Ông Lý Quang Diệu như tôi được biết
Trong những ngày này, người dân Singapore đau buồn tiễn đưa về nơi vĩnh hằng ông Lý Quang Diệu – người được tôn vinh là người cha của quốc đảo phồn vinh, tươi đẹp, yên bình với một bộ máy quản lý hữu hiệu và trong sạch. Cả thế giới đều bày tỏ niềm tiếc thương một chính khách uyên thâm, tài ba đã ra đi.
Từ trái sang: ông Hoàng Trung Hải, ông Cao Đức Phát, ông Lý Quang Diệu, ông Vũ Khoan và ông Nguyễn Thiện Nhân
Cá nhân tôi có may mắn được trực tiếp tiếp xúc, chuyện trò với ông Lý nhiều lần và không bao giờ quên những kỷ niệm sâu sắc về ông. Số là, đầu thập niên 1990, khi thoát dần khỏi thế bị bao vây, cấm vận, nước ta quyết định ưu tiên nối lại quan hệ hợp tác với các nước Đông Nam Á, trong đó có Singapore.
Với mục đích đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dẫn đầu một Đoàn đại biểu Chính phủ ta đi thăm các nước trong khu vực và với tư cách Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, tôi đã được cử đi tiền trạm rồi tham gia Đoàn.Lần đầu tiên đặt chân lên đất Singapore, tôi không khỏi ngỡ ngàng về cảnh quan thực sự xanh – sạch – đẹp của đất nước này. Và sau đó, khi làm việc với các bạn Singapore để chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng ta, tôi rất thán phục cách làm việc rất thiết thực, đầy tính chuyên nghiệp của các quan chức bạn.
Một điều làm tôi hơi bị “sốc” là các bạn Singapore đã đề nghị ta không tặng quan chức Singapore quà lưu niệm có giá trị vì họ sẽ phải khai báo và nộp cho Nhà nước, còn muốn giữ lại cho mình thì phải trả tiền!
Như vậy là tôi đã được mục sở thị chí ít là hai điều về triết lý kiến quốc của ông Lý: Bảo đảm cho người dân Singapore có một cuộc sống trong lành cả về cảnh quan thiên nhiên lẫn xã hội trong lành.
Thế rồi năm 1992, ông sang thăm nước ta và Thủ tướng Võ Văn Kiệt cử tôi đi bồi đồng ông suốt trong chuyến đi từ Bắc chí Nam. Sau này, những lần cùng đi với các nhà lãnh đạo nước ta sang thăm Singapore hay những dịp ông Lý Quang Diệu sang lại Việt Nam, tôi đều có may mắn gặp ông.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần cuối, ông mời tôi cùng các Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tới ăn cơm, chuyện trò. Qua danh sách khách mời có thể thấy thực ra ông muốn trực tiếp tìm hiểu tình hình nước ta trên các lĩnh vực giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp, đối ngoại…
Trong một bài báo ngắn, tôi không thể kể hết những gì tôi đã tiếp thu được từ những ý tưởng, triết lý của ông mà chỉ xin chia sẻ đôi điều để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất.
Video đang HOT
Tôi còn nhớ trên xe ô tô chạy trên đường phố TP. Hồ Chí Minh nhộn nhịp và qua cả những khu nhà ổ chuột trên kênh Thị Nghè lúc đó, ông trầm ngâm chia sẻ với tôi về việc lựa trọn mô hình phát triển.
Ông cho rằng, mô hình thị trường tự do tuyệt đối có cái hay là tạo động lực cho mọi người đua tranh làm giàu nhưng lại có cái dở là sinh ra sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn, từ đó gây xáo động xã hội. Còn mô hình “thị trường xã hội” như ở Đức, Bắc Âu… có cái hay là thông qua việc đánh thuế doanh thu và thu nhập cá nhân cao để giảm bớt sự cách biệt và để lấy tiền bảo đảm an sinh xã hội, từ đó duy trì sự ổn định nhưng lại có cái dở là triệt tiêu động lực làm ăn.
Trả lời câu hỏi của tôi về mô hình Singapore, ông chủ trương dung hòa hai mặt đó theo tỷ lệ đại thể là 60% khuyến khích động lực làm giàu và 40% cho công bằng xã hội. Theo triết lý này, Nhà nước bảo đảm bốn điều kiện tối thiểu cho mọi người dân là công ăn việc làm, được học hành, được chữa bệnh và có nhà ở, còn mức hưởng thụ tối đa thì không hạn chế mà còn khuyến khích, miễn là không vi phạm pháp luật.
Tôi lại hỏi ông về cách chọn lựa cơ cấu kinh tế. Ông chia sẻ rằng, Singapore là nước nhỏ, hoàn toàn không có tài nguyên, chỉ có thể vươn lên bằng trí tuệ và nỗ lực của con người, đồng thời biết tận dụng kẽ hở trong chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu để vươn lên. Theo ông, Singapore đã tận dụng lợi thế địa lý thuận lợi để trở thành một trung tâm hàng hải và hàng không hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, vị trí địa lý là điều kiện cần nhưng không đủ; cái quan trọng nhất là dịch vụ rẻ và chất lượng cao dựa lưng vào một nền kinh tế – tài chính hàng đầu mới thu hút được nguồn lực.
