Ở Việt Nam, có những cách hành xử tồi tệ hơn “bún mắng, cháo chửi”
Trong mắt của một tour guide thâm niên hơn 11 năm, có những cách cư xử “thiếu văn hóa” của người Việt Nam còn đáng xấu hổ hơn nhiều.
Không phải văn hóa kém mà do luật chưa nghiêm?
Là một tour guide (hướng dẫn viên), đã từng đi qua nhiều nơi, chứng kiến sự lịch thiệp đến chuyên nghiệp của người Hội An, sự nhẹ nhàng trong phong cách phục vụ trên đất cố đô Huế hay sự tận tâm, nhiệt tình của người dân Đà Nẵng, nói về những cư xử kiểu “ bún mắng, cháo chửi”, anh Trần Quốc Hưng (hiện đang làm việc tại công ty du lịch Hanoi Redtours) lắc đầu thừa nhận: “Tôi cũng không thể giải thích được tại sao. Nhưng ở Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia – những quốc gia tạm gọi là có dịch vụ khá tương đồng với nước ta, chúng tôi chưa bao giờ bị người bán hàng mắng, chửi. Nên nếu nói về VĂN HÓA thì cái này ta hơi kém”.
Không như quán “bún mắng” trong chợ Ngô Sỹ Liên, tour guide Trần Quốc Hưng chia sẻ: “…ở Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia – những quốc gia tạm gọi là có dịch vụ khá tương đồng với nước ta, chúng tôi chưa bao giờ bị người bán hàng mắng, chửi”.
Anh Hưng cho rằng: Đa phần những người bán hàng Việt Nam ta cứ nghĩ Tây là nhiều đô la, là giàu có, là không tính toán gì khi chi tiêu nên khi người Tây không mua hàng như mình mong đợi, người bán sẽ sẵn sàng chửi ngay. “Nói thật tôi rất xấu hổ với các bạn nước ngoài!” – anh Hưng thành thật chia sẻ.
Anh kể: “Một lần, tôi đi với một lãnh đạo bên ngành Giáo dục, mọi người nói ý thức của người Việt ta kém, chú ấy phản bác lại: “Không phải ý thức hay văn hóa Việt Nam kém mà tại luật nước mình không nghiêm”.
Tại sao lại nói là không nghiêm? Bởi ở Hà Nội, những hình thức chặt chém, “bún mắng, cháo chửi” vẫn cứ diễn ra hàng ngày và phổ biến như vậy nhưng có ai phạt và phạt như thế nào, cũng không ai biết?! Khi không ai cấm, luật lại không nghiêm thì làm sao ngăn chặn được và như một