Ông Tập tham vọng đưa Trung Quốc vượt mặt phương Tây
Sau khi tuyên bố chiến thắng Covid-19, ông Tập được cho là muốn duy trì đà trỗi dậy của Trung Quốc, khi phương Tây vẫn lao đao vì đại dịch.
Gần 3.000 đại biểu quốc hội đang tập trung tại Bắc Kinh để xem xét một bản kế hoạch kinh tế mới, hay còn gọi là kế hoạch 5 năm lần thứ 14, cùng những phương hướng sẽ giúp định hình mô hình phát triển của Trung Quốc trong 15 năm tiếp theo. Kỳ họp quốc hội lần này được đánh giá vô cùng quan trọng, khi diễn ra ngay trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7.
Nis Grunberg, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, Đức, đánh giá các sự kiện chính trị của Bắc Kinh năm nay sẽ nhằm chứng minh “sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc là một mô hình quản trị thành công, có thể vượt qua khó khăn và thực hiện các cam kết”, đối lập với sự hỗn loạn rõ rệt ở phương Tây giữa Covid-19.
“Giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng họ đã chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với phương Tây”, chuyên gia nói thêm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên khai mạc kỳ họp quốc hội tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hôm nay. Ảnh: AFP .
Giới chức Trung Quốc gần đây tích cực truyền đi thông điệp từ Chủ tịch Tập Cận Bình về một Trung Quốc đang trên đà đi lên, vượt qua được các thách thức toàn cầu vốn đang gieo hỗn loạn ở những nơi khác trên thế giới.
“Phương Đông trỗi dậy và phương Tây thoái trào là một xu hướng. Những diễn biến trong tình hình quốc tế đang có lợi cho chúng tôi”, Trần Nhất Tân, quan chức cấp cao thân cận với ông Tập, phát biểu tại một cuộc họp hồi tháng 1, nhằm phổ biến tầm nhìn của Chủ tịch Trung Quốc về sự phát triển lâu dài của Trung Quốc.
Video đang HOT
Bình luận viên Chris Buckley của NYTimes chỉ ra rằng nhiều năm qua, ông Tập và các quan chức cấp cao thỉnh thoảng đưa ra những phát ngôn đặt phương Đông vào thế đối đầu với phương Tây. Tuy nhiên, quan điểm này gần đây xuất hiện dày đặc hơn, dường như cho thấy sự tự tin đang bao trùm chính phủ Trung Quốc.
Trên thực tế, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng dương vào năm ngoái, sau khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt giúp nước này kiềm chế Covid-19 thành công. Trong khi đó, sức mạnh kinh tế đóng vai trò rất quan trọng với việc duy trì sự tự tin. Theo các cố vấn chính phủ Trung Quốc, mức tăng trưởng trung bình có thể đạt 5% hoặc cao hơn trong 5 năm tới, nếu tình hình thuận lợi.
Nỗ lực xây dựng hình ảnh “vượt khó” của Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục được tiến hành trong phiên họp quốc hội khai mạc từ hôm nay, khi ông Tập chuyển hướng từ mục tiêu xóa đói giảm nghèo sang xây dựng một quốc gia hiện đại, hùng mạnh vào năm 2035.
Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá quá trình phục hồi của Trung Quốc vẫn còn mong manh trên một số lĩnh vực, bao gồm chi tiêu tiêu dùng. Các nhà quản lý cũng ngày càng lo lắng hơn về giá bất động sản tăng tới mức không bền vững.
Về lâu dài, tỷ lệ sinh giảm và lực lượng lao động bị thu hẹp, kết hợp với năng suất giảm, dẫn đến cảnh báo từ các nhà kinh tế học về quỹ đạo tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế quy mô lớn thứ hai thế giới, nhưng chỉ ngang bằng Mexico và Malaysia về GDP bình quân đầu người. Dân số già hơn còn đặt ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các quỹ hưu trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những khoản gửi tích lũy.
Đà tăng trưởng còn có thể bị cản trở do những cam kết của ông Tập về biến đổi khí hậu. Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố năm 2060 sẽ đạt được mức phát thải CO2 bằng 0, mục tiêu được đánh giá là khá tham vọng và có khả năng gây áp lực lên những địa phương nghèo hơn, phụ thuộc nhiều vào than đá của Trung Quốc.
