Ông Lưu Bình Nhưỡng: ‘Cần cách chức lãnh đạo làm trái Nghị quyết 128′
“Lãnh đạo không đảm bảo hòa cùng nhịp đập, vì cá nhân, vì địa phương mình mà ngăn cản các địa phương khác, ngăn cản các chủ thể khác thì không thể chấp nhận được”, ông Nhưỡng nói.
Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch bệnh Covid-19 tạo ra bước ngoặt trong tư duy phòng chống dịch và tạo điều kiện mở cửa cho hoạt động kinh tế – xã hội. Nhưng ở khía cạnh khác, nhiều địa phương vẫn “đóng băng”, không thuận thủ theo tinh thần sống thích ứng với dịch mà Chính phủ đã quán triệt.
Đây là vấn đề chính được bàn đến trong buổi tọa đàm “Nghị quyết 128 – Hướng tới bình thường mới” diễn ra sáng 18/10, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.
Áp dụng giải pháp chưa tính hết nhu cầu người dân
Khái quát lại quá trình và kết quả chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định đến nay, nước ra cơ bản kiểm soát tốt đợt dịch lần thứ tư với biến chủng lây lan nhanh, mạnh và kéo dài ở nhiều địa phương.
Trong quá trình chống dịch vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng công tác chỉ đạo, điều hành ban đầu còn lúng túng, các quy định chưa bao quát hết vì việc chống dịch chưa có tiền lệ. Khâu tổ chức vẫn là khâu yếu. Các giải pháp khi áp dụng ở từng vùng, từng khu vực chưa tính hết nhu cầu của người dân và khả năng đáp ứng nên còn lúng túng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: Nguyên Phúc.
Ông Tuyên cũng đưa ra dự báo về sự xuất hiện của biến chủng mới và nhấn mạnh dịch rất khó lường, số ca nhiễm có thể tăng nhanh trong khi tiếp cận vaccine của Việt Nam ở mức tương đối.
“Nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan niệm ứng phó từ Zero Covid sang chung sống an toàn, Việt Nam cũng trong xu hướng đó. Khi độ phủ vaccine của Việt Nam đạt mức độ nhất định, việc chuyển hướng sang thích ứng, an toàn với dịch phải đồng thời với việc triển khai các giải pháp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo sinh hoạt của người dân phải song song với kiểm soát dịch hiệu quả”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Để linh hoạt trong thích ứng với dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý cần tăng dần độ phủ vaccine, phát hiện sớm trường hợp mắc ca bệnh, khoanh vùng, cách ly ở diện hẹp nhất có thể, hạn chế phong tỏa kéo dài trên diện rộng và triển khai quyết liệt biện pháp điều trị từ sớm, từ xa để giảm tử vong.
Cùng với đó, ông Tuyên cho rằng phải mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, sản xuất ngành nghề để từng bước thích ứng an toàn với dịch.
Với cách tiếp cận ấy, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 vào thời điểm này là hoàn toàn phù hợp với tình hình, góp phần thúc đẩy thực hiện bằng được mục tiêu kép.
Ông Tuyên nhấn mạnh Nghị quyết 128 cho phép địa phương linh hoạt áp dụng biện pháp cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa và cản trở người dân. Nếu áp dụng biện pháp chống dịch cao hơn biện pháp quy định trong Nghị quyết 128 phải báo cáo Thủ tướng, Bộ Y tế.
Bất cập trong lưu thông gây nhiều bức xúc
Nhắc đến những bất cập trong lưu thông thời gian qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh lần này dứt khoát phải giải quyết. Qua thực tiễn kiểm tra, ông Thọ chỉ ra vấn đề là chủ trương đúng nhưng thực hiện tại các chốt kiểm dịch còn chưa đồng bộ, hiểu chưa đúng, triển khai chưa cụ thể dẫn đến bất cập trong lưu thông.
“Ví dụ chỉ dừng một chiếc xe trên đường 5 phút thì đương nhiên sẽ có hàng trăm xe nối đuôi nhau phía sau, thời gian có thể kéo dài không chỉ 5 phút mà hàng tiếng đồng hồ, bức xúc cho doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí”, ông Thọ dẫn chứng và cho rằng tình trạng cần chấn chỉnh ngay.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ. Ảnh: Nguyên Phúc.
Bên cạnh đó, thời gian có hiệu lực của giấy xét nghiệm Covid-19 cũng là vấn đề gây bức xúc khi Bộ Y tế nêu rõ giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 72 giờ, nhưng nhiều địa phương chỉ chấp nhận trong 48 giờ, thậm chí 24 giờ.
Trong bối cảnh cả nước ứng dụng công nghệ qua mã QR để khai báo y tế, Thứ trưởng GTVT nêu thực tế có địa phương bắt cán bộ ngồi ghi từng số xe.
Còn đại biểu Quốc hội khóa XIV Lưu Bình Nhưỡng đánh giá chúng ta phải chịu đựng một cú sốc lớn nhưng đã không chấp nhận đóng băng toàn bộ hoạt động xã hội. “Nếu để mạch máu giao thông đứt gãy, cơ thể rơi vào trạng thái hôn mê và sẽ chết. Rất may, chúng ta không rơi vào tình trạng đó, không rơi vào tình trạng hỗn loạn”, ông Nhưỡng nói và đánh giá đây là vấn đề tốt với khía cạnh quản lý xã hội, phải giữ được ổn định thì mới có thể chuyển trạng thái bình thường mới.
Có tỉnh không tuân thủ quy định của Trung ương
Nhìn nhận Nghị quyết 128 như luồng gió mới được xã hội đón nhận, song theo ông Lưu Bình Nhưỡng, để lập lại trật tự là cả một vấn đề. Điển hình là việc các chốt kiểm soát liên tỉnh gây ra tình trạng cát cứ, hay vấn đề “trên bảo dưới không nghe” trong chỉ đạo, điều hành.
“Người dân bắt buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nhưng cấp tỉnh lại không tuân thủ cấp Trung ương. Đây là câu chuyện rất khó hiểu”, ông Nhưỡng nêu thực tế.
Đại biểu Quốc hội khóa XIV Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Nguyên Phúc.
Theo ông Nhưỡng, các địa phương phải hiểu đúng nghị quyết, đánh giá đúng tình hình và quy định đúng bằng văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng ăn đong, nay chỉ đạo thế này, mai chỉ đạo cái khác.
Ông Nhưỡng nhấn mạnh nguyên tắc của Nghị quyết 128 là thống nhất toàn quốc, các địa phương không được cục bộ, cát cứ, ban hành quy định vượt mức cần thiết.
” Phải tuân thủ các quy định này vì đây là nguyên tắc bất di bất dịch”, ông Nhưỡng nhấn mạnh và cho rằng Nghị quyết 128 cho địa phương quyền linh hoạt để thích ứng, nhưng nếu địa phương không thực hiện theo quy định của Trung ương, cần có chế tài như đình chỉ, loại trừ, thậm chí có thể cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ để tránh tình trạng trên bảo dưới không nghe.
“Bản thân lãnh đạo không đảm bảo hòa cùng nhịp đập, vì cá nhân, vì địa phương mình mà ngăn cản các địa phương khác, ngăn cản các chủ thể khác thì không thể chấp nhận được”, ông Nhưỡng nói.
Ông đề nghị từ nghị quyết này ta phải có sự theo dõi, có đánh giá chặt chẽ với lãnh đạo, người đứng đầu các địa phương để xác định trách nhiệm. Nếu cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý ngay chứ không chờ kết thúc chiến dịch mới làm. “Anh ra trận mà không chỉ huy được thì rút ra cho người khác làm, nếu không chúng ta sẽ thua”, ông Nhưỡng ví von.
Việt Nam có phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ 5?
Dù số ca nhiễm nCoV trên toàn quốc đã giảm dần, tỷ lệ này tại một số địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long hay Tây Nguyên lại tăng nhanh mang tới lo ngại về đợt dịch tiếp theo.