Theo lời ông, khi bước vào công nghiệp hóa, ông định chọn máy ảnh Đức làm sản phẩm mũi nhọn nhưng bỗng ngộ ra là máy ảnh không có tiền đồ và sẽ bị công nghệ thông tin chèn ép nên ông chuyển sang chọn linh kiện điện tử. Sự chọn lựa đó đã thành công nhưng rồi tiềm năng cũng cạn dần vì nhiều nước khác có nhân công rẻ hơn cũng làm. Trước tình hình đó, ông thấy cần đầu tư vào công nghệ sinh học, đồng thời biến Singapore thành một trung tâm giáo dục và y tế hiện đại vì nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Đông Nam Á rất cần nguồn nhân lực có chất lượng cao và nơi ăn học cho con em mình, đồng thời cần có nơi chăm sóc sức khỏe tốt tại chỗ.
Cái cách chọn lựa cơ cấu kinh tế của ông thật đáng học và đã đem lại hiệu quả mà cả thế giới đều thấy.
Thế rồi, ông chia sẻ nhiều cao kiến về cơ chế. Nhân được hỏi ý kiến về vấn đề quy hoạch các cảng biển ở Việt Nam, ông nói Singapore chỉ có một cảng nên khó có ý kiến về hệ thống cảng của Việt Nam, vả lại ông cũng chưa có thông tin cụ thể…
Tuy nhiên, ông cho biết khi quy hoạch Singapore, ông mời những chuyên gia hàng đầu về quy hoạch đô thị của thế giới tới giúp. Có một hiện tượng làm ông khó chịu là người dân không đi vào các con đường được xây dựng phẳng phiu theo quy hoạch từ chung cư này sang chung cư khác mà cứ dẫm lên cỏ để đi. Trầm tĩnh lại ông thấy mình “ngu” (theo cách dùng từ của ông); đáng ra nên theo dõi người dân đi lại thế nào rồi hãy xây đường, mình lại ngồi trong phòng lạnh quy hoạch chẳng ăn nhập gì với sự thuận tiện của người dân! Vậy các ông hãy theo dõi luồng hàng ra vào rồi hãy xây cảng chứ đừng tưởng tượng ra rồi vẽ trên giấy, khi xây xong cảng vắng ngắt thì sẽ thiệt hại lớn.
Ông cho rằng, nước sâu, nước nông chưa đủ mà năng lực bốc xếp và giá thành mới là nhân tố quyết định cái cảng có thành nơi trung chuyển không. Tóm lại tư duy của ông đúng theo quy luật thị trường: cầu quyết định cung chứ không ngược lại.
Rồi nữa, khi thăm tỉnh Bình Dương để chuẩn bị xây Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đầu tiên ở đó, ông không quan tâm gì về “lợi thế” do lãnh đạo tỉnh kể ra mà tập trung hỏi về tình hình giáo dục địa phương làm cho người thuyết trình lúng túng vì chưa chuẩn bị…
Khi ra xe, ông lầm bầm nói với tôi, cái quyết định có xây dựng VSIP hay không là con người, thế mà hỏi về tình hình giáo dục lại không trả lời được! Điều đó cho thấy ông coi trọng thế nào về nhân tố con người.
Tôi còn nghiệm ra điều này khi tiếp cận các Bộ trưởng Singapore do ông chọn lựa và làm việc dưới trướng của ông. Họ trẻ trung, sáng láng và năng động. Họ coi ông như cha chú nhưng không e dè, sợ sệt mà trao đổi rất cởi mở, thẳng thắn với ông. Với những nhà lãnh đạo, quản lý như vậy hẳn gì Singapore không trở thành một kỳ tích châu Á!
Có một câu chuyện ít người biết mà ông Lý Quang Diệu nói với tôi. Biết tôi từng học tập, công tác lâu năm ở Nga, ông chia sẻ nhiều suy nghĩ về quốc gia này. Ông nói: Tôi luôn coi Liên Xô là một cường quốc có vị trí quan trọng trên thế giới và Singapore cần chú trọng làm ăn với họ và vì vậy ông đã khuyến khích con trai ông là đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long học tiếng Nga!
Nhân chuyện này, ông chân tình chia sẻ với tôi suy nghĩ mang tầm chiến lược về các nước lớn, nhận xét mặt mạnh, mặt yếu của từng nước và cách ứng xử của Singapore với họ, gợi mở cho tôi nhiều cách tiếp cận thú vị. Tôi có cảm tưởng rất rõ rằng ông luôn đặt đất nước nhỏ bé của mình trên bàn cờ lớn toàn cầu, luôn tính toán đường đi nước bước có lợi nhất cho nước mình. Có lẽ nhờ vậy mà Singapore tuy nhỏ nhưng là “nhỏ hạt tiêu” được mọi quốc gia, kể cả cường quốc nể trọng không chỉ nhờ ở trình độ phát triển mà còn nhờ ở chính sách đối ngoại khôn khéo mà ông là người đề xướng và dẫn dắt.