Ngoài những thách thức về kinh tế, ông Tập được cho là vẫn giữ tâm thế cẩn thận trước Mỹ trong cuộc cạnh tranh với phương Tây. “Nguồn cơn lớn nhất của sự hỗn loạn trên thế giới hiện nay là Mỹ. Họ là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển và an ninh đất nước”, một quan chức dẫn lời ông Tập nói trong một phát biểu.
Việc chính quyền cựu tổng thống Donald Trump ngăn các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ dường như là “hồi chuông cảnh tỉnh” với giới hoạch định chính sách nước này. Họ nhìn nhận Mỹ là “chướng ngại vật” trên con đường phát triển, bất kể ai là ông chủ Nhà Trắng, đồng thời đánh giá Washington sẽ tiếp tục gây khó khăn cho Bắc Kinh trong tương lai.
“Sự ngăn chặn và chèn ép từ Mỹ là mối đe dọa nghiêm trọng. Đây vừa là cuộc đụng độ khó lường, vừa là cuộc chiến kéo dài”, Trần Nhất Tân cho biết.
Theo bình luận viên Buckley, cách tiếp cận của ông Tập cho thấy Chủ tịch Trung Quốc đang tìm cách cân bằng giữa sự tự tin và thận trọng khi đất nước vươn lên giữa lúc các quốc gia khác tiếp tục vật lộn vì đại dịch. Ông dự kiến công bố kế hoạch dài hạn giúp định hướng cho Trung Quốc trong môi trường toàn cầu mới hiện nay tại phiên họp quốc hội sẽ kéo dài khoảng một tuần.
Theo Trần Nhất Tân, bất chấp sự mất cân bằng kinh tế trong nước và nỗ lực kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, cơ hội để Trung Quốc trỗi dậy nhìn chung vẫn nhiều hơn thách thức. Sự tự tin đó cũng được thể hiện rõ nét trên truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây.
Một ngày sau khi ông Tập tuyên bố “thắng lợi hoàn toàn” trong cuộc chiến chống đói nghèo tại lễ trao giải được truyền hình trực tiếp tháng trước, People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, dành gần như toàn bộ trang nhất đăng phát biểu của ông. Nổi bật trên đó là hình ảnh Chủ tịch Tập, xung quanh là khoảng 200 người cầm trên tay bằng khen vì thành tích xóa đói giảm nghèo.
Bị phương Tây thờ ơ, Mỹ Latinh tìm kiếm vaccine từ Nga
Khi Bolivia chật vật trong quá trình đàm phán mua vaccine ngừa COVID-19 với các công ty dược phẩm phương Tây, Tổng thống Luis Arce đã ngỏ ý nhờ Nga giúp đỡ.
Tổng thống Bolivia Luis Arce chứng kiến nhân viên y tế nhận mũi vaccine Sputnik V của Nga tại bệnh viện del Norte in El Alto. Ảnh: Reuters
"Đó thực sự là một nhiệm vụ đầy khó khăn", Bộ trưởng Thương mại Bolivia Benjamin Blanco miêu tả về nhiệm vụ thu mua vaccine khi quốc gia có 11,5 triệu dân số này ghi nhận tới trên 11.600 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi các nhà sản xuất vaccine phương Tây nói rằng "những quốc gia đang phát triển như Bolivia phải đợi đến tháng 6 mới có hàng" thì Nga đã biến chương trình tiêm chủng thành hiện thực.
Theo hãng tin Reuters, sự phụ thuộc của Bolivia vào Moskva đã phần nào phản ánh cách mà các chính phủ trong khu vực chuyển sang sử dụng vaccine Sputnik V của Nga trong bối cảnh lo ngại bị tụt lại trong cuộc chiến tranh giành vaccine toàn cầu. Trong khi nhiều quốc gia phát triển giàu có hơn dễ dàng ký được các thỏa thuận với các nhà sản xuất thuốc lớn như Pfizer và AstraZeneca, các nước ở Mỹ Latinh lại gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine đầy đủ.
Đối với Nga, sự chấp nhận sử dụng Sputnik V ở Mỹ Latinh càng tạo thêm uy tín cho loại vaccine này, do trước đó vấp phải sự hoài nghi ban đầu vì phát triển quá nhanh. Điều này cũng tạo cho Moskva cơ hội gây dựng vị thế trong khu vực giàu tài nguyên vào thời điểm mà vaccine COVID-19 đang trở thành công cụ cho quyền lực mềm.
