Ông Trump làm gì trong ngày đầu chính phủ Mỹ đóng cửa?
Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã dành ngày đầu chính phủ đóng cửa để gặp các quan chức cấp cao và xem lại đoạn video chương trình truyền hình năm 2013, trong đó ông từng hoài nghi về năng lực cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vì sự kiện chính phủ Mỹ đóng cửa vào năm đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày đầu Chính phủ Mỹ đóng cửa. (Ảnh: Nhà Trắng)
Kể từ 0h ngày 20/1 (giờ Mỹ), chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng đóng cửa một phần do bất đồng trong đàm phán ngân sách giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ ngày 19/1. Theo New York Times, Tổng thống Trump được cho là đã dành ngày 20/1 xem lại đoạn video chương trình truyền hình phát sóng năm 2013, trong đó tỉ phú Trump với tư cách khách mời đã bày tỏ quan điểm hoài nghi về năng lực của ông Obama sau sự kiện chính phủ Mỹ đóng cửa.
Trong lần đóng cửa 16 ngày vào năm 2013, ông Trump chia sẻ với Fox News rằng ông Obama phải chịu trách nhiệm vì sự việc này. “Nếu bạn hỏi rằng ai sẽ bị “sa thải”, thì câu trả lời luôn là người đứng đầu. Ý của tôi là, vấn đề luôn bắt nguồn từ bên trên và họ cần phải giải quyết nó từ bên trên và tổng thống là người lãnh đạo. Ông ấy phải triệu tập mọi người lại và phải chỉ dẫn cho họ”, ông Trump nói.
Ông Trump cũng cho biết rằng người phải chịu áp lực không ai khác là tổng thống khi sự kiện chính phủ đóng cửa xảy ra.
Nói về lần đóng cửa tại nhiệm kỳ của mình, ông Trump được cho là ông không nên là người bị đổ lỗi trong sự việc này, thay vào đó chính sự từ chối hợp tác của đảng Dân chủ với những hướng đi và chính sách của ông mới là nguyên nhân. Trên Twitter, ông Trump cũng cáo buộc đảng Dân chủ khiến quân đội Mỹ “trở thành con tin vì yêu sách của họ với người nhập cư trái phép”. Ông Trump cho rằng đây là “lá bài chính trị” của phe đối lập.
Video đang HOT
Theo Dailymail, ông Trump cũng được cho là đã dành thời gian trao đổi với Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis về ảnh hưởng của việc đóng cửa tới an ninh biên giới. Ông cũng bàn luận với Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, lãnh đạo phe đa số tại Nghị viện Mỹ Kevin McCarthy.
Ngoài ra, trong ngày 20/1, hàng trăm nghìn người dân Mỹ, chủ yếu là phụ nữ ở Washington, New York, Los Angeles, Chicago và 250 thành phố khác nhau trên khắp nước Mỹ đã xuống đường biểu tình chống lại chính sách của ông Trump. Phản ứng với cuộc biểu tình, ông Trump đã kể về một vài thành tựu của ông trong năm đầu làm Tổng thống trên Twitter. Theo đó, ông cho rằng nền kinh tế Mỹ ngày càng khởi sắc, và thành công chưa từng có trong 12 tháng qua và tỉ lệ thất nghiệp của phụ nữ thấp nhất trong 18 tháng qua.
Theo Reuters, do đóng cửa chính phủ, Tổng thống Trump đã hủy chuyến đi tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình dự tiệc ăn mừng kỷ niệm 1 năm ngày nhậm chức.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Ông Trump nhận "trái đắng"
Nhà Trắng tuyên bố sẽ không thảo luận vấn đề nhập cư cho đến khi chính phủ hoạt động trở lại.
Với Tổng thống Mỹ Donald Trump, cuối tuần này lẽ ra là dịp ăn mừng kỷ niệm 1 năm ngày ông nhậm chức. Vậy mà đúng vào ngày 20-1 đáng nhớ, nhà lãnh đạo Mỹ lại đối mặt một cuộc khủng hoảng mới sau khi không thể ngăn chính phủ đóng cửa lần đầu tiên kể từ năm 2013.
Thất bại chua cay
Việc không thể thuyết phục quốc hội thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn nhằm giúp chính phủ thoát nguy cơ đóng cửa trước nửa đêm 19-1 (giờ địa phương) một lần nữa làm lu mờ hình ảnh "chuyên gia thỏa thuận" mà ông Trump tự xây dựng cho bản thân. Thất bại này càng thêm chua cay bởi nó xảy ra vào thời điểm Đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả lưỡng viện quốc hội và Nhà Trắng.
