Oppo VN phản đòn, hỗ trợ đại lý mua lại điện thoại từ FPT
Oppo Việt Nam gửi thông báo khẳng định nguồn hàng từ FPT là “không chính thức”. Công ty này tuyên bố hỗ trợ đại lý thu mua lại tất cả smartphone Oppo do FPT phân phối.
Chiều 15/4, sau khi có thông tin FPT nhập smartphone Oppo về bán, Oppo Việt Nam đã có động thái đáp trả. Văn bản gửi đến các đại lý khẳng định FPT Trading đã “vi phạm nghiêm trọng chính sách sử dụng thương quyền của Oppo tại Việt Nam”, do đó, tất cả các smartphone do FPT bán tại Việt Nam không được Oppo Việt Nam thừa nhận và bảo hành.
Oppo Việt Nam sẽ chi đậm để thu lại toàn bộ smartphone Oppo do FPT phân phối tại Việt Nam, nhằm tránh gây bất ổn thị trường.
Chưa dừng ở đó, Oppo Việt Nam cho biết sẽ thu hồi lại tất cả những smartphone Oppo do FPT phân phối bằng cách thanh toán cho đại lý toàn bộ chi phí mua máy cùng với 2 triệu đồng trên mỗi trường hợp. Việc này được áp dụng theo chính sách kiểm soát lấn vùng. Nếu đại lý nào tiếp tục nhập hàng từ FPT,
Trao đổi với Zing.vn, đại diện của Oppo Việt Nam cho biết sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng này. Giám đốc một nhà bán lẻ ở TP HCM cũng tiết lộ rằng Oppo tại Trung Quốc đã phạt đối tác xuất hàng cho FPT Trading, và có thể sẽ không còn đợt hàng nào như vậy về Việt Nam trong thời gian tới.
Văn bản Oppo VN gửi các đại lý khẳng định sẽ thu mua toàn bộ số smartphone Oppo do FPT phân phối.
“Oppo Việt Nam đang kiểm soát rất tốt giá bán trong nước và hỗ trợ chặt chẽ với đại lý, do đó việc FPT nhảy vào cạnh tranh sẽ có thay đổi lớn”, ông Nguyễn Anh Văn, đại diện hệ thống CellphoneS cho biết.
Theo ông Văn, việc Oppo kiểm soát giá giữa các đại lý trong thời gian dài khiến các cửa hàng nhỏ không có nhiều lợi thế so với cửa hàng lớn. Nhưng khi FPT nhập điện thoại Oppo từ nguồn khác về Việt Nam và chào giá với đại lý nhỏ với mức giá thấp hơn, họ sẽ chọn làm việc với FPT, và bán ra smartphone Oppo với giá thấp hơn so với các cửa hàng lớn. Lúc đó, thị trường sẽ “loạn” vì các cửa hàng đạp giá nhau.
Theo ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc hệ thống di động Mai Nguyên, các đại lý hiện vẫn đang theo dõi những động thái tiếp theo từ FPT lẫn Oppo Việt Nam. Việc có hai nhà phân phối điện thoại tại Việt Nam, nhưng không thống nhất chính sách giá bán sẽ dẫn đến “một cuộc đua xuống đáy”.
Video đang HOT
Ông Nguyên dự đoán rằng nếu các cửa hàng nhỏ đang bán hàng từ Oppo Việt Nam chuyển sang nhập hàng Oppo từ FPT, Oppo Việt Nam sẽ rút lại các hỗ trợ về vật tư hoặc chấm dứt hợp tác.
Do đó, nếu FPT Trading không thể duy trì nguồn hàng bị cho là “ngoài luồng” này, mà chỉ bán xong lô hàng đầu tiên rồi chấm dứt, thì những đại lý bị ngưng hợp đồng với Oppo Việt Nam sẽ không thể bán điện thoại của hãng này trong tương lai.
