‘Ôm’ hơn 17.000 tỷ, Techcombank dự kiến không chia cổ tức năm thứ 9
Nắm trong tay hơn 17.600 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối nhưng Techcombank vẫn duy trì hình thức không chia lợi nhuận với lý do để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam – Techcombank vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020.
Trong đó, lãnh đạo ngân hàng này dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch tổng tài sản tăng 12% trong năm nay, dự kiến đạt 431.483 tỷ đồng vào cuối năm. Các chỉ tiêu tài chính như dư nợ tín dụng đến cuối năm sẽ ở mức 291.586 tỷ (tăng 13% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép), nợ xấu dưới 3%; chỉ tiêu huy động vốn dự kiến đạt mức 268.820 tỷ (tăng 13%).
Về kết quả kinh doanh, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm nay sẽ đạt 13.000 tỷ, tăng 1% so với số đã thu về năm liền trước.
Để đạt được kết quả này, lãnh đạo Techcombank cho biết, ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng theo mô hình hệ sinh thái cho chuỗi giá trị hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi giá trị nhà ở (ReCoM).
Trong chuỗi giá trị bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng (ReCoM), Techcombank sẽ tiếp tục tập trung vào các phân khúc ít rủi ro như người mua nhà ở, các giai đoạn bán và giao hàng của dự án trong khi với giai đoạn xây dựng thì tập trung cho vay nhà thầu để phân tán rủi ro.
Ngoài kế hoạch kinh doanh nói trên, tờ trình được các cổ đông nhỏ lẻ quan tâm chính là kế hoạch phân phối lợi nhuận của nhà băng này khi đã 8 năm liên tiếp Techcombank chưa chia cổ tức cho cổ đông.
Video đang HOT
Năm 2019, ngân hàng ghi nhận 10.226 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế TNDN dùng để trích lập các quỹ.
Sau khi trích lập các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ngân hàng mẹ và công ty con (440 tỷ); quỹ dự phòng tài chính (867 tỷ)… ngân hàng còn lại 8.738 tỷ lợi nhuận giữ lại cho năm 2019.
Khoản tiền này cộng với hơn 12.400 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối từ các năm trước giúp Techcombank sở hữu khoản tiền lợi nhuận có thể phân phối lên tới 17.635 tỷ đồng, gần bằng một nửa vốn điều lệ.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng dự kiến tiếp tục duy trì thêm 1 năm không chia lợi nhuận với lý do phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Trong năm trước, dù là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất khối tư nhân nhưng nhà băng này cũng không chia cổ tức với lý do tương tự đưa ra năm nay. Nếu tờ trình phân phối lợi nhuận 2019 được thông qua, đây sẽ là năm thứ 9 liên tiếp Techcombank không chia cổ tức.
Trong năm 2019, Techcombank là ngân hàng thương mại tư nhân có lợi nhuận cao nhất thị trường với 12.838 tỷ trước thuế, tăng 20% so với năm 2018 và vượt 9% so với kế hoạch đề ra trước đó.
Các chỉ tiêu tài chính của ngân hàng này trong năm 2019 ghi nhận tổng tài sản tăng 19,5%; tổng huy động (bao gồm cả chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân) tăng 14,2%; và tổng dư nợ tín dụng tăng 18,8%.
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư 41 của NHNN đạt 15,47%, cao hơn so với hạn mức 8% quy định và là một trong những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao nhất hiện nay theo cách tính mới tại Thông tư 41.
Ngoài hoạt động tại ngân hàng mẹ, tài liệu cổ đông của Techcombank cũng chia sẻ về hiệu quả kinh doanh tại các công ty con năm vừa qua.
Trong đó, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản – Techcombank AMC năm qua đã thu hồi được 1.891 tỷ tiền nợ từ các khách hàng và đóng góp trực tiếp về ngân hàng 1.080 tỷ lợi nhuận thông qua thu nợ nhóm khách hàng đã xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro.
Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương – TCBS năm qua ghi nhận 2.172 tỷ doanh thu và 1.819 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 16% và 19% so với năm 2018.
Công ty CP Quản lý Quỹ Kỹ Thương – Techcombank Capital năm qua cũng ghi nhận 206 tỷ đồng doanh thu nhưng không chia sẻ về con số lợi nhuận.
Nam A Bank ghi tên vào danh sách các ngân hàng được áp dụng chuẩn Basel II trước thời hạn
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho phép áp dụng trước hạn Thông tư 41 theo chuẩn Basel II (quyết định số 2506/QĐ - NHNN ngày 29/11/2019).
Nam A Bank vừa được cho phép áp dụng chuẩn Basel II trước thời hạn.
Basel II là phiên bản thứ 2 của Hiệp ước vốn Basel, quy định các nguyên tắc chung mà ngân hàng thương mại phải tuân thủ và được hầu hết các ngân hàng trên thế giới áp dụng. Tuân thủ theo Basel II sẽ giúp ngân hàng đáp ứng được những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, hoạt động an toàn và bền vững hơn. Đây là những nguyên tắc mà các ngân hàng trên thế giới tuân thủ nhằm nâng cao năng lực quản lý rủi ro và chuẩn mực an toàn trong hoạt động ngân hàng theo thông lệ quốc tế.
Cùng với các ngân hàng: Vietcombank, OCB, VIB, MBBank, VPBank, Techcombank, TPBank, ACB, MSB, HDBank, Shinhan Bank, Viet Capital Bank, SeABank, VietBank, LienVietPostBank, Nam A Bank là ngân hàng thứ 16 trong nước được phép áp dụng chuẩn Basel II.
Đại diện Nam A Bank cho biết: "Một trong những yếu tố quan trọng và cốt lõi trong hoạt động của ngân hàng khi áp dụng Basel II là áp dụng công nghệ hiện đại nhằm giúp ngân hàng hoạt động an toàn, quản lý hiệu quả về tỷ lệ an toàn vốn. Đây cũng là một trong những yếu tố chính để ngân hàng nâng cao năng lực quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, từ đó có cơ hội vươn xa, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế".
Theo báo cáo trước đó của Nam A Bank, tính đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 83.000 tỷ đồng, hoàn thành 97% kế hoạch toàn năm 2019.
6 tháng đầu năm 2019, huy động từ các tổ chức kinh tế, dân cư và phát hành giấy tờ có giá của Nam A Bank đạt hơn 66.000 tỷ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch năm. Tổng cho vay từ cá nhân và tổ chức kinh tế đã hoàn thành 100% kế hoạch năm 2019 với tổng dư nợ gần 60.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 442 tỷ đồng, hoàn thành 55% kế hoạch năm 2019 và tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong kỳ, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được ngân hàng này duy trì ở mức dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Cuối tháng 9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 7430/NHNN-TTGSNH về việc tăng vốn điều lệ của Nam A Bank. Theo đó, NHNN chấp thuận việc Nam A Bank thực hiện tăng vốn điều lệ từ hơn 3.353 tỷ đồng lên hơn 3.890 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông của Nam A Bank thông qua tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 và Hội đồng quản trị Nam A Bank thông qua tại Nghị quyết số 171/2019/NQQT-NHNA ngày 17/4/2019.
Bảo Duy
Theo vietnamfinance.vn
Tỷ giá ngoại tệ trong nước hôm nay 11/6: Tăng nhẹ Nhiều loại ngoại tệ trong nước sáng nay giao dịch khá tích cực, đi theo chiều tăng tại các ngân hàng thương mại trong nước. Theo đó, đồng NDT tăng nhẹ, đồng EURO quay trở lại đà đi lên và đồng Yên tăng thêm 1 đồng. Tỷ giá NDT tăng nhẹ Lúc 8h00 ngày 11/6, giá NDT được ghi nhận tăng lên tại...