Ông Putin thay đổi thế nào sau 20 năm nắm quyền?
Các nhà phân tích chính trị Nga nói về sự thay đổi của ông Putin trong cách nhìn thế giới, quan hệ với phương Tây trong 20 năm cầm quyền.
Ngày 9/8/1999, Tổng thống Boris Yeltsin tuyên bố bãi nhiệm chính phủ của ông Sergei Stepashin, và ông Putin được giao nhiệm vụ thay thế tạm thời. Vai trò ứng viên Thủ tướng được Duma Quốc gia phê chuẩn. Cùng ngày, trong bài phát biểu trên sóng truyền hình, ông Yeltsin gọi ông Putin là người kế nhiệm.
Từ “người mới” đến “ứng viên số một”
Theo ông Sergei Bespalov, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Khoa học Xã hội thuộc RANEPA (Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga), việc bổ nhiệm ông Putin làm quyền Thủ tướng Chính phủ và tuyên bố của ông Yeltsin về người kế nhiệm là một điều hoàn toàn bất ngờ.
“ Ông Putin không phải là người hoàn toàn mới. Trước đó ông là Thư ký Hội đồng An ninh và người đứng đầu của FSB. Đối với ông Yeltsin, người đặc biệt chú ý đến việc duy trì sự cân bằng giữa các cơ quan thực thi pháp luật và các tổ chức quyền lực, để không cho phép bất kỳ lực lượng nào có thể nổi trội hơn hẳn, thì việc ông bổ nhiệm 1 người vào 2 chức vụ cao như vậy cùng một lúc là biểu hiện của sự tin tưởng cao nhất vào Putin” – chuyên gia cho biết.
Ông Bespalov nhấn mạnh rằng, vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo tương lai của đất nước gần như không được công chúng biết đến, và ít người tin rằng ông sẽ có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3/2000.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik)
Tuy nhiên, sau 4 tháng ít ỏi, ông Putin đã có thể tăng tỷ lệ tín nhiệm của mình và giành chiến thắng ngay trong vòng bầu cử đầu tiên.
Thành công đó, theo chuyên gia, được thực hiện nhờ một số yếu tố: sự mệt mỏi của người dân Nga với Yeltsin, mà trong bối cảnh đó, ông Putin trông hoàn toàn trái ngược; sự am hiểu của các nhà chiến lược chính trị; sự kết thúc cuộc chiến ở Bắc Kavkaz.
“ Sự kết hợp của các yếu tố này dẫn đến việc tỷ lệ tín nhiệm của ông ấy tăng nhanh chóng và đến tháng 12/1999 – thời điểm ông Yeltsin từ chức – ông Putin được coi là ứng cử viên số một trong cuộc bầu cử sắp tới“.
Tổng thống của sự kỳ vọng
Nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Putin, như tất cả các chuyên gia lưu ý, là một trong những nhiệm kỳ thành công nhất. Ông thành công trong việc đáp ứng mọi kỳ vọng đặt ra cho ông: đoàn kết đất nước và đưa nền kinh tế đi lên.
Người đứng đầu “Nhóm chuyên gia chính trị” Konstantin Kalachev lưu ý rằng, nhiệm vụ chính của Tổng thống là cuộc đấu tranh chống khuynh hướng ly khai, duy trì sự thống nhất đất nước và đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
“ Ông Putin khi đó được coi là người quan tấm đến việc đưa nước Nga trở thành quốc gia dân chủ, phát triển, hiện đại… Nhiệm kỳ đầu tiên – đó là Tổng thống của sự kỳ vọng mà ông phải đáp ứng” – nhà khoa học chính trị nói.
Nhiệm kỳ thứ hai, theo chuyên gia, là “ nhiệm kỳ của thành quả“. Ông Putin đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tách rời chính trị và kinh doanh, đẩy các trùm sỏ ra khỏi quyền lực.
“ Mọi người bắt đầu có cuộc sống tốt hơn, và trước cuộc khủng hoảng năm 2008, đất nước đã trải qua sự phát triển và tăng trưởng kinh tế” – ông Kalachev cho biết thêm.
Theo ông Bespalov, trong những năm đầu tiên ông Putin nắm quyền, những người thuộc hàng ngũ Yeltsin – người đứng đầu chính phủ Mikhail Kasyanov và người đứng đầu văn phòng Tổng thống Alexander Voloshin – đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành đất nước.
“ Những người này, bất kể những gì chúng ta nói về họ bây giờ, đã tỏ ra khá hiệu quả trong giai đoạn đó: ví dụ, những thành công về chính trị trong nước phần nhiều được gắn với cái tên Voloshin” – ông Bespalov nói.
Chuyên gia cho biết thêm rằng, chính phủ của ông Yevgeny Primakov cũng đóng một vai trò lớn trong việc hình thành nền kinh tế.
“ Nếu không có đóng góp cá nhân của ông Putin, tất cả những điều này sẽ không có tác dụng, và một bước đột phá như vậy sẽ không xảy ra vào đầu những năm 2000. Nếu như cuối năm 1999, thành công vẫn có thể được quy cho các nhà công nghệ chính trị, thì sau đó, chính là nhờ sự phục vụ của chính Putin” – ông Bespalov khẳng định.
Tự do và yêu nước
Ở giai đoạn đầu, như ông Kalachev lưu ý, ông Putin đã tạo ra ấn tượng mạnh mẽ về một người theo đuổi những ý tưởng tự do.
