Obama lướt qua Đông Nam Á
Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến công du chớp nhoáng ba nước Đông Nam Á trong vòng ít ngày ngắn ngủi ngay sau khi tái đắc cử.
Obama vẫy tay chào báo giới sau khi tới sân bay quốc tế Don Mueang tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, hôm 18/11.
Tổng thống Mỹ trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tại Tòa nhà Chính phủ Thái Lan. Chuyến thăm của ông Obama diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 180 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời là sự khẳng định độ bền chặt của mối quan hệ đồng minh.
Obama trong cuộc gặp với nhà vua Bhumibol Adulayadej của Thái Lan tại bệnh viện Siriraj.
Sau Thái Lan, Obama tới Myanmar trong chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm tới quốc gia này. Nó cũng đánh dấu một bước tiến lớn trong quá trình cải cách mà Myanmar thực hiện trong hơn một năm qua. Trong ảnh là cuộc gặp giữa ông Obama và Tổng thống nước chủ nhà Thein Sein tài tòa nhà quốc hội Myanmar hôm 19/11.
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ rót nước lên một bức tượng Phật ở Shwedagon, ngôi chùa nổi tiếng tại thành phố Yangon của Myanmar. Cùng đi với ông trong chuyến thăm ngôi chùa này còn có Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người sắp rời vị trí sau 4 năm bận rộn với những chuyến công du.
Hình ảnh ấn tượng nhất của Obama tại Myanmar là khoảnh khắc ông ôm và hôn bà Aung San Suu Kyi, một biểu tượng dân chủ ở quốc gia vốn bị cách biệt với thế giới bên ngoài suốt một thời gian dài. Chuyến thăm của tổng thống Mỹ được kỳ vọng thúc đẩy những cải cách chính trị ở Myanmar.
Obama có bài phát biểu tại đại học Yangon. Nước chủ nhà đã gấp rút chuẩn bị một khán đài theo kiểu “dã chiến” để tổng thống Mỹ có thể diễn thuyết trong cuộc ghé thăm chớp nhoáng tại đại học này.
Rời Myanmar, tổng thống Mỹ tới Campuchia để tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Trong ảnh là ông Obama khi chụp ảnh kỷ niệm cùng với Thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, trước khi cùng tham gia buổi tiệc tối bên lề các hội nghị cấp cao ở Phnom Penh, Campuchia. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ tới Campuchia.
Lịch trình dày đặc và gấp gáp khiến tổng thống Mỹ không thể giấu được vẻ mệt mỏi khi ông tham dự phiên toàn thể của Hội nghị Cấp cao Đông Á hôm 20/11.
Tại EAS lần này, ông Obama đã bày tỏ sự quan ngại trước tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển tại khu vực Đông Á, bất chấp phản đối của Trung Quốc về việc đề cập đến vấn đề trên. Trong ảnh là phút trao đổi ngắn giữa Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Obama.
Chiếc chuyên cơ Air Force One cất cánh từ sân bay Phnom Penh chiều tối qua, đưa tổng thống Mỹ về nước sau chuyến lướt qua các nước Đông Nam Á.
Theo VNE
Obama công du ĐNA: Vì tương lai nước Mỹ
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi tái cử, Tổng thống Barack Obama đã nhấn mạnh: châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng với tương lai nước Mỹ.
Tối Chủ nhật, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, Tổng thống Obama đã đề cao tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc định hình các lợi ích của Mỹ thập kỷ tới đây.
"Châu Á là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tôi kể từ sau cuộc bầu cử. Đây không phải là điều ngẫu nhiên. Rất nhiều lần tôi đã từng nói rằng nước Mỹ luôn luôn là một quốc gia Thái Bình Dương", ông Obama nhấn mạnh.
"Là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, châu Á - Thái Bình Dương sẽ định hình phần lớn an ninh và thịnh vượng của chúng tôi trong thập kỷ tới. Đây là khu vực rất thiết yếu với việc tạo ra công ăn việc làm và cơ hội cho người Mỹ. Điều đó giải thích vì sao, trên cương vị tổng thống, tôi đã quyết định khôi phục sự can dự vào khu vực này như một ưu tiên của Mỹ".
Ông Obama cũng tự gọi mình là "Tổng thống Thái Bình Dương" và cam kết sẽ dành sự tập trung đáng kể cho khu vực. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Đông Nam Á (ĐNA) là địa chỉ công du nước ngoài đầu tiên của ông ngay sau khi tái cử nhiệm kỳ hai. Trước đó, chính phủ Mỹ cũng từng tuyên bố, đến năm 2020, 60% lực lượng hải quân Mỹ sẽ đóng quân ở châu Á - Thái Bình Dương. Như một cách thể hiện cam kết này đối với khu vực, chỉ trong năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã công du châu Á lới 4 lần.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra trong cuộc họp báo tại Thái Lan ngày 18/11/2012
Trong số 3 nước ĐNA mà ông Obama đến thăm thì Thái Lan là đồng minh lâu năm nhất của Mỹ trong khu vực, được Washington coi như nước giữ vai trò chủ đạo giúp Mỹ chuyển hướng về châu Á và thúc đẩy các quan hệ với khu vực đang tăng trưởng nhất hành tinh này.
Thế nhưng, Myanmar mới là trọng tâm chuyến công du của ông Obama trong dịp này. Chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy Washington thể hiện sự tin tưởng vào những cải cách mà chính phủ Myanmar đang thúc đẩy và thực sự đang diễn ra. Ông Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm quốc gia Đông Nam Á này.
Trong cuộc họp báo tại Thái Lan, ông Obama đã bảo vệ quyết định thăm Myanmar của mình:
"Đây không phải là sự ủng hộ với chính phủ Myanmar. Đó là sự thừa nhận bên trong nước này đang diễn ra tiến trình thay đổi mà 1,5 năm hoặc 2 năm trước đây chưa ai tiên đoán được".
Tại Myanmar, ông Obama sẽ gặp Tổng thống Thein Sein và nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Trước đó, hôm thứ Sáu, Washington đã tuyên bố dỡ bỏ cấm nhập khẩu hàng hóa từ nước này.
Theo lịch trình, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới châu Á kết thúc ở Campuchia, nơi ông sẽ tham dự cuộc họp với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Lãnh đạo 16 nước ASEAN cũng sẽ tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, Thủ tướng Australia Julia Gillard và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
Theo 24h
Đảng Cộng hòa "bỏ" ông Romney Có vẻ Đảng Cộng hòa đã quyết định quay lưng với ông Mitt Romney, người mà cho đến 10 ngày trước đây họ vẫn ủng hộ, sau khi ông tuyên bố đầy cay đắng rằng Tổng thống Barack Obama thắng cử nhờ tặng "quà" cho cử tri. Tại hội nghị của Hiệp hội Các thống đốc theo Đảng Cộng hòa tổ chức ngày...