Obama hiện thực hóa “giấc mơ sushi” tại Tokyo
Tổng thống Mỹ Obama tối ngày 23/4 đã tới Tokyo, mở đầu chuyến công du 4 nước châu Á. Ngay đêm đầu tiên ông đã thực hiện “giấc mơ sushi” khi ăn tối tại một nhà hàng nhỏ ở Tokyo, một nhà hàng ba sao Michelin nhưng chỉ có vài chỗ ngồi, với ông chủ đã 88 tuổi.
Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Nhật Abe bắt tay trước nhà hàng sushi ở Tokyo tối ngày 23/4.
Người đàn ông quyền lực nhất thế giới, ăn tối theo lời mời của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, đã hoàn toàn phó mặc mọi thứ trong tay của Jiro Ono, người đã được mệnh danh là huyền thoại trong thế giới ẩm thực vì những tiêu chuẩn vô cùng chính xác và tinh thần làm việc không biết mệt mỏi của ông.
Vị tổng tư lệnh của một trong những lực lượng vũ trang “đáng gờm” nhất hành tinh, điều hành nền kinh tế nhiều ngàn tỷ đô la, lại không có lấy một bản thực đơn để chọn món, thậm chí là trong trường hợp ông có thể đọc được bản thực đơn đó. Lý do bởi Jiro tự tay chọn món ông phục vụ và sẽ không nhận “yêu cầu” từ khách hàng.
Vì vậy với người đàn ông đã quen ở trong những phòng tổng thống “xịn” nhất tại những khách sạn sang trọng nhất thế giới, bối cảnh này là một bất ngờ.
Nhà hàng Sukiyabashi Jiro chỉ có 24 chỗ ngồi, nằm dưới tầng hầm thường thường bậc trung của một tòa nhà thương mại cũ kỹ và được nối với một ga tàu điện ngầm Tokyo. Nhưng chừng đó chưa đủ làm nản lòng những thực khách khó tính nhất. Họ phải đặt chỗ trước nhiều tháng mới có thể được thưởng thức món ăn ở đây.
Ông Obama đã tới nhà hàng ngay sau khi hạ cánh xuống Tokyo, mở đầu chuyến công du châu Á. Tháp tùng ông là đại sứ Mỹ tại Nhật Caroline Kennedy và cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice. “Sushi ở đây thật ngon”, ông đã nhận xét khi bước ra khỏi nhà hàng sau bữa ăn kéo dài 90 phút với Thủ tướng Nhật Abe.
Nhà hàng tự hào được gắn 3 sao Michelin, được trao tặng lần đầu khi cuốn hướng dẫn cho giới sành ăn Tokyo được xuất bản vào năm 2007. Và 3 sao đó được trao tặng lại cho nhà hàng vào mỗi năm.
Video đang HOT
Chủ nhà hàng 88 tuổi Jiro Ono.
“Chất tươi mới của nhà hàng, mối quan tâm của khách hàng, sự chuyên nghiệp trong chọn đồ nội thất, và tinh thần được thấy ở đây rất giống với thế giới trà đạo”, cuốn hướng dẫn Michelin đã đánh giá trong lần xuất bản năm 2007.
“Nghệ nhân thuận tay trái” Jiro Ono đã tạo ra món sushi tuyệt với nhất, bằng những động tác nhanh lẹ”, nhận xét của Michelin năm 2012.
Chính những quy định bất di bất dịch của Jiro cùng sự cầu toàn không giới hạn của ông đã trở thành chủ đề trong một cuốn phim tài liệu Mỹ năm 2011 “Giấc mơ sushi của Jiro”.
Bộ phim đã cho thấy Jiro và các đầu bếp của ông đích thân đi mua cá vào mỗi sáng ở chợ Tsukiji ở Tokyo từ những người bán hàng tin cậy, luôn bán cho ông đồ tốt nhất.
Nhà hàng chỉ phục vụ những món đã định sẵn, bao gồm 20 loại sushi, với giá từ 30.000 Yên (300 USD)/người.
“20 món sushi có thể không rẻ, nhưng hãy xét đến hương vị tuyệt vời của chúng”, Michelin cho biết năm 2012.
Cùng với những đầu bếp nổi tiếng thế giới như Joel Robuchon, Sukiyabashi Jiro còn có những khách hàng hạng A của Hollywood như Hugh Jackman và Anne Hathaway.
Ngoại giao sushi diễn ra khi Tokyo và Washington vẫn còn những bất đồng lớn về nông nghiệp và sản phẩm ô tô trong các cuộc đàm phán thương mại nhạy cảm. Bữa tối đã được báo chí địa phương cho là cơ hội để gắn kết Obama, được đánh giá là người thực dụng “khô cứng” “giống doanh nhân”, với ông Abe, một người “đôi khi khá hà tiện”.
Song đây không phải là lần đầu tiên một lãnh đạo Nhật thết một tổng thống Mỹ bữa ăn tối riêng tư và đời thường như thế này. Năm 2002, Thủ tướng Junichiro Koizumi, nắm quyền ở Nhật từ 2001-2006, khi đó đã dẫn Tổng thống George W. Bush và đoàn tùy tùng của ông tới một quán rượu.
Theo Dantri
Đấu trí ở Ukraine, ai khôn ngoan hơn Putin?
"Tổng thống Nga có thể không cần dùng vũ lực để có được những gì ông muốn. Putin hiểu rằng, nếu ông không hành động quân sự thì mọi người đều nói câu cảm ơn".
Hãy nhìn vào thỏa thuận ngoại giao mà các bên đạt được tuần trước đưa Ukraine ra khỏi bờ vực chiến tranh và bắt đầu chứng kiến sự thỏa hiệp giữa Nga - phương Tây.
Thỏa thuận kêu gọi lực lượng thân Nga chấm dứt chiếm đóng các tòa nhà chính phủ - có lẽ là "vật cản" duy nhất trên con đường khiến Ukraine hoàn toàn nằm dưới ảnh hưởng của Moscow.
Tổng thống Nga V.Putin. Ảnh: Minh Thăng
Nhiều người coi đây là một chiến thắng ngoại giao của Tổng thống Mỹ Obama, nhưng dường như người ta nhận thẩy không hề có chút hân hoan, hay thậm chí lạc quan, trong mô tả của ông về bản thỏa thuận cuối tuần. "Tôi không nghĩ chúng ta có thể chắc chắn điều gì", ông nói với báo giới. "Có khả năng, có triển vọng rằng, ngoại giao có thể làm dịu tình hình... Nhưng tôi không nghĩ, với các diễn biến đã xảy ra, chúng ta có thể dựa vào đó".
Trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có mặt ở Geneva, soạn thảo thỏa thuận chung về Ukraine, thì ông Putin đang có bài phát biểu trong cuộc họp báo ở Moscow. Và tuyên bố của ông không hề giống như người muốn dịu giọng cho những thỏa thiệp. "Kharkiv, Lugansk, Donetsk, Odessa từng không thuộc về Ukraine. Chúng được chuyển giao vào năm 1920, chỉ có Chúa mới biết tại sao".
Trên thực tế, mọi sử gia Nga đều biết, đường biên giới được vẽ ra trong quá khứ đều nhằm đảm bảo rằng, dân số Ukraine sẽ gồm khá nhiều người Nga.
Putin khẳng định, những thông tin cho rằng lực lượng Nga nằm trong số quân nổi dậy ở các thành phố miền đông Ukraine là "ngớ ngẩn, lố bịch". Ông gọi chính phủ hiện tại ở Ukraine là bất hợp pháp và ông có bổn phận phải bảo vệ cộng đồng người Nga. Ông nhấn mạnh, quốc hội Nga đã cho phép ông được sử dụng quân đội trong trường hợp cần thiết, nhưng ông vẫn hy vọng không cần viện đến điều này.