Thời gian qua, Việt Nam đã ghi nhận những dấu hiệu đáng mừng khi lượng người nhiễm nCoV trong nước và số ca tử vong có xu hướng giảm dần. Dựa trên tình hình đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Chính phủ đã thống nhất ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Mặc dù vậy, một trong những dấu hiệu đáng lo ngại là số ca nhiễm tăng cao trong thời gian ngắn vừa qua tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang, Bình Thuận, Tây Ninh...
Các chuyên gia y tế cũng đánh giá nguy cơ dịch bùng phát trở lại là vẫn còn. Do đó, các địa phương sẽ phải luôn cảnh giác và thực hiện biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, nhất là khi tỷ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine còn thấp.
Dịch Covid-19 vẫn rất khó lường
Trao đổi với Zing , PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát vẫn cao và rất khó lường. Tuy nhiên, việc bùng dịch còn phụ thuộc nhiều vào khả năng đáp ứng của địa phương.
"Đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã có sự cảnh giác, kinh nghiệm cũng như năng lực trong phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, việc một đợt dịch tiếp theo bùng lên và gây ảnh hưởng lớn như vừa qua là khó có thể xảy ra", ông Phu nhận định.
Một đợt dịch tiếp theo bùng lên và gây ảnh hưởng lớn như vừa qua là khó có thể xảy ra. PGS.TS Trần Đắc Phu
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng các ổ dịch vẫn có thể xuất hiện rải rác trên nhiều địa phương tương tự Hà Nam hay các tỉnh miền Tây thời gian qua. Nếu tình huống tương tự xảy ra, các địa phương sẽ phải phong tỏa hẹp và gọn để không ảnh hưởng tới kinh tế cũng như an sinh xã hội của người dân.
"Yếu tố quan trọng nhất là chúng ta cần phát hiện những ổ dịch này sớm nhất có thể. Ngoài ra, ý thức phòng dịch của người dân với việc thực hiện nghiêm 5K cũng góp phần rất lớn giúp các địa phương tránh được nguy cơ bùng phát dịch", nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh.
Một gia đình rời phòng trọ tại Đồng Nai để về quê ở An Giang. Ảnh: Duy Hiệu .
Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng những nơi chưa bùng phát dịch và tỷ lệ tiêm chủng vaccine còn thấp vẫn sẽ có nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 tiếp theo. Tuy nhiên, ông dự báo sự gia tăng ca nhiễm sẽ không quá lớn.
"Tùy địa phương và tính chất của ổ dịch, nguy cơ sẽ khác nhau. Ví dụ, nguy cơ về dịch tại Hà Nội có thể sẽ cao hơn TP.HCM đôi chút. Trong khi đó, mức độ dịch tại TP.HCM trong thời gian tới có lẽ sẽ ổn định như hiện nay. Dẫu vậy, nguy cơ tại 2 thành phố này nhìn chung không quá lớn. Ngược lại, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ cần chuẩn bị nhiều hơn nếu dịch xảy ra", ông cảnh báo.
Chuẩn bị trước cho làn sóng dịch tiếp theo
PGS Đỗ Văn Dũng chia sẻ: "Bài học lớn nhất tôi nhận thấy trong làn sóng dịch vừa qua là phải tiêm vaccine Covid-19 cho người cao tuổi trước. Xếp sau đó là chúng ta cần xây dựng hệ thống y tế cơ sở để tiếp nhận được bệnh nhân có nguy cơ, từ đó điều trị phù hợp".
Theo vị chuyên gia này, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, hệ thống y tế của Việt Nam chưa chú trọng nhiều về khái niệm "oxy liệu pháp", từ đó không chuẩn bị đủ giường được trang bị oxy cho bệnh nhân. Chính điều này dẫn tới việc quá tải khi dịch bùng phát, từ đó không đáp ứng được nhu cầu điều trị.
Một phụ nữ lớn tuổi được nhân viên y tế khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh: Việt Linh .
