Ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi
Theo thông tin mới nhất từ đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lượng thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (3,6%) so với tổng sản lượng thịt lợn trong nước.
Cùng với đó, Cục Chăn nuôi cũng nhận định, giá lợn hơi xuất chuồng sẽ tăng trở lại trong 2 tuần tới bởi xu hướng tiêu dùng đang tăng trở lại và việc lưu thông thuận lợi hơn sau khi tình hình dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát.
Giá lợn hơi sẽ tăng đến 50.000 đồng/kg
Trong bối cảnh giá thịt lợn hơi chạm đáy trong giai đoạn giữa tháng 10, nhiều nguồn dư luận cho rằng lượng thịt lợn nhập khẩu ồ ạt là một trong những nguyên nhân khiến giá lợn trong nước giảm mạnh.
Ngày 25/10, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức tại hội nghị triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 25/10 ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: Theo số liệu của Cục Thú y dựa trên những báo cáo rất sát từ các địa phương, 9 tháng năm 2021, lượng nhập khẩu thịt các loại đạt hơn 214,4 nghìn tấn, trong đó thịt lợn là 112,7 nghìn tấn (chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn trong nước).
Năm 2020, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi làm sụt giảm đáng kể đàn lợn trong nước, Bộ NN&PTNT đã có biện pháp chỉ đạo nhập khẩu các sản phẩm từ lợn để hạ giá thành trong nước. Như vậy, tính cả năm 2020, cả nước nhập khẩu 599 nghìn tấn, trong đó nhập khẩu thịt lợn là 225,5 nghìn tấn, chiếm 6,4% tổng sản lượng thịt lợn trong nước. Trong khi đó, con số nhập khẩu thịt lợn của năm 2021 quá nhỏ, và đây là không phải là nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm giá thịt lợn hơi trong thời gian vừa qua.
Báo cáo về sản xuất chăn nuôi trong năm 2021, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm: Số liệu của thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 9/2021, đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020. Ước tính 9 tháng năm 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 3,06 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Video đang HOT
Từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi xuất chuồng theo xu hướng giảm dần. Thời điểm 3 – 4/2021, giá thịt lợn từ 70.000 – 75.000 đồng/kg, đến tháng 8 – 9/2021 giảm còn 42.000 – 50.000 đồng/kg. Sang nửa đầu tháng 10, giá lợn hơi có thời điểm chạm đáy, chỉ khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg. Song, kể từ ngày 21/10 trở lại đây, giá thịt lợn đang có xu hướng tăng trở lại, dao động từ 36.000 – 42.000 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê, đến cuối tháng 9 đầu tháng 10/2021 tổng đàn lợn cả nước là trên 28 triệu con (đứng thứ 6 thế giới). Sản lượng thịt lợn hơi 9 tháng đạt khoảng 2,9 triệu tấn, 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn duy trì phát triển với tổng đàn lợn thịt trên 6 triệu con (chiếm 23 – 24% đàn lợn thịt cả nước).
Nguyên nhân được lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhìn nhận là do nhu cầu tiêu dùng có xu hướng tăng, việc lưu thông thuận lợi hơn sau khi tình hình dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát.
Theo Cục Chăn nuôi, do giá bán thấp, lượng tiêu thụ giảm, người chăn nuôi phải nuôi giữ trong chuồng, đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30%, tương đương khoảng 1,5 triệu con.
Hiện, giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu là thức ăn chăn nuôi) tăng cao và cung vượt cầu là nguyên nhân khách quan, khiến giá lợn hơi đều giảm mạnh tại các thị trường kể từ đầu năm, ảnh hưởng chung tới chăn nuôi toàn thế giới. Tại các nước có ngành chăn nuôi lớn như EU, Hoa Kỳ và quốc gia châu Á như Trung Quốc, Thái Lan… người nuôi cũng đối mặt với khó khăn tương tự, cơ quan này nhận định.
Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian qua, do dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường học, bếp ăn tập thể cơ bản ngưng hoạt động; các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không hoạt động… dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm từ 30 – 50%. Đến nay, mặc dù các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường nhưng lượng nhân công lao động ở các địa phương vẫn chưa quay lại các thành phố lớn để làm việc, các trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn mở đón khách với số lượng ít nên mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế… Do đó, giá thịt lợn xuất chuồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, từ ngày 21/10 đến nay, giá thịt lợn xuất chuồng đã tăng trở lại, từ 5.000 – 6.000 đồng/kg đến mức từ 38.000 – 42.000 đồng/kg. Theo các doanh nghiệp chăn nuôi, đây đang là mức giá tốt dù chưa bằng với mức giá sản xuất nhưng đang cho thấy đà tăng cần thiết để giúp người nông dân có động lực tái đàn. Như vậy, cùng với xu hướng tiêu dùng đang tăng trở lại và việc lưu thông thuận lợi hơn sau khi tình hình dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát, giá lợn hơi xuất chuồng sẽ tăng trở lại trong 2 tuần tới.
Kết nối chuỗi ngang – dọc, hỗ trợ nguồn vốn cho người chăn nuôi
Cũng theo thống kê của Bộ NN&PTNT, thời gian qua giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm nhưng giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng so với cùng kỳ 2020 (tăng từ 16 – 36%). Trong đó, tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 60% giá thành vật nuôi. Điều này khiến người sản xuất, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được thậm chí thua lỗ. Lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, ứ đọng với số lượng khoảng 30% (1,5 – 2 triệu con).
