Ông Joe Biden và sứ mệnh ‘xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn’
Với thâm niên gần 50 năm tham gia chính trường, ông Biden đang được kỳ vọng là một người vững vàng để đưa nước Mỹ vượt qua cuộc khủng kép về y tế và kinh tế nghiêm trọng.
Người dân Mỹ cầm những tấm biển ủng hộ ứng cử viên Joe Biden. (Ảnh: Đặng Huyền/TTXVN)
Chủ nhân của chiếc ghế Tổng thống Mỹ trong cuộc đua năm 2020 đã lộ diện khi ngày 7/11, các hãng truyền thông của Mỹ đồng loạt đưa tin, ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ đã giành chiến thắng tại bang Pennsylvania và có số phiếu đại cử tri vượt mốc 270 phiếu trên tổng số 538 phiếu đại cử tri toàn quốc.
Và nếu không có bất ngờ, ông Biden sẽ được các đại cử tri bầu để chính thức trở thành Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 1 tới.
Những thảm kịch trong cuộc đời
Ông Joe Biden, tên đầy đủ là Joseph Robinette Biden Jr, sinh ngày 20/11/1942 tại thị trấn Scranton, bang Pennsylvania, trong một gia đình công giáo gốc Ireland.
Vào những năm 1950, cha ông, Joseph Robinette Biden Sr., vốn là một nhân viên bán xe hơi cũ bị mất việc, đã chuyển gia đình đến bang Delaware. Sinh ra từ tầng lớp lao động và có tật nói lắp khi còn nhỏ, tuy nhiên ông Joe Biden đã vượt qua tất cả.
Ông Joe Biden theo học Đại học Delaware và Đại học luật Syracuse, và cũng khởi đầu sự nghiệp chính trị từ bang Delaware.
Năm 1966, khi vẫn đang học Trường luật Syracuse, ông Biden kết hôn với người vợ đầu Neilia Hunter. Hai vợ chồng có ba người con, Joseph Beau Biden III sinh năm 1969, Robert Hunter Biden sinh năm 1970 và Naomi Christina sinh năm 1971.
Ông Biden từng thổ lộ với bà Neilia Hunter về dự định trở thành Thượng nghị sỹ liên bang khi 30 tuổi và sau đó sẽ trở thành Tổng thống. Đến nay, dự định đó có thể trở thành hiện thực.
Sau một thời gian làm việc trong lĩnh vực luật pháp và quan chức dân cử tại Hội đồng quận New Castle, năm 1972, ông Biden chính thức ra tranh cử chức thượng nghị sỹ liên bang tại bang Delaware và đắc cử.
Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau khi đắc cử, khi đang có mặt tại Washington DC để chuẩn bị cho sự nghiệp chính trị tại Thủ đô thì bi kịch đã ập đến với gia đình ông.
Ngày 18/12/1972, vợ và con gái 1 tuổi đã qua đời sau một vụ tai nạn giao thông. Hai cậu con trai của ông là Beau và Hunter may mắn sống sót nhưng bị thương nặng.
Ông Biden khi đó đã định từ chức để chăm lo việc gia đình nhưng đã được động viên ở lại. Nhưng vượt qua nỗi đau mất mát, ông Biden bắt đầu chặng đường nửa thế kỷ phụng sự nước Mỹ với vai trò mới.
Năm 1975, ông Biden gặp bà Jill Jacobs, một giáo viên và hai người kết hôn vào năm 1977. Bà Jill Biden trở thành mẹ kế của Hunter và Beau, sau đó ông bà sinh thêm người con gái Ashley vào năm 1981.
Bà Jill Biden có hai bằng thạc sỹ, một bằng tiến sỹ giáo dục và giảng dạy tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Virginia. Bà Jill Biden cũng đã giúp sức cho chồng rất nhiều trong giai đoạn ông Biden đảm nhiệm chức Phó Tổng thống trong Chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Tưởng chừng sự nghiệp chính trị của ông Biden cứ thế “êm xuôi”, nhưng một bi kịch gia đình khác lại bất ngờ ập đến. Năm 2015, ông Biden tiếp tục chứng kiến mất mát lớn lao khi người con trai cả Beau Biden, lúc đó đang là Tổng Chưởng lý (Bộ trưởng Tư pháp) bang Delaware và một ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ, đã bất ngờ qua đời vì mắc bệnh ung thư não ở tuổi 46.
