Ông Trump có thể cải tổ nội các sau bầu cử giữa kỳ
Cuộc bầu cử giữa kỳ có thể sẽ là dấu mốc để Tổng thống Donald Trump thay đổi các vị trí cấp cao trong nội các và xây dựng lộ trình mới cho hai năm cuối nhiệm kỳ.
Nội các của Tổng thống Trump hồi tháng 3/2017 khi ông vừa nhậm chức tại Nhà Trắng. Một số quan chức trong nhóm này đã rời đi sau đó. (Ảnh: BI)
Khi nước Mỹ đang chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ, dự kiến sẽ làm thay đổi trật tự chính trị tại Đồi Capitol trong thời gian tới, nhiều nguồn tin cả ở trong và ngoài chính quyền Trump tiết lộ với CNN rằng một cuộc “thay máu” đang âm thầm diễn ra tại Nhà Trắng khi Tổng thống Donald Trump dự định thay đổi các thành viên trong nội các của ông để chuẩn bị cho 2 năm cuối nhiệm kỳ.
“Các chính quyền luôn thay đổi sau các cuộc bầu cử giữa kỳ. Có thể chúng ta cũng sẽ đi theo con đường đó. Tôi nghĩ đó là thông lệ bình thường”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại căn cứ Andrews khi đang trên đường tới sự kiện vận động bầu cử tại Ohio hôm 5/11.
Theo các nguồn tin, Tổng thống Trump đã tỏ ra giận dữ với một số thành viên trong nội các, trong đó đứng đầu là Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Ngoài ông Sessions, mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng đang mờ nhạt dần khi các cuộc trao đổi giữa ông chủ Lầu Năm Góc và ông chủ Nhà Trắng ít hơn hẳn so với năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.
Tổng thống Trump cũng không ít lần nổi giận công khai với Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kristjen Nielsen khi ông Trump đổ lỗi cho bà Nielsen vì không thể giải quyết những thách thức từ vấn đề nhập cư bất hợp pháp.
Khi giai đoạn giữa nhiệm kỳ đầu tiên sắp qua đi, Tổng thống Trump ngày càng bàn bạc nhiều hơn với các đồng minh và các cố vấn về khả năng diễn ra sự “thay máu” lớn trong nội các của ông. Trong số hàng loạt cái tên có thể sẽ phải ra đi, 3 bộ trưởng được dự đoán đứng đầu danh sách là Jeff Sessions, James Mattis và Kristjen Nielsen, cùng với Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly. Một quan chức cấp cao cao khác cũng chuẩn bị rời đi là Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley. Bà Haley thông báo sẽ rời khỏi nội các của ông Trump vào cuối năm nay.
Hai quan chức Nhà Trắng và một nguồn tin thân cận với Tổng thống Trump đã tiết lộ với CNN rằng quá trình “thay máu” nội các của ông Trump sẽ không diễn ra khẩn cấp như nhiều người vẫn nghĩ. Thời gian thay đổi các vị trí sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ.
“Chưa ai rời đi nhanh chóng. Thậm chí cả những người mà tổng thống muốn họ phải rời đi”, một quan chức giấu tên cho biết.
Jeff Sessions
Video đang HOT
Bộ trưởng Tư pháp Sessions được dự đoán sẽ là người đầu tiên rời đi nếu Tổng thống Trump thay đổi nội các. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump từng công khai chỉ trích Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions trong suốt nhiều tháng khi ông Sessions quyết định tự cứu mình khỏi cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Thậm chí trong cuộc phỏng vấn với trang tin The Hill hồi tháng 9, Tổng thống Trump tuyên bố ông “không có bộ trưởng Tư pháp”.
Về phần mình, Bộ trưởng Sessions thường tránh đối đầu với tổng thống, thay vào đó ông chọn cách giữ im lặng và tập trung vào công việc của mình, đồng thời tiếp tục ủng hộ các chính sách của ông Trump. Tuy vậy, mối quan hệ giữa ông và tổng thống Trump thường xuyên rơi vào căng thẳng.
John Kelly và James Mattis
Bộ trưởng James Mattis (trái) và Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly (phải) trong cuộc họp với ông Trump. (Ảnh: Reuters)
Hồi tháng 7, ông John Kelly từng nói Tổng thống Trump đã đề nghị ông giữ chức chánh văn phòng Nhà Trắng cho tới năm 2020 và ông đã đồng ý. Tuy vậy, các nguồn tin cả trong và ngoài Nhà Trắng đều xác nhận ông Kelly có thể rời đi bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, tương lai của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cũng có thể thay đổi sau khi Tổng thống Trump từng nói trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 9 rằng ông Mattis “có phần theo đảng Dân chủ”. Ông chủ Nhà Trắng nói rằng ông không rõ bộ trưởng Mattis sẽ ở lại trong chính quyền bao lâu.
“Ông ấy có thể ra đi. Ý tôi là ở thời điểm nào đó, mọi người đều ra đi. Thế mới là Washington”, Tổng thống Mỹ nói.
Kristjen Nielsen
Bộ trưởng Kirstjen Nielsen (Ảnh: AFP)
Tổng thống Trump từng giận dữ thể hiện sự thất vọng của ông với cách xử lý của bà Nielsen trong vấn đề an ninh biên giới tại các cuộc họp ở Nhà Trắng. Ông Trump cho rằng trên cương vị bộ trưởng An ninh Nội địa, bà Nielsen chưa giúp ông thực hiện đúng những cam kết tranh cử trước đây về việc kiểm soát tình trạng nhập cư trái phép vào Mỹ.