“ Mặc dù đến bây giờ ông vẫn đang theo đuổi những ý tưởng tự do, nhưng chỉ là trong nền kinh tế” – nhà khoa học chính trị giải thích.
Theo chuyên gia, ông Putin kết hợp giữa tự do và yêu nước.
“ Nếu nhớ lại chủ nghĩa tự do Nga, như Pavel Milyukov, thì những người theo chủ nghĩa tự do Nga là những người yêu nước, thậm chí là những người yêu nước dân tộc chủ nghĩa” – ông nói thêm.
Ông Bespalov cũng nhấn mạnh tới mong muốn của ông Putin làm sao để kết hợp chủ nghĩa yêu nước với quan điểm kinh tế tự do.
Ông Yevgeny Minchenko, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quan hệ công chúng Nga, cũng lưu ý rằng, ông Putin tham gia chính trường lớn với tư cách là một nhà cải cách tự do.
“ Một mặt, ông duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, sắp xếp mọi thứ theo trật tự, hạn chế ảnh hưởng của các doanh nghiệp lớn, mặt khác, ông nỗ lực xây dựng quan hệ với phương Tây và tiến hành các cuộc cải cách mang lại sự phát triển kinh tế ở trong nước” – chuyên gia nói.
Tổng thống đã thành công trong việc triển khai các dự án kinh tế, còn việc xây dựng mối quan hệ với phương Tây và biến Nga thành một phần của phương Tây lớn thì không – ông Minchenko lưu ý.
“ Trong việc này không phải ỗi của Putin, mà lỗi, thuộc về các đối tác. Nhưng nói chung, sự thất vọng của Vladimir Putin là điều có thể định trước, bởi về mặt tư tưởng, ông vẫn là người phương Tây” – chuyên gia Minchenko nhận định.
Quan điểm mới
Video đang HOT
Nếu như quan điểm tự do trong nền kinh tế được ông Putin duy trì trong suốt 20 năm nắm quyền, thì mối quan hệ với phương Tây đã được Tổng thống xem xét lại một cách triệt để – các nhà phân tích chính trị cho biết.
Theo Kalachev, Putin cho rằng, nước Nga sẽ trở thành đối tác bình đẳng, toàn diện với các nước phương Tây.
“ Ông Putin đã đưa tay ra, nhưng cánh tay đó, như ông ấy nói, vẫn đang trơ trọi trong không khí” – chuyên gia nói.
Theo ông Kalachev, bài phát biểu nổi tiếng tại Munich của ông Putin chính là điểm tham chiếu và đánh giá lại nhiều ý tưởng của Tổng thống.
Về phần mình, ông Bespalov nói rằng, ngoài vectơ chính sách đối ngoại của ông Putin, trong 20 năm qua cũng chứng kiến những thay đổi trong chính sách nhân sự của ông.
“ Cả khi đó và bây giờ, ông ấy trông cậy vào những người đã được tôi luyện, thường là những người từ các cơ quan thực thi pháp luật, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy rằng, ông ấy còn trông cậy vào các nhà hoạt định trẻ” – chuyên gia nói.
Làn sóng “thay máu” các thống đốc mới đây là minh chứng rõ nét nhất cho sự khẳng định này – ông Bespalov kết luận.
Văn Đức
Theo vtc.vn
Sự lựa chọn bất ngờ nhưng đúng hướng
Ngày 9/8/1999, Vladimir Putin, khi ấy mới chỉ là một Phó văn phòng còn ít người biết tiếng của Phủ Tổng thống Nga, bỗng nhiên được "trưởng lão" Boris Yeltsin đề nghị nhận chức quyền Thủ tướng, thay cho Sergei Stepashin.
Đây là một sự kiện hết sức bất ngờ đối với cả những người trong cuộc. Và có lẽ khi ấy cũng rất ít ai lại có thể nghĩ rằng cựu sĩ quan an ninh KGB này về sau lại trở thành một trong những vị Tổng thống nổi bật nhất của thời đại mình, vực nước Nga từ bờ vực suy sụp lên thành một cường quốc thuộc loại hàng đầu thế giới như hiện nay, bất chấp mọi sự chống phá từ phương Tây.
Sau hai mươi năm người tiền nhiệm nói gì...
Ở thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, Sergei Vadimovich Stepashin đã được đánh giá là một nhân vật luôn tỏ ra trung thành với cá nhân Boris Yeltsin. Chính "trưởng lão" Nga khi đưa ra ứng cử viên mới này cho chức Thủ tướng đã nhận xét rằng ông Stepashin "có thể tạo nên động lực mới và năng lượng mới cho nội các". Chính vì thế nên ngày 19/5/1999, ông Stepashin đã mau chóng được được Duma phê chuẩn ngay từ vòng đầu với đa số áp đảo, chủ yếu do chính giới Nga đã quá chán nản trước tình trạng bất ổn về bộ máy điều hành trực tiếp đất nước...