Chính tấn thảm kịch đó đã ngăn cản ông Biden tham gia tranh cử tổng thống năm 2016.
Con đường đến Nhà Trắng
Trong sự nghiệp chính trị, ông Biden là một trong những Thượng nghị sỹ trẻ tuổi nhất từ trước đến nay ở Mỹ khi đắc cử tại Delaware năm 1972, vừa bước sang tuổi 30 như dự định mà ông từng ấp ủ.
Video đang HOT
Trong hơn ba thập niên đảm nhiệm chức Thượng nghị sỹ bang Delaware, ông Biden từng thẳng thắn đề xuất các dự luật chống tội phạm cứng rắn hơn khi giữ chức Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện giai đoạn 1987-1995.
Ông Biden cũng có ba lần giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ giai đoạn 2001-2003 và 2007-2009. Trong thời gian làm việc tại Thượng viện Mỹ, ông Biden đã thể hiện là một trong những “nhà ngoại giao” hàng đầu với nhiều quan điểm nổi bật về chính sách đối ngoại.
Sau khi ông Obama đắc cử Tổng thống, ông Biden giữ chức Phó Tổng thống từ năm 2009 đến năm 2017. Trong quãng thời gian làm Phó Tổng thống, ông Biden đã tích lũy kinh nghiệm chính trường dày dạn, cũng đã có những thành tựu đáng kể.
Một trong những điểm nổi bật là ông đã sát cánh cùng ông Obama để xây dựng và thông qua Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ACA), hay còn gọi là Obamacare.
Sau khi rời Nhà Trắng, ông Biden và người vợ sau này cũng đã khởi động Sáng kiến “Biden Cancer” để hỗ trợ các nỗ lực phòng ngừa, phát hiện, chẩn đoán, nghiên cứu và chăm sóc các bệnh nhân ung thư.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Biden trên cương vị Phó Tổng thống cũng đặt trọng tâm việc giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra, đánh giá đây là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà nước Mỹ phải đối mặt.
Trong sự nghiệp chính trị, đến nay ông Biden đã có 3 lần tham gia cuộc chạy đua để trở thành ông chủ Nhà Trắng. Năm 1987, lần đầu tiên ông Biden tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng bị loại vì bê bối đạo văn trong bài phát biểu tranh cử.
Năm 2008, ông Biden tiếp tục tìm kiếm cơ hội tranh cử tổng thống, nhưng không thành công vì chỉ nhận được quá ít phiếu bầu trong các cuộc họp kín của đảng Dân chủ ở bang Iowa.
Năm đó, ông Biden bị “lu mờ” trước hai đối thủ “nặng ký” là ông Barack Obama và bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, sau đó ông Biden vẫn được ông Obama lựa chọn làm bạn đồng hành và nắm giữ chức Phó Tổng thống suốt 2 nhiệm kỳ dưới thời Chính quyền Obama (2009-2017).
Tháng 4/2019, hơn hai năm sau khi rời Nhà Trắng, ông Joe Biden chính thức tuyên bố tham gia cuộc đua giành suất đề cử chính thức của đảng Dân chủ.
Sau những khởi đầu không thuận lợi trong các cuộc họp kín và bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, ông Biden đã thực sự tăng tốc từ cuộc bầu cử sơ bộ tại bang South Carolina và trở thành lựa chọn cuối cùng của đảng Dân chủ.
Và cuộc đua năm 2020 đã đánh dấu lần thứ 3 ông Biden ghi tên vào cuộc đua khốc liệt nhất của nước Mỹ mang tên “bầu cử Tổng thống.”
Dù vấp phải khó khăn và nhiều thách thức rất lớn từ đối thủ là Tổng thống Donald Trump nhưng có thể đây là lần chạy đua thành công nhất của ông Biden. Sau rất nhiều cân nhắc, ông Biden quyết định chọn Thượng nghị sỹ Kamala Harris, người phụ nữ mang hai dòng Jamaica và Ấn Độ làm bạn đồng hành trong cuộc chạy đua với hai đối thủ của phe Cộng hòa là đương kim Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence.
Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden (phải) phát biểu sau Ngày Bầu cử tại Wilmington, Delaware, ngày 6/11. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bước vào cuộc đua song mã chọn ra vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ vô cùng quyết liệt và kịch tính lần này, ngoài việc được truyền thông ủng hộ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden thời gian qua thậm chí còn bị đánh giá là “lép vế” hơn đối thủ về nhiều mặt, kể cả về sức khỏe, phong cách, danh tiếng, giàu có hay sự quyết liệt trong cương lĩnh tranh cử.
Đội ngũ bầu cử của đảng Dân chủ còn bị ám ảnh bởi thất bại cay đắng bất ngờ năm 2016 của ứng cử viên Hillary Clinton. Ngay trong khi cuộc chạy đua năm 2020 đang diễn ra, ông Biden vẫn tiếp tục phải đối diện với các cáo buộc và chỉ trích, như bê bối xung quanh người con trai thứ của ông là Hunter Biden. Thế nhưng, các cáo buộc này đã không làm nhụt ý chí và quyết tâm của ông. Ông Biden là sự lựa chọn số 1 và duy nhất của phe Dân chủ năm nay.
Dường như từng bước đi của ứng cử viên Biden chậm mà chắc, ít nhiều đã để lại những dấu ấn đáng kể về một “chú ngựa đua” bền bỉ và kiên trì!
Ngày 7/11, các hãng truyền thông của Mỹ đồng loạt đưa tin ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ đã giành chiến thắng tại bang Pennsylvania (bang có 20 phiếu đại cử tri) và có số phiếu đại cử tri vượt mốc 270 phiếu.
Phản ứng trước những thông tin trên, đương kim Tổng thống Donald Trump đã từ chối công nhận chiến thắng này, đồng thời khẳng định sẽ triển khai các thách thức pháp lý.
Chặng đường dài phía trước
Nếu chính thức trở thành Tổng thống thứ 46, ông Joe Biden sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức như cuộc khủng hoảng y tế công cộng nghiêm trọng nhất trong vòng một thế kỷ mang tên COVID-19, nền kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái sâu do ảnh hưởng của đại dịch, chính trị- xã hội chia rẽ chưa từng thấy, hình ảnh và vị thế của nước Mỹ đã bị tổn hại nghiêm trọng trên trường quốc tế, kể cả trong con mắt của các đồng minh thân cận và đối tác quan trọng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Tuy nhiên, trong cương lĩnh tranh cử của mình suốt hơn một năm qua, ông Biden luôn khẳng định sẽ xây dựng nước Mỹ dựa trên những thành tựu và di sản của thời kỳ Barack Obama cũng như đoàn kết đất nước trong một giai đoạn đầy thách thức và khó khăn chưa từng có.
Với kế hoạch “Build back better” (Xây dựng lại tốt hơn), về kinh tế, ông Biden chủ trương bãi bỏ các khoản cắt giảm thuế của chính quyền đương nhiệm.
Ông đề xuất tăng thuế doanh nghiệp, nâng thuế thu nhập cá nhân và thúc đẩy mức lương tối thiểu 15 USD/h. Trong quan niệm của ông Biden, nước Mỹ cần phải xây dựng một nền kinh tế “phần thưởng cho công việc chứ không chỉ có sự giàu có.”
Một điểm nổi bật trong cam kết của ông Biden là kế hoạch đầy tham vọng về khí hậu, bao gồm việc đại tu toàn bộ ngành năng lượng Mỹ để đạt mục tiêu giảm lượng phát thải trong sản xuất điện năng xuống 0% vào năm 2035.
Chăm sóc y tế cũng là ưu tiên hàng đầu của ông Joe Biden khi ông cam kết sẽ tập trung vào cách ứng phó dịch COVID-19, như xét nghiệm miễn phí cho toàn bộ người dân.
