Oh Jung Se – Gã đàn ông “gàn dở” âm thầm tạo hào quang cho “Khi Hoa Trà Nở” và “Điên Thì Có Sao”
Oh Jung Se dù chỉ đóng vai phụ nhưng góp phần không nhỏ cho thành công của “Khi Hoa Trà Nở” và nay là “Điên Thì Có Sao”.
Phim truyền hình xứ kim chi được quan tâm nhất hiện tại chính là Điên Thì Có Sao (It’s Okay to not be Okay). Concept phim đẹp và ấn tượng, kết hợp độc đáo giữa cổ tích và sự điên khùng cùng những góc máy xuất sắc đầy ngôn ngữ điện ảnh khiến bộ phim ghi điểm. Nam chính Kim Soo Hyun cũng là một yếu tố khiến các chị em cày phim. Đến chừng xem phim rồi thì ai cũng “đổ” nữ chính Seo Ye Ji vì thần thái, nhan sắc lẫn tính cách độc đáo.
Trailer Điên Thì Có Sao
Tuy nhiên, bên cạnh hai thanh nam châm cực hút này thì bộ phim vẫn còn một nhân tố đặc sắc nữa, gã đàn ông không long lanh nhưng lại âm thầm kiến tạo nên hào quang của Điên thì có sao – Moon Sang Tae do Oh Jung Se thủ diễn. Nhưng đây không phải lần đầu tiên Oh Jung Se có được một nhân vật hay ho như vậy.
Từ gã Tae chủ quán “nghèo tình thương”…
Ở giải Baeksang năm nay, hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc đã gọi tên Oh Jung Se cho vai diễn No Gyu Tae trong trong phim Khi Hoa Trà Nở ( When the Camellia Blooms). Trái với hạng mục Nam chính xuất sắc gây ồn ào từ khi bắt đầu có đề cử, hạng mục Nam phụ gần như được toàn thể khán giả công nhận vì Oh Sung Je quá xuất sắc.
No Gyu Tae là một trong ba người đàn ông có ảnh hưởng đến cuộc sống của nữ chính Dongbaek (Gong Hyo Jin) ở thị trấn Ongsan. Anh đại diện cho tiền bạc và địa vị, những điều kiện mà bất cứ bà mẹ đơn thân nào cũng muốn có. Gyu Tae là chủ mặt bằng mà Dongbaek thuê để mở quán. Trong mắt người dân Ongsan, hắn là một gã đàn ông giàu có và hợm hĩnh, lúc nào cũng lớn tiếng và tin rằng ai cũng bầu mình làm thị trưởng. Đầu phim, Gyu Tae hiện lên như một nhân vật phản diện hiếm hoi trong bộ phim, bên cạnh ác nhân “Tên hề”. Thậm chí, có lúc gã còn bị điều tra và nghi ngờ dính líu đến “Tên hề”. Gyu Tae không ngại chây lì, mòn mặt ở quán Hoa trà chỉ để được Dongbaek miễn phí cho gã một đĩa đậu phộng, với lý do “tôi là chủ nhà”.
Nhưng rồi càng xem, người ta lại càng thấy thương Gyu Tae. Từng chút từng chút một, câu chuyện về gã được biên kịch mở ra dưới góc nhìn vừa nhân văn vừa trào phúng. Thực chất cái gã chủ mặt bằng có sự chấp niệm kì lạ với “đĩa đậu phộng” ấy cũng chỉ là một người chồng nghèo tình thương đến tội nghiệp. Gã chỉ đơn thuần muốn được quan tâm và công nhận, hai thứ xa xỉ không tồn tại trong cuộc đời Guy Tae chỉ vì có một bà vợ quá giỏi.
Ai mà ngờ trên đời lại có một tên học dốt đến độ được một cô gái học giỏi và thông minh chú ý và mê mẩn (!?). Hai người lấy nhau như hai cực trái dấu nghĩa đen và rồi quan hệ vợ chồng của cả hai chẳng mấy chốc trở thành quan hệ mẹ – con. No Gyu Tae, gã “thị trưởng tương lai tự phong” suốt ngày dùng sai từ và cô vợ Ja Young (Yum Hye Ran), lại là nữ luật sư siêu cấp khó chịu kiêm một “cảnh sát chính tả” yêu nghề. Mối quan hệ hôn nhân kì lạ và thú vị đã khiến họ trở thành Cặp đôi được yêu thích nhất tại giải thưởng KBS 2019.