Bà Nielsen được xem là “học trò” của Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly. Bà Nielsen từng là chánh văn phòng khi ông Kelly giữ chức bộ trưởng An ninh Nội địa và sau khi ông Kelly được chỉ định chức vụ mới, bà Nielsen đã lên nắm quyền thay.
Ông Kelly từng bảo vệ bà Nielsen khi bà bị chỉ trích vì không giải quyết tốt vấn đề nhập cư. Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ nếu ông Kelly rời khỏi nội các của Tổng thống Trump, bà Nielsen cũng sẽ rời đi.
Sự im lặng
Những người thân quen với Nhà Trắng nói rằng phụng sự cho nội các của Tổng thống Trump giống như bước qua trường bắn. Hãy giữ cho đầu luôn cúi thấp và tránh thu hút sự chú ý của tổng thống vì điều này sẽ có lợi hơn việc để lọt vào “tầm ngắm” của ông chủ Nhà Trắng.
Cách làm trên đã phát huy hiệu quả với nhiều quan chức tại Nhà Trắng, những gương mặt thầm lặng luôn tận tụy làm các công việc của mình mà không gây ồn ào hay thu hút sự chú ý của tổng thống. Một số cái tên có thể kể đến là Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry, Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue hay Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao.
Một số gương mặt khác dự kiến sẽ nằm ngoài danh sách “thay máu” của Tổng thống Trump, trong đó có Bộ trưởng Phát triển Nhà ở và Đô thị Ben Carson – người luôn cố gắng tránh xa tầm chú ý của ông Trump và giữ quan hệ tốt đẹp với tổng thống. Ngoài ra, Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos cũng là một cái tên không quá nổi bật và có thể sẽ giữ nguyên vị trí trong thời gian tới.
Một thành viên nội các được cho là sẽ không bao giờ rời đi là cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA), Ngoại trưởng Mike Pompeo. Một nguồn tin cho biết ông Pompeo đã trở thành “cánh tay phải” của Tổng thống Trump trong thời gian gần đây.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Chánh văn phòng Nhà Trắng đòi quan chức Trung Quốc xin lỗi dưới cờ Mỹ
Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly không chấp nhận lời xin lỗi của đội an ninh Trung Quốc sau khi một nhân viên đội này va chạm với ông khi tổng thống Mỹ đến Bắc Kinh hồi năm ngoái
Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly đòi quan chức Trung Quốc phải xin lỗi dưới lá cờ Mỹ về vụ đụng độ ở Bắc Kinh năm 2017 AFP
The tờ The Wall Street Journal, cuộc đụng độ xảy ra trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 11.2017. Khi phái đoàn Mỹ đến thăm Đại lễ đường Nhân dân, một nhân viên an ninh Trung Quốc đã có hành vi tiếp cận một trợ lý cố vấn quân sự mang vali hạt nhân của Mỹ, trong đó chứa thông tin và chỉ dẫn kích hoạt hệ thống tấn công hạt nhân.
Theo quy trình của Nhà Trắng thì cố vấn này và một bác sĩ luôn phải túc trực bên tổng thống. Chánh văn phòng John Kelly khi đó tiến đến và chỉ đạo phái đoàn Mỹ bước tiếp vào trong.
Theo trang Axios, một nhân viên an ninh Trung Quốc đã tóm lấy ông Kelly và bị một nhân viên Mật vụ Mỹ quật ngã. Phía Trung Quốc không chạm được chiếc vali và đội trưởng đội an ninh nước này sau đó cũng lên tiếng xin lỗi về "sự hiểu nhầm".
Theo tờ The Wall Street Journal ngày 12.10, Chánh văn phòng Nhà Trắng đã nói với các quan chức Mỹ rằng ông sẽ không chấp nhận lời xin lỗi trừ khi quan chức Trung Quốc làm điều đó tại thủ đô Washington D.C dưới lá cờ của Mỹ.
Sự việc trên được The Wall Street Journal nêu lên nhằm làm dẫn chứng cho bài viết ngày 12.10, cho rằng Mỹ đang tiến gần đến thời kỳ chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc. Bài viết khẳng định các quan chức chính quyền Mỹ ngày càng có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc vì nước này không còn đóng góp nhiều trong vấn đề CHDCND Triều Tiên trong khi các cuộc đối thoại thương mại Mỹ-Trung gặp bế tắc.
Theo Reuters, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton ngày 12.10 cũng tuyên bố Mỹ sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trong thời gian tới và Bắc Kinh cần "điều chỉnh hành vi" trong các lĩnh vực thương mại, quốc tế, quân sự và chính trị.
Theo TNO
Vì sao Mỹ mơ phong tỏa 'dòng năng lượng Nga'? Giới chuyên gia cho rằng, tuyên bố của Mỹ về việc phong tỏa biển của Nga nhằm chặn đường vận chuyển dầu của Moscow chỉ là một câu chuyện hoang đường. Mỹ để ngỏ phương án phong tỏa các vùng biển Nga Hoa Kỳ mới đây đã tiết lộ khả năng phong tỏa biển của Nga. "Nếu cần thiết, Mỹ có thể tiến...