Ông tuyên bố mở rộng Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng (ACA) còn gọi là Obamacare, cũng như cho phép người Mỹ lựa chọn tham gia một chương trình bảo hiểm y tế công tương tự như Medicare.
Quan điểm về nhập cư của ông Biden cũng được cho là mềm mỏng hơn ông Trump khi chủ trương hỗ trợ những người nhập cư trái phép trở thành công dân Mỹ, coi những người nhập cư không có giấy tờ hay tiền án “không nên là trọng tâm của việc trục xuất.”
Chính sách đối ngoại của ông Biden cũng được kỳ vọng sẽ khác hoàn toàn so với thời của ông Donald Trump. Ông Biden chủ trương khôi phục vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, cam kết tung ra một “cơn sóng thần” những đổi thay trong cách nước Mỹ xử lý các vấn đề quốc tế.
Ông Biden ủng hộ mạnh mẽ các mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là NATO. Với Trung Quốc, dù cáo buộc nước này phải chịu trách nhiệm về những hành vi thương mại không công bằng, ông Biden tỏ ý sẽ giải quyết vấn đề thông qua một nỗ lực quốc tế thay vì phát động cuộc chiến thương mại.
Ông cũng tuyên bố nếu đắc cử sẽ khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và có thể tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Có thể thấy rõ, với thâm niên gần 50 năm tham gia chính trường cùng những kinh nghiệm đã tích lũy được, ông Biden đang được kỳ vọng là một người vững vàng, để đưa nước Mỹ vượt qua cuộc khủng kép về y tế và kinh tế nghiêm trọng hiện tại, khắc phục tình trạng chia rẽ sâu sắc về chính trị và xã hội trong lòng nước Mỹ, hàn gắn quan hệ đã bị sứt mẻ với các đồng minh và đối tác, phát huy vị thế và vai trò cường quốc số 1 thế giới trong tham gia giải quyết các thách thức chung của nhân loại và qua đó khôi phục hình ảnh từng có của nước Mỹ./.
Những mốc thời gian chính từ nay đến ngày nhậm chức tổng thống Mỹ
Truyền thông Mỹ loan tin với các số phiếu bầu đã được kiểm đếm, ông Joe Biden đã thắng cử trong cuộc đua tổng thống. Đêm 7-11, ông có bài diễn văn tuyên bố chiến thắng, sẽ nhậm chức vào ngày 20-1.
Ông Joe Biden và bà Kamala Harris tại sự kiện với người ủng hộ ở Wilmington, Delaware - Ảnh: REUTERS
Sau đây là những cột mốc thời gian chính sẽ diễn ra từ nay đến ngày 20-1.
Từ nay đến ngày 23-11: Tiếp tục kiểm phiếu bầu
Các lá phiếu gửi qua thư được đóng dấu bưu điện trước và trong ngày 3-11 có thể đến muộn nhưng vẫn được tính ở nhiều tiểu bang.
Trong đa số trường hợp thư phải được nhận trong vòng một hoặc hai ngày sau ngày bầu cử. Nhưng ở bang Washington, nhà chức trách cho phép nhận được các lá phiếu gửi qua đường bưu điện muộn nhất là vào ngày 23-11, một ngày trước ngày tiểu bang này xác nhận kết quả bầu cử.
Ngày 10-11 đến 11-12: Các tiểu bang chứng nhận kết quả bầu cử
Mỗi bang chứng nhận kết quả bầu cử theo cách khác nhau, nhưng từ một tuần sau ngày bầu cử, chính quyền các bang bắt đầu xác nhận kết quả bầu cử.
Thời hạn này có thể thay đổi trong trường hợp phải kiểm phiếu lại ở những bang có kết quả sít sao. Do đó kết quả bầu cử có thể công bố trong thời gian hai tuần cuối cùng của tháng 11, trừ bang California cho phép công bố trước ngày 8-12.
Ngày 8-12: Xác định kết quả bầu cử và chốt danh sách đại cử tri
Theo đạo luật về đếm phiếu đại cử tri, đây là ngày mà các tiểu bang sẽ kiểm phiếu, giải quyết tranh chấp và xác định ai danh sách đại cử tri tham gia cử tri đoàn.