Từ sự hung hăng, trịch thượng của Gyu Tae cho đến khi gã lâm vào những hoàn cảnh cùng quẫn rồi tính cách và con người thật sự được phơi bày, Oh Jung Se đều thể hiện xuất sắc một cách thuyết phục. Cái thái độ cộc cằn nhưng lúc nào cũng nhín lại một chút để giữ thể diện, sự hoảng sợ mỗi khi gặp mặt vợ hay thái độ thành khẩn như chú cún con khi nghĩ ra đủ mọi cách để níu kéo cuộc hôn nhân khiến người xem phải lòng Gyu Tae.
Không chỉ trong mắt Dongbaek mà với người dân Ongsan, với từng khán giả ngồi trước tv, đều thấy cảm thông và thương Gyu Tae hơn qua từng tập phim. Oh Jung Se diễn hay đến nỗi nhân vật vốn có tên là “No Gyu Tae” nhưng khán giả đùa với nhau rằng không muốn viết họ của nhân vật ra vì họ muốn “có Gyu Tae” chứ không phải “no Gyu Tae”.
… đến ông anh tự kỉ Tae thừa tình thương tới mức ngột ngạt
Tháng 6 năm nay, Oh Jung Se trở lại truyền hình với vai diễn Moon Sang Tae trong Điên thì có sao, trong vai một người anh bị bệnh tự kỉ, đam mê khủng long và có tài hội hoạ. Cũng là Tae, nhưng Tae này khác hẳn Tae kia ở chỗ không có điều kiện để khoe mẽ hay hống hách. Thay vì la lớn ta đây giàu lắm như Tae kia, Tae này hét lên the thé mỗi khi hoảng sợ, khi bị em trai mình nổi giận và khi “mùa bươm bướm” xuất hiện.
Diễn một người tự kỉ chắc chắn không đơn giản, ngoài việc học để diễn tả hành động, biểu cảm, thói quen của ánh mắt và cử động tay thì diễn viên buộc phải bình tĩnh để truyền tải được nội hàm của nhân vật. Sang Tae không đơn thuần là một gã đàn ông ba mấy tuổi tự kỉ có thiên phú về hội họa hay sự đam mê đặc biệt về khủng long, mà còn là một ông anh thương em, hiểu chuyện, biết nghĩ cho tương lai và luôn tiềm ẩn một sự ngột ngạt vì được yêu thương thái quá. Một nhân vật phức tạp như vậy đòi hỏi kĩ năng thể hiện lẫn trình độ nhập vai và đặc biệt là nét duyên trời phú để không khiến nhân vật gây khó chịu. Oh Jung Se ghi điểm ở cả 3 yêu cầu trên.
Cái hay của nhân vật này dù phim chỉ mới đến tập 6 nằm ở chỗ dù Sang Tae chưa từng một lời than thở vì Gang Tae kiểm soát mình như đứa trẻ chưa lớn nhưng khán giả đều hiểu được anh nghĩ gì. Mỗi năm đến mùa xuân, Sang Tae lại bị ám ảnh bởi những con bươm bướm từ cái chết của người mẹ, nên hai anh em phải liên tục chuyển nhà. Điều này chính là gánh nặng của cậu em Gang Tae (Kim Soo Hyun). Đối với cậu, anh trai mình là một gánh nặng không thể bỏ rơi, là nhiệm vụ mà người mẹ quá cố đặt lên vai. Cậu đâm đầu cố gắng và lo cho anh mà chưa bao giờ để ý xem bên trong gã đàn ông to xác tưởng là đơn giản kia có những nội tâm gì.