Ông Stepashin sinh năm 1952 trong một gia đình sĩ quan hải quân tại thành phố cảng nổi tiếng Port - Artur (thành phố mà nước Nga Sa Hoàng từng thuê của Trung Hoa và năm 1955, Moskva đã trả lại vĩnh viễn cho Bắc Kinh). Tuy nhiên, lớn lên, chàng thanh niên Stepashin lại không đi theo tiếng gọi lãng mạn của biển cả, mà thi vào trường sĩ quan chính trị của Bộ Nội vụ. Tốt nghiệp năm 1973, trong 9 năm liền, ông được phái đi phục vụ trong các đơn vị công an vũ trang, sau đó, có vốn sống thực tế rồi, ông được vào tu nghiệp tại Học viện quân sự - chính trị mang tên V. I. Lenin và tốt nghiệp vào năm 1981 với chuyên ngành giáo dục. Ông nhanh chóng thành đạt trên con đường thu nhận học vấn và khi còn là trung tá đã bảo vệ xuất sắc luận án sử học theo chủ đề "Sự lãnh đạo của Đảng đối với các đơn vị cứu hỏa ở Leningrad trong chiến tranh Vệ quốc". Vì luận án phó tiến sĩ này, ông thường bị cánh an ninh gọi đùa sau lưng là "anh lính cứu hỏa".
Ông Stepashin đã khá thành công trong sự nghiệp ở cuối những năm 80 đầu những năm 90. Phong cách trí thức cùng cách ứng xử có tình đã giúp một nhân viên cảnh sát thuần túy tạo được ấn tượng tốt ở mọi cương vị đã giữ, dù đó là trong bộ máy an ninh ở Saint Peterburg hay trong bộ máy chính quyền trung ương ở Moskva... Tháng 3/1990, với quân hàm đại tá, ông Stepashin, đại diện cho khu Krasnoselskoe ở Leningrad, trở thành đại biểu Xôviết tối cao Liên bang Nga, rồi tới tháng 2/1991 đã được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban An ninh và Quốc phòng và là Ủy viên Đoàn Xôviết tối cao Nga. Sau thất bại của chính biến tháng 8/1991, ông Stepashin được cử ra đứng đầu Ủy ban điều tra nhà nước về hoạt động của KGB nhưng ông không cho công bố toàn bộ những tập hồ sơ đồ sộ đã thu thập được.
Theo ông, chẳng nên vạch áo cho người xem hết lưng, nhất là khi ta còn chưa rõ lưng ai lấm hơn. Từ cuối năm 1991, Sergei Stepashin, lúc này đang mang quân hàm thiếu tướng, vừa làm Phó Tổng giám đốc Cơ quan An ninh liên bang (AFB), hậu thân của KGB, vừa phụ trách về công tác an ninh của thành phố Saint Peterburg và tỉnh Leningrad. Tháng 9/1992, ông rời bỏ cơ quan an ninh để kiếm chỗ làm thường xuyên trong Xôviết Tối cao. Tuy nhiên, lãnh địa hoạt động thực sự có hiệu quả của ông bao giờ cũng là các cơ quan cảnh sát và an ninh. Trong cuộc khủng hoảng tháng 9/1993, khi Tổng thống Nga Boris Yeltsin đối đầu với Xôviết tối cao, Sergei Stepashin đã đứng về phía vị "trưởng lão" và ngay lập tức được phong làm Thứ trưởng thứ Nhất Bộ An ninh.
Tháng 12/1993, sau khi Bộ An ninh Nga bị Tổng thống đổi tên thành Cơ quan Phản gián Liên bang (FSK), Sergei Stepashin được xếp ngồi vào vị trí Phó giám đốc thứ Nhất FSK, rồi tháng 3/1994 trở hành Giám đốc FSK và giữ cương vị này trong 15 tháng. Ông đã tranh thủ thời gian bảo vệ luận án tiến sĩ luật về phát triển dân chủ ở Nga. Sergei Stepashin từng tham gia thiết lập lại trật tự ở Chesnia và phải về vườn sau "sự cố Budennovsk" tháng 5/1995, khi bọn khủng bố Chesnia gần như là tự do hoành hành trên lãnh thổ Nga và công nhiên bắt cóc nhiều thường dân vô tội. Tuy vậy, với vị Tổng thống Nga đầu tiên, ông Stepashin đã là một trong những nhân vật được tin cậy nhất. Chính vì thế nên không chỉ một lần Boris Yeltsin cử ông giữ các chức Bộ trưởng liên quan tới tư pháp. Có Sergei Stepashin, vị "trưởng lão" dường như cảm thấy yên tâm hơn trong bối cảnh chính trường Nga đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng của các phe phái đối lập và đối địch. Chính ông Stepashin đã giúp Boris Yeltsin "thuần hóa" bộ máy KGB theo mình một cách bình ổn. Khi mọi sự liên quan tới "sự cố Budennovsk" tạm lắng, ông chủ Điện Kremli lại đưa ông Stepashin làm Bộ trưởng Tư pháp vào tháng 7/1997, rồi tới tháng 4/1998, làm Bộ trưởng Nội vụ. Trên cương vị này, ông Stepashin có vẻ như cá gặp nước và bảo toàn được vị trí của mình qua lần thay đổi Thủ tướng từ ông Sergei Kirienko sang ông Yevgeni Primakov. Cuối tháng 4/1999, ông được đưa lên làm Phó Thủ tướng thứ Nhất, một tín hiệu khá rõ ràng về tương lai tươi sáng hơn (theo Hiến pháp Nga, chỉ có thể bổ nhiệm một Thủ tướng từ một trong số các Phó Thủ tướng).
Tuy nhiên, sau khi lên thay ông Primakov làm Thủ tướng, ông Sergei Stepashin không còn được lòng "gia đình" như trước. Nội các do ông lãnh đạo vì muốn chứng minh sự độc lập của mình nên có phần lơi lỏng các mối giao hữu với Văn phòng Phủ Tổng thống và khiến cho các "quân sư" của Điện Kremli phật ý. Hơn nữa, bản thân ông Stepashin lại tỏ ra mình quá mềm mỏng để có thể trở thành một ứng cử viên sáng giá trong các cuộc bầu cử tối quan trọng và sẽ cực kỳ quyết liệt sắp tới, nên ông chỉ trụ được trên ghế Thủ tướng tới đầu tháng 8/1999...
Tháng 8/2019, báo Nga Komsomolskaya Pravda đã phỏng vấn ông Sergei Stepashin, người tiền nhiệm của Vladimir Putin trên ghế Thủ tướng về sự kiện đã diễn ra hai mươi năm trước.
5 đời Thủ tướng Nga dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin.
PV: Sergei Vadimovich, có lẽ ông hơn bất cứ ai khác đã ghi nhớ ngày hôm đó, 9/8/1999. Hầu như là toàn những con số 9 và chỉ có một con số 1.
Sergei Stepashin: Sao lại không nhớ... Hôm đó, vào đêm rạng ngày mùng 9, tôi đang ở Makhatskala và ra mệnh lệnh tấn công - Yeltsin đã trao cho tôi quyền lực này - vào những tay súng khủng bố vừa tràn vào Dagestan, - đó là Khatab và Basayev, nếu anh còn nhớ.
Tôi cũng nhớ chứ, dĩ nhiên là vậy... Và thế là sáng 9/8 ông đã có mặt tại "Nhà trắng" (trụ sở của Chính phủ LB Nga). Ông đã triệu tập thành phần Chính phủ, mời các nhà báo tới... Trước đó chưa bao giờ xảy ra sự kiện nào như thế. Tất cả các Thủ tướng tiền nhiệm của ông đều ra đi mà không có lời diễn văn từ giã nào. Chỉ có sắc lệnh bãi nhiệm và chỉ thế thôi...
- Đúng, chính tôi đã đưa ra phương án ra đi như thế, không hề bàn bạc trước với ai trong Điện Kremli. Tôi đã tự nói về quyết định của Yeltsin... Tôi đã trình bày nhận xét về Putin, nói rằng ông ấy là một người đáng tin cậy và có kinh nghiệm. Tôi đã nói rằng, tôi hy vọng là Putin sẽ đảm đương được. Còn về tình cảm con người thì cũng cần phải nói đôi ba lời ấm áp đối với những người đã từng cùng làm việc với mình. Và cũng hôm đó đã diễn ra phần hai trong cuộc chia tay của tôi, trước đây chúng tôi chưa từng công khai điều này.
Vậy bây giờ ông kể cho chúng tôi nghe đi!
- Thì tôi đã tập hợp một nhóm nhỏ, không phải tất cả các Bộ trưởng đều có mặt ở đó, tôi mời Putin ngồi vào bàn, chúc ông ấy may mắn và yêu cầu các đồng nghiệp ủng hộ ông ấy. Dẫu rằng ngày hôm đó nói thật là không mang lại cho tôi niềm vui nào cả.
Còn hai chi tiết nữa. Tôi đã nhận được điện thoại của Leonid Kutsma (Tổng thống Ukraina), tôi với ông này đã và vẫn tiếp tục có những mối quan hệ cá nhân tốt. Ông Kutsma đã nói những lời động viên tôi.
Và Lukashenko (Tổng thống Belarus) cũng gọi điện tới cho tôi và nói: này, thế người mới đến là như thế nào? Và tôi trả lời - đó là người được đấy, đừng quá lo lắng.
Hôm ấy ông mời ông Putin hay là ông Putin mời ông?
- Tôi gọi điện và ông ấy tới ngay: Anh Sergei, có vấn đề gì nào? Thực ra thì đâu phải do ông ấy quyết định việc ông ấy thay thế Stepashin là tôi. Ông ấy cũng đã nói với tôi về việc này ngay khi đó. Tôi thì quá hiểu chuyện. Đó là cuộc đời. Đó là chính trị.
Như vậy là hôm đó các ông đã có một bàn tiệc theo đúng thông lệ?
- Không, mọi sự khiêm tốn hơn nhiều, bụng dạ đâu mà tiệc với tùng... Đơn giản chỉ có ít đồ nhắm thôi. Chúng tôi cùng cụng một ly vodka nhỏ. Khi ấy chưa có luật cấm rượu.
Tôi đã phải thu dọn tài liệu, đồ đạc... Tôi đâu có phải bỏ của chạy lấy người, mọi dự án của mình, tôi đều chuyển lại. Cũng phải nói rằng, hai hay ba ngày sau đó, tôi với Putin còn gặp lại nhau, ngồi suốt buổi tối và nói về mọi việc.
Cũng trong phòng làm việc đó ư, hay là ...
- Không, tại datsa (nhà nghỉ ngoại ô) công. Cũng phải nói rằng, tôi cũng đã từng làm như thế khi lên thay Maksimych (tức Yevgueni Primakov, tháng 5/1999).
Có thể hồi tưởng lại một chút trước đó được không? Không rõ ông được ông Putin cho biết là ông ấy sẽ lên thay ông làm Thủ tướng hay là do ông Yeltsin thông báo?
- Không phải thế. Thứ nhất, thì mọi thông tin (về việc chuẩn bị bãi nhiệm Stepashin - NTT) đều đã được đưa lên trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thứ hai là, trước khi trở thành Thủ tướng, tôi từng làm việc tại FSB (Cơ quan An ninh Liên bang) nên chắc anh cũng đoán được rằng, tôi có nguồn thông tin riêng của mình. Thứ ba thì, bây giờ tôi đã sẵn sàng để tiết lộ điều này, lần đầu tiên tôi được biết chuyện đó là do Thủ tướng Israel ở giai đoạn ấy là Ehud Barak nói khi ông ấy tới thăm chính thức LB Nga. Ông ấy bảo, ông sắp sửa phải ra đi rồi đấy... Và tôi đã trả lời rằng, tôi ra đi hay không thì cũng không phải việc của các ông...
Có nghĩa là lần đầu tiên ông nghe tin này là từ ông ấy?
- Phải. MOSSAD (cơ quan tình báo Israel) là một tổ chức hoạt động tốt, ở đó có nhiều công dân của LB Nga. Và bây giờ cũng có thể có công dân nào đó của ta vẫn đang tiếp tục giúp đỡ họ, tôi cũng không biết nữa.
Và còn chuyện này, sau đó, khi tôi sang Mỹ để đàm phán - khi đó có Ủy ban Gore - Stepashin - và tôi đã được gặp Clinton (Al Gore là phó tổng thống thời Bill Clinton trị vì trong Nhà trắng - NTT). Và ở trong xe hơi, tôi đã được nghe rất rõ ràng về việc chuẩn bị mất chức từ Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông ấy bảo: chúng tôi có một nguồn tin như vậy. Và tôi đáp: cảm ơn vì nguồn tin... Chính vì thế về nguyên tắc mà nói, tôi đã hiểu rằng chẳng mấy chốc nữa mình sẽ bị bãi nhiệm.
Và hơn nữa là, ngày 4/8/1999, lần đầu tiên Boris Nikolaievich đã đề nghị tôi từ chức -sau một cuộc nói chuyện riêng khá dài. Rồi ông ấy lại bảo, thôi được, anh cứ làm việc tiếp đi.
Ông hãy cho biết, ngày 9/8/1999. Ông đã có mặt ở chỗ ông Boris Nikolaievich?
- Phải. Tôi đã tới datsa của ông ấy. Tại đó còn có cả Voloshin (Chánh văn phòng Tổng thống) và Putin... Thực ra thì thoạt tiên, Yeltsin đề nghị tôi viết đơn từ chức, như trước đó ông ấy đã đề nghị ông Primakov. Và tôi đã trả lời là tôi không hề có ý định viết đơn từ chức, ông có quyền bãi nhiệm tôi thì ông cứ việc mà bãi nhiệm. Tiếp theo ông ấy đề nghị tôi chuẩn y sắc lệnh về việc đề cử Putin làm Phó Thủ tướng thứ Nhất, vì thủ tục đề cử Thủ tướng sẽ có nhiều phức tạp. Tôi trả lời rằng, với ông Putin thì tôi không có lăn tăn gì cả. Và tôi đã chuẩn y.
Rồi tôi chào từ biệt và ra về.
Tại sao Israel và Hoa Kỳ lại quan tâm đến thế tới thông tin về việc ai sẽ là Thủ tướng Nga?Đó là vì câu chuyện dẫn thẳng tới việc ai trong thực tế sẽ là người kế nhiệm ông Yeltsin?
- Tất nhiên. Khi mùa hè 1999, tôi tới dự hội nghị G8 thay cho Tổng thống tại Cologne, rồi sau đó lại tới thăm Hoa Kỳ, thì tất cả đều cho rằng tôi chính là người kế nhiệm ấy.
Có một chi tiết thú vị này nữa, xảy ra sau Cologne, khi tôi tới datsa gặp Yeltsin, ông ấy đã nhìn tôi rất nghiêm khắc, bộc lộ sắc diện theo cách mà ông ấy rất thạo rồi bảo: thế, ở đó, ở G8, họ đã khen ngợi anh quá nhỉ? Nhất là Clinton phải không? Ngay khi ấy tôi đã hiểu ra rằng, tôi đã sái nhịp cùng với Clinton rồi.
Rõ rồi. Thế còn cuộc nói chuyện với Putin thì sao? Ông ấy đã nói gì với ông khi đó?
- Chúng tôi đã nói chuyện riêng với nhau và hãy để nội dung cuộc nói chuyện ấy chỉ có hai chúng tôi biết.
Tôi còn nhớ là, có một lần khi tôi hỏi Putin về Stepashin thì ông ấy đã bảo rằng ông là một người đáng tin cậy.
- Nhưng ông ấy không nói là một người đáng tin cậy mà là một người tử tế.
Đúng rồi, một người tử tế.
- Cảm ơn, tôi thực dễ chịu khi nghe điều này.
...Và giờ thì chúng ta đã chuyển được một cách nhịp nhàng tới bài phỏng vấn lịch sử mà tôi đã thực hiện với ông 20 năm trước ngay sau khi ông rời khỏi chức Thủ tướng...
- Nếu là bây giờ thì có lẽ tôi đã không trả lời phỏng vấn về những việc mới xảy ra một cách mau lẹ như thế.
Nếu ông còn nhớ thì khi đó, ông đã bị bộ máy cũ của mình phong tỏa, mọi số điện thoại của ông đều không trả lời, nhưng tôi đã vẫn tìm được cách gọi điện tới chỗ ông, tôi sẽ không tiết lộ những người đã giúp tôi làm việc này... Và họ đã đưa cho ông ống nghe... Và khi đó ông đã nói: "Tôi sẽ không phục vụ cho lợi ích của nhóm người mà họ cho rằng tôi trong tình huống này không đáng tin cậy". Và bài phỏng vấn đã có nhan đề là: "Tôi bị dẹp đi vì tôi không tự bán mình"...
