Ông tây, cô hàng phở và một chuyện tình…
Mike kể với tôi, rằng ông không thích phở của Việt Nam, có chăng chỉ thích thịt bò. Nhưng, có lẽ vì cô chủ quán cuốn hút mà sau đó, chiều tối nào ông cũng ghé qua ăn phở bò hoặc gà…
Cặp đôi hạnh phúc viên mãn Mike – Bình.
Quán phở bên bờ vịnh Hạ Long một đêm đầu năm 2003, Michael W.Crisham (tên thường gọi Mike) – giáo viên tiếng Anh tình nguyện của Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã khiến chị Nguyễn Thị Bình – cô bán hàng phở nghèo đang một nách 3 con phải ngỡ ngàng khi ông trịnh trọng cầu hôn bằng một dòng chữ tiếng Việt hoàn toàn không dấu, viết trên một tờ giấy, rằng “tôi muốn làm chồng em, em đồng ý không?”.
Những tưởng chỉ là sự lãng mạn nhất thời của một người đàn ông xa quê với phụ nữ bản xứ như thường thấy, nhưng hóa ra hơn 10 năm qua, họ đã cùng nhau viết nên một chuyện tình lạ như cổ tích.
Quán phở tình yêu
Mike lúc ấy 52 tuổi, độc thân, người Anh gốc Ireland, làm tình nguyện viên cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long từ năm 2002, lưu trú tại một khách sạn trên phố Bến Đoan bên bờ vịnh Hạ Long. Hồi đó Hạ Long quán xá không nhiều như bây giờ, ông thường vào ăn tối ở quán phở lụp xụp của chị Bình gần đó, một phụ nữ ở tuổi 44. Để nuôi 3 con ăn học sau cuộc hôn nhân tan vỡ, chị làm quần quật từ 14 giờ hôm trước cho đến 2-3 giờ sáng hôm sau, cho đến khi thực khách cuối cùng ra về.
Mike kể với tôi, rằng ông không thích phở của Việt Nam, có chăng chỉ thích thịt bò. Nhưng, có lẽ vì cô chủ quán cuốn hút mà sau đó, chiều tối nào ông cũng ghé qua ăn phở bò hoặc gà. Rồi cũng một phần lớn vì cô chủ quán phở mà sau khi hết thời gian 2 năm làm tình nguyện viên ở Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Mike quyết định ở lại và tìm việc khác.
Thời điểm đó đêm nào ông cũng ngồi rất lâu trong quán chị Bình, vừa ăn vừa nhâm nhi bia và suy tư… Thường rất khuya, ông mới cuốc bộ về khách sạn. Ngồi lâu thành quen thân, nhiều lần ông ra, gặp bữa cơm gia đình, biết ông thích món canh khoai tây, chị Bình mời ông cùng ăn. “Ông không quen các món ăn Việt, nên thỉnh thoảng tôi lại nấu món canh khoai tây mời ông. Ông thường ăn canh thì thôi phở, nhưng vẫn cứ trả tiền bằng bát phở” – chị Bình kể.
“Một năm sau, ông xin… ăn chung với gia đình, nhưng chỉ ăn bữa tối, với mức đóng góp 500.000 đồng/tháng” – vẫn lời chị Bình – “thực đơn là những món ăn đơn giản, gói gọn trong mâm cơm của một gia đình nghèo. Gọi thêm gì bên ngoài, ông móc túi trả tiền thêm món đó. Ông rất sòng phẳng và rõ ràng”.
Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Một hôm, Mike trịnh trọng ngỏ lời cầu hôn chị hàng phở bằng một dòng chữ tiếng Việt hoàn toàn không dấu viết trên một tờ giấy. Phải đánh vần rất lâu và dựa vào suy luận từ nghĩa tình đôi bên đã được ấp ủ từ lâu, cuối cùng chị Bình hiểu dòng chữ trên, mà theo chị, chắc do Mike mò mẫm qua từ điển để ghép thành, có nghĩa là “Tôi muốn làm chồng em, em đồng ý không?”.
Chị Bình không trả lời ngay và tiếp tục giữ im lặng khi ông “đòi” chị câu trả lời một tuần sau đó. Một ngày thứ 7, ông mời chị đi ăn nhà hàng. Ăn xong, ông lại hỏi, rằng đồng ý hay không đồng ý lời cầu hôn của ông thì nói một câu ngắn gọn, không cần giải thích lý do. Chị vẫn không trả lời.
