Obama lên án vụ sát hại tàn ác nghị sĩ Anh
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua gọi điện cho chồng nghị sĩ Jo Cox, lên án vụ sát hại tàn ác và ca ngợi sự phục vụ vì mọi người của bà.
Bà Jo Cox, nghị sĩ Công đảng Anh, bị sát hại hôm 16/6. Ảnh: SkyNews
“Tổng thống Obama đại diện cho người dân Mỹ, chân thành gửi lời chia buồn tới ông Cox và hai con nhỏ, cũng như tới bạn bè, đồng nghiệp và các cử tri của bà”, AFP dẫn thông cáo Nhà Trắng. Ông Obama gọi cho Brendan Cox, chồng bà Jo Cox, khi đang ở trên chuyên cơ Không lực số một, một ngày sau khi nữ nghị sĩ bị “sát hại dã man”.
“Tổng thống nhấn mạnh thế giới tốt đẹp hơn nhờ có sự phục vụ quên mình của bà đối với người khác và không có lý do chính đáng nào cho tội ác tàn bạo, cướp đi một người vợ, một người mẹ, một công chức tận tâm của một gia đình, một cộng đồng, một đất nước”, Nhà Trắng cho biết.
Bà Cox bị bắn chết trong một cuộc tấn công tàn bạo ở làng Birstall, miền bắc nước Anh. Cảnh sát đang điều tra sức khoẻ tâm thần của nghi phạm 52 tuổi và các mối liên hệ cực hữu của ông này.
Video đang HOT
Trung tâm Pháp lý miền Nam (Southern Poverty Law Center) có trụ sở tại Mỹ cho biết nghi phạm Thomas Mair ủng hộ Liên minh Quốc gia (National Alliance), từng là một tổ chức Phát xít mới chính ở Mỹ. Trung tâm cho hay Mair đã mua tài liệu từ tổ chức vốn ủng hộ việc lập nên mảnh đất chỉ có người da trắng và diệt trừ người Do Thái.
Bà Cox, 41 tuổi, từng là một nhân viên cứu trợ. Bà đã vận động để Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) và cũng lên tiếng bênh vực người tị nạn Syria. Bà bị sát hại chỉ cách nơi bà sinh ra vài km. Bà là nghị sĩ Anh đầu tiên bị sát hại kể từ vụ nổ bom xe của nhóm khủng bố Bắc Ireland năm 1990 làm nghị sĩ Ian Gow thiệt mạng.
Trọng Giáp
Theo VNE
Nghị sĩ và doanh nghiệp Anh đòi rời khỏi EU
Một chiến dịch yêu cầu chính quyền Anh phải rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) để đòi lại chủ quyền của mình vừa nổ ra với tên gọi "Vote Leave", theo Reuters.
Thủ tướng Anh David Cameron ủng hộ lập trường ở lại EU - Ảnh: Reuters
Vote Leave hay "Brexit" (ghép chữ Britain và Exit), mang ý nghĩa kêu gọi người Anh tìm lối thoát khỏi EU là chiến dịch mới nhất từ những người đả kích việc nước Anh chịu ảnh hưởng quá lớn từ pháp luật châu Âu.
Nó nhận được sự ủng hộ của đông đảo doanh nghiệp và nghị sĩ trong cả đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh David Cameron lẫn phe đối lập đảng Lao động, theo Reuters.
"Chúng ta phải chấm dứt sự thống trị do pháp luật EU áp vào pháp luật Anh. Tôi muốn nhìn thấy một chiến dịch có sự tham gia của tất cả các thành phần trong Vương quốc Anh, những người muốn lấy lại quyền kiểm soát pháp luật quốc gia", Reuters ngày 8.10 dẫn lời Kate Hoey, đồng chủ tịch của nhóm vận động tách khỏi EU nói trong buổi lễ ra mắt website và logo của chiến dịch Vote Leave.
Bà Kate Hoey (giữa), đồng chủ tịch của nhóm vận động yêu cầu Anh rút khỏi EU - Ảnh: Reuters
Từ vài năm nay, mối quan hệ giữa Anh và EU đã xấu đi do xuất hiện nhiều luồng ý kiến chống đối trong nước. Những năm 2013 và 2014 là thời điểm được đánh giá căng thẳng nhất.
Nhiều người Anh cho rằng họ phải gồng gánh trách nhiệm quá lớn của chính phủ vì Anh được xem là một trong những trung tâm của EU, cùng Đức và một vài thành viên có nền kinh tế phát triển khác, phải đóng khoản tiền lớn hơn vào ngân sách châu Âu.
Hiện tại, đa phần doanh nghiệp lớn tại Anh ủng hộ việc ở lại EU, tuy nhiên những người lãnh đạo chiến dịch Vote Leave cho biết họ đã quy tụ được sự hỗ trợ của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có tỉ phú, chủ quỹ đầu cơ Crispin Odey, nhà đầu tư Luke Johnson và Giám đốc điều hành của nhà tư vấn Numis Securities, theo Reuters.
Chiến dịch Vote Leave mới đây cũng công bố kết quả thăm dò do hãng ICM đưa ra cho thấy có 44% cử tri ủng hộ việc ở lại EU, 39% nói Anh nên rời EU.
Thủ tướng Anh Cameron hứa sẽ có cuộc đàm phán về mối quan hệ Anh - EU, trước khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại EU vào cuối năm 2017.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien