Ông Putin và nỗ lực trấn áp oligarch: Berezovsky vỡ giấc mộng
Nói đến oligarch (nhóm thiểu số thao túng) Nga, người ta chẳng thể không nhắc đến nhà tài phiệt Boris Berezovsky, hiện đang tị nạn tại Anh.
Tỉ phú Boris Abramovich Berezovsky (66 tuổi) là một trong các oligarch khét tiếng nhất tại Nga. Ông nhận bằng tiến sĩ vật lý và toán học trước khi bước vào kinh doanh khoảng giữa thập niên 1980 bằng lĩnh vực nhập khẩu và phân phối. Suốt thập niên 1990, tỉ phú này đẩy mạnh đầu tư vào các công ty thuộc nhiều lĩnh vực như: hãng hàng không Nga Aeroflot, hãng sản xuất xe hơi Avtovaz, mạng truyền hình ORT, hãng dầu Siberia (Sibneft) và ngành nhôm. Năm 1997, tạp chí Forbes ước tính ông Berezovsky có tài sản trị giá 3 tỉ USD. Tuy nhiên, giống như các oligarch khác, tỉ phú này bị chỉ trích là “ăn trên ngồi trốc”. Thậm chí, nhiều thông tin khẳng định dù phát hiện ông Berezovsky dính đến nhiều vụ biển thủ, gian lận và trốn thuế nhưng không thể truy tố vì sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính giới Nga.
Tỉ phú Berezovsky hiện đang lưu vong ở Anh để tránh án tại Nga – Ảnh: Reuters
Thực tế, ông có quan hệ khá gần gũi Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin và có chân trong nhóm gọi là “gia đình”, vốn thân cận với Điện Kremlin. Nhóm này bao gồm bà Tatyana Dyachenko là con gái ông Yeltsin, hai Chánh văn phòng tổng thống hồi thập niên 1990 là Alexander Voloshin và Valentine Yumashev, Bộ trưởng Tài chính Mikhail Kayanov. Đặc biệt, tỉ phú Berezovsky còn giữ chức Phó thư ký Hội đồng An ninh quốc gia từ năm 1996 -1997. Đến năm 1999, ông giành được một ghế tại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga).
Bước sa cơ
Video đang HOT
Tuy nhiên, mọi thứ nhanh chóng khác đi sau khi ông Vladimir Putin nhậm chức Tổng thống Nga. Oligarch Berezovsky trở thành người Điện Kremlin “quan tâm đặc biệt”. Tổng thống Putin lần lượt bãi nhiệm các quan chức chính phủ được cho là có quan hệ thân thiết với tỉ phú Berezovsky. Đồng thời, một chiến dịch chống oligarch được đề ra nhằm vào Berezovsky và Vladimir Gusinsky, một oligarch khác nắm quyền kiểm soát mạnh mẽ đối với truyền thông nước này.
Ông Putin đã lên án các oligarch và mô tả những tác động tiêu cực của họ đối với các vấn đề nội địa và kinh tế, trong bài phát biểu Thông điệp quốc gia vào tháng 7.2000. Cũng trong bài diễn văn này, ông đưa ra những bình luận mà nhiều người cho là gián tiếp ám chỉ Berezovsky. Cùng năm, cơ quan công tố Nga tiến hành một loạt cuộc điều tra mới và mở lại các cuộc điều tra bị đình hoãn trước đó nhằm vào trùm Berezovsky cùng các công ty liên quan. Khi đó, oligarch này không còn “áo giáp chính trị” như từng có dưới thời Tổng thống Yeltsin. Trong bối cảnh áp lực ngày một tăng cao và nguy cơ bị buộc tội hình sự, Berezovsky trốn khỏi Nga vào năm 2000 và được cấp quy chế tị nạn chính trị tại Anh. Vào năm 2001, tỉ phú Berezovsky bị truy tố tội gian lận và tham nhũng chính trị, nhưng London đã bác đề nghị của Moscow về việc dẫn độ ông.