Gang Tae đã bất ngờ đến bật khóc khi biết Sang Tae âm thầm để dành từng đồng từng cắc để mua được một chiếc nhà xe di động, vì anh biết em mình ghét chuyển nhà. Cũng như Sang Tae vẫn âm thầm ghi nhớ câu nói mà cậu em thốt ra lúc nóng giận từ ngày còn bé: “Con không phải là của anh hai. Gang Tae là của Gang Tae!”. Căn bệnh khiến cho Sang Tae bị xem như một đứa trẻ không lớn, không biết suy nghĩ. Nhưng ánh mắt của Sang Tae qua diễn xuất của Oh Jung Se, khiến ai cũng hiểu được anh luôn cố gắng để mình được là một người tự lập. Vai này nếu diễn dở, sẽ khiến bộ phim và nam chính trở nên nhạt toẹt.
Trà không trổ bông, điên sẽ mất kiểm soát nếu không có anh
Oh Jung Se thực sự là một tài năng diễn xuất không phải dạng vừa hay ăn may. Hai vai diễn cùng tên Tae kia gần như trái ngược và rất khó diễn, nhưng anh vẫn làm tốt một cách ngọt xớt. Cả Gyu Tae và Sang Tae đều là những gã đàn ông mang vác khối tâm tư không thể tỏ bày, vì chính những người bên cạnh đã trùm cho họ một lớp vỏ. Lớp vỏ của Gyu Tae là sự trịch thượng và khó gần của một chính trị gia. Còn lớp vỏ của Sang Tae lại là cái nhìn khác biệt của mọi người đối với người tự kỉ. Nhưng hai con người đáng thương, đáng cổ vũ ở trong hai gã Tae kia đều luôn cố gắng để thoát ra ngoài và chứng tỏ giá trị của bản thân. Oh Jung Se truyền tải điều đó qua tất cả những giác quan của nhân vật và sự chân thành trong ánh mắt.
Anh may mắn có được hai nhân vật hay ho, thể hiện được vấn đề trong cách đánh giá và thiên kiến một ai đó của xã hội hiện đại. Đồng thời hai bộ phim cũng may mắn khi có được Oh Jung Se thủ diễn, khuếch trương được giá trị cốt lõi cần thiết của các nhân vật.
Cây trà sẽ không thể trổ bông, và điên quá sẽ dễ thành mất kiểm soát nếu không có Gyu Tae hay Sang Tae làm những người xây thành đắp luỹ. Thành công của hai bộ phim sẽ không có nếu như Oh Jung Se không thay mặt biên kịch nói lên những giá trị cuộc sống qua các nhân vật bất bình thường. Với danh sách phim đã tham gia ở cả truyền hình lẫn điện ảnh dài như sớ Táo, nhưng tin rằng chỉ cần xem hai phim này thôi, bạn sẽ đổ ngay diễn xuất có duyên một cách thuyết phục của Oh Jung Se.
Nữ chính "điên" nhất nhì phim Hàn kèm theo hiệu ứng tâm lý gây sốc, Điên Thì Có Sao là bước tiến mới về độ táo bạo!
Điên Thì Có Sao đã tiến một bước mới về sự táo bạo trong việc khai thác những chủ đề nhạy cảm của xã hội.
Psycho But It's Okay (Điên Thì Có Sao) chỉ mới phát sóng 4 tập nhưng đã khiến đông đảo khán giả bất ngờ về độ táo bạo thuộc hàng nhất nhì của mình. Phim chọn khai thác một chủ đề không hề dễ xem với nhân vật trung tâm là một "điên nữ" cùng câu chuyện phức tạp về thế giới của những người bất ổn tâm lý. Bề ngoài là một câu chuyện cổ tích đẹp nhưng bên trong là hàng loạt chi tiết gây sốc dễ dàng khiến bộ phim được xếp vào hàng những tác phẩm táo bạo, thậm chí liều lĩnh, nhất làng phim Hàn trước nay.
Một nữ chính "lệch chuẩn" và "điên" nhất nhì làng phim Hàn
Nữ chính Go Moon Young (Seo Ye Ji) của Điên Thì Có Sao mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial Personality Disorder - ASPD). Cô vô cảm, lạnh lùng, bất chấp luật lệ hay giới hạn thông thường. Dọa sợ trẻ em, hút thuốc trong bệnh viện, ngang nhiên muốn "bắt" nam chính về cho riêng mình và không ngần ngại đi theo anh đến khắp nơi hay có những hành vi quá đáng, Moon Young trong mắt một số người là "ngầu", trong mắt một số người khác lại là "kẻ bám đuôi" lố bịch.