“ Sao chị làm vậy? Có phải chị sợ sự khác biệt về văn hóa?” – tôi hỏi. “Tôi không sợ sự khác biệt về văn hóa. Tâm trạng tôi lúc đó nửa thực, nửa mơ và không hiểu vì sao ông ấy lại sẵn sàng lấy một người phụ nữ đã qua một đời chồng, nghèo khó, lại có đến 3 đứa con. Đây là điều tôi lo lắng nhất, vì sợ không sống chung được với nhau lâu” – chị trả lời.
“Vì sao ông cưới chị Bình? Khi ngỏ lời cầu hôn, ông có lường trước được phản ứng của chị ấy không?” – tôi tò mò hỏi Mike và nhận được câu trả lời rất tinh ranh, khác hẳn với nụ cười đôn hậu của ông: “Lý do tôi cưới Bình thì cũng giống như lý do… cậu lấy vợ cậu thôi”. Chị Bình tiếp lời: “Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều và hỏi, tham khảo ý kiến của gia đình, bạn bè. Mấy hôm sau, sau bữa tối với gia đình tôi, ông ấy lặp lại câu hỏi. Và lần này, tôi… gật đầu”. Họ tổ chức lễ cưới đơn giản trên vịnh Hạ Long vào tháng 6.2003.
Hạnh phúc viên mãn
Sau quyết định “lịch sử” ấy, ông bảo chị đi tìm mua ngôi nhà khác vì không thể ở chung trong một quán phở nhỏ và lụp xụp như thế. Chị ậm ừ vì trong túi chưa bao giờ có dư đến một triệu đồng, mà cũng không thể bảo ông bỏ tiền ra mua được. Hiểu ý, ông bảo chị cứ đi tìm nhà, ông lo chuyện tiền bởi “đã là vợ chồng thì có gì phải ngại”.
Video đang HOT
Căn nhà đầu tiên ở trung tâm thành phố chỉ có 19m2, 1 tầng, 1 gác xép, không đủ chỗ cho sinh hoạt, nên ban ngày ông ở với chị, đến tối lóc cóc đạp xe về khách sạn. Ông lại giục chị tìm mua nhà khác rộng hơn vì ngoài vợ chồng, còn có ba con của vợ, “mà sau này còn thêm các cháu nội ngoại nữa chứ”.
Ngôi nhà thứ hai khang trang, rộng rãi hiện vợ chồng chị đang ở tại tổ 1C, khu 6A, phường Hồng Hải, TP.Hạ Long có giá 525 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian đầu, chưa kịp làm giấy kết hôn, nên ban ngày ông về nhà với vợ, tối phải đến trường dân tộc nội trú – nơi ông dạy tiếng Anh – để ngủ.
Thời điểm đó, Mike không được phép đứng tên chủ ngôi nhà, nên khi làm giấy sang tên đổi chủ, cán bộ địa chính phường mời ông lên và khéo léo nói rằng ông viết cam kết sau này có chuyện gì thì không được tranh chấp tài sản. Chị ngại quá vì tiền mua nhà là của ông; cán bộ địa chính cũng biết điều đó, nhưng lường trước những phức tạp sau này nên đành làm vậy. Nhưng Mike lại dửng dưng: “Vợ tôi đứng tên thì có sao đâu?”.
Sau khi lấy Mike, chị Bình bán phở thêm một thời gian ngắn nữa rồi nghỉ hẳn do “quán phở tình yêu” bị giải phóng mặt bằng để xây các công trình lớn của thành phố, và quan trọng hơn, ông không muốn chị vất vả. Với ba đứa con của chị (khi đó một học lớp 12, một học lớp 7, một học lớp 3), ông luôn động viên, khuyến khích phải học tiếp.
“Mike chu đáo chăm lo cho mấy đứa nhà tôi. Tiền ăn học toàn ông lo. Thậm chí, sau này lấy vợ, gả chồng cho cả 3 đứa cũng một tay ông làm. Ông bỏ tiền tổ chức đám cưới, tiền mừng ông cũng cho chúng nó luôn để làm vốn. Ba đứa con tôi trưởng thành như bây giờ có công rất lớn của Mike” – chị Bình nói, giọng đầy ngưỡng mộ và biết ơn người chồng ngoại quốc của mình.
Giờ chỉ có Mike và chị ở ngôi nhà tổ 1C, khu 6A, phường Hồng Hải, TP.Hạ Long. Ba người con của chị sống và làm việc ở nơi khác, cùng 5 đứa cháu nội – ngoại. Vài ba năm một lần, ông lại dẫn vợ về Anh và Ireland thăm họ hàng và bạn bè ở Anh. Bố mẹ ông đã mất cách đây nhiều năm.