Đáp lại, oligarch này phản pháo mạnh mẽ nhằm vào Tổng thống Putin. Ông Berezovsky nhiều lần kêu gọi lật đổ “đối thủ”, thậm chí bằng vũ lực nếu cần thiết. Bên cạnh đó, nhà tài phiệt góp phần lớn trong việc thành lập và tài trợ cho các đảng phái đối lập. Đầu năm 2001, ông Berezovsky bị cho là đã bán 49% cổ phần trong mạng truyền hình ORT với giá 80 triệu USD. Cùng năm, ông còn tuyên bố mình vẫn còn giữ phân nửa cổ phần của Sibneft (lớn thứ sáu trong ngành dầu khí Nga) dù công ty này phủ nhận thông tin trên. Từ đó đến nay, Berezovsky vẫn sống lưu vong ở London. Tuy nhiên, tại Nga, oligarch này liên tục bị gọi tên trong các vụ xét xử. Theo RIA – Novosti, vào tháng 11.2007, một tòa án Nga phán xử vắng mặt 6 năm tù dành cho tỉ phủ Berezovsky vì tội biển thủ hàng triệu USD của hãng hàng không Aeroflot trong những năm 1990. Đến tháng 6.2009, Berezovsky bị tuyên phạt thêm 13 năm tù vì biển thủ hàng ngàn xe hơi của Công ty Avtovaz hồi thập niên 1990…
Theo Thanh Niên
Ông Putin và nỗ lực trấn áp oligarch
Sau gần 10 năm, những vấn đề liên quan đến nỗ lực trấn áp oligarch (nhóm thiểu số thao túng) do Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành vẫn chưa kết thúc.
Ngày 21.8, RIA - Novosti đưa tin một tòa án tại thủ đô Moscow, Nga, đang tổ chức phiên tòa liên quan đến tập đoàn dầu khí Yukos. Trước đây, tập đoàn này được lãnh đạo bởi tỉ phú Mikhail Khodorkovsky, một trong những oligarch lừng danh nhất nước Nga. Vốn dĩ, hỗn danh oligarch được dùng để đại diện cho nhóm thiểu số thao túng, từng là các tỉ phú đình đám trỗi dậy tại nước này sau những biến cố chính trị cách đây khoảng 20 năm. RIA - Novosti dẫn lời giới phân tích nhận định "trùm" Khodorkovsky có thể sẽ phải đối mặt những cáo buộc mới nên việc ông rời khỏi song sắt trại giam ngày càng xa hơn.
Nếu như thế, các đại gia giàu lên trong quá trình tư hữu hóa đầy tranh cãi tại Nga thời những năm 1990 đừng nên nghĩ rằng mọi chuyện đã rơi vào quên lãng. Hồi tháng 2, ngay trước thềm bầu cử tổng thống, ông Putin từng nhắc nhở những người giàu trên cần thanh toán các "lợi lộc trời cho" để hợp pháp hóa nguồn tài sản. Tờ The Wall Street Journal dẫn lời ông nói: "Chúng ta cần sang trang trong giai đoạn này". Cũng vào thời điểm trước thềm bầu cử, ông Putin tái khẳng định rằng việc các oligarch thâu tóm tài sản nhà nước là "không công bằng". Như vậy, nỗ lực trấn áp oligarch vẫn đang được xem như chính sách để Tổng thống Putin thu hút sự ủng hộ của dân chúng Nga. Đây là điều mà ông Putin theo đuổi suốt 10 năm qua và tỉ phú Khodorkovsky được xem như người "dính đòn" nặng nhất.
Tỉ phú Khodorkovsky ở tù sau khi Tổng thống Putin trấn áp oligarch - Ảnh: Economiafinanzas.com/ N-tv.de
Hồi kết của một ông trùm
Lúc 5 giờ sáng 25.10.2003, một chiếc chuyên cơ cá nhân Tupolev 154 hạ cánh tại sân bay đang bị đóng băng dày đặc tại thành phố Novosibirsk, thuộc vùng Siberia của Nga, để nạp nhiên liệu. Khi chiếc máy bay vừa đáp xuống, hơn 10 nhân viên của Cục An ninh liên bang Nga (FSB) được trang bị vũ khí tận răng bất ngờ ập đến chĩa súng vào tỉ phú Khodorkovsky rồi hô lớn: "Chúng tôi là FSB, giơ tay lên đầu nếu không chúng tôi sẽ bắn". Trùm Khodorkovsky, khi đó đang là người giàu nhất nước Nga, hiểu rằng mình đã bị "chiếu tướng" bởi Điện Kremlin, theo tờ The Telegraph. Theo nhiều nhận định, đây là cái giá cho việc ông trùm quá tự tin vào ảnh hưởng của mình đối với giới chính trị. Vì thế, kết quả trên là điều tất yếu đối với tỉ phú Khodorkovsky. Báo The Telegraph dẫn lời chiến lược gia Eric Kraus, thuộc Ngân hàng Đầu tư Sovlink Securities, nói: "Khodorkovsky mang hội chứng của một ngôi sao nhạc rock. Dường như ông ta nghĩ rằng mình có thể mua sự điều khiển của Duma quốc gia (Hạ viện Nga - NV)". Sau khi bị bắt, tỉ phú Khodorkovsky đối mặt với hàng loạt cáo buộc về gian lận trong kinh doanh, trốn thuế với tổng giá trị lên đến khoảng 1 tỉ USD. Ngoài ra, ông trùm này còn bị truy tố vì thâu tóm trái phép cổ phần của công ty quốc doanh Apatit hồi năm 1994.
