Ông Biden sẽ làm gì để cứu Internet?
Trong bài viết đăng trên Wired, tác giả Gilad Edelman cho rằng ông Joe Biden sẽ đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến chính sách công nghệ do người tiền nhiệm để lại.
Dựa trên kết quả kiểm phiếu phổ thông sơ bộ, ứng cử viên Joe Biden được dự đoán chiến thắng và trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ kể từ tháng 1/2021.
Thật không may, ông phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, từ việc đảng Dân chủ không chiếm đa số ở Thượng viện đến thực trạng lộn xộn của “nền kinh tế Internet”, nơi có những hệ thống sinh thái bị chi phối bởi các tập đoàn siêu cường.
Ngay trước kỳ bầu cử, Bộ trưởng Tư pháp dưới thời ông Donald Trump đã kiện Google về vấn đề độc quyền. Vụ việc chưa đi đến hồi kết, vì vậy chính phủ mới sẽ phải tiếp tục xử lý.
Chính phủ mới phải xử lý hậu quả của các vụ kiện chống độc quyền từ thời Donald Trump.
Các nhà bình luận công nghệ lo lắng về động cơ đằng sau vụ việc. Những chuyên gia chống độc quyền, bao gồm người có xu hướng tự do, hoan nghênh động thái của Bộ Tư pháp, nhưng rõ ràng chính quyền dưới thời Biden không dễ giải quyết hậu quả để lại.
Sau đó, họ sẽ ứng xử thế nào với những cái tên còn lại. Facebook hay Amazon đều có chính sách củng cố vị thế của mình bằng cách mua bán, sáp nhập các đối thủ tiềm năng.
Hành động pháp lý rất khó thực hiện khi cơ quan lập pháp liên bang do phe bảo thủ chiếm đa số và tiền lệ cho thấy chính phủ ít dành được phần thắng trong các vụ kiện chống độc quyền.
Bên cạnh Bộ Tư pháp, một cơ quan khác có ảnh hưởng trong vấn đề này là Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC). Không cần Quốc hội chấp thuận, FTC cũng có thể ban hành các quy tắc. Chẳng hạn như cấm cạnh tranh không lành mạnh, điều khoản ràng buộc trong thỏa thuận người dùng hoặc các hợp đồng độc quyền.
Tuy nhiên, vấn đề là các ủy viên của FTC có nhiệm kỳ đến 7 năm và không thể bị sa thải vô lý. Hiện tại ủy ban này có 3 thành viên đảng Cộng hòa và 2 người thuộc phe Dân chủ. Tất cả đều bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 2018.
Như vậy, ông Biden có thể không thực hiện được chính sách của mình trước khi một đảng viên Cộng hòa nghỉ hưu hoặc quay lại làm việc cho khu vực tư nhân.
Câu hỏi lớn hơn là tổng thống mới có quan điểm như thế nào về việc này. Biden không nói nhiều về chống độc quyền trong chiến dịch tranh cử.
Mạng lưới cố vấn ông bao gồm cả những người có tư tưởng chống độc quyền và những người bảo vệ các đại gia công nghệ. Chưa rõ bên nào thắng thế trong chính quyền mới.
Luật về quyền riêng tư
Vào năm 2019, dự luật về bảo mật và quyền riêng tư được đệ trình lên Quốc hội Mỹ. Ban đầu, có vẻ cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều tán đồng.
Nhưng 2 bên không tìm được tiếng nói chung trong một số điểm mấu chốt: người dùng có thể kiện công ty vi phạm hay không và luật có ngăn chặn quy định chặt chẽ hơn của các tiểu bang trong vấn đề này.
Cơ quan lập pháp Mỹ vẫn chia rẻ trong vấn đề quy định quyền riêng tư.
Video đang HOT
Tuy nhiên, khi quốc hội nhiệm kỳ 117 bắt đầu hoạt động vào năm tới, sẽ có một số đề xuất lập pháp phù hợp được đưa ra bàn bạc. Chưa rõ các nghị sĩ có đạt được đồng thuận sau cuộc bầu cử tổng thống kéo dài và nhiều diễn biến phức tạp hay không.
