Olympic PyeongChang 2018 ‘mang lại’ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2
Đúng một năm đánh dấu sự kiện Hàn Quốc tổ chức thành công Đại hội Olympic mùa Đông ở PyeongChang, ngày 9/2, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhận xét rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 2 sắp diễn ra là một phép màu, được tạo ra từ chính sự kiện thể thao toàn cầu trên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) gặp gỡ người dân tại PyeongChang, tỉnh Gangwon sau lễ bế mạc Olympic PyeongChang ngày 25/2. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Nhiều ý kiến nhìn nhận việc Triều Tiên tham gia thế vận hội được coi như điểm khởi đầu của một bầu không khí hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sau nhiều năm căng thẳng. Hai miền Triều Tiên đã cùng thi đấu trong một đội khúc côn cầu trên băng.
Tổng thống Hàn Quốc nhắc lại 3 cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cũng như cuộc cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần đầu tiên (hồi tháng 6/2018) và cả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 (theo kế hoạch diễn ra vào 27-28/2 tới tại Hà Nội), cho rằng “tất cả những kết quả này là bước chuyển hướng tới hòa bình và là phép màu mà Olympic PyeongChang mang lại”.
Video đang HOT
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng nêu rõ hòa bình không thể đạt được trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi một quá trình liên tục, phải luôn nói và tâm niệm về hòa bình.
Kể từ khi diễn ra Đại hội thể thao PyeongChang 2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tiến hành 3 vòng đàm phán với nhà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và ông Kim Jong-un đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6/2018 tại Singapore.
Ngày 8/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết cuộc gặp giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng 2 sẽ diễn ra tại Hà Nội.
Phương Hoa (TTXVN)
Theo Tintuc
Mỹ-Triều đàm phán tích cực chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần hai
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, sáng 9/2, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun nhận định các cuộc đàm phán cấp làm việc trong tuần này với Triều Tiên để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai vào cuối tháng này là "hiệu quả", song cho biết vẫn còn "một số vấn đề khó khăn."
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trong cuộc gặp thượng đỉnh với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/6/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phát biểu trong cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon, ông Biegun nêu rõ Washington và Bình Nhưỡng đã đàm phán về nhiều lĩnh vực cùng quan tâm và nhất trí gặp lại nhau.
Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, ông Biegun cũng đã đề cập những khó khăn liên quan tới Triều Tiên trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, song không tiết lộ cụ thể. Ông bày tỏ tin tưởng rằng Washington và Bình Nhưỡng sẽ đạt được tiến triển thực sự.
Về phần mình, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha khẳng định Hàn Quốc ủng hộ hoàn toàn hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới. Bà cũng kêu gọi Đặc phái viên Biegun làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa hai đồng minh nhằm thúc đẩy hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên thông qua việc phát triển quan hệ liên Triều và các mối quan hệ Mỹ-Triều.
Ông Biegun đã bay về Seoul tối 8/2 sau chuyến thăm 3 ngày tới Bình Nhưỡng để đàm phán đi tới thống nhất các chi tiết chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra ngày 27-28/2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội, Việt Nam.
Trước đó trong khuôn khổ chuyến thăm Bình Nhưỡng, Đặc phái viên Mỹ Biegun đã tiến hành cuộc đàm phán cấp chuyên viên với phái viên phụ trách quan hệ với Mỹ thuộc Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên Kim Hyok-chol.
Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tổ chức tại Việt Nam vào ngày 27-28/2, Washington và Bình Nhưỡng được cho là đang đưa ra các yêu cầu của mỗi bên, nỗ lực để đạt một "thỏa thuận lớn" tại cuộc gặp sắp tới.
"Cửa ải" lớn nhất trong đợt đàm phán lần này là làm rõ các bước phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và các bước đi tương ứng của Mỹ, trong đó nổi lên là việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, điều mà Bình Nhưỡng không ngừng yêu cầu trong thời gian qua.
Giới phân tích nhận định phía Triều Tiên có thể sẽ đưa ra đề xuất nước này phá dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyun ở tỉnh Bắc Pyongan, cho phép cộng đồng quốc tế tới thanh sát, giải trừ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Trong khi đó, Mỹ có khả năng sẽ đề xuất các bước đi như mở cửa văn phòng liên lạc giữa hai bên, nối lại viện trợ nhân đạo hay tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên./.
Theo Tienphong
Đài Nhật: Mỹ nhượng bộ Triều Tiên khi lựa chọn địa điểm gặp gỡ Đài NHK của Nhật dẫn nguồn tin Mỹ cho biết, về nơi diễn ra sự kiện, Mỹ đề nghị Đà Nẵng, tuy nhiên, Triều Tiên phủ định đề nghị này và yêu cầu tổ chức cuộc gặp này tại Hà Nội. Kết quả là Mỹ nhượng bộ về nơi diễn ra sự kiện. Như báo điện tử Một Thế giới đã đưa tin,...