Các thống đốc phải chứng nhận vào danh sách người chiến thắng của cuộc bầu cử ở tiểu bang và danh sách đại cử tri được lựa chọn.
Ngày 14-12: Các đại cử tri bỏ phiếu
Theo luật, đây là ngày thứ hai đầu tiên sau ngày thứ tư thứ hai trong tháng 12. Năm nay, ngày này rơi vào ngày 14-12. Sáu ngày sau khi dàn xếp nội bộ tại tiểu bang, các đại cử tri sẽ gặp nhau tại tiểu bang của mình và bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ. Họ xác nhận các bộ phiếu bầu và gửi chúng đến Washington.
Nhiều tiểu bang có luật yêu cầu các đại cử tri cam kết bỏ phiếu cho người chiến thắng trong cuộc bầu cử ở tiểu bang của họ và có thể phạt tiền những đại cử tri bội tín nếu bỏ phiếu ngược lại sự lựa chọn của người dân.
Ngày 23-12: Các phiếu đại cử tri đến thủ đô
Các lá phiếu đại cử tri đã được xác nhận có 9 ngày để được chuyển đến thủ đô.
Ngày 3-1: Quốc hội mới tuyên thệ nhậm chức.
Các thành viên mới của Hạ viện và Thượng viện tuyên thệ nhậm chức vào buổi trưa. Đây là sự khởi đầu chính thức của Quốc hội lần thứ 117 của Mỹ.
Ngày 6-1: đếm phiếu đại cử tri
Tất cả các thành viên của Hạ viện và Thượng viện cùng họp tại Hạ viện. Chủ tịch Thượng viện (Phó tổng thống Mike Pence) chủ trì phiên họp. Các phiếu đại cử tri được một người ở Hạ viện và một người ở Thượng viện đọc và đếm theo thứ tự chữ cái.
Sau đó, họ đưa số phiếu đại cử tri đã được thống kê cho ông Mike Pence, ông sẽ thông báo kết quả và lắng nghe ý kiến phản đối.
Nếu có sự phản đối hoặc nếu có nhiều nhóm đại cử tri phản đối, Hạ viện và Thượng viện sẽ xem xét các nhóm này riêng biệt để quyết định cách đếm những phiếu bầu phản đối.
Có 538 phiếu đại cử tri. Nếu không có ứng cử viên nào đạt 270 phiếu đại cử tri, 435 thành viên của Hạ viện sẽ quyết định cuộc bầu cử. Mỗi bang có một phiếu bầu cho tổng thống.
Hạ viện có thời gian đến trưa 20-1 để chọn tổng thống. Nếu Hạ viện không chọn được, người được chọn sẽ là phó tổng thống hoặc người tiếp theo đủ điều kiện trong hàng kế nhiệm tổng thống.
Ngày 20-1: Ngày tuyên thệ nhậm chức
Tổng thống mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào buổi trưa. Nếu tổng thống đắc cử qua đời trong khoảng thời gian từ ngày đắc cử đến ngày nhậm chức, phó tổng thống đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức và trở thành tổng thống.
Trong một cuộc bầu cử có tranh chấp, nếu Hạ viện không chọn được tổng thống nhưng Thượng viện đã chọn phó tổng thống thì phó tổng thống đắc cử sẽ trở thành quyền tổng thống cho đến khi Hạ viện đưa ra lựa chọn cuối cùng. Và nếu không có tổng thống đắc cử cũng như không có phó tổng thống đắc cử, Hạ viện sẽ chỉ định một tổng thống cho đến khi một người được chọn.
Cảm xúc cử tri Mỹ: đau buồn và vui sướng với chiến thắng của ông Biden Với các số phiếu bầu đã được kiểm đếm, ông Joe Biden đã nắm chắc cơ hội trở thành tổng thống của Mỹ. Tối 7-11, liên danh đắc cử đã có bài phát biểu chiến thắng, trong đó ông Biden cam kết mang lại sự đoàn kết cho nước Mỹ. Biểu ngữ Biden-Harris của người ủng hộ liên danh thắng cử ở Wilmington,...