Ngoài ra, Đạo luật Quyền riêng tư của California là một áp lực khác. Quy định vừa được thông qua của tiểu bang này mạnh tay hơn luật riêng tư hiện hành. Một khi hiệu lực, nó có thể trở thành tiêu chuẩn quốc gia vì trên thực tế, California có ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế Mỹ nói chung và trong lĩnh vực công nghệ nói riêng.
Kiểm duyệt nội dung
Ngay cả khi không có gì xảy ra ở cấp độ lập pháp, việc Donald Trump rời Nhà Trắng vẫn là một cơn địa chấn đối với các nền tảng trong vấn đề kiểm duyệt nội dung.
Trump đặt ra một câu hỏi nan giải cho mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và Twitter, những nền tảng ông thường xuyên sử dụng: Làm thế nào để thực thi nhất quán các quy tắc kiểm soát thông tin sai lệch khi Tổng thống Mỹ lại là nguồn phát tán lớn?
Trong những năm đầu nhiệm kỳ Donald Trump, có vẻ các công ty nhún nhường. Vì vậy, họ hứng chịu nhiều chỉ trích từ các nhà hoạt động tự do và giới phê bình công nghệ. Tuy nhiên thời gian gần đây điều đó dần cải thiện.
Ông Trump khiến các nền tảng mạng xã hội khó xử với những thông điệp gây tranh cãi.
Biden lại khác. Ông ấy là một chính trị gia Mỹ điển hình, một người không tung tin đồn về gian lận bầu cử lên mạng xã hội vào lúc 3 giờ sáng. Điều đó có nghĩa là công việc của các nền tảng sắp trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Tin giả và sai lệch không lập tức biến mất, nhưng nó cũng không còn liên hệ chặt chẽ với người đứng đầu Nhà Trắng. Vì vậy, các nền tảng có thể đưa ra quyết định xử lý dễ dàng hơn, không căng thẳng về mặt chính trị.
Do đó, ngay cả khi các công ty không thay đổi bất cứ điều gì sau, vấn đề thông tin sai lệch có vẻ không còn trầm trọng như trước.
Phân hóa trong lĩnh vực công nghệ
Bất bình đẳng trong sử dụng Internet băng thông rộng là vấn đề đáng xấu hổ của Mỹ, một điều mà ngay cả chương trình mang tên “Tuần lễ Cơ sở hạ tầng” của Trump cũng không giải quyết được.
Biden đã biến băng thông rộng ở nông thôn trở thành một phần khá lớn trong chiến dịch tranh cử của mình. Đó cũng là ưu tiên trong nhiều năm qua của Đảng Dân chủ.
Tổng thống mới có thể không thực hiện được tất cả lời hứa về băng thông rộng nếu không có sự ủng hộ của Thượng viện, ít nhất là trong vấn đề tăng ngân sách liên bang. Nhưng nếu đó thực sự là ưu tiên, chính quyền sẽ làm nhiều việc để cố gắng đạt được.
Một lý do khiến truy cập băng thông rộng thiếu và giá quá cao là sự độc quyền trong việc cung cấp. Sử dụng sức mạnh chống độc quyền, tạo ra cạnh tranh nhiều hơn là cách hiệu quả để giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, khi đặt bên cạnh những khủng hoảng nghiêm trọng khác mà Biden phải giải quyết, gồm đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, tình hình kinh tế… Internet băng thông rộng nông thôn chỉ là một vấn đề thứ yếu.
Thỏa thuận bí ẩn giữa Apple và Google: Cái bắt tay tỷ đô nhằm kiểm soát Internet toàn cầu
Trong một khiếu nại chống độc quyền mang tính bước ngoặt, Bộ Tư pháp Mỹ đang nhắm đến mối quan hệ hợp tác bí mật trị giá hàng tỷ USD của hai công ty giá trị hàng đầu tại thung lũng Silicon.
Khi bức ảnh chụp Tim Cook và Sundar Pichai, giám đốc điều hành của Apple và Google, ăn tối cùng nhau vào năm 2017 tại một nhà hàng cao cấp phục vụ đồ ăn Việt Nam có tên Tamarine được công bố, nó đã lan tỏa điên cuồng một tin đồn về mối quan hệ bí mật giữa hai công ty quyền lực nhất ở Thung lũng Silicon.
Khi hai người đàn ông này đang nhâm nhi rượu vang đỏ tại chiếc bàn bên cửa sổ, trong nhà hàng ở Palo Alto, 2 công ty đang đàm phán căng thẳng để gia hạn một trong những hợp đồng kinh doanh béo bở nhất trong lịch sử: thỏa thuận sử dụng công cụ tìm kiếm của Google làm sự lựa chọn đầu tiên trên iPhone và các thiết bị khác. Thỏa thuận cập nhật này có trị giá hàng tỷ USD cho cả hai công ty và sẽ củng cố vị thế của họ ở vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp công nghệ.
Nhưng hiện giờ, mối quan hệ đối tác này đang gặp nguy hiểm. Thứ Ba tuần trước (20/10), Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kiện Google - vụ kiện chống độc quyền lớn nhất của chính phủ Hoa Kỳ trong hai thập kỷ - và muốn thông qua liên minh này làm ví dụ điển hình cho những gì các công tố viên cho là "các chiến thuật bất hợp pháp của công ty để bảo vệ sự độc quyền và ngăn cản cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm trên web".
Việc xem xét kỹ lưỡng hiệp ước, được ký kết lần đầu tiên cách đây 15 năm và hiếm khi được thảo luận bởi một trong hai công ty, đã làm nổi bật mối quan hệ đặc biệt giữa hai công ty giá trị nhất của Thung lũng Silicon - một liên minh không có đối thủ - mà các nhà quản lý cho rằng đang ngăn cản các công ty nhỏ hơn phát triển, một cách bất công.
"Chúng tôi có loại thuật ngữ kỳ lạ này ở Thung lũng Silicon: co-opetition (một mô hình hợp tác và cạnh tranh)", Bruce Sewell, cố vấn chung của Apple từ năm 2009 đến năm 2017. "Bạn có sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng đồng thời, bạn cũng có sự hợp tác cần thiết."
Bức ảnh hé lộ cuộc gặp gỡ bí mật giữa Sundar Pichai và Tim Cook.
Apple và Google đã luôn hợp tác với nhau, bất chấp việc Tim Cook từng nói rằng quảng cáo trên Internet - kế sinh nhai của Google - tham gia vào việc "giám sát" người tiêu dùng; hay Steve Jobs, đồng sáng lập của Apple, từng đưa ra tuyên bố về một cuộc "chiến tranh hạt nhân" tại Thung lũng Silicon khi biết "người hàng xóm" của mình đang phát triển một sản phẩm đối thủ với iPhone.
Apple và công ty mẹ của Google, Alphabet, hiện có trị giá tổng cộng hơn 3.000 tỷ USD, đang cạnh tranh trên nhiều mặt trận như điện thoại thông minh, bản đồ kỹ thuật số và máy tính xách tay. Nhưng họ cũng biết cách chơi đẹp khi có thứ gì đó phù hợp với lợi ích của cả hai bên. Và ít có thỏa thuận nào đẹp hơn so với thỏa thuận về công cụ tìm kiếm trên iPhone.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, gần một nửa lưu lượng tìm kiếm của Google hiện nay đến từ các thiết bị của Apple và viễn cảnh mất đi thỏa thuận với Apple đã được mô tả như một kịch bản "code red" (cảnh báo nguy cấp) bên trong Google. Bởi khi người dùng iPhone tìm kiếm trên Google, họ sẽ thấy các quảng cáo tìm kiếm thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Google. Họ cũng có thể tìm đường đến các sản phẩm khác của Google, chẳng hạn như YouTube.
Một cựu giám đốc điều hành của Google, người yêu cầu giấu tên vì không được phép nói về thỏa thuận này, cho biết viễn cảnh mất lưu lượng truy cập từ thiết bị của Apple là điều "đáng sợ" đối với công ty.
Bộ Tư pháp Mỹ, đang yêu cầu một lệnh từ tòa án ngăn Google tham gia vào các giao dịch giống như thỏa thuận mà họ đã thực hiện với Apple, lập luận rằng thỏa thuận này đã giúp đưa Google, công ty xử lý 92% tìm kiếm trên Internet trên thế giới, trở thành trung tâm của người tiêu dùng trong lĩnh vực trực tuyến.
Các doanh nghiệp trực tuyến như Yelp và Expedia, cũng như các tiệm mì hay các tổ chức tin tức, thường phàn nàn rằng sự thống trị về tìm kiếm của Google cho phép công ty này thu phí quảng cáo khi mọi người cần tra cứu tên của họ, cũng như hướng người tiêu dùng đến với sản phẩm của chính họ, ví dụ Google Maps. Microsoft, công ty từng có cuộc chiến chống độc quyền cách đây hai thập kỷ, đã nói với các nhà quản lý ở Anh rằng nếu được là tùy chọn mặc định trên iPhone và iPad, họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn từ quảng cáo cho mỗi lượt tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm của mình, Bing.
Hơn nữa, các đối thủ cạnh tranh như DuckDuckGo, một công cụ tìm kiếm nhỏ định vị mình như một giải pháp thay thế tập trung vào quyền riêng tư, không bao giờ có thể đấu lại được Google cùng Apple.
Apple hiện nhận được khoản thanh toán hàng năm ước tính từ 8 đến 12 tỷ USD - tăng từ 1 tỷ USD mỗi năm vào năm 2014 - để đổi lấy việc đưa công cụ tìm kiếm của Google vào các sản phẩm của mình. Đây có lẽ là khoản thanh toán lớn nhất mà Google thực hiện cho bất kỳ công ty nào, và chiếm từ 14% đến 21% lợi nhuận hàng năm của Apple. Đó chắc chắn không phải là số tiền mà Apple muốn từ bỏ.
Trên thực tế, Tim Cook và Sundar Pichai đã gặp lại nhau vào năm 2018 để thảo luận về cách họ có thể tăng doanh thu từ lĩnh vực tìm kiếm. Sau cuộc họp, một nhân viên cấp cao của Apple đã viết thư cho một đối tác của Google rằng "tầm nhìn của chúng ta là cách chúng ta làm việc như thể chúng ta là một công ty", theo đơn khiếu nại của Bộ Tư pháp Mỹ.
Bộ Tư Pháp Mỹ đang xem xét thỏa thuận về công cụ tìm kiếm Google trên các thiết bị Apple.
Việc buộc phải chia ly có thể đồng nghĩa với việc Apple sẽ mất tiền. Nhưng nó sẽ là một mối đe dọa đáng kể hơn đối với Google, bởi công ty sẽ không có cách rõ ràng nào để thay thế lượng truy cập đã mất. Nó cũng có thể thúc đẩy Apple mua lại hoặc xây dựng công cụ tìm kiếm của riêng mình. Trong nội bộ Google, mọi người đều tin rằng Apple là một trong số ít công ty trên thế giới có thể cung cấp một giải pháp thay thế đáng gờm, theo chia sẻ từ một cựu giám đốc điều hành. Google cũng lo lắng rằng nếu không có thỏa thuận này, Apple có thể khiến người dùng iPhone gặp khó khăn hơn trong việc truy cập công cụ tìm kiếm Google.
Người phát ngôn của Apple từ chối bình luận về mối quan hệ hợp tác, trong khi người phát ngôn của Google chỉ nhấn mạnh một bài đăng trên blog trong đó công ty nói rằng sẽ bảo vệ mối quan hệ này.