Về phần người dùng, ông Mai Triều Nguyên cho rằng việc FPT và Oppo Việt Nam cùng bán sản phẩm nhưng lại đối đầu nhau sẽ khiến người dùng thiệt thòi và gặp khó khăn. Smartphone Oppo phân phối bởi FPT sẽ không được Oppo Việt Nam bảo hành và ngược lại, FPT cũng sẽ từ chối sửa chữa những chiếc smartphone được bán bởi Oppo Việt Nam.
Oppo Việt Nam là đối tác của Oppo Trung Quốc, được chính thức chỉ định và có thương quyền kinh doanh smartphone tại Việt Nam. Trong khi đó, FPT Trading là nhà phân phối, và theo luật quốc tế, cũng được phép nhập khẩu smartphone về nước để kinh doanh. Tuy nhiên, việc FPT đưa smartphone Oppo từ nguồn khác về Việt Nam và bán với giá thấp hơn được cho là dễ dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên thị trường, ảnh hưởng đến nhà phân phối đã được chỉ định trước đó.
Duy Tín
Theo Zing
Sắp có hai Oppo cùng kinh doanh ở Việt Nam?
Oppo Việt Nam có thể sắp phải cạnh tranh với một "phiên bản" khác của mình, và giá các sản phẩm bán ra dự kiến rẻ hơn mức hiện tại.
Trong vài ngày gần đây, giới bán lẻ rộ lên tin về việc FPT Trading sẽ phân phối di động Oppo. Theo đó, họ sẽ trực tiếp nhập khẩu smartphone thương hiệu này và bán ra thị trường với mức cạnh tranh hơn so với giá hiện tại ở Việt Nam.
Oppo Việt Nam và FPT Trading sẽ cùng phân phối và cạnh tranh giá bán smartphone Oppo tại Việt Nam?
Sẽ có đến 2 nguồn Oppo tại Việt Nam?
Trả lời Zing.vn, đại diện nhà phân phối FPT Trading xác nhận việc sẽ đưa một số mẫu smartphone của Oppo về nước. Việc kinh doanh hoàn toàn độc lập, không liên quan đến Oppo Việt Nam.
Nhà phân phối này sẽ đưa về ba mẫu gồm Oppo F1, Oppo Neo 5 và Neo 7, thông tin số lượng đặt hàng cũng như chính sách giá bán chưa được tiết lộ cụ thể.
Chiều 14/4, Oppo Việt Nam ra văn bản gửi đến đại lý. Theo đó, công ty này khẳng định chỉ có ba nhà phân phối chính thức tại Việt Nam gồm Oppo Việt Nam, Công ty TNHH Di Động Thông Minh và Công ty TNHH NN MTV TM & XNK Viettel.
Văn bản do Oppo Việt Nam gửi đến các đại lý trong chiều 14/4.
Văn bản này của Oppo Việt Nam gián tiếp chỉ ra rằng FPT Trading phân phối không chính hãng các sản phẩm Oppo.
Trong khi đó, đại diện nhà phân phối FPT cho biết họ tuân thủ đầy đủ các thủ tục nhập khẩu và hoàn toàn hợp pháp. Các máy Oppo do FPT Trading bán vẫn được sửa chửa và bảo hành ngay tại hệ thống của nhà phân phối này.
Đại diện truyền thông của Oppo Việt Nam hiện không đưa ra bình luận về vụ việc.
"Oppo thứ hai" có làm đúng luật?
Sự xuất hiện của tên tuổi thứ hai phân phối Oppo làm giới bán lẻ xôn xao. Trong những năm qua, Oppo Việt Nam được cho là hãng bảo vệ quyền lợi cho đại lý tốt hơn so với những thương hiệu khác.
Công ty này luôn có chính sách giá bán thống nhất giữa các đại lý, tránh tình trạng "đạp giá" nhau để tranh giành khách hàng. Động thái bảo vệ "nồi cơm chung" được nhiều đại lý đánh giá cao. Ngoài ra, mức chiết khấu và hỗ trợ cho các điểm bán cũng tốt hơn các thương hiệu khác.