Những hành động vượt giới hạn của Go Moon Young thậm chí còn được "nâng cấp" hơn so với những "điên nữ" khác.
ASPD được định nghĩa là một trạng thái không bình thường của nhân cách biểu hiện chủ yếu bằng sự khó hoặc không thích ứng thường xuyên với các quy tắc đạo đức xã hội và pháp luật. Chính vì thế, Moon Young không biết và không quan tâm cái gì là "giới hạn", là "đúng đắn", cô làm mọi thứ nhằm thoả mãn nhu cầu cá nhân của mình. Tất cả những hành động gây tranh cãi của nhân vật này, hẳn nhiên là một số còn nhằm "fanservice", đều liên đới trực tiếp đến bệnh của cô và khó có thể nhìn nhận dưới những chuẩn mực thông thường nếu không chắc chắn sẽ thấy vô cùng khó chịu.
Vấn đề của Moon Young là cô chỉ quan tâm đến nhu cầu của bản thân, rất tuỳ ý trong mọi việc, và đó là biểu hiện tiêu biểu của rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
Khai thác hàng loạt bệnh tâm lý, không ngại cả những hội chứng nhạy cảm
Chỉ trong 4 tập phim, Điên Thì Có Sao nói không ngoa đã mang khán giả bước vào thế giới của những người "điên", hay nói đơn giản là những người bất ổn tâm lý. Từ tự kỷ, chống đối xã hội, mất trí nhớ đến chứng hưng cảm, bộ phim tỏ ra không ngán ngại những bệnh lý nhạy cảm khi mà chủ đề chính của phim vốn đã nhạy cảm. Điều quan trọng là Điên Thì Có Sao không khai thác suông. Bộ phim đặt nền móng vững cho nhân vật của mình với những chấn thương tâm lý nặng nề từ quá khứ - nguyên nhân chính gây ra bệnh của họ và cho thấy rõ sự tích tụ thương tổn qua thời gian.
Điên Thì Có Sao khai thác sâu không ít bệnh tâm lý, mỗi một nhân vật lại "bất thường" theo một cách khác nhau.
Điên Thì Có Sao còn gây bất ngờ với những trường đoạn mang phong cách live action phương Tây hoặc có chiều hướng phóng đại, đơn cử như cảnh Sang Tae (Oh Jung Se) chạy đến buổi kí tặng của Moon Young mà tưởng như thế giới "nở hoa", cảnh Moon Young tưởng tượng mình hóa khổng lồ bắt lấy Kang Tae hay cảnh Gi Do (Kwak Dong Yeon) ngỡ mình đang ở vũ trường. Tất thảy những hiệu ứng đó đều không để "cho vui", chúng thể hiện thế giới dưới góc nhìn của những người mắc bệnh tâm lý đó, làm nổi bật trạng thái tâm lý của họ, đồng thời cho thấy cách mà người thường nhìn họ với cách họ nhìn thế giới khác nhau như thế nào.
Những cảnh tưởng tượng đầy màu sắc nhằm dụng ý thể hiện thế giới dưới lăng kính của những người bất ổn về tâm lý.
Đảo ngược những nhận định phổ biến
Vì sao chỉ có công chúa mới luôn xinh đẹp và lương thiện còn phù thuỷ thì luôn xấu xí và tàn nhẫn? Truyện cổ tích có phải đại diện cho những mơ ước đẹp đẽ của con người và khuyến khích chúng ta hãy cứ lạc quan trong hiểm cảnh? Go Moon Young của Điên Thì Có Sao trả lời là không. Với cô, cổ tích là để nhắc nhớ người ta đừng ngẩng đầu nhìn sao mà quên chân mình đang kẹt dưới bùn. Nỗi đau là để chấp nhận và ôm nó sống tiếp chứ không phải để quên đi.
Chân dung "cô giáo ngữ văn" với những bài học ngược đời khiến ai nấy sững sờ.