Mặc dù hóa đơn với Apple vẫn tiếp tục tăng, nhưng Google luôn "nhắc đi nhắc lại" rằng mình thống trị lĩnh vực tìm kiếm trên Internet vì "người tiêu dùng yêu thích" chứ không phải vì họ đã "mua khách hàng". Công ty lập luận rằng Bộ Tư pháp Mỹ đang vẽ một bức tranh không hoàn chỉnh và rằng "việc hợp tác với Apple không khác gì Coca-Cola trả tiền cho một siêu thị để có không gian nổi bật trên kệ bán hàng".
Google cho biết các công cụ tìm kiếm khác như Bing của Microsoft cũng có thỏa thuận chia sẻ doanh thu với Apple để xuất hiện dưới dạng tùy chọn tìm kiếm phụ trên iPhone. Đồng thời cho biết thêm rằng Apple cho phép mọi người thay đổi công cụ tìm kiếm mặc định từ Google, mặc dù có lẽ ít người làm như vậy vì mọi người thường không sửa đổi các cài đặt và "nhiều người vẫn thích Google hơn".
Apple hiếm khi thừa nhận công khai thỏa thuận của mình với Google và theo Bernstein Research, công ty đã đề cập đến cái gọi là "doanh thu cấp phép" của mình trên một báo cáo thu nhập lần đầu tiên trong năm nay.
Theo một cựu giám đốc điều hành cấp cao, người đã chia sẻ với điều kiện giấu tên vì các hợp đồng bảo mật, thì các nhà lãnh đạo của Apple đã đưa ra tính toán tương tự về Google đối với phần lớn công chúng: "Tiện ích của công cụ tìm kiếm này đáng giá với mức độ xâm lấn của nó".
"Công cụ tìm kiếm của họ [Google] là tốt nhất", Tim Cook chia sẻ với trang Axios vào cuối năm 2018, khi được hỏi tại sao ông lại hợp tác với một công ty mà ông thường ngầm chỉ trích. CEO Apple cũng nói thêm rằng công ty mình cũng đã tạo ra nhiều cách để ngăn chặn việc thu thập dữ liệu của Google, chẳng hạn như chế độ duyệt web riêng tư trên trình duyệt Internet của Apple.
Nên biết rằng thỏa thuận trên không giới hạn các tìm kiếm trong trình duyệt Safari của Apple, mà nó mở rộng cho hầu như tất cả các tìm kiếm được thực hiện trên các thiết bị của Apple, bao gồm cả trợ lý ảo Siri cũng như trong ứng dụng Google trên App Store và cả trình duyệt Chrome.
Steve Jobs ăn trưa cùng Larry Page và Eric Schmidt năm 2002.
Mối quan hệ giữa hai công ty đã chuyển từ thân thiện sang gây tranh cãi cho đến "hợp tác" ngày nay. Trong những năm đầu của Google, những người đồng sáng lập của công ty, Larry Page và Sergey Brin, đã coi Steve Jobs như một người cố vấn và họ sẽ cùng ông đi dạo để thảo luận về tương lai của ngành công nghệ.
Vào năm 2005, Apple và Google đã ký một hợp đồng vào thời điểm đó và nó dường như là một thỏa thuận khiêm tốn: Google sẽ là công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari của Apple trên máy tính Mac.
Rất nhanh chóng, Tim Cook, khi đó vẫn còn là phó của Steve Jobs, đã nhìn thấy tiềm năng sinh lợi của thỏa thuận này, theo một cựu giám đốc điều hành cấp cao khác của Apple, người đề nghị giấu tên. Các khoản thanh toán của Google là lợi nhuận thuần túy và tất cả những gì Apple phải làm là giới thiệu một công cụ tìm kiếm mà người dùng của họ muốn.
Apple đã mở rộng thỏa thuận cho sản phẩm lớn sắp ra mắt của mình: iPhone. Khi Steve Jobs công bố iPhone vào năm 2007, ông đã mời Eric Schmidt, giám đốc điều hành lúc đó của Google, tham gia cùng mình trên sân khấu cho sự kiện ra mắt đầu tiên của iPhone.