"Việc chuẩn bị trước những vấn đề này là rất quan trọng. Nguyên nhân là không phải muốn có oxy là có được ngay. Vaccine cũng vậy, không thể hôm nay tiêm, ngày mai có hiệu quả ngay. Do đó, đây là 2 yếu tố khẩn cấp, các địa phương cần làm càng sớm càng tốt để chủ động khi dịch bùng phát", Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định.
Dựa trên nền tảng y tế đó, ông Dũng cho rằng khi dịch xảy ra, các tỉnh, thành phố sẽ phải nhanh chóng đánh giá tình hình, thực hiện biện pháp chống dịch nghiêm ngặt như giãn cách xã hội tuyệt đối, không cho người dân tới nơi công cộng... Nhờ đó, khả năng lây lan virus có thể được hạn chế.
Mặt khác, các địa phương cũng cần tổ chức xét nghiệm tại những nơi nguy cơ cao, xuất hiện F0 có triệu chứng, qua đó phát hiện sớm sự gia tăng của dịch bệnh và thực hiện biện pháp kiểm soát quyết liệt sớm nhất.
"Dù các địa phương đã chuẩn bị kịch bản phòng dịch cụ thể, tôi rất hy vọng với đặc điểm địa lý cùng mật độ dân cư thưa, khác với TP.HCM, sự lây nhiễm SARS-CoV-2 sẽ không quá nghiêm trọng như đợt dịch vừa qua", PGS Dũng kết luận.
Lo ngại về sự thiếu thống nhất trong tiêu chí phân cấp độ dịch
Trong hướng dẫn của Bộ Y tế mới đây, các địa phương sẽ dựa trên những tiêu chí về tỷ lệ ca nhiễm trong cộng đồng/100.000 dân/tuần và người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine để đánh giá cấp độ dịch.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cho phép các tỉnh, thành phố tăng/giảm số ca nhiễm hoặc điều chỉnh tỷ lệ tiêm chủng nói trên theo tình hình thực tiễn trước khi đánh giá và phân cấp. Sự linh hoạt này gây ra nhiều lo lắng về việc làm mất đi giá trị của bộ tiêu chí, từ đó khiến Việt Nam khó kiểm soát tốt dịch.
Người dân khai báo y tế tại chốt kiểm soát cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) ngày 13/10. Ảnh: Đức Anh .
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng Bộ Y tế nên thống nhất những tiêu chí cứng và quan trọng, từ đó buộc các địa phương phải tuân thủ.
Ông nêu ví dụ: "Với tỷ lệ tiêm chủng cho người cao tuổi, nếu không quy định thống nhất, nhiều địa phương có thể vì các sức ép như việc phải mở cửa, áp lực kinh tế..., và quyết định tiêm cho công nhân, người lao động trước để tránh làm gián đoạn sản xuất. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới hiệu quả phòng dịch".
Trong khi đó, chúng ta cũng cần rõ ràng về việc phân cấp độ dịch. Tình trạng mỗi địa phương lại có mốc số liệu để đánh giá cấp độ dịch khác nhau sẽ dẫn đến sự không phù hợp khi thực hiện.
PGS Dũng nhận định: "Điểm mạnh của hệ thống chính trị Việt Nam là sự quản lý thống nhất. Do đó, chúng ta nên có hướng dẫn cụ thể và yêu cầu địa phương phải làm theo. Tất nhiên, nếu các tiêu chí chưa phù hợp, các địa phương có quyền góp ý. Nhưng khi hướng dẫn đã được đưa ra, chúng phải thật sự rõ ràng".
Nên làm gì để tránh lây nhiễm nCoV khi đi máy bay?.Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo người dân nên ăn, uống từ trước và tuyệt đối không bỏ khẩu trang ở trên máy bay.
Du khách, công ty du lịch lúng túng trước quy định của địa phương Các quy định về đi lại và y tế của địa phương chưa thống nhất khiến du khách cân nhắc chuyến đi, còn công ty du lịch gặp khó khi chuẩn bị sản phẩm. Tháng 9, anh Đức An (Hải Phòng) dự định đưa gia đình tới Sa Pa (Lào Cai) để nghỉ dưỡng, kết hợp trekking sau thời gian dài ở nhà...