Chị vẫn gắn bó với nghề nấu ăn, đơn giản vì nghiên cứu các món ăn tây cho chồng do ông vẫn chưa quen với các món ăn Việt. “Vợ tôi nấu món tây cũng ngon lắm. Xem dạy nấu ăn trên T.V, thử vài ba lần là cô ấy nấu thành công” – Mike khen vợ. Chiều chiều, chị đi tập thể dục thẩm mỹ, hoặc tập luyện cùng đội văn nghệ phường. “Cô ấy hát hay và khiêu vũ cũng giỏi. Thỉnh thoảng giành giải nhất ở các cuộc thi văn nghệ đấy” – Mike khoe.
Với Mike, sau khi hết hợp đồng 5 năm làm việc cho Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, gần đây ông làm hiệu đính tiếng Anh cho Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Ninh và dạy tiếng Anh trình độ nâng cao tại nhà. Mỗi ngày, ông vẫn dành khoảng thời gian nhất định để học tiếng Việt. Nên giờ, theo chị Bình, tiếng Việt của Mike khá hơn tiếng Anh của chị nhiều.
Tuy nhiên, hai vợ chồng chị thường nói chuyện với nhau bằng cả 2 thứ tiếng thì mới hết được câu chuyện. Dẫu vậy, mỗi khi bàn về việc gì hệ trọng của gia đình đôi bên, hai vợ chồng chị đều viết ra giấy – như cái cách mà ngày nào Mike cầu hôn chị. “Thật ra là để không hiểu sai ý của nhau, chứ ông là người sống vì mọi người, miễn là vợ con vui thì ông đều đồng ý hết” – chị Bình giải thích.
Thấm thoắt đã gần 15 năm kể từ ngày Mike sang làm tình nguyện viên ở đất mỏ Quảng Ninh. Mike bảo ngày rời quê hương đến Việt Nam, ông không nghĩ một ngày nào đó, đôi chân từng đi khắp nơi trên thế giới sẽ chọn nơi đây là bến đậu. Còn với chị Bình, dù đã sống với nhau hơn 10 năm, nhưng giờ nghĩ lại, nhiều khi chị vẫn có cảm giác như một giấc mơ, vì có người chồng sống tình nghĩa, giản dị, cùng con đàn, cháu đống thành đạt, mạnh khỏe.
Bạn tôi – một người Việt Nam – hàng xóm của chị Bình lúc nào cũng xuýt xoa, ngưỡng mộ về tổ ấm hạnh phúc của chị, nhất là trong cách lo toan, chăm sóc vợ, gia đình vợ, cũng như trong cách ứng xử với hàng xóm láng giềng của Mike. Ai bảo đàn ông phương Tây chỉ biết sống cho riêng mình?
Theo Nguyễn Hùng
Lao động
Không sống hèn, sống nhục và sự thật lịch sử
- Muốn có thể sống khí phách, cương trường bảo vệ non sông bờ cõi, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc, con người phải thực sự yêu, gắn bó với lịch sử cha ông.
Người viết bài thực sự rưng rưng khi đọc lá thư của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó CT nước viết gửi bè bạn quốc tế, đăng trên TS ngày 04/6. Đằng sau những câu chữ chọn lọc, khúc triết của nữ chính khách từng trải qua những ngọt bùi trên bàn đàm phán 04 bên tại Hội nghị Paris hơn 40 năm trước đây, quá hiểu cái giá của chiến tranh, cái giá của hòa bình, quá hiểu khát vọng độc lập, tự do dân tộc của người dân Việt, là con tim chân thành, đau đớn của một người phụ nữ, trước chủ quyền đất nước đang bị khiêu khích trắng trợn:
"Nhìn thấy hình ảnh các tàu TQ đông đảo, to lớn lao vào các tàu chấp pháp của VN nhỏ hơn để tấn công gây thương tích, tôi thấy nhói trong tim. Cái gì sẽ diễn ra tiếp?
Phía TQ lại đổ lỗi việc đang xảy ra là do VN khiêu khích. Ai có thể tin một nước VN dân số bằng 1/15 của TQ, thu nhập GDP nhỏ hơn TQ 50 - 60 lần, đang cố gắng vượt qua tình trạng một nước nghèo, chậm phát triển lại có thể khiêu khích TQ? "
Không riêng gì bà Nguyễn Thị Bình, bất cứ người dân Việt nào có lòng yêu nước đều nhói tim khi nhìn những hình ảnh ngông cuồng và hung hăng vô lối ấy. Người viết bài đã không kiềm chế nổi lòng mình, không cầm được nước mắt: Nước đau, tim đau biết mấy (*)
Cũng vì thế, những ngày này, lòng yêu nước, nỗi niềm của một dân tộc bị xâm lấn chủ quyền độc lập đã khiến các đại biểu QH tại kỳ họp QH khóa XIII bày tỏ mạnh mẽ ý chí, tấm lòng mình trước nghị trường, đồng cảm với sự bức xúc và phẫn nộ của nhân dân. Người viết xin được trích phát ngôn ấn tượng của ĐB Lê Nam (Thanh Hóa):
Dứt khoát bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, dứt khoát không chịu hèn chịu nhục!
Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa, ông Lê Nam. Ảnh: Ngọc Thắng
Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa, ông Lê Nam. Ảnh: Ngọc Thắng
Liệu có thể coi đó như tuyên ngôn sống của dân tộc VN ở thời khắc đau xót nhưng đầy quyết liệt trước vận mệnh sinh tử quốc gia?
Chia sẻ những lo toan cho biển đảo, ĐB Đỗ Văn Đương kiến nghị Chính phủ cần có chính sách thắt lưng buộc bụng. Ông tự làm gương với lời hứa chân thành trước QH, đến hết nhiệm kỳ, nếu trời để sống, tôi dứt khoát không đi nước ngoài.
Lời hứa của ĐB Đỗ Văn Đương liệu có thể biến thành lời hứa và việc làm của rất nhiều đại biểu QH khác, của các cơ quan công quyền Nhà nước trong thời cuộc đất nước cần không chỉ dũng khí, mà rất cần cả tấm lòng, lẫn ý thức trách nhiệm chung. Nếu biết rằng bài báo của VnExpress, ngày 02/6 mới đây cho biết, tại một phiên họp trực tuyến với các địa phương, người đứng đầu CP đã phải cảnh báo việc nhiều chuyến công tác nước ngoài của cán bộ Nhà nước chi phí nhiều, không hiệu quả.
Tỷ như, năm 2012 có 3.780 đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài, năm 2013, dù có giảm vẫn có hơn 3.200 đoàn. Tính ra mỗi ngày, hơn 08 đoàn đi nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Hiệu quả của những chuyến "cậu, mợ nó đi Tây" thế nào, mà người đứng đầu CP thấy "xấu hổ khi có quá nhiều đoàn VN sang nước bạn công tác nhưng trùng lặp nội dung nghiên cứu, trao đổi, gây tốn kém và lãng phí ngân sách".
Xã hội ta dễ dàng lên án quyết liệt quốc nạn tham nhũng, vì đó là tội ác. Nhưng dường như lại dễ thỏa hiệp với tệ nạn lãng phí. Bởi lãng phí thời gian, lãng phí tiền chùa nó không có hình hài của tội lỗi.
Dấu hiệu tích cực nhất trong những ngày đầu tiên của Kỳ họp QH chính là quyết định đúng đắn, kịp thờiQH dự kiến dành 16.000 tỉ đồng cân đối ngân sách năm 2013 để chi hỗ trợ cảnh sát biển, hỗ trợ các ngư dân luôn đủ sức hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, góp sức bảo vệ chủ quyền, biển đảo. Sự dấn thân của họ ngoài biển đảo đang rất cần sự "chia lửa" trong đất liền, cho họ đủ sức mạnh, chí khí và cả sự bình an tinh thần. Song con số 16000 tỷ đó, theo nhiều đại biểu, vẫn là chưa đủ. Đại biểu Trần Du Lịch còn đề nghị làm mạnh mẽ vấn đề quản lý tài chính công, từng bị các cử tri phản ánh.
Ảnh: Kiên Trung
Quan trọng hơn cả, lòng yêu nước, ý chí bảo vệ chủ quyền dân tộc ở thời khắc đầy thách thức này, liệu có biến thành trí khôn xây dựng và phát triển nội lực kinh tế- xã hội đất nước khi Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng đặt câu hỏi trước nghị trường:
Tôi không hiểu sao 90% dự án nguồn điện, 80% dự án giao thông các nhà thầu TQ đều trúng thầu. Rồi thì sau đó xảy ra tình trạng tiến độ chậm, chất lượng không đảm bảo, tăng giá thành, đặc biệt là không sử dụng nhân công VN? Và câu tự trả lời của ông mang ý nghĩa thực chất đến đắng lòng: Đây là bài học cho những ai còn mơ hồ về 16 chữ vàng, về 04 tốt! (Lao động, ngày 02/6)
Không ai phủ nhận, sự giao lưu kinh tế giữa các quốc gia là điều bình thường, nhưng bi kịch sẽ đến với quốc gia nào, mà sự chọn lựa cả công nghệ, lẫn nguyên liệu, nhân công rẻ mạt đi kèm với chất lượng công trình thấp. Ở góc độ kinh tế, đó là sự đầu tư giá... đắt. "Bi kịch" này đã diễn ra khá lâu với kinh tế nước Việt, liệu đến bao giờ sẽ được... mở nút?