Do đó, việc xuất hiện thêm "một Oppo khác" tại Việt Nam được cho là sẽ gây biến động về giá bán các mẫu smartphone Oppo trên thị trường.
"Không ngoại trừ khả năng những hệ thống lớn như Thế Giới Di Động sẽ chuyển qua nhập nguồn hàng từ nhà phân phối có giá tốt hơn", ông Trương Hữu Dũng, chủ một cửa hàng di động ở quận 10, TP HCM nhận định.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực cạnh tranh, việc FPT Trading nhập thẳng điện thoại từ Oppo Trung Quốc và mang về cạnh tranh với Oppo Việt Nam có thể là điều lạ lùng với người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, đây là hành vi thường thấy trong thị trường tự do, được gọi bằng cái tên "Parallel Import" (tạm dịch: nhập khẩu song song).
Theo định nghĩa của tổ chức quốc tế WHO, nhập khấu song song là khi một nhà sản xuất sở hữu một sản phẩm ở vài nước, thì vì một số lý do họ có thể quyết định bán sản phẩm đó ở các mức giá khác nhau ở mỗi nước.
Nếu giá ở nước A (trong trường hợp này là nơi nhập hàng của FPT Trading) thấp hơn ở nước B (Việt Nam) đáng kể thì các nhà nhập khẩu ở nước B có thể mua sản phẩm với giá rẻ hơn ở nước A và bán ở nước B với mức giá thấp hơn giá do nhà sản xuất qui định. Đó là nhập khẩu song song.
Tuy nhiên, vị này cho rằng, việc nhập khẩu song song hay các chính sách khác phụ thuộc lớn vào nhà sản xuất chính ở Trung Quốc. Người này đặt câu hỏi, Oppo Việt Nam đóng vai trò là đại diện của thương hiệu này tại Việt Nam hay chỉ là một nhà phân phối?
Trong khi đó, các nhà bán lẻ tại TP HCM dự đoán rằng sẽ có một cuộc chiến trong chính sách giá giữa hai nhà phân phối này. FPT Trading có thể được hưởng lợi vì trong vài năm qua, Oppo Việt Nam đã đổ không ít tiền của cho chiến dịch quảng bá và xây dựng hệ thống đại lý, bán hàng.
Oppo được thành lập vào năm 2004 tại Trung Quốc. Ban đầu, hãng được biết đến với những thiết bị âm thanh và đầu Bluray chất lượng cao. Đến 2008, Oppo bắt đầu kinh doanh smartphone. Năm 2010, hãng mở rộng thị trường bằng việc đổ bộ vào Thái Lan và nhiều nước khác ở châu Á, Trung Đông, châu Phi, Mỹ và Úc. Năm 2012, smartphone của thương hiệu này chính thức có mặt tại Việt Nam.
Công ty TNHH một thành viên Kỹ thuật và Khoa học Oppo (gọi tắt là Oppo Việt Nam) được thành lập từ năm 2012. Theo số liệu từ IDC, thị phần smartphone Oppo hiện đang đứng thứ hai tại Việt Nam, khoảng 20%, chỉ sau Samsung. Trong giai đoạn từ 2014-2015, Oppo tăng trưởng gấp 2,5 lần tại Việt Nam.
Duy Tín
Theo Zing
Ông Trương Gia Bình sắp nhận hơn 234 tỷ đồng cổ tức Trong đó, ông Bình sẽ nhận được hơn 28 tỷ đồng cổ tức tiền mặt và 4,25 triệu cổ phiếu (tương đương 206 tỷ đồng). Công ty Cổ phần FPT (Mã: FPT - HoSE) vừa thông qua Chương trình Đại hội cổ đông thường niên 2016. Nội dung quan trọng nhất trình tại Đại hội là chính sách chia cổ tức năm 2015...