- Ừ thì cũng hơi bị xúc cảm quá, nhưng về bản chất thì tôi hiểu rằng quyết định thực ra không phải do Boris Nikolaievich chủ động.
Vậy thì là do ai?
- Thôi nào, không cần đi sâu thêm nữa. Chả gì thì cũng 20 năm đã trôi qua.
Rõ rồi. Và khi đó ông đã nói với tôi: "Anh có biết không, đây có lẽ là bài phỏng vấn hay nhất. Vì sao? Vì khi tôi trò chuyện với anh, tôi đã làm cạn ba ly vodka".
- Có lẽ không nên nhắc tới chuyện này? Cần phải đấu tranh với tệ nạn nát rượu mà...
Chúng ta hãy để đoạn này lại đi, vì cuộc sống là như thế mà...
- Phải, cuộc sống là như thế, thôi kệ nó vậy...
Vladimir Putin và người tiền nhiệm, Sergei Stepashin.
Anh hùng đoán giữa trần ai...
Phải nói rằng, suốt gần một thập niên dưới quyền lãnh đạo của Boris Yeltsin trong nước Nga thời "hậu Xôviết", chính trường Moskva đã luôn là nơi thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế vì những biến động bất ngờ ở ngay thượng tầng cơ cấu quyền lực. Những quyết định "thay ngựa giữa dòng" đối với các đời Thủ tướng từ phía vị Tổng thống đầu tiên của LB Nga đã không ngừng làm sâu sắc hơn cuộc khủng hoảng "sâu sắc và toàn diện" của đất nước.
Theo những gì mà Boris Yeltsin kể lại trong cuốn hồi ký "Maratông Tổng thống", ông đã tìm thấy ở Vladimir Putin "hiện thân của những gì mà ông vẫn muốn nghĩ về các vị tướng Nga". Ông viết: "Nước Nga đã luôn tự hào về các vị tướng của mình. Những vị tướng của cuộc chiến tranh năm 1812, những vị tướng của chiến dịch Krym (dù đã bị thất bại), những vị tướng vĩ đại của chiến tranh thế giới thứ hai... Đã có lúc, có thể là năm 93 hay sớm hơn nữa, vào năm 91, tôi đã phân vân: đang có một cái gì đó không hẳn như thế ở các vị tướng của chúng ta. Có cái gì đó còn thiếu ở họ: có thể, đó là sự mã thượng, tính trí thức, một cái cốt lõi nào đấy... Tôi ngóng đợi một vị tướng nào đó không giống như các vị tướng khác xuất hiện. Hay nói chính xác hơn, vị tướng giống như những vị tướng mà tôi đã được đọc trong sách. Tôi ngóng đợi... Và rồi thời gian trôi qua, vị tướng ấy đã xuất hiện. Anh ấy đến và toàn xã hội nhìn thấy rõ hình ảnh chân chính, dũng mãnh và thông thạo nghiệp vụ của các quân nhân ta. Tên gọi "vị tướng" ấy là... đại tá Vladimir Putin". (Đại tá là mức quân hàm trong lực lượng dự bị của Vladimir Putin sau khi ông rời khỏi KGB, còn ở trong đội hình chính thức của KGB, ông chỉ có quân hàm cao nhất là trung tá).
Và Boris Yeltsin đã mời Vladimir Putin tới gặp mình vào sáng sớm ngày 5-8-1999 để thông báo về sự lựa chọn Thủ tướng mới. Câu chuyện diễn ra tiếp theo như sau:
"Putin chăm chú nhìn tôi. Im lặng.
Tôi nói tiếp: "Nhưng đó chưa phải là tất cả. Anh cũng hình dung đại khái ra lý do khiến tôi cách chức Stepashin. Tôi biết, Stepashin là bạn anh, cũng là người Saint Peterburg, nhưng bây giờ cần phải suy nghĩ về chuyện khác. Quan điểm của anh cần phải tinh tế, hợp lý một cách tối đa nhưng cũng cần rất cứng rắn. Chỉ có bằng cách đó anh mới giành được uy tín trong xã hội và kết quả tích cực trong cuộc bầu cử quốc hội.
"Trong bầu cử, chúng ta sẽ dựa vào ai?" - Putin hỏi. "Tôi không biết, - tôi thành thực thú nhận. - Chúng ta sẽ lập ra một chính đảng mới. Tôi, với tư cách là một người từng khốn đốn với Quốc hội hơn bất cứ ai trong lịch sử, tôi biết rằng một chỗ dựa vững chắc trong Duma cần thiết với anh như thế nào. Nhưng điều quan trọng - đó là trữ năng chính trị của bản thân anh, hình ảnh của anh. Không cần phải xây dựng nó một cách nhân tạo. Nhưng cũng không bao giờ được quên vấn đề này".
Putin lặng người suy nghĩ.
"Tôi không thích các chiến dịch tranh cử, - anh ấy thú nhận. -Tôi không biết tiến hành nó và không thích".
"Nhưng anh cũng không cần phải tiến hành. Quan trọng là ý chí của anh, sự tự tin của anh. Hành vi của anh. Mọi sự đều phụ thuộc vào những cái đó. Uy tín chính trị hoặc là sẽ có, hoặc là không. Anh đã sẵn sàng chưa?"
"Tôi sẽ làm việc bất cứ ở đâu mà ông đề cử," - Putin đáp ngắn gọn.
Theo đúng kiểu nhà binh.