Đáng chú ý, ý kiến của ông Mai Thanh Hải - nguyên Phó Tổng GĐ Cty Liên doanh Cáp điện VinaDaesung, Phó CT Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, trước hết cần phải sửa Luật Đấu thầu theo hướng loại bỏ những gói thầu chất lượng tồi, không làm lợi, thậm chí gây tổn hại đến kinh tế - xã hội của VN.
Bài toán "hóc búa"- xây dựng nội lực kinh tế nước Việt chưa thể có lời giải, chừng nào nước Việt không quyết liệt dấn thân trong cuộc trường chinh "lột xác". Đó là cải cách thể chế kinh tế, mà nòng cốt là tái cơ cấu kinh tế, gắn với tiếp tục đa phương hóa các nguồn vốn FDI. Là diệt trừ giặc tham nhũng. Là CP có chính sách thắt lưng buộc bụng, thức tỉnh lòng yêu nước toàn xã hội, và đi đầu gương mẫu phải là các quan chức, cán bộ, đảng viên, động viên toàn xã hội ưu tiên dùng hàng VN.
Sự không chịu sống hèn, sống nhục, trước hết, là cần đấu tranh đến cùng tệ tham nhũng, biết đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, và biết "ưu tiên dùng hàng Việt".
Muốn có thể sống khí phách, cương trường bảo vệ non sông bờ cõi, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc, con người phải thực sự yêu, gắn bó với lịch sử cha ông.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có câu thơ giản dị, thấm thía: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Không tường gốc tích, không hiểu gốc tích, thì tình yêu đó liệu có đủ sức nặng khiến con người biết yêu nước sâu sắc, và khi cần - biết dấn thân?
Từ góc nhìn đó, người viết có phần chạnh lòng với câu chuyện học sinh "chê" môn sử trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học năm nay.
Hội đồng thi môn sử chỉ có duy nhất một thí sinh. Ảnh: Văn Chung
Chính vì số học sinh chọn thi môn Sử ít ỏi, dẫn đến sự bi hài và lãng phí sức người, sức của: có những hội đồng thi có tới 19 cán bộ, thậm chí có hội đồng thi có tới 59 người đủ các thành phần phục vụ 01 thí sinh thi Sử.
Đã đành, Sử là môn thi tự chọn, luật thi không bắt buộc, thì tùy ý chọn của người thi. Nhưng đặt cái tỷ lệ phần trăm chọn thi sử ít ỏi đó trong dòng chảy của những câu chuyện cũ về môn học này và vào đúng bối cảnh hiện nay, thì có lẽ khó coi đó là chuyện bình thường?
Nguyên nhân cốt lõi của sự thờ ơ này sẽ còn là một câu chuyện dài, mà giữa lúc đất nước đang dốc toàn lực cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, hãy chưa vội bàn đến. Nhưng trước hết, những người lớn có trách nhiệm cần đặt vấn đề, làm thế nào qua môn Sử có thể khích lệ, củng cố lòng yêu nước, hiểu thêm về dân tộc.
Bởi, lịch sử, sự thật và sử học là ba phạm trù liên quan chặt chẽ với nhau. Mà ở đó, sự thật càng được tôn trọng bao nhiêu, thì tính hấp dẫn, tính giáo dục nhân cách càng cao bấy nhiêu, với người lớn, và với cả trẻ em. Bởi sự thật lịch sử một dân tộc có bi thương, hào hùng, có những trang sử rạng rỡ, nhưng hẳn cũng có những trang sử u ám, buồn đau, những tổn thương, mất mát. Như số phận một con người trên hành trình của đời sống vậy.
Và hôm nay, vào những thời khắc nguy biến, trước hiểm họa xâm lấn chủ quyền dân tộc, ngành giáo dục, những nhà viết Sử, những nhà giáo, sẽ dạy cho con trẻ chúng ta học môn Sử ra sao, để biết sống khí phách, cương trường, để có thể làm chủ tương lai, vận mệnh của đất nước?
Kỳ Duyên
Theo Vietbao
"Nhìn tàu TQ, tôi thấy nhói trong tim" Nhìn các tàu TQ đông đảo, to lớn lao vào các tàu chấp pháp của VN nhỏ hơn để tấn công gây thương tích, tôi thấy nhói trong tim. Cái gì sẽ diễn ra tiếp? - nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vừa biên thư gửi bạn bè của bà trên khắp thế giới để nói về việc TQ xâm phạm...