"Nếu chỉ hợp nhất hai công ty, chúng tôi có thể gọi chúng là AppleGoo", ông Schmidt, người cũng thuộc ban giám đốc của Apple, nói đùa. "Với công cụ tìm kiếm của Google trên iPhone", ông nói thêm, "bạn thực sự có thể hợp nhất mà không cần hợp nhất."
Năm 2007, Steve Jobs đã mời giám đốc điều hành của Google, Eric Schmidt, lên sân khẩu để giải thích cách Google sẽ hoạt động trên iPhone.
Nhưng sau đó, mối quan hệ trở nên tồi tệ. Google đã âm thầm phát triển một sản phẩm là đối thủ cạnh tranh với iPhone: phần mềm điện thoại thông minh có tên Android, thứ mà bất kỳ nhà sản xuất điện thoại nào cũng có thể sử dụng. Steve Jobs đã rất tức giận. Năm 2010, Apple đã kiện một nhà sản xuất điện thoại sử dụng Android.
"Tôi sẽ phá hủy Android", cố CEO Apple từng nói với người viết tiểu sử của mình, Walter Isaacson. "Cho dù phải trút hơi thở cuối cùng nếu cần".
Một năm sau, Apple giới thiệu Siri cùng với iPhone 4s vào tháng 10/2011, một ngày trước khi Steve Jobs qua đời. Thay vì sử dụng trợ lý ảo của Google, Siri lựa chọn dùng Bing của Microsoft.
Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác của Google trên iPhone vẫn tiếp tục, bởi nó quá hấp dẫn để hai bên có thể thay đổi. Theo một cựu giám đốc điều hành cấp cao, Apple đã sắp xếp thỏa thuận này để yêu cầu đàm phán lại định kỳ và mỗi lần như vậy, hãng lại trích được thêm tiền từ Google.
"Bạn phải có khả năng duy trì các mối quan hệ đó và không đốt cháy cầu nối", Bruce Sewell, cựu cố vấn trưởng của Apple, cho biết. "Nhưng đồng thời, khi thay mặt công ty thương lượng và bạn đang cố gắng đạt được thỏa thuận tốt nhất, thì bạn biết đấy, găng tay sẽ được tháo ra (hàm ý sẵn sàng cho một cuộc chiến)."
Vào khoảng năm 2017, thỏa thuận này đã được gia hạn. Google lúc này phải đối mặt với một khó khăn mới, khi số lần nhấp vào quảng cáo trên điện thoại di động của họ không tăng đủ nhanh. Apple cũng không hài lòng với hiệu suất của Bing cho Siri. Và đây cũng là lúc Tim Cook vừa thông báo rằng Apple đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu dịch vụ của mình lên 50 tỷ USD vào năm 2020, một mục tiêu đầy tham vọng mà chỉ có thể thực hiện được với các khoản thanh toán của Google.
Đó là lý do vào mùa thu năm đó, Apple thông báo rằng Google hiện đang giúp Siri trả lời các câu hỏi và Google cũng hé lộ thông tin rằng khoản thanh toán của họ cho lưu lượng tìm kiếm đã tăng vọt. Công ty đưa ra lời giải thích đầy ẩn ý về một phần lý do khiến họ đột ngột trả cho "một công ty giấu tên" hàng trăm triệu USD rằng: Đó là "những thay đổi trong thỏa thuận đối tác".
Ông Biden đang vượt ông Trump trên Internet Phản ứng trên Internet sau buổi tranh luận đầu tiên giữa ông Donald Trump và Joe Biden nghiêng về ứng cử viên đảng Dân chủ. Đã có hàng triệu bài đăng trên Twitter xoay quanh buổi tranh luận giữa 2 ứng cử viên cho nhiệm kỳ tổng thống kế tiếp. Theo USA Today, đa số bài viết bày tỏ sự không hài lòng...