Obama công du ĐNA: Vì tương lai nước Mỹ
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi tái cử, Tổng thống Barack Obama đã nhấn mạnh: châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng với tương lai nước Mỹ.
Tối Chủ nhật, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, Tổng thống Obama đã đề cao tầm quan trọng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong việc định hình các lợi ích của Mỹ thập kỷ tới đây.
“Châu Á là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tôi kể từ sau cuộc bầu cử. Đây không phải là điều ngẫu nhiên. Rất nhiều lần tôi đã từng nói rằng nước Mỹ luôn luôn là một quốc gia Thái Bình Dương”, ông Obama nhấn mạnh.
“Là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, châu Á – Thái Bình Dương sẽ định hình phần lớn an ninh và thịnh vượng của chúng tôi trong thập kỷ tới. Đây là khu vực rất thiết yếu với việc tạo ra công ăn việc làm và cơ hội cho người Mỹ. Điều đó giải thích vì sao, trên cương vị tổng thống, tôi đã quyết định khôi phục sự can dự vào khu vực này như một ưu tiên của Mỹ”.
Ông Obama cũng tự gọi mình là “Tổng thống Thái Bình Dương” và cam kết sẽ dành sự tập trung đáng kể cho khu vực. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Đông Nam Á (ĐNA) là địa chỉ công du nước ngoài đầu tiên của ông ngay sau khi tái cử nhiệm kỳ hai. Trước đó, chính phủ Mỹ cũng từng tuyên bố, đến năm 2020, 60% lực lượng hải quân Mỹ sẽ đóng quân ở châu Á – Thái Bình Dương. Như một cách thể hiện cam kết này đối với khu vực, chỉ trong năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã công du châu Á lới 4 lần.
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra trong cuộc họp báo tại Thái Lan ngày 18/11/2012
Trong số 3 nước ĐNA mà ông Obama đến thăm thì Thái Lan là đồng minh lâu năm nhất của Mỹ trong khu vực, được Washington coi như nước giữ vai trò chủ đạo giúp Mỹ chuyển hướng về châu Á và thúc đẩy các quan hệ với khu vực đang tăng trưởng nhất hành tinh này.
Thế nhưng, Myanmar mới là trọng tâm chuyến công du của ông Obama trong dịp này. Chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy Washington thể hiện sự tin tưởng vào những cải cách mà chính phủ Myanmar đang thúc đẩy và thực sự đang diễn ra. Ông Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm quốc gia Đông Nam Á này.
Trong cuộc họp báo tại Thái Lan, ông Obama đã bảo vệ quyết định thăm Myanmar của mình:
“Đây không phải là sự ủng hộ với chính phủ Myanmar. Đó là sự thừa nhận bên trong nước này đang diễn ra tiến trình thay đổi mà 1,5 năm hoặc 2 năm trước đây chưa ai tiên đoán được”.
Tại Myanmar, ông Obama sẽ gặp Tổng thống Thein Sein và nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Trước đó, hôm thứ Sáu, Washington đã tuyên bố dỡ bỏ cấm nhập khẩu hàng hóa từ nước này.
Theo lịch trình, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới châu Á kết thúc ở Campuchia, nơi ông sẽ tham dự cuộc họp với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Lãnh đạo 16 nước ASEAN cũng sẽ tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, Thủ tướng Australia Julia Gillard và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
Theo 24h
Đảng Cộng hòa "bỏ" ông Romney
Có vẻ Đảng Cộng hòa đã quyết định quay lưng với ông Mitt Romney, người mà cho đến 10 ngày trước đây họ vẫn ủng hộ, sau khi ông tuyên bố đầy cay đắng rằng Tổng thống Barack Obama thắng cử nhờ tặng "quà" cho cử tri.
Tại hội nghị của Hiệp hội Các thống đốc theo Đảng Cộng hòa tổ chức ngày 15/11, một loạt nhân vật nổi trội đã đồng thời lên tiếng chỉ trích ông Mitt Romney, cho rằng phát biểu của cựu ứng cử viên tổng thống này không phải là thông điệp mà đảng muốn chuyển đến cử tri.
Mở màn là Thống đốc bang Louisiana Bobby Jindal với lời phê phán thẳng thừng: "Hoàn toàn sai lầm! Một, chúng ta phải ngừng chia rẽ cử tri Mỹ. Chúng ta cần 100% phiếu bầu chứ không phải chỉ 53%. Hai, chính sách của chúng ta phải hỗ trợ mọi cử tri đạt được "giấc mơ Mỹ".
Thống đốc bang Iowa Terry Branstad đồng tình: "Tôi không nghĩ nói thế là có lợi. Theo tôi, lúc này chúng tôi cần phải sang một trang mới, hướng tới tương lai hơn là moi móc thất bại quá khứ".
Ông Romney bị phản ứng ngay từ chính "người nhà" sau khi phát biểu: Tổng thống Obama thắng nhờ tặng "quà" cho cử tri. Ảnh: Washington Post
Còn Thống đốc bang Florida Rick Scott cho rằng những gì ông Romney nói là "không phù hợp". "Điều đó không đúng. Chúng ta phải nói là chúng ta cần mọi phiếu bầu, chúng ta muốn chăm sóc mọi công dân Mỹ" - ông Scott nói. Florida vốn là bang ủng hộ Đảng Cộng hòa nhưng trong cuộc bầu cử vừa rồi, 29 phiếu đại cử tri tại đây đã lọt vào tay Tổng thống Obama.
Ngay cả Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida, người từng hậu thuẫn triệt để cho ông Romney trong chiến dịch tranh cử vừa qua, cũng giữ khoảng cách với nhận định của đồng minh. Người được xem là ứng viên tiềm năng cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 nói trước hội nghị: "Chúng ta không nên phủ nhận các phúc lợi mà chính phủ cung cấp cho người dân. Điều chúng ta cần làm là giảm thiểu số người phụ thuộc và trợ cấp của chính phủ".
"Tôi không muốn bác bỏ luận điểm của ông Romney từng chút một. Tôi không cho là hàng triệu người dân Mỹ không muốn làm việc, mà là hàng triệu người đang không có việc làm và vì vậy họ phải dựa vào chính phủ" - ông Rubio cẩn thận giải thích.
Một ngày trước đó, ông Romney lần đầu tiên nói về thất bại của mình tại một hội nghị dành cho các nhà tài trợ. Cựu Thống đốc bang Massachusettes đổ lỗi rằng ông Obama thắng nhờ tặng "quà" cho cộng đồng cử tri gốc Phi, Tây Ban Nha và giới trẻ, bao gồm các khoản vay cho sinh viên và tránh thai miễn phí cho phụ nữ. Theo ông, điều này lý giải vì sao cử tri nhóm này lại bỏ phiếu cho ông Obama nhiều đến đáng kinh ngạc.
Theo 24h
Nhiều vấn đề "nóng", Tổng thống Mỹ họp báo Sáng 15.11 (giờ Việt Nam), tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã họp báo, lần đầu tiên kể từ khi tái đắc cử. Tại cuộc họp báo dài 50 phút, ông Obama trả lời nhiều câu hỏi, từ chính sách nhập cư, vụ bê bối tình ái của Giám đốc CIA Petraeus, vấn đề kinh tế trong nước, cho tới vụ tấn...