Trên đây là những cảm tưởng của riêng tôi về cách suy tư, triết lý của ông Lý Quang Diệu với tư cách là một chính trị gia, một chính khách tầm cỡ. Còn nói về ấn tượng của tôi về ông với tư cách là một con người thì đúng ông là một người rất thiết thực, cởi mở, thẳng thắn, bộc trực nhưng rất phục thiện. Được tiếp xúc với ông nhiều lần, không bao giờ tôi thấy ông nói những điều khách sáo, phù phiếm, trống rỗng mà luôn đi thẳng vào những vấn đề rất thiết thực. Tính thiết thực của ông còn thể hiện ở phong cách đã hứa là làm, làm tới nơi tới chốn chứ không bao giờ hứa hão, đánh trống bỏ dùi.
Với cá nhân tôi, một quan chức cấp thấp và ít tuổi hơn ông khá nhiều, ông luôn cởi mở, trao đổi chân thành. Với các vị lãnh đạo cao cấp của ta, ông cũng luôn bày tỏ thẳng thắn ý kiến của mình, thậm chí có phần bộc trực; tuy nhiên khi được cung cấp thông tin và giải thích cặn kẽ, chân thành thì không ít lần tôi nghe thấy ông thú nhận: “Như vậy tôi sai”. Cái cách hành xử của ông hình như thấm xuống toàn bộ đội ngũ quan chức và cả người dân Singapore, trở thành bản sắc văn hóa của xứ sở này.
Ông đã ra đi nhưng tôi tin rằng, di sản tinh thần của ông để lại sẽ mãi mãi dẫn dắt nhân dân Singapore tiếp tục xây dựng đất nước mình giàu đẹp hơn, được thiên hạ năm châu bốn biển nể trọng hơn.
Vũ Khoan (Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ)
theo Thế giới và Việt Nam
Chuyện về chiếc hộp đỏ Lý Quang Diệu luôn mang bên mình
Lý Quang Diệu, vị thủ tướng khai sinh ra CH Singapore và là người có công đưa quốc đảo nhỏ bé này thành một cường quốc kinh tế, luôn mang theo mình một chiếc hộp màu đỏ dù đi bất cứ nơi đâu.
Báo Quartz đưa tin, chiếc hộp màu đỏ tía này rộng khoảng 14cm, chứa giấy tờ, thư từ, sổ tay, các bản thảo và bất cứ thứ gì liên quan đến công việc mà ông Lý Quang Diệu có thể đang tập trung thực hiện.
Chiếc hộp là biểu tượng cho sự cống hiến của Lý Quang Diệu cho đất nước Singapore.
Như cựu thư ký riêng của ông, Heng Swee Keat, tiết lộ trong một bài viết về "chiếc hộp đỏ" này, ông Lý Quang Diệu dùng nó mỗi ngày mãi cho đến khi phải nhập viện vào ngày 5/2.
Vật dụng này là một chiếc hộp đặc biệt được dùng để mang tài liệu. Nó đóng vai trò như một chiếc cặp đựng tài liệu, mà với cố Thủ tướng Singapore và thế hệ của ông, là một thứ gắn với việc tổ chức và tiến hành công việc.
Ngày nay, người ta thường dùng cặp hoặc túi xách có thể đựng được máy tính xách tay. Các loại túi với đủ kiểu cách và chất liệu khác nhau được sản xuất để bắt kịp với thời trang công sở, thay thế cho những loại cặp đã lỗi thời.
Nhưng với chiếc hộp màu đỏ gắn bó, Lý Quang Diệu có thể không bao giờ để tâm đến hình thức của nó. Đơn giản là ông còn quá nhiều việc khác phải làm.
Theo cựu thư ký Heng, chiếc hộp không đơn thuần là thứ mà Lý Quang Diệu dùng để chứa tài liệu mang theo phục vụ công việc. Nó còn là biểu tượng cho sự cống hiến hết mình và bền bỉ của ông cho đất nước Singapore.
Theo Vietnamnet
Người đưa Singapore lên 'Thế giới thứ nhất' - Kỳ 3: Trải thảm đãi người tài Coi người tài là tài nguyên quý nhất và duy nhất mà Singapore có thể tạo được, ông Lý Quang Diệu đã làm mọi cách để phát huy năng lực và giữ chân họ. Ông Lý Quang Diệu trong một lần đến thăm Đại học Nanyang hồi thập niên 1960 - Ảnh: STOMP Vào thời điểm Cộng hòa Singapore ra đời, ông Lý...