Ốc đảo giữa lòng thị xã
(Dân trí) – Bao quanh là ruộng nước sâu và biển, khu phố Trung Kỳ – phường Trung Sơn – thị xã Sầm Sơn nổi lên như một ốc đảo với hơn 40 hộ dân sinh sống. Bao nhiêu năm qua người dân nơi đây vẫn sống trong cảnh đường chưa có, điện có cũng như không.
Vào ốc đảo phải qua đường ruộng
Từ trung tâm thị xã Sầm Sơn men theo con đường Nguyễn Du về phía Bắc chỉ gần 1km là tới khu phố Trung Kỳ, hay còn gọi là xóm Đảo, muốn vào được trong khu phố phải lội qua con đường đi giữa ruộng bùn.
Theo chân ông Lê Văn Tòng, tổ trưởng an ninh, chúng tôi bắt đầu cuộc “thị sát” khu phố Trung Kỳ. Ông Tòng cho biết khu phố này được hình thành tự phát từ trước những năm 1990, hiện nay toàn khu phố có 41 hộ dân sinh sống với gần 300 nhân khẩu. Hơn 30 năm qua người dân nơi đây vẫn sống chung với cái nghèo, cái đói.
Video đang HOT
Con đường dẫn vào khu phố ngập ngụa bùn
Mặc dù sống ngay giữa trung tâm thị xã Sầm Sơn nhưng với người dân nơi đây, đường giao thông đi lại vẫn đang là mong ước xa vời. Hiện tại có ba con đường dẫn vào khu phố, nhưng tất cả đều bằng đường đất do người dân nơi đây tự đắp lên để lấy lối đi lại. Vào những ngày trời mưa tất cả đều ngập trong bùn. Vì thấy đường đi lại quá khó khăn nên năm 1995 ông Tòng đã tự bỏ tiền ra thuê xe chở đất về đổ, mỗi năm một ít nên giờ đây hơn 40 hộ dân nơi đây mới có con đường để đi lại.
Trong đợt mưa bão vừa qua, con đường dẫn vào khu phố bị nước cuốn trôi tạo thành những mương rãnh sâu hóm ở giữa đường. Hàng năm người dân tự góp tiền lại tu sửa con đường nhưng cứ đến mùa mưa là đường lại bị cuốn trôi.
Chị Cao Thị Hoa bức xúc: “Năm nào người dân chúng tôi cũng phải chạy theo đường, đến mùa mưa là nước cứ đổ ào ào về xói lở hết cả bờ rào, chảy tràn vào nhà, khổ nhất là lũ trẻ đi học rất khó khăn”.
Dây điện thòng lòng sát đất rất nguy hiểm
Ông Vũ Đình Quế, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, cho biết: “Mưa ngập, nước lên trôi đường là chuyện bình thường (!?) do khả năng kinh phí của thị xã có hạn nên tới đây chúng tôi sẽ cho rà soát lại quy hoạch lập dự án trình tỉnh. Trước mắt giao cho phường khắc phục để dân có đường đi lại”.
“Làm sao cho chúng tôi ngọn điện!”
Vì chưa có đường giao thông đi vào nên người dân nơi đây suốt nhiều năm qua phải sống chung với cảnh thiếu điện. Trước nhu cầu cấp thiết của người dân, Chi nhánh điện Sầm Sơn đã ký hợp đồng bán điện cho 8 hộ dân, nhưng người dân phải tự đầu tư dây từ cột về nhà. Vì nhu cầu sinh hoạt nên 41 hộ dân nơi đây chia sẻ điện cùng nhau.
Nhưng do từ cột vào tận khu dân cư xa, đường dây lại thiếu nên điện không đảm bảo dùng, thường xuyên điện yếu, trong khi đó người dân phải trả tiền điện cao gấp 2 – 3 lần vì hao phí rất lớn. Từ năm 2004 UBND phường bàn giao lại cho Chinh nhánh điện Sầm Sơn nhưng vì đây là xóm nhỏ lẻ, nằm xa trạm biến áp nên ngành điện không đầu tư.
Muốn vào trong khu phố phải dắt bộ xe
Càng đi sâu vào trong khu phố càng thấy hệ thống đường dây điện xập xệ, cột điện chủ yếu là dùng tre, hay những cây gỗ có tiết diện nhỏ rất dễ gãy đổ đồng hồ điện đặt lung tung không được bảo quản.
Ông Trương Như Nhiễu, khu phố Trung Kỳ bức xúc: “gia đình tôi chỉ có hai vợ chồng già, mỗi tháng dùng hết khoảng 30 số nhưng phải đóng tiền lên đến 100 số, vì hao tổn rất lớn, trong khi đó điện dùng quạt không quay, nấu cơm không chín, nhưng biết kêu ai bây giờ”. Không riêng gì gia đình ông Nhiễu mà hầu hết người dân nơi đây đều chịu cảnh như vậy.
Chia sẻ bức xúc với chúng tôi, anh Lê Văn Đại cho biết: “Trong xóm Đảo này có 5 tổ mộc nhưng điện sinh hoạt còn không nổi lấy đâu mà sản xuất, việc phường và ngành điện yêu cầu đóng tiền nhưng thực tế xóm Đảo quá nghèo, nhiều nhà lo chạy buổi sáng mất buổi trưa, còn tiền cho con cái học hành nữa. Lũ trẻ trong xóm muốn học bài vào buổi tối cũng chịu vì điện không sáng nổi”.
Trao đổi với chúng tôi ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Chi nhánh điện Sầm Sơn thẳng thắn: “khi lập quy hoạch đường điện, do khu vực này chưa có đường giao thông vào nên ngành điện không đầu tư vào đây, thực ra việc bán điện lâu nay cho các hộ dân là không đảm bảo nguyên tắc của ngành điện, nhưng trước nhu cầu bức thiết của bà con nên chúng tôi buộc phải ký hợp đồng bán điện cho 8 hộ dân ở đây. Giải pháp duy nhất của ngành điện bây giờ là chỉ có thể ủng hộ về kỹ thuật “.
Duy Tuyên