"Còn nếu vào chức vụ cao nhất?"
Putin lưỡng lự trả lời. Có cảm giác là lần đầu tiên anh ấy hiểu ra câu chuyện hướng tới đâu.
"Tôi không biết, thưa Boris Nikolaievich! Tôi không nghĩ rằng tôi đã sẵn sàng làm việc ấy". -"Cứ suy nghĩ đi. Tôi tin ở anh".
Cũng phải nói rằng, không phải bất cứ ai trong số bạn bè từ Saint Peterburg lên Moskva cũng đồng tình với quyết định cử Vladimir Putin làm Thủ tướng. Anatoly Chubais chẳng hạn, đã không tiếc lời thuyết phục Vladimir Putin đừng nhận chức vụ lãnh đạo nội các. Theo ông Chubais, một cựu điệp viên như Vladimir Putin khó có thể quen với việc trở thành một nhà chính khách luôn luôn phải công khai tiếp xúc với xã hội. Thà bây giờ từ chối nhận chức Thủ tướng còn hơn sau này phải làm việc đó dưới sức ép của hoàn cảnh. Ông Chubais tưởng xử sự như vậy là làm tốt cho bạn mình nhưng ông Putin lại nghĩ khác. Hơn nữa, là một người lính, ông không quen từ chối nhiệm vụ, đàng nào cũng chẳng có gì mà mất, mà nếu được thì sẽ được không ít. Vì thế, đáp lại mọi sự thuyết phục của Anatoly Chubais chỉ là một câu trả lời không thay đổi: "Đó là quyết định của Tổng thống"...
Bị nhầm lẫn như Anatoly Chubais còn có không ít nhà quan sát và cả các chính khách nổi tiếng khác nữa. Hay tin về quyết định mới của vị "trưởng lão", Gennady Zyuganov, lãnh đạo đảng Cộng sản Nga đã thốt lên: "Đúng là phải bệnh rồi!". " Một hành động rồ dại!" - cựu phó thủ tướng Boris Nemtxov nhận xét. "Toàn là những chuyện điên khùng của quyền lực" - thị trưởng Moskva, Yuri Luzhkov, hùa theo. "Nếu cấp dưới toàn loại vô danh tiểu tốt như thế thì chứng tỏ cấp trên cũng chẳng ra gì!' - tướng Aleksandr Lebed, kết luận.
Quả thực là không phải ai cũng có "con mắt xanh" tinh tường như Boris Yeltsin. Hoặc giả vị "trưởng lão" có một thính giác đặc biệt nhậy bén, tới mức phi phàm, để nhìn ra một thủ lĩnh mới cho nước Nga trong thế kỷ XXI ở một viên chức bề ngoài có vẻ bất cần danh vọng và phù hoa như Vladimir Putin lúc đó. Chính trị, đúng như nhà tài phiệt có đầu óc thông thái Boris Berezovsky từng nói, "là nghệ thuật tạo ra cái có thể". Cứ thế, trong những diều kiện thuận lợi thiên tạo hoặc nhân tạo, từ không sẽ thành có ngay thôi, mặc cho các nhà thơ và những người ngoại đạo phải sửng sốt tự hỏi, nói theo cách của cố thi sĩ Việt Nam Xuân Diệu: "Xẩy ra như thế nào?"...
Cuộc gặp gỡ của Boris Yeltsin với Vladimir Putin.
Boris Yeltsin về sau kể lại:
"Tám giờ sáng tại Gorki tôi có cuộc gặp gỡ với Putin, Aksenhenko (lúc đó đang là Phó Thủ tướng thứ Nhất, nay là Bộ trưởng Đường sắt, một thành viên quan trọng của "Gia đình"), Stepashin (Thủ tướng), Voloshin (Chánh văn phòng Phủ Tổng thống).
Chúng tôi chào hỏi Stepashin nhưng ngoài tôi ra, anh ta không đưa tay cho ai bắt cả. Tôi vào việc luôn: "Sergei Vladimovich này, tôi đã ký quyết định bổ nhiệm anh Putin làm Phó Thủ tướng thứ Nhất và quyết định về việc anh từ chức". Stepashin cự nự: "Tôi sẽ không phê nhận quyết định này đâu". Aksenhenko nói vào: "Thôi đi nào, anh Sergei!".
Putin cắt ngang lời Aksenhenko: "Anh Nikolai, anh ấy chẳng gì cũng đã cảm thấy quá nặng nề rồi, chúng ta sẽ không thế".
"Thôi được, - Stepashin lên tiếng. -Tôi sẽ ký. Chỉ vì lòng kính trọng đối với ông thôi, Boris Nikolaievich ạ!"...
Trong Tự thuật, Vladimir Putin tâm sự rằng, ngồi trong cuộc họp hôm đó, ông đã cảm thấy rất khó ở. Chẳng gì thì hai người với nhau cũng là bạn hữu. Và theo ông, dường như bên ngoài Sergei Stepashin "không làm việc gì tạo ra cớ cách chức anh ấy cả".
T
hế nhưng, về sau, "khổ chủ" đã tiết lộ điều mà ông cho là nguyên nhân dẫn đến việc ông bị mất chức Thủ tướng: đó là những lời tuyên bố "dại miệng" của ông trên báo chí một tuần trước đó. Số là, Sergei Stepashin trong một cơn hứng khởi đã trả lời phỏng vấn rằng, ông sẽ không làm "nô bộc" cho ai và tại nước Nga không phải cái gì cũng mua và bán được. Theo quan điểm của Điện Kremli, đây là những lời lẽ, nói một cách nhẹ nhàng, không thích hợp với tình thế hiện nay của ông Stepashin trên chính trường Nga vì trong điều kiện bầu cử Quốc hội (dự định vào ngày 19/12/1999) và Tổng thống (dự định vào năm 2000) đang tới gần, hơn bao giờ hết, Điện Kremli cần một Thủ tướng không chỉ đứng vững trong hiện tại, mà còn phải trung thành tuyệt đối với "Gia đình" và cá nhân Tổng thống để có thể trong tương lai bảo đảm an ninh cho bộ máy đang làm việc trong Phủ Tổng thống, khi thế sự đảo ngược.
Điện Kremli lúc đó có không ít lý do để lo lắng. Cánh tả vẫn duy trì được đội hình mạnh mà hạt nhân là những người cộng sản do ông Gennady Zyuganov lãnh đạo. Còn lực lượng trung dung lớn nhất là liên minh vừa được thành lập giữa hai phong trào Tổ quốc (do Thị trưởng Moskva, Yuri Luzhkov lãnh đạo) và Toàn Nga (của các Tỉnh trưởng) đã liên kết với nhau thành một tập đoàn rất hùng hậu trên lập trường chung là xa rời quan điểm của vị Tổng thống lúc đó. Liên minh này, ngoài những tiềm năng sẵn có còn lôi kéo được cựu Thủ tướng Nga Yevgeni Primacov (từng bị Boris Yeltsin cách chức một cách cũng rất bất ngờ và vô cớ, ít ra là theo đánh giá của giới truyền thông) và một bộ phận lớn trong đảng Nông nghiệp... Điều này làm cho khả năng những thế lực thân cận với Điện Kremli giành được đa số trong Quốc hội khóa tới càng trở nên nhỏ bé hơn. Thậm chí dư luận Nga còn có vẻ như dành cảm tình lớn nhất cho những ứng cử viên Tổng thống là người không được Điện Kremli ưa chuộng. Tình hình đó đã khiến vị "trưởng lão" và cơ quan tham mưu của ông phải đưa ra những quyết định táo bạo nhưng được cân nhắc kỹ. Họ cần có một trợ thủ đắc lực, tin cậy hơn và có những phẩm chất cá nhân thích hợp trên ghế Thủ tướng để chi phối diễn tiến tình hình chính trị theo hướng thuận lợi nhất cho mình. Đề cử Vladimir Putin vào chức Thủ tướng cùng với việc ấn định bầu cử Quốc hội vào ngày 19/12/1999, Điện Kremli hy vọng Duma quốc gia Nga sẽ nhanh chóng phê chuẩn quyết định này của Tổng thống vì trong tình thế bó buộc hiện nay, hẳn không có một lực lượng nào trong Quốc hội lại muốn mạo hiểm làm trái ý Tổng thống.
Thực ra, xét về tính cách cá nhân, Vladimir Putin rất khác Boris Yeltsin. Theo Báo Văn học (số kép 32-33 ra năm 2000), nếu Yeltsin đường bệ, kiểu cách thì Putin giản dị, khiêm nhường. Nếu Yeltsin bay lượn trên đỉnh núi thì Putin đứng chắc cả hai chân trên mặt đất. Nếu Yeltsin trong mọi việc chỉ "dăm câu ba điều" vạch ra những đường hướng chung chung thì Putin lại đi sâu vào tìm hiểu chi tiết. Yeltsin chậm chạp, khó xoay xở, còn Putin nhanh nhẹn và tháo vát. Yeltsin càng tuổi tác càng trở nên đại lãn với lý do "làm việc với tài liệu" (gợi nhớ một câu chuyện tiếu lâm về các vị tướng thời Sa Hoàng, khi sĩ quan tùy tùng trả lời khách là "Ông tướng đang làm việc với tài liệu" tức là ông tướng thực chất đang đóng cửa uống rượu một mình trong văn phòng, còn khi "Ông tướng đang nghiên cứu bản đồ" thì tức là ông tướng đang trong văn phòng với một mỹ nhân không phải là vợ mình). Còn Putin năng động, ham công việc thực tế. Yeltsin chén chú chén anh thường xuyên, còn Putin hầu như không mấy khi uống vodka, ông chỉ thích bia hơi. Yeltsin ham chơi môn tennis quý tộc thì Putin lại chỉ mê những môn võ bình dân. Yeltsin nói năng cục mịch và luôn quá nghiêm túc thì Putin lại hay kể chuyện tiếu lâm ngay cả trong những cuộc trịnh trọng như lễ hội truyền thống của người Nga gốc Do Thái khiến không khí trở nên thân tình và cởi mở hơn... Có lẽ vị "trưởng lão" chọn Vladimir Putin vì chính những phẩm chất mà ông ta không có chăng?
Thực tế hơn hai mươi năm qua ở nước Nga cho thấy, Boris Yeltsin đã có một sự lựa chọn đúng cho sự phát triển đúng hướng của nước Nga.
Nguyễn Trung Tín
Theo ĐĐK
Cựu bộ trưởng tiết lộ cách ông Putin cứu nền kinh tế Nga 10 năm trước Quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin cách đây 10 năm trước đã cứu nền kinh tế Nga, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Tổng thống Nga Vladimir Putin có ảnh hưởng sâu rộng sau 20 năm cầm quyền. Theo RT, đây là tuyên bố của cựu bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin. Theo ông Kudrin, vào năm...