyễn Thu Hà/Pv TTXVN tại Pháp
Về phía mình, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của kỳ họp lần thứ 8 này vì đây là kỳ họp đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau đại dịch COVID-19 và diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp tiếp tục có những bước phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, an ninh-quốc phòng, đến thương mại-đầu tư, văn hóa-giáo dục, khoa học-công nghệ,...với nhiều dấu ấn quan trọng trong quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai nước. Kỳ họp lần này cũng được tiếp nối sau nhiều cuộc gặp gỡ, điện đàm trong năm 2023 giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước, là cơ hội để hai bên trao đổi sâu về chiến lược, chính sách kinh tế liên quan, những vấn đề về quan hệ đa phương, song phương, trong đó có các chương trình, dự án hợp tác đầu tư được hai bên đặc biệt quan tâm trong thời gian qua và giai đoạn tới.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, kể từ thời điểm kỳ họp lần thứ 7 đến nay, tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục có nhiều chuyển biến sâu sắc và phức tạp. Một số bất ổn, mâu thuẫn kéo dài giữa các chủ thể về địa chính trị, sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ đã bùng phát thành xung đột vũ trang, tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh, phát triển của các nước, trong đó Việt Nam và Pháp cũng không nằm ngoài tác động, ảnh hưởng của những thách thức này. Tuy vậy, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước thời gian qua luôn là trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược, vẫn đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận.
Pháp tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) và dẫn đầu châu Âu về cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi cho Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy hai quốc gia còn nhiều tiềm năng hợp tác cần được khai thác và phát triển trên nhiều mặt, đa dạng về hình thức. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng các cơ chế hợp tác song phương Việt Nam - Pháp, trong đó có Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế cần được tích cực thúc đẩy nhằm góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với định hướng và điều kiện ở mỗi nước, hướng tới một quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi cho hai nước trong tương lai.
Bộ trưởng Ngoại thương, Thu hút nước ngoài, Pháp ngữ và người Pháp ở nước ngoài, Franck Riester phát biểu tại Kỳ họp lần thứ 8 Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt - Pháp. Ảnh: Nguyễn Thu Hà/Pv TTXVN tại Pháp
Nhân kỳ họp lần này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng chia sẻ với đối tác Pháp về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên tăng năng suất và đổi mới, sáng tạo và phát triển kinh tế số... Thứ trưởng cho biết để phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam đang thực hiện cơ cấu lại theo hướng giảm đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư.
Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, dự án kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sự lan tỏa lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các vùng, miền.
Về định hướng đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho biết sẽ được gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, theo đó ngân sách trung ương dành nguồn lực tập trung bố trí đủ vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với các nguồn vốn vay để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triền của nhà nước và các khoản vốn vay khác của nhà nước), Việt Nam sẽ được kiểm soát chặt chẽ về mục tiêu, hiệu quả đầu tư, kế hoạch trả nợ và những tác động của vay vốn để ổn định kinh tế vĩ mô như cân đối ngân sách, lạm phát, dư nợ công, dư nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ,...; tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức. Để tiếp tục tạo điều kiện cho việc thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, Việt Nam đang nỗ lực tập trung hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Tại kỳ họp này, hai bên nhận định quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp đạt được nhiều tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên trao đổi thẳng thắn về chiến lược, chính sách kinh tế liên quan, những vấn đề quan hệ đa phương, song phương, trong đó có các chương trình, dự án hợp tác đầu tư được hai bên đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Hai bên cũng đã xác định phương hướng ưu tiên hợp tác trong thời gian tới bao gồm ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học-công nghệ, phát triển công nghiệp bán dẫn... Phía Pháp cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm trong thời gian tới, đáp ứng các ưu tiên phát triển của Việt Nam.
Trước tình hình kinh tế toàn cầu còn gặp nhiều thách thức, khó khăn, các chương trình, dự án hợp tác của hai bên có thể bị ảnh hưởng ít nhiều về tiến độ thực hiện và giải ngân, song với quyết tâm của Chính phủ, bộ/ngành Việt Nam cùng với sự đồng hành của các tổ chức đối tác bên cạnh Chính phủ Pháp, hai bên tin rằng quan hệ hợp tác song phương chắc chắn sẽ được tiếp sức, phát huy mạnh hơn so với tiềm năng vốn có.
Lãnh đạo AFD phát biểu tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và đoàn công tác. Ảnh: Nguyễn Thu Hà/Pv TTXVN tại Pháp
Trước đó, làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Thứ trưởng Trần Quốc Phương và đoàn công tác đã trao đổi về các dự án có sử dụng vốn AFD. Phía Pháp mong muốn đẩy mạnh các dự án phù hợp với tiêu chí lựa chọn của hai bên để sớm đưa vào thực hiện.
Đối với các dự án còn vướng mắc, AFD mong muốn Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện hơn nữa để các dự án sớm được triển khai.
Phía Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn AFD tiếp tục đồng hành hỗ trợ cho các dự án mà phía Việt Nam quan tâm và đang có khó khăn về nguồn lực; đề nghị AFD tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam nhằm cải thiện, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để sớm đưa các dự án đi vào cuộc sống, tiếp tục thu hút các nguồn lực đặc biệt của EU như các khoản viện trợ không hoàn lại, tiếp tục hỗ trợ các dự án có sử dụng vốn vay của AFD trong giai đoạn tới, đẩy nhanh các thủ tục nhận diện dự án mới.
Kinh tế Trung Quốc qua những con số mới nhất Số liệu chính thức công bố ngày 17/5 cho thấy sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã tăng trong tháng 4/2024 nhưng hoạt động tiêu dùng chậm lại, chủ yếu do những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực khác tiếp tục đè nặng lên sự phục hồi kinh tế. Công nhân làm việc tại nhà máy...