Cần phải xác định rằng Điên Thì Có Sao không áp đặt những nhận định "ngược đời" này lên bất cứ ai. Bộ phim truyền tải chúng dưới lăng kính của Moon Young - một "kẻ điên" không được thế giới yêu thương và hẳn nhiên cũng chẳng buồn yêu thương thế giới. Điên Thì Có Sao tỏ ra quyết tâm đi ngược với những thông điệp tươi sáng thông thường để bóc trần sự khắc nghiệt của cuộc sống và lối suy nghĩ của những con người bất ổn thường bị cho là "đáng xa lánh" trong xã hội.
Hiệu ứng tâm lý nặng nề dễ gây sốc cho khán giả
Không ít khán giả đã đề nghị Điên Thì Có Sao nên được dán nhãn "trigger warning" - tức cảnh báo kích động phản ứng tiêu cực. Đây không phải một nhận định chê phim, mà bởi vì bộ phim mang dáng dấp một câu chuyện cổ tích nhưng bên trong đầy rẫy những yếu tố ám ảnh. Giết bướm, tòa lâu đài bị nguyền rủa, tự sát, án mạng, cha bóp cổ con, sự xuất hiện của "bóng ma" người mẹ ám ảnh nữ chính, có rất nhiều yếu tố khiến người xem sững sờ hay thậm chí sợ hãi và có lẽ không phù hợp với những khán giả "yếu tim" bắt đầu theo dõi với tâm thế đón chờ một chuyện tình kịch tính hài hước đơn thuần.
Cảnh "bóng ma" khiến Moon Young mất ngủ mang đầy đủ yếu tố của một cảnh phim kinh dị.
Cảnh cha bóp cổ con gái ruột cũng dễ gây sốc với các khán giả nhạy cảm.
Chưa kể đến nhiều cảnh dễ khiến người xem "rợn người" như tự cắt ngón tay hay giết bướm.
Điên Thì Có Sao là câu chuyện của những con người sống với đầy ắp nỗi đau, thế nên dù có không ít cảnh hài hước và tươi sáng, ở cốt lõi đây là một phim rất nặng tâm lý. Người bình thường xem phim sẽ hiểu hơn về thế giới của người bất ổn, còn những người rơi vào tình cảnh ít nhiều tương tự với các nhân vật trong phim hoặc sẽ thấy đồng cảm, hoặc sẽ thấy như bị tổn thương lần nữa. Ngoài ra, bộ phim này chắc chắn không phù hợp cho trẻ em hay người dễ bị kích động. Quyết định làm một tác phẩm như thế này, đối với đoàn phim và diễn viên là cả một sự liều lĩnh.
Nữ chính ngang ngược, nội dung nhạy cảm, hiệu ứng tâm lý nặng nề, Điên Thì Có Sao tỏ ra là một tác phẩm thật sự táo bạo. Những cảnh nhạy cảm liên quan đến "động chạm" da thịt và phô dâm trong phim hiện đang đối mặt với chỉ trích và khiến phim bị báo cáo lên Uỷ ban kiểm duyệt Hàn Quốc, nhưng lại được những người hâm mộ phim bảo vệ vì khắc hoạ được rõ ràng trạng thái tâm lý của nhân vật. Với nội dung độc lạ, Điên Thì Có Sao sẽ còn một chặng đường gập ghềnh để đi, nhưng không thể phủ nhận rằng khách quan mà nói đây là một tác phẩm rất hiếm gặp, một lựa chọn mạo hiểm nhưng đáng giá của Kim Soo Hyun cho dự án chính thức đầu tiên hậu xuất ngũ.
Trailer Điên Thì Có Sao
Điên Thì Có Sao sẽ tiếp tục lên sóng lúc 19:00 giờ Việt trên tvN mỗi thứ bảy - chủ nhật và được cập nhật trên Netflix ngay sau đó.
Điên Thì Có Sao tập 6: Ngoài mặt ghét cay đắng nhưng "cụ" Kim Soo Hyun dọn về ở chung với "khùng nữ" Seo Ye Ji Vì anh trai mình, Kim Soo Hyun đã quyết định dọn về ở chung với cô nàng nhà văn Seo Ye Ji trong Điên Thì Có Sao tập 6. Sau khi tìm đến nhà Go Moon Young (Seo Ye Ji) ở tập 6 Psycho But It's Okay ( Điên Thì Có Sao), Kang Tae (Kim Soo Hyun) đã gửi lời cảm ơn đến...