Thời gian qua, giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm nhưng giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng so với cùng kỳ 2020. Ảnh: TTXVN
Trước thực tế giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ông Vũ Anh Tuấn – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi và chế biến) cho biết: Hiện thức ăn chăn nuôi phụ thuộc hơn 90% nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, giá cước tăng cao gấp 3 lần khiến mỗi kg thức ăn chăn nuôi tăng thêm 2.000 đồng. Dự báo đến đầu năm 2022, giá cước tàu biển giảm sẽ giúp giảm dần giá thành thức ăn chăn nuôi. Để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp mong muốn có cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguồn nguyên liệu trong nước.
“Cần có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán” – ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội gia cầm Việt Nam nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất phát sinh lớn, một bộ phận người dân, cơ sở phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực tái sản xuất; việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn. Nhiều đại diện doanh nghiệp trong đó có ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH De Heus (doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gà sang Nhật Bản) chia sẻ mong muốn cùng với việc tạo nguồn tài chính hỗ trợ người chăn nuôi, ngành nông nghiệp cũng cần xây dựng cơ chế đảm bảo liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Điều này tránh cho doanh nghiệp việc người nông dân bán tháo khi được giá trong khi không chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh.
Để ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, tại hội nghị, các đại biểu đề xuất, cần tiếp tục tăng cường kết nối, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, công ty chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có, nhất là việc xây dựng liên kết ngang để tiếp cận vào chuỗi của các doanh nghiệp, chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung cầu.
Lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và hiệp hội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã đề xuất Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do COVID-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Bộ cũng đề xuất những xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế bảo vệ môi trường đồng thời gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021 – 2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19; có chính sách đất đai cho chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, đầu tư hạ tầng cho giết mổ, chế biến.
“Ngành chăn nuôi thì riêng chăn nuôi lợn có đến 52% các trang trại và hộ nhỏ lẻ. Để phát triển theo Luật Chăn nuôi xây dựng chuỗi sản phẩm phải có chuỗi ngang (trong chính những người chăn nuôi với HTX, hiệp hội) và chuỗi dọc (người chăn nuôi, HTX với doanh nghiệp). Cần thúc đẩy xuất khẩu sẽ kéo sản xuất theo thị trường và tạo điều kiện môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào các chuỗi” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đưa ra chỉ đạo với mong muốn ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Thông tin đang tồn đọng 8 triệu con lợn trong chuồng là không chính xác
Trước những thông tin về giá thịt lợn thời gian qua, bên hành lang Quốc hội sáng 24/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đã có những trao đổi về vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thông tin hiện đang tồn đọng 8 triệu con lợn ở trong chuồng là không chính xác và mang lại hiệu ứng không tốt, khiến người nông dân lo ngại lợn trong chuồng nhiều quá và họ phải bán nhanh, bán đổ, bán tháo bằng mọi giá.
"Khi cùng một lúc nhiều người bán, thị trường sẽ bị đứt gẫy. Do dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà hàng, khu du lịch không mở cửa, trong khi giá cả lại quyết định đơn thuần dựa vào cung và cầu. Bây giờ lại thêm yếu tố cảm xúc nữa thì sẽ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thông tin truyền thông đưa tin nói dư thừa lợn thịt làm tác động đến nông dân bán ra thị trường bằng mọi giá sẽ gây ra áp lực cung - cầu. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị đã có những đơn hàng đặt trước 5-7 tháng, nên không đơn giản chỉ là vấn đề giảm giá.
Trước câu hỏi dự báo cung - cầu thịt lợn thế nào từ nay đến cuối năm và giải pháp kiểm soát giá... Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn báo chí cùng với ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tìm giải pháp. "Bộ trưởng không phải là người quyết định tất cả mọi câu chuyện thị trường", ông Lê Minh Hoan nói. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ bám sát thị trường.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.
"Chúng tôi đang thống kê lại. Mấy triệu con lợn trong chuồng là rất lớn, nhưng cần phải phân loại theo độ tuổi thế nào, lứa xuất chuồng, xuất theo từng đợt, không phải một lúc là bán hết. Nếu đưa thông tin là hàng triệu con lợn trong chuồng chưa xuất bán sẽ khiến bà con nông dân choáng, từ đó tạo tâm lý giá nào cũng phải bán, bán non, gây hỗn loạn thị trường", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Mặc dù vậy, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng thừa nhận, thời gian qua, ngành Nông nghiệp chưa làm tròn trách nhiệm, chưa dự báo thị trường, ngay cả trong điều kiện bình thường. Còn trong điều kiện bất thường như dịch bệnh COVID-19 lại càng khó dự báo đến bao giờ thì dịch chấm dứt.
"Đúng là ngành Nông nghiệp có trách nhiệm trong điều kiện bình thường, cũng chưa dự báo và điều tiết được, cần chấn chỉnh lại. Xưa nay, ngành Nông nghiệp xem sứ mệnh của mình là khuyến khích sản xuất, nên cứ sản xuất và chỉ theo dõi sản xuất xem địa phương có bao nhiêu lúa, cá, tôm... nhưng đó không phải là kinh tế. Khi nào sản phẩm đó ra thị trường thì mới là kinh tế. Còn hiện nay mới là nông sản thô, sản xuất thô đang", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Giá sản phẩm chăn nuôi vẫn giảm Hiện giá các sản phẩm chăn nuôi như lợn hơi, gia cầm trên thị trường trong nước tiếp tục xu hướng giảm. Chăm sóc đàn lợn thịt tại trang trại của gia đình anh Phạm Văn Thụy, xã Phú Châu, huyện Ba Vì. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng và chưa có dấu...