Ông Mitch McConnell phát biểu tại Thượng viện không lâu sau khi chính phủ Mỹ chính thức đóng cửa ngày 20-1 Ảnh: ABC NEWS
Ngay cả khi Nhà Trắng đổ lỗi cho phe Dân chủ, không ít người quy trách nhiệm cho chính ông Trump, người từng nhận định những lần đóng cửa của chính phủ trong quá khứ là do lỗi của các ông chủ Nhà Trắng. Người ta còn nhớ khi trả lời phỏng vấn đài Fox News sau lần chính phủ đóng cửa năm 2013, ông Trump khẳng định chính tổng thống khi đó, ông Barack Obama, là người chịu trách nhiệm cuối cùng.
Theo Reuters, ít ra nhà lãnh đạo Mỹ đã có những nỗ lực cứu vãn vào giờ chót. Trước hết, ông hoãn chuyến đi đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida để mừng kỷ niệm 1 năm cầm quyền và ở lại Washington. Sau đó, ông mời Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, thủ lĩnh phe Dân chủ tại Nhà Trắng, đến một cuộc gặp thân mật tại Nhà Trắng chiều tối 19-1 (giờ địa phương) với hy vọng tìm được tiếng nói chung. Ngay sau cuộc gặp kéo dài 90 phút, hai bên đều nói về những tiến triển đạt được.
Dù vậy, ông Trump nhanh chóng trở lại với lập trường trước đó: Bất kỳ giải pháp nào cũng đòi hỏi Thượng viện thông qua dự luật chi tiêu có hiệu lực trong 4 tuần vừa qua ải Hạ viện hôm 18-1. Trong khi đó, ông Schumer chỉ muốn một dự luật có thời hạn 1 tuần hoặc ngắn hơn và việc miễn cưỡng đồng ý đưa vấn đề xây bức tường biên giới với Mexico vào các cuộc đàm phán không đủ thuyết phục ông Trump đổi ý.
Chia rẽ sâu sắc
Kết quả là thượng viện không thể bỏ phiếu về dự luật chi tiêu ngắn hạn khi hạn chót lúc nửa đêm 19-1 trôi qua. Tranh cãi về nhập cư và an ninh biên giới được xem là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng nói trên, qua đó phần nào cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong chính trường Mỹ.
Hầu hết thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ phản đối dự luật vì ông Trump và các lãnh đạo Đảng Cộng hòa không chịu đưa vào nội dung bảo vệ khoảng 700.000 người nhập cư đến Mỹ khi còn nhỏ và hiện không có giấy tờ. Theo Reuters, ông chủ Nhà Trắng chỉ muốn bất kỳ thỏa thuận nào về "những người theo đuổi giấc mơ Mỹ" nói trên được đưa vào một gói dự luật rộng lớn hơn, trong đó có cả biện pháp tăng cường ngân sách cho bức tường biên giới.
Mọi ánh mắt hiện đổ dồn về phía các lãnh đạo Đảng Dân chủ và Cộng hòa sau khi họ đồng ý nối lại đàm phán trong ngày 20-1 (giờ địa phương) và cam kết nhanh chóng đạt thỏa thuận. Ông Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, cho biết sẽ nỗ lực tìm kiếm một dự luật chi tiêu ngắn hạn có hiệu lực đến ngày 8-2. Dù vậy, theo Reuters, không dễ để bên nào chịu nhượng bộ lúc này bởi một thất bại chính trị có thể khiến họ trả giá đắt, nhất là khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần. Trở ngại lớn khác đến từ lập trường cứng rắn của Nhà Trắng sau khi họ tuyên bố sẽ không thảo luận vấn đề nhập cư cho đến khi chính phủ hoạt động trở lại.
Nếu tính luôn lần mới nhất nói trên, chính phủ Mỹ đã đóng cửa 13 lần kể từ năm 1981. Riêng lần đóng cửa năm 2013 kéo dài 16 ngày, ước tính gây thiệt hại 24 tỉ USD, tức 1,5 tỉ USD/ngày. Dù những lần chính phủ đóng cửa trong quá khứ không gây tổn thất lâu dài đến kinh tế Mỹ, nó vẫn có nguy cơ làm xáo trộn thị trường tài chính và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Mỹ ở nước ngoài.
Theo Hoàng Phương
Người Lao Động
Ngày đầu chính phủ Mỹ đóng cửa đã diễn ra như thế nào? Đã hơn 20 giờ trôi qua kể từ khi chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng đóng cửa một phần bắt đầu từ 0 giờ ngày 20-1, nhiều hoạt động trên khắp đất nước cờ hoa không còn bình thường như mọi ngày! Nhà Trắng công bố hình ảnh Tổng thống Donald Trump làm việc trong phòng Bầu Dục giữa lúc chính phủ...