Ổn định tiền đồng, bài toán khó trong điều hành cuối năm
Thời gian gần đây, lãi suất huy động VNĐ tại các ngân hàng thương mại liên tục được điều chỉnh tăng. Lãi suất tăng được cho là giúp ổn định tỷ giá nhưng lại khiến mục tiêu giảm lãi suất cho vay trở nên thách thức.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.
Theo ông, vì sao lãi suất nhiều ngân hàng đồng loạt tăng trong những tuần gần đây?
Tôi cho rằng, lãi suất tăng do tác động cộng hưởng của nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, cuối năm nay, các ngân hàng phải đáp ứng yêu cầu tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40%, so với mức 45% hiện tại, áp dụng từ thời điểm 1/1/2019. Do đó, các ngân hàng phải tăng huy động vốn trung và dài hạn để cơ cấu lại nguồn vốn theo yêu cầu này, dẫn đến lãi suất tăng.
Thứ hai, từ nay đến cuối năm, nhu cầu giải ngân vốn của các ngân hàng cũng tăng mạnh do thời điểm quý IV luôn là lúc nhu cầu chi tiêu, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tăng cao.
Nguyên nhân thứ ba chính là yếu tố lạm phát kỳ vọng. Năm nay kỳ vọng lạm phát cao hơn, nên các khách hàng cũng trông đợi mức lãi suất cao hơn tương ứng.
Cuối cùng là áp lực đối với tỷ giá khi chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, khiến đồng Nhân dân tệ mất giá và VNĐ chịu áp lực lớn. Để đối phó với điều này, phía nhà điều hành muốn duy trì lãi suất cao với tiền đồng để giữ khoảng cách chênh lệch cao giữa lãi suất tiền đồng và USD, tránh việc khách hàng rút tiền đồng và găm giữ USD.
Bên cạnh đó, còn có những lý do khác nữa gây áp lực với lãi suất như: khả năng Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất USD thêm 0,25% từ nay đến cuối năm, ít nhất 1 lần. Khi đồng USD tăng lãi suất sẽ gây ảnh hưởng tới thị trường lãi suất toàn cầu.
Video đang HOT
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu
Việc lãi suất tăng như vậy sẽ tạo ra những tác động gì, thưa ông?
Trước tiên, lãi suất huy động tăng thì kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng, vì ngân hàng cần duy trì biên độ lợi nhuận, mà như vậy sẽ không đạt được mục tiêu Chính phủ mong muốn là giảm lãi suất cho vay. Với việc lạm phát kỳ vọng tăng thì cũng ảnh hưởng tới sự ổn định của tiền đồng, trong đó cũng tạo áp lực lên tỷ giá, gây bất lợi cho nền kinh tế ở góc độ ổn định tiền tệ.
Tuy nhiên, việc lãi suất tăng cũng là một công cụ của chính sách tiền tệ, cho thấy chính sách tiền tệ đang thắt chặt lại. Khi chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ giúp hạn chế lạm phát.
Trong bối cảnh này, theo ông chính sách tiền tệ nên theo hướng nào để ổn định đồng nội tệ và kiềm chế lạm phát?
Trước hết, về tỷ giá, nếu muốn ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể bán ngoại tệ ra. Hiện tại, NHNN có lượng dự trữ ngoại hối khá dồi dào. Tuy nhiên, khi bán ngoại tệ ra thì sẽ hút tiền đồng về, lại tạo ra vấn đề về thanh khoản trên thị trường, khiến cung tiền hẹp đi và lại đẩy lãi suất lên. Do đó, bài toán điều hành lúc này rất khó khăn khi chúng ta vừa muốn hỗ trợ phát triển kinh tế lại vừa muốn có sự ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Chúng ta có hai mục tiêu là phát triển kinh tế và ổn định đồng nội tệ. Về lâu dài, hai mục tiêu này gắn liền với nhau, muốn phát triển kinh tế thì phải có đồng nội tệ ổn định và ngược lại. Tuy nhiên, trong ngắn hạn hiện nay, hai mục tiêu này lại có sự đối lập. Muốn phát triển kinh tế thì phải chấp nhận lạm phát, mà chấp nhận lạm phát thì phải hy sinh sự ổn định của tiền đồng. Ngược lại, muốn ổn định tiền đồng thì phải thắt chặt lạm phát, muốn thắt chặt lạm phát thì lại cản trở tăng trưởng kinh tế. Do đó, có thể nói đây là giai đoạn rất khó khăn trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Xin cảm ơn ông!
Theo NHNN, hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6 – 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3 – 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 – 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5 – 7,3%/năm. Từ tháng 8, một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất, chủ yếu ở kỳ hạn dài, mức tăng từ 0,1 điểm phần trăm đến 1,5 điểm phần trăm. Tiếp theo đó, các ngân hàng thương mại nhà nước lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank cũng đẩy lãi suất thêm khoảng 0,1 – 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài.
Theo Thời báo tài chính VN
Vẫn còn doanh nghiệp sân sau đấu thầu dự án, thâu tóm đất công
Hơn 1,1 triệu bản kê khai, tài sản thu nhập năm 2018, nhưng chỉ có 44 trường hợp được xác minh và phát hiện chỉ 6 trường hợp vi phạm.
Ngày 14-9, thẩm tra báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018 của Chính phủ, UB Tư pháp của Quốc hội đã nhận định: công tác PCTN đã đạt được kết quả tích cực.
Trước đây, từng có quan điểm "tham nhũng vẫn ổn định". Còn trong báo cáo thẩm tra, UB Tư pháp nhận định rằng: "Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm".
Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trong báo cáo thẩm tra cho rằng: vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc đối với người dân, doanh nghiệp.
Lấy cơ sở xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, nhiều vụ vi phạm liên quan đến cán bộ cao cấp, sĩ quan cao cấp trong Công an, Quân đội, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu... UB Tư pháp nhận định công tác PCTN "đã thể hiện nhất quán quan điểm "nói đi đôi với làm", "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ".
Tuy vậy, UB Tư pháp cho rằng báo cáo mới chỉ nêu ra một số cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt mà chưa chỉ ra được cơ quan, đơn vị, địa phương nào chưa làm tốt công tác PCTN.
"Một số hạn chế tồn tại qua nhiều năm nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để", UB Tư pháp cho hay.
Bên cạnh những vấn đề về xây dựng, hoàn thiện thể chế, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN có nhiều điểm đáng ghi nhận, UB Tư pháp còn chỉ ra nhiều hạn chế.
Chẳng hạn như việc một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành thủ tục hành chính, ban hành chưa đúng quy định, nhiều thủ tục hành chính chưa thực sự hợp lý nhưng mức độ cải thiện còn hạn chế.
"Vẫn còn tình trạng "giấy phép con", tình trạng nhũng nhiễu, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc đối với người dân, doanh nghiệp còn diễn ra nhưng việc xử lý trong một số trường hợp vi phạm chưa nghiêm, gây bức xúc trong dư luận", UB Tư pháp nêu.
Tình trạng dư thừa cấp phó; bổ nhiệm nhiều cán bộ trước khi nghỉ hưu, bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn theo quy định cũng được đề cập. Cạnh đó, việc không công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình cũng là vấn đề đáng quan tâm. "Một số văn bản quy định về danh mục bí mật Nhà nước chậm được sửa đổi, trong khi đó một số bộ, ngành vẫn sử dụng văn bản này để không công khai nhiều thông tin mà theo quy định của Luật phải công khai", UB Tư pháp nêu.
Đặc biệt, với hơn 1,1 triệu bản kê khai, tài sản thu nhập năm 2018, nhưng chỉ có 44 trường hợp được xác minh và phát hiện chỉ 6 trường hợp vi phạm. Trong khi đó, vẫn theo báo cáo thẩm tra, phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định... nhưng chưa bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm đã cho thấy việc tổ chức thực hiện còn hình thức, nhiều hạn chế.
Một vấn đề quan trọng khác là: Mặc dù Luật PCTN đã quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, không được để người thân thích kinh doanh trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực mình trực tiếp phụ trách... nhưng qua giám sát, phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, việc thực hiện các quy định này còn chưa nghiêm.
"Có biểu hiện "nhóm lợi ích", móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo "sân sau", "công ty gia đình", dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, rút tiền của nhà nước...", UB Tư pháp nêu và đề cập cả vấn đề cán bộ, công chức đi nước ngoài nhiều lần, theo từng đoàn không đúng quy định.
Báo cáo của Chính phủ cho hay năm 2018 có 29người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý. Còn UBTP cho rằng, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, chưa tương xứng với các vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện, xử lý, có dấu hiệu bỏ lọt việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
CHÂN LUẬN
Theo PLO
Cà Mau thừa hơn 650 giáo viên, nhân viên cấp tiểu học và THCS Qua rà soát, sắp xếp năm học 2018-2019, Cà Mau còn thừa hàng trăm giáo viên, nhân viên cấp tiểu học, THCS. Quang cảnh cuộc họp giao ban báo chí vào chiều 13/9. Ảnh: Gia Minh Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 13/9, kết quả rà soát, sắp xếp năm...