"Ông ấy không thỏa hiệp", Fiona Hill thuộc Viện Brookings cảnh báo. "Ông ấy đang tìm kiếm những gì mà thị trường sẽ gánh chịu. Ông ấy đang cố gắng đánh giá và giải quyết những gì ông có thể về Ukraine". Điều đó có nghĩa rằng, hành động quân sự vẫn là một chọn lựa?
Về mặt ngắn hạn, Hill và một số nhà phân tích khác nói, Nga sẽ tiếp tục thúc ép Ukraine cải tổ hiến pháp, đem lại quyền tự chủ, tự trị nhiều hơn cho các khu vực thân Nga. "Ông ấy có thể không cần dùng vũ lực để có được những gì ông muốn", Hill cho biết. "Ông ấy hiểu rằng, nếu ông không hành động quân sự thì mọi người đều nói câu cảm ơn".
Trong cảm nhận này, Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry đã phạm sai lầm ít tuần trước khi chỉ trích Tổng thống Nga hành xử như một người chuyên quyền thế kỷ 19. Thực ra, Putin là một sản phẩm của KGB thế kỷ 20 - nơi sự nghiệp của ông bắt đầu. Ông biết cái giá của một cuộc can thiệp quân sự. Nó có thể giải thích vì sao Putin đã thực thi một bước lùi thận trọng tuần trước. Ông muốn phân tích rõ ràng giữa lợi ích và tổn thất.
Tại Nga, cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài hai tháng đã gây ra những ảnh hưởng kinh tế: chỉ số chứng khoán Moscow giảm 12% kể từ tháng 2 và ước tính khoảng 51 tỉ USD thoái vốn trong quý một. Bộ trưởng Tài chính Nga đã công bố thu hẹp dự kiến tăng trưởng kinh tế năm nay từ 2,5% xuống còn 0,5%.
Mỹ và Liên minh châu Âu nhất trí rằng, một hành động quân sự trực tiếp từ Nga sẽ buộc họ phản ứng với các biện pháp trừng phạt kinh tế mới. Nhà phân tích Hill nhấn mạnh: "Kịch bản người Ukraine và người Nga xung đột với nhau sẽ không khiến chính người Nga cảm thấy vui vẻ. Chiến tranh là điều tồi tệ".
Chiến thắng tốt nhất cho Putin sẽ là đem lại "miếng bánh" để ông có thể thưởng thức nó: Có một Ukraine mà Moscow có quyền phủ quyết về chính sách đối ngoại; giữ mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với miền đông mà không cần trả giá cho một cuộc can thiệp quân sự toàn diện.
Putin đang trên đường hướng tới mục tiêu ấy. Mỹ và các đồng minh châu Âu có thể vẫn cản trở được ông thông qua sự ủng hộ lâu dài và kiên nhẫn với chính phủ Kiev cũng như tiến hành một nỗ lực khá tốn kém để giải cứu kinh tế Ukraine.
Nhưng đây là một cuộc đua không cân sức. Lợi ích của Putin ở Ukraine là trực tiếp và sống còn; kết quả là trung tâm chương trình nghị sự của ông ở cương vị tổng thống. Với Obama và các nhà lãnh đạo phương Tây, Ukraine quan trọng nhưng là ngoại vi. "Có một cuộc chiến về Ukraine nhưng sẽ không phải là chiến trường", Hill nói. "Nó sẽ là cuộc đấu trí và câu hỏi đặt ra là liệu có thể khôn ngoan hơn Putin?". Và khó hơn nữa, là vượt qua ông trên chính địa hạt của ông.
Theo Thái An
Vietnamnet/Latimes
Mỹ cam đoan bảo vệ Nhật trong tranh chấp với TQ Tổng thống Mỹ Obama đảm bảo với Nhật rằng những đảo nhỏ ở Hoa Đông vốn là tâm điểm tranh chấp lãnh thổ Trung Nhật cũng được Hiệp ước an ninh song phương Mỹ Nhật bảo hộ, Reuters đưa tin. Tổng thống Obama đã tái cam kết như vậy trong một tuyên bố vừa được đăng tải trên tờ Yomiuri Nhật số ra...