Oan sai làm “nóng” nghị trường Quốc hội
Oan sai làm “ nóng” nghị trường QH khi nói về bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định pháp luật…
Oan sai làm “nóng” nghị trường QH khi nói về bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định pháp luật…
Thảo luận về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, nhiều đại biểu đánh giá công tác này còn chậm chạp, cầm chừng.
Từ đó đề nghị một số giải pháp như: cần nhanh chóng giải quyết việc bồi thường cho người bị oan, sai; Quốc hội, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề này.
Ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao: Chúng tôi xin lỗi những người bị oan và gia đình những người bị oan
Ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao
Chúng tôi đánh giá cao quyết định của Quốc hội lựa chọn giám sát chuyên đề đối với vấn đề oan, sai và bồi thường “ oan sai“. Đây là một việc làm cần thiết và đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, cũng là đòi hỏi để nâng cao chất lượng các hoạt động tố tụng.
Những kết quả thu được trong báo cáo giám sát có rất nhiều nội dung thiết thực và hữu ích giúp chúng tôi nhìn thấy những tồn tại, thiếu sót để có những giải pháp khắc phục trong tương lai.
Chúng tôi cũng nhận thức, dẫu còn một vụ oan, chúng tôi cũng đau như những người dân, trách nhiệm không cho phép.
Thay mặt lãnh đạo ngành, chúng tôi xin lỗi những người bị oan và gia đình những người bị oan. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.
Ông Trương Hòa Bình – Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao: Để xảy ra oan, sai là không thể chấp nhận được
Video đang HOT
Ông Trương Hòa Bình – Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao
Dù án oan, sai trong 3 năm 2012-2014 có một trường hợp, nhưng Tòa án nhân dân đã phải giải quyết một số vụ án nổi lên mà dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội rất quan tâm như Báo cáo kết quả giám sát đã nêu.
Dù ít, nhưng việc để xảy ra oan, sai là điều không thể chấp nhận được, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tố tụng và ảnh hưởng đến nền công lý, nền tư pháp của nước nhà. Vì đây là vấn đề liên quan đến quyền tự do của công dân, quyền con người, quyền được sống, cho nên phải giải quyết một cách triệt để.
Các tòa án cũng đã thụ lý 19 đơn khởi kiện của các cơ quan tiến hành tố tụng, yêu cầu bồi thường hoạt động tố tụng và đã giải quyết xong 14 vụ…
Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, chúng tôi đã xin lỗi và thương lượng bồi thường, ông Chấn cũng đã đồng ý mức 7,2 tỷ đồng và đang làm thủ tục để các cơ quan tài chính cung cấp để bồi thường.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng): Việc bồi thường thiệt hại diễn ra quá chậm chạp, cầm chừng, không kịp thời
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)
Hiện nay tình hình làm oan người vô tội trong tố tụng hình sự vẫn còn nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của công dân. Tuy nhiên, điều bức xúc nhất là việc bồi thường thiệt hại diễn ra quá chậm chạp, cầm chừng, không kịp thời.
Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, kể từ khi người bị oan có đơn yêu cầu bồi thường đến khi hòa giải ra quyết định bồi thường tối đa là 80 ngày. Nhưng có những vụ kéo dài đến 9 năm vẫn chưa được giải quyết xong, nghĩa là gấp 41 lần so với thời gian quy định.
Nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm giải quyết bồi thường của thủ trưởng, cơ quan đã gây ra án oan là như thế nào? Để trả lời câu hỏi này cần phân tích, làm rõ nguyên nhân và đề ra biện pháp cụ thể để xử lý vấn đề trên. Quốc hội sớm sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các luật có liên quan nhằm đảm bảo cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, khắc phục tình trạng bồi thường án oan chậm chạp như vừa qua.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị): Không thể cứ làm oan sai rồi dùng ngân sách để bồi thường
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị)
Tôi đồng tình với quan điểm khi người để xảy ra oan, sai phải bỏ một phần tiền ra để bồi thường thay vì trích toàn bộ ngân sách nhà nước. Bởi vì bản thân tạo nên sự oan, sai đó nên phải chịu trách nhiệm cùng chứ không thể cứ làm oan, sai rồi dùng ngân sách hoặc dùng tiền của cơ quan tổ chức để bồi thường thay. Mà cũng phải có quy định tỉ lệ để hạn chế oan sai…
Cùng đó, để sửa sai, không chỉ bồi thường về mặt vật chất mà thiệt hại về mặt tinh thần, tâm lý nặng nề vô cùng, đó mới là cái mà chúng ta cần phải quan tâm.
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương): Quy định chi tiết để tránh tình trạng “đòi quá cao, trả quá thấp”
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương)
Việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai đã có quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa chặt chẽ, rõ ràng nên có tình trạng đùn đẩy, dây dưa.
Vẫn biết dù có bồi thường bao nhiêu thì những mất mát, đau đớn của người bị oan và gia đình họ cũng không thể bù đắp được, tuy nhiên đa phần người được bồi thường lại yêu cầu ở mức rất cao, rất xa so với thực tế được bồi thường.
Vì vậy, để tránh tình trạng “đòi quá cao, trả quá thấp” hoặc phát sinh thêm vụ kiện tụng kéo dài về bồi thường oan, sai, đề nghị luật hoặc văn bản dưới luật cần quy định chi tiết để người được bồi thường và cơ quan, cá nhân có trách nhiệm bồi thường hoặc tòa án dễ dàng đối chiếu tính kết quả.
Hồng Liên
Theo_Kiến Thức
Vụ án Hồ Duy Hải: Kết án tử là "có căn cứ pháp luật"
Kết luận cho rằng việc kết án Hồ Duy Hải là "có căn cứ pháp luật, quá trình điều tra còn có một số vi phạm, thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án".
Theo tin tức trên báo Infonet, ngày 5/6, Quốc hội thảo luận về báo cáo kết quả giám sát về "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trình bày bản báo cáo, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nêu rõ, qua giám sát cho thấy, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì có những vụ án đã xảy ra cách đây từ 7-10 năm, có vụ 16 năm (ngoài kỳ giám sát) nhưng gần đây mới được phát hiện.
Trong đó, đối với vụ Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án tử hình về các tội "giết người, cướp tài sản", trước thời điểm thi hành án tử hình thì có đơn của gia đình và luật sư kêu oan cho Hải. Theo yêu cầu của Chủ tịch nước và yêu cầu của Đoàn giám sát, liên ngành VKSNDTC, TANDTC và Bộ Công an đã tiến hành xem xét vụ án này và đến nay có kết luận cho rằng việc kết án tử hình đối với Hồ Duy Hải về các tội danh trên là "có căn cứ pháp luật, quá trình điều tra còn có một số vi phạm, thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án".
Qua giám sát cho thấy, việc giải quyết vụ án này có nhiều thiếu sót, vi phạm như quá trình khám nghiệm hiện trường không chú ý xem xét để thu giữ những đồ vật liên quan đến dấu vết trên cơ thể nạn nhân như cái thớt, chiếc ghế inox, con dao nên sau này bị can khai ra đó là hung khí vụ án thì cái thớt, con dao đã bị thất lạc không tìm lại được; chiếc ghế thu giữ sau này được cho là vật chứng không đúng với chiếc ghế phản ánh trong biên bản khám nghiệm và bản ảnh hiện trường; kiểm tra việc sử dụng thời gian của Hải vào ngày xảy ra vụ án thiếu chính xác, chưa chặt chẽ; một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung bị tẩy xóa, sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai; động cơ, mục đích giết người nêu trong kết luận của các cơ quan tố tụng chưa phù hợp với diễn biến vụ án. Đây là những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết quả điều tra, truy tố, xét xử.
Theo báo Pháp Luật Việt Nam, cũng trong báo cáo giám sát về tình hình oan, sai, UBTV QH nhận thấy, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì có những vụ án đã xảy ra cách đây từ 7-10 năm, có vụ 16 năm (ngoài kỳ giám sát) nhưng gần đây mới được phát hiện.
Đối với vụ Lê Bá Mai (Bình Phước phải xét xử nhiều lần (07 lần), gần 10 năm mới kết thúc; quá trình điều tra, truy tố, xét xử lại vụ án này đã cơ bản khắc phục được những thiếu sót, vi phạm; bản án phúc thẩm sau cùng năm 2013 có hiệu lực pháp luật kết án Lê Bá Mai tù chung thân về các tội "hiếp dâm trẻ em, giết người" đến nay chưa có căn cứ kết luận Lê Bá Mai bị oan.
Đối với vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) cùng 02 đồng phạm khác phạm các tội "giết người, cướp tài sản", bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã kết án Nguyễn Văn Chưởng tử hình, Đỗ Văn Hoàng tù chung thân, Vũ Toàn Trung 23 năm tù. Trong vụ án này, kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSNDTC yêu cầu xác định lại vai trò của Chưởng trong tội giết người là có căn cứ nhưng Hội đồng Thẩm phán TANDTC không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án phúc thẩm là không đúng với tính chất, hành vi của các bị cáo Chưởng, Hoàng, Trung trong tội giết người.
Đối với một số vụ án khác được nhiều cử tri quan tâm như vụ: Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về các tội "giết người, cướp tài sản"; vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng) bị kết án chung thân về tội "giết người"; vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị kết án tử hình về các tội "hiếp dâm trẻ em, giết người", vụ Đỗ thị Hằng (Bắc Giang) bị kết án 06 năm tù về tội "Mua bán phụ nữ" chưa có căn cứ xác định bị oan nhưng qua giám sát đã xác định các vụ án này có những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Hiện nay các vụ án này đang được điều tra lại.
Kết quả giám sát cho thấy 03 năm còn để xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết. Thực trạn này đã cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng.
UBTVQH cũng cho thấy một thực trạng đáng lo ngại hơn là phần lớn các địa phương báo cáo trong nhiều năm chưa phát hiện thấy trường hợp nào làm oan người vô tội. Tuy nhiên, có một số địa phương lại để xảy ra nhiều trường hợp làm oan như các tỉnh Sóc Trăng (7 người), Khánh Hòa (6 người), Thanh Hóa (5 người), Vĩnh Phúc (4 người), Đắk Lắc (4 người), Cần Thơ (4 người), Bến Tre (3 người), Bình Phước (3 người), Quảng Trị (2 người), Cà Mau (2 người), Đà nẵng (2 người) và một số địa phương khác mỗi tỉnh một người.
"Hầu hết các trường hợp bị oan trong những năm gần đây đều được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng qua kiểm tra, phát hiện và cơ bản được khắc phục, xử lý ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố, nhưng cũng có trường hợp bị oan chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người bị oan."UBTVQH nhận định.
Báo cáo giám sát của UBTVQH nêu rõ, về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, của Hiến pháp thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế, bất cập. Trong 3 năm vừa qua, còn để xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết đã cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan; có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật... Bên cạnh việc để xảy ra các trường hợp làm oan người vô tội, kết quả kỳ giám sát này còn cho thấy quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn có những thiếu sót, sai phạm trong việc áp dụng pháp luật. Điều đáng nói, một số sai lầm trong việc áp dụng pháp luật đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, một số trường hợp do có khiếu nại gay gắt sau đó báo chí vào cuộc, dư luận phản ánh thì cơ quan có trách nhiệm mới xem xét, xử lý. Nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp bị oan, sai chủ yếu về lỗi chủ quan của một số người tiến hành tố tụng gây nên. Về tình hình oan sai thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra, trong 3 năm qua, cơ quan điều tra còn để quá hạn 9.754 tin tố giác tội phạm, chiếm 3,1%; nhiều trường hợp xác minh không đầy đủ, giải quyết chưa đúng, tiềm ẩn việc bỏ lọt tội phạm. Trong 2 năm 2013-2014, Viện Kiểm sát các cấp đã phát hiện 8.715 trường hợp vi phạm và ban hành 2.419 yêu cầu, kiến nghị cơ quan điều tra khắc phục vi phạm trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Đồng thời, cơ quan điều tra còn để xảy ra nhiều trường hợp khởi tố, không khởi tố vụ án thiếu căn cứ, không đúng pháp luật. Theo đó, Viện Kiểm sát các cấp đã phát hiện, hủy bỏ 240 quyết định khởi tố vụ án và 116 quyết định không khởi tố vụ án, yêu cầu khởi tố 1.213 vụ án do một số cơ quan điều tra chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, phối hợp chưa chặt chẽ với Viện Kiểm sát để phân loại, xử lý ngay từ khi có kết quả xác minh thông tin tội phạm. Việc bắt, tạm giữ hình sự còn để xảy ra nhiều trường hợp phải chuyển xử lý hành chính. Theo báo cáo, còn 4.998 người bị bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính, chiếm 2,3% số người bị tạm giữ. Về tình hình bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra, UBTVQH nhận thấy, còn để xảy ra một số trường hợp bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân của người bị tình nghi và trong một số trường hợp chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan, sai. Qua giám sát cho thấy, những trường hợp đình chỉ điều tra là có dấu hiệu làm oan, bỏ lọt tội phạm. Tại các địa phương, nhiều trường hợp đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự với các bị can phạm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng là sai, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Ngược lại, có những trường hợp đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm lại có dấu hiệu làm oan. Về oan, sai thuộc trách nhiệm của Viện Kiểm sát đã đạt kết quả tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, cùng với việc để xảy ra 27 trường hợp làm oan người vô tội thuộc trách nhiệm bồi thường của Viện Kiểm sát, quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát tư pháp của Viện Kiểm sát các cấp còn để xảy ra nhiều thiếu sót, vi phạm. Về những thiếu sót, sai phạm của Tòa án cấp sơ thẩm, Đoàn giám sát nhận thấy có 1.653 bị cáo cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại, trong đó chưa đủ căn cứ kết tội 629 bị cáo, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội là 186 bị cáo, sai tội danh 110 bị cáo, áp dụng hình phạt không đúng 190 bị cáo. Từ đó, UBTVQH cũng chỉ ra những nguyên nhân của tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng. Đó là, một bộ phận cán bộ tiến hành tố tụng chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật, còn yếu về năng lực, trình độ, chưa thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật, yếu kém về năng lực, trình độ, có biểu hiện bệnh thành tích, nôn nóng trong giải quyết vụ án, chưa bảo đảm đúng nguyên tắc "suy đoán vô tội". Từ đó có thái độ với người bị bắt, bị can, bị cáo như người có tội. Hồ sơ vụ án hình sự còn nặng về buộc tội, tại phiên tòa, kiểm sát viên còn tập trung vào bảo vệ cáo trạng (buộc tội). Quá trình tranh tụng tại nhiều phiên tòa còn hình thức, chủ yếu do lỗi chủ quan của thẩm phán, kiểm sát viên. Một bộ phận người tiến hành tố tụng còn yếu kém về phẩm chất, đạo đức, buông lỏng trách nhiệm công vụ. Việc phối hợp liên ngành trong một số trường hợp chưa đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Chất lượng trưng cầu giám định còn hạn chế... Qua đó, UBTVQH kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng quán triệt sâu sắc của văn bản pháp luật về công tác tư pháp, Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, về suy đoán vô tội, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, nghiêm túc chấp hành pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử, không để xảy ra oan, sai. Khi đã xác định bị oan thì phải kịp thời minh oan, bồi thường thỏa đáng cho người bị oan theo quy định pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm đối với người mắc sai phạm cũng như trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan tố tụng đã gây nên oan, sai đối với công dân. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Nhức nhối câu chuyện bồi thường oan sai Theo quy định, người bị oan, sai phải được cơ quan tiến hành tố tụng gây oan, sai bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần, danh dự... Thế nhưng thực tế bồi thường cho người bị oan trong hoạt động tố tụng Hình sự vẫn đang là câu chuyện nhức nhối. Miễn trách nhiệm Hình sự trái pháp luật vì sợ...