Lô vaccine Spuntik V tới sân bay quốc tế Ministro Pistarini (Argentina) ngày 16/1. Ảnh: Getty Images
So sánh với những thách thức trong quá trình đàm phán với các nhà sản xuất vaccine đa quốc gia, giới chức tại ba nước Mỹ Latinh cho biết giao dịch với nhà sản xuất Sputnik V dễ dàng hơn rất nhiều, với điều khoản hợp đồng ít rắc rối hơn và mức giá hấp dẫn hơn.
Sau khi Tổng thống Arce nhậm chức vào đầu tháng 11, Chính phủ Bolivia đã tiến hành các cuộc đàm phán để đặt hàng vaccine AstraZeneca. Bộ trưởng Blanco miêu tả những cuộc đàm phán này đầy "khó khăn" và "căng thẳng". Các cuộc đàm phán do Viện Huyết thanh Ấn Độ, là nhà sản xuất vaccine AstraZeneca, dẫn đầu. Vào tháng 1, Bolivia ký một thỏa thuận với Viện Huyết thanh Ấn Độ với số lượng 5 triệu liều, song phải chờ đến tháng 4 mới được nhận hàng hàng. Trong khi đó, quốc gia Mỹ Latinh này cũng không thể đàm phán với Pfizer vì thiếu cơ sở hạ tầng để bảo quản vaccine ở nhiệt độ thấp theo yêu cầu.
Bộ trưởng Blanco chỉ ra sự khác biệt chính trong việc giao dịch với Nga so với những nhà sản xuất vaccine khác là họ cam kết chấp nhận trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ vấn đề nào. Bên cạnh đó, mức giá vaccine cũng ưu đãi hơn do Nga đề nghị bán vaccine ngừa COVID-19 với giá chỉ 10 USD/liều, trong khi các hãng dược phẩm như Pfizer đang bán cho các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Mỹ với giá 19 USD/liều.
Tuy nhiên, ký kết hợp đồng vaccine với Nga là một canh bạc lớn đối với các quốc gia Mỹ Latinh vì không phải không có rủi ro. Mặc dù được nhiều nghiên cứu và kết quả thử nghiệm lâm sàng chỉ ra vaccine ngừa COVID-19 của Nga có hiệu quả lên tới 91,6% song vẫn chưa rõ Sputnik V có hiệu quả như thế nào trước các biến thể virus SARS-CoV-2 mới, bao gồm một biến thể nguy hiểm đang lây lan mạnh ở Brazil.
Về phần mình, phái viên giao dịch thương mại của Nga tại Bolivia ông Iakov Fedorov khẳng định thỏa thuận vaccine giữa hai nước không mang tính "chính trị" và chính phủ Nga "luôn sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ" Bolivia. Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) đã thống nhất cung cấp 5,2 triệu liều Sputnik V cho Bolivia, đủ hai mũi tiêm 2,6 triệu người dân nước này. Tính đến thời điểm hiện tại, Bolivia cho biết họ đã nhận được 20.000 liều vaccine.
Không chỉ có Bolivia, RDIF thông báo đã đạt được thỏa thuận cung cấp vaccine cho ít nhất quốc gia Mỹ Latinh với trên 60 triệu liều. Các quốc gia khác trong khu vực cũng đang để mắt tới Sputnik V.
RDIF cho biết họ đã đạt được hợp đồng cam kết cung cấp vaccine cho trên 500 triệu người trong năm nay. Mới đây nhất, Nga thông báo cấp 300 triệu liều Sputnik V cho các nước châu Phi cùng với một gói tài chính cho các quốc gia đảm bảo tiêm chủng.
Báo Nhật Bản: Tokyo có thể ngừng viện trợ phát triển mới cho Myanmar Nhật Bản đang hoàn tất các kế hoạch để dừng viện trợ phát triển mới cho Myanmar, trước tình hình các đồng minh phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt liên quan đến bất ổn chính trị hiện nay tại quốc gia Đông Nam Á này. Cảnh sát Myanmar canh gác trước trụ sở tòa thị chính thành phố Yangon và chùa Sule....