Ông Obama “cô đơn” trong việc trừng phạt Syria?
Trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội sắp diễn ra, Tổng thống Barack Obama cùng các thành viên trong chính quyền ông này đang dồn những nỗ lực cuối cùng vào việc tìm kiếm, tập hợp sự ủng hộ cho một cuộc tấn công trừng phạt nhằm vào Syria. Tổng thống Obama sẽ lên sóng liên tiếp trong 6 chương trình truyền hình để thuyết phục người dân Mỹ chấp nhận chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria. Các quan chức cấp cao khác trong chính quyền cũng tiến hành một loạt bước đi để trợ giúp cho ông Obama.
Tổng thống Obama
Chính quyền Mỹ rõ ràng đang thực hiện một chiến dịch “oanh tạc” mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông nhằm đạt được mục đích cuối cùng là sự ủng hộ cho một cuộc tấn công vào Syria.
Giới quan chức hàng đầu của Nhà Trắng đang trả lời phỏng vấn trên tất cả các phương tiện truyền thông có thể. Ngoại trưởng John Kerry đang thực hiện những chuyến ngoại giao con thoi bận rộn để thuyết phục đồng minh. Phó Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực kết nối với các nghị sĩ Quốc hội qua đường dây điện thoại.
Trong khi đó, bản thân Tổng thống Obama sẽ tự mình xuất hiện liên tiếp trong 6 kênh truyền hình thuộc tất cả các hãng truyền thông lớn. Trong khi đó, một số cựu quan chức cũ của chính quyền như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và cựu Giám đốc CIA David Petraeus – đều đã ra mặt ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Obama trong việc tiến đánh Syria dù họ đều đã rút lui khỏi chính trường.
Chính quyền Obama đang dồn mọi nỗ lực có thể để tập hợp sự ủng hộ cho một kế hoạch can thiệp vào Syria. Tuy nhiên, càng nỗ lực, ông Obama càng đối mặt với sự phản đối và càng trở nên bị cô lập hơn. Điều đáng ngạc nhiên là nhận xét trên không phải do một chính khách phản đối kế hoạch của ông Obama đưa ra mà là của một trong những người ngay từ đầu đã ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ tiến đánh Syria. Đó chính là Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ – ông Mike Rogers.
Phát biểu trên chương trình Face the Nation của đài truyền hình CBS, ông Rogers cho biết, Nhà Trắng đã tạo nên “một đống lộn xộn khó hiểu” trong vấn đề Syria. Và vì thế, ông này thừa nhận, “Tôi cũng đang hoài nghi chính bản thân mình”. Những phát biểu của ông Rogers cho thấy, dù ngay từ đầu ủng hộ một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria nhưng giờ đây ông này lại đang cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Quốc hội Mỹ sẽ lần đầu tiên nhóm họp trở lại trong ngày hôm nay (9/9) sau kỳ nghỉ tháng 8. Cuộc tranh luận về việc đánh hay không đánh Syria có thể bắt đầu trong Thượng viện tuần này với cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra sớm nhất là vào thứ Tư (11/9). Trong khi đó, Hạ viện có thể bàn bạc về vấn đề Syria vào cuối tuần này hoặc tuần sau.
Video đang HOT
Trong những ngày còn lại trước khi cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ tiến hành một cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Obama sẽ dành phần lớn thời gian để gặp gỡ cá nhân với các nghị sĩ Quốc hội.
Nhà Trắng tin rằng, kế hoạch tiến đánh Syria của họ sẽ được Thượng viện Mỹ ủng hộ. Tuy nhiên, ông Obama có thể sẽ phải đối mặt với một Hạ viện khó khăn hơn nhiều bởi hiện đang có hàng loạt nghị sĩ của cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ trong Hạ viện Mỹ kiên quyết phản đối việc Mỹ dính líu thêm vào một cuộc chiến ở Trung Đông.
Nghị sĩ Jim McGovern của bang Massachusetts thậm chí đã gợi ý Tổng thống Obama rút lại kế hoạch đánh Syria trước khi nó bị bác bỏ bởi theo ông này, không có đủ sự ủng hộ cho kế hoạch của ông Obama trong Quốc hội.
Chiến dịch tập hợp sự ủng hộ của Obama sẽ thất bại?
Hầu hết những người phản đối kế hoạch can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria đều không tranh cãi gì về quan điểm của chính quyền cho rằng quân của Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công hôm 21/8 ở ngoại ô thủ đô Damascus. Điều mà họ lo ngại tập trung ở tính hiệu quả cũng như hậu quả không mong đợi có thể xảy ra từ hành động can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria.
Ông Rogers là một trong số nhiều người đang đổ lỗi cho Tổng thống Obama vì đã không tìm cách tập hợp sự ủng hộ của Quốc hội và dân chúng cho một hành động ở Syria từ cách đây nhiều tháng. “Chính quyền không có mối quan hệ gắn bó mạnh mẽ trong Quốc hội. Đó là vấn đề lớn đối với họ. Tôi nghĩ, rõ ràng, ông ấy đã đánh mất sự ủng hộ trong tuần trước”, ông Rogers đã nói như vậy.
Nói về việc thiếu sự ủng hộ của người dân, ông Rogers cho biết thêm: “Bạn có một vị tổng chỉ huy thiếu quyết đoán. Ông ấy đã cố đến gần với người dân Mỹ và nói, &’tôi sẽ làm một điều gì đó nhưng tôi sẽ không làm nhiều’. Họ chẳng biết chính xác cái mà chúng ta đang cố gắng muốn làm là gì”.
Chỉ có khoảng 1/4 trong số 100 thành viên Thượng viện Mỹ và ít hơn 25 thành viên trong Hạ viện 435 ghế của Hạ viện Mỹ sẵn sàng ủng hộ kế hoạch của ông Obama. Đây là kết quả do tờ Washington Post cung cấp. 17 Thượng nghị sĩ và 111 thành viên Hạ viện Mỹ được cho là sẽ phản đối chiến dịch của Mỹ nhằm vào Syria.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là Tổng thống Obama sẽ làm gì nếu không nhận được sự ủng hộ của Quốc hội cho kế hoạch trừng phạt chính quyền Assad. Liệu ông Obama có sẵn sàng từ bỏ kế hoạch tiến đánh Syria hay không?
Theo VTC
G20: Obama "thua đau" trước ông Putin về Syria
Mặc dù xuất hiện nổi bật và hoành tráng nhất so với các nguyên thủ khác tại Hội nghị G20 ở St. Petersburg, Nga, ngày hôm qua (5/9) nhưng Tổng thống Barack Obama đã phải hứng chịu một "cú thua đau" trước người đồng cấp Vladimir Putin trong vấn đề đánh hay không đánh Syria.
Tổng thống Putin (bên trái) và Tổng thống Obama tại hội nghị G20.
Trong khi các nguyên thủ khác đi trên những chiếc xe khiêm tốn hơn như Mercedes hay BMW thì Tổng thống Obama đến nơi diễn ra hội nghị G-20 trên chiếc xe Cadillac Escalade siêu sang và siêu hiện đại được báo chí đặt cho cái tên "Quái thú". Đây là chiếc xe không khác gì một "pháo đài di động công nghệ cao".
G20 năm nay được khai màn bằng cuộc tranh luận căng thẳng về vấn đề cấp bách nhất hiện nay là làm thế nào để đối phó với cuộc nội chiến ở Syria. Chủ nhà Putin và Tổng thống Obama có quan điểm và lập trường hoàn toàn đối lập nhau trong vấn đề này. Ông Obama đang nỗ lực kêu gọi và tập hợp sự ủng hộ cho một cuộc tấn công quân sự nhằm trừng phạt chính phủ Syria vì "tội" sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân. Trong khi đó, Tổng thống Putin phản đối bất kỳ chiến dịch can thiệp quân sự nào vào Syria nếu không có sự cho phép từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, miêu tả đó là hành động xâm lược bất hợp pháp vào một nước có chủ quyền. Tại G20, ông Putin đã không ngần ngại cáo buộc chính quyền của Tổng thống Obama nói dối nhằm tìm cớ cho một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông.
Tại cuộc họp G20 diễn ra chiều qua, ông chủ điện Kremlin đã giành thắng lợi lớn trước ông chủ Nhà Trắng khi hầu hết các nguyên thủ thế giới bày tỏ quan điểm gần với lập trường của ông Putin hơn là ông Obama. Ngoài Pháp, không lãnh đạo quốc gia nào sẵn sàng cầm vũ khí đứng bên cạnh Mỹ trên chiến trường Syria.