Thực tế, ngay từ sớm, việc giàu lên của các oligarch, mà tiêu biểu là tỉ phú Khodorkovsky, đã hứng chịu không ít chỉ trích từ người dân Nga. Năm 1989, Khodorkovsky, từng là Phó bí thư Đoàn thanh niên của Viện Khoa học kỹ thuật Mendeleev, tham gia thành lập Ngân hàng Menatep. Khi đó, ông giữ chức cố vấn kinh tế cho chính phủ nên Ngân hàng Menatep luôn dồi dào vốn để cung cấp cho các doanh nghiệp giữa lúc nền kinh tế đang thiếu vốn trầm trọng. Nhờ đó, oligarch Khodorkovsky nhanh chóng phất lên. Ngoài ra, thông qua một chương trình cho thuê cổ phần và tài sản của một số tập đoàn quốc doanh trong các lĩnh vực quan trọng, ông từng bước thâu tóm nhiều tài sản nhà nước với giá rẻ mạt, trong đó có Công ty dầu khí Yukos.
Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng việc trấn áp các oligarch như Khodorkovsky là cần thiết để phát triển kinh tế bền vững. Năm 2003, tờ The Telegraph dẫn lời chiến lược gia Chris Weafer, thuộc Ngân hàng Alfa, nhận xét: "Nếu điều này (trấn áp oligarch - NV) kết thúc thuận lợi sẽ tốt hơn cho môi trường đầu tư. Điều đó đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ có thể thúc đẩy cải cách kinh tế bằng cách tạo ra sự tách bạch rõ ràng hơn giữa nhà nước và doanh nghiệp". Trong khi đó, cũng có một số chỉ trích từ phương Tây cho rằng việc trấn áp các oligarch có động cơ chính trị của Điện Kremlin.
Nga chính thức gia nhập WTO
Ngày 22.8, Nga chính thức trở thành nền kinh tế thứ 156 đứng vào hàng ngũ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau khi mọi thủ tục cần thiết đã được hoàn thành từ tháng 7. Theo AFP, trước nay Nga vẫn là nền kinh tế lớn cuối cùng của thế giới đứng ngoài WTO do quá trình thương thảo diễn ra khá gay cấn và kéo dài đến 18 năm. EU, đối tác thương mại lớn nhất của Nga, hôm qua ra tuyên bố viết: "Gia nhập WTO là bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập sâu rộng hơn nữa của Nga vào nền kinh tế thế giới. Sự kiện này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Nga, châu Âu và các đối tác khác".
Theo giới quan sát, Moscow đã phải chấp nhận thay đổi khá đáng kể trong nhiều phương diện đời sống chính trị xã hội, kinh tế, lập pháp để gia nhập WTO và thu hút nhà đầu tư. Những cam kết và các tiêu chí cũng như quy định trong tổ chức sẽ khiến Nga tiếp tục phải thay đổi. Ngược lại, với sức mạnh của nền kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD, Moscow sẽ là một thành viên nặng ký trong tổ chức, có khả năng thể hiện vai trò trong việc thực hiện lẫn thay đổi luật chơi chung.
Theo Thanh Niên
Con đường đi đến siêu giàu của oligarchs Nga: Những bố già chính trị Trong những năm đầu thời hậu Liên Xô, các oligarch đình đám tại Nga đều có ảnh hưởng to lớn đến chính phủ nước này. Không chỉ có mối quan hệ sâu sắc với giới lãnh đạo Nga, các oligarch của nước này còn từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trọng yếu trong bộ máy nhà nước. Kề vai sát cánh Theo BBC,...