Có thể nói, cú giáng "đau" nhất cho nỗ lực tập hợp liên minh đánh Syria của Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh G20 là từ các nhà lãnh đạo của Liên minh Châu Âu. Trong cuộc họp báo chiều ngày hôm qua, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu - ông Jose Manuel Barroso đã phát biểu rằng, cuộc xung đột ở Syria là "vết đen trên lương tri của thế giới" nhưng nhấn mạnh rằng Liên minh Châu Âu (EU) tin vào "một giải pháp chính trị" cho cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông này. Đứng cạnh ông Barroso, Chủ tịch EU Herman van Rompuy nhấn mạnh thêm: "Không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột ở Syria. Chỉ có giải pháp chính trị mới có thể chấm dứt tình trạng đổ máu khủng khiếp hiện nay". Ông Rompuy cũng nói thêm rằng, trong số các thành viên EU, "chỉ có Pháp là sẵn sàng hợp tác" với Mỹ trong một chiến dịch tấn công vào Syria. Vì vậy, tuyên bố chung của Châu Âu tại hội nghị G20 là kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria bằng giải pháp chính trị, ông Rompuy nói. Đây cũng chính là quan điểm và lập trường mà Tổng thống Putin liên tục đưa ra trong những ngày gần đây.
Trong khi đó, Mỹ khẳng định, chiến dịch quân sự mà nước này đề xuất không nhằm để kết thúc cuộc chiến tranh ở Syria mà chỉ nhằm làm suy yếu năng lực của Tổng thống Assad trong việc triển khai vũ khí hóa học.
Ngoài nhận được sự ủng hộ của các nước Châu Âu, Nga còn có được sự đồng tình từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng phản đối việc Mỹ có ý định tiến đánh Syria. Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc - ông Zhu Guangyao phát biểu: "Chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với giá dầu mỏ".
Thậm chí Giáo hoàng dường như cũng bước vào cuộc tranh luận về vấn đề Syria bằng một bức thư gửi đến G20 trong đó kêu gọi mọi người "gạt sang một bên những nỗ lực theo đuổi một giải pháp quân sự ở Syria".
Cùng với đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tiếp tục nhắc lại quan điểm phản đối một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, kêu gọi tìm kiếm một giải pháp chính trị.
Cho đến thời điểm này, kế hoạch của Tổng thống Mỹ Obama chỉ nhận được sự ủng hộ của Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út.
Cách đây vài ngày, trước khi diễn ra hội nghị G-20, Tổng thống Putin đã phát biểu rằng, việc cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học là "hết sức phi lý" bởi quân của ông Assad đang thắng thế và họ thừa biết hậu quả của một cuộc tấn công như thế. Quan điểm này của Nga cũng đã nhận được sự đồng ý của lãnh đạo các nước đang phát triển lớn nhất. Được biết đến là nhóm BRICS, các nước gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã có cuộc gặp riêng rẽ tại hội nghị G20. 5 nguyên thủ của các quốc gia này đều bày tỏ quan điểm phản đối Mỹ trong vấn đề Syria.
Rõ ràng, khi các phái đoàn G20 tụ họp ở Cung điện Konstantin, Tổng thống Obama không phải là người "nổi tiếng nhất, được nhiều người bao vây xung quanh" trong khi lập trường của Tổng thống Putin lại nhận được sự ủng hộ rộng khắp.
Hội nghị G20 năm nay khá khác thường bởi nó diễn ra trong bối cảnh vấn đề xung đột ở Syria đang nóng bỏng và cấp bách hơn bao giờ hết. Ngày đầu tiên của G20 theo truyền thống thường là dịp để các nước tranh luận về vấn đề kinh tế thì lần này chủ đề thống trị lại là về Syria.
Washington đã không giấu diếm sự khó chịu trước việc Nga phản đối mạnh mẽ chiến dịch can thiệp quân sự của họ vào Syria. Trước khi đến tham dự hội nghị G20, Tổng thống Obama từng phát biểu với giới phóng viên rằng, quan hệ Nga-Mỹ đang "húc đầu vào tường". Hai nhà lãnh đạo Obama và Putin không có kế hoạch gặp song phương tại hội nghị G20 lần này nhưng họ có thể có cuộc gặp không chính thức.
Theo_VnMedia
Mỹ: Lãnh đạo Quốc hội ủng hộ tấn công Syria Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày hôm qua (4/9) đã bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống Barack Obama sử dụng quân sự để chống lại chính quyền Syria. Trong cuộc họp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về vấn đề Syria, 7/10 thành viên đã đồng ý cho phép ông Obama ra lệnh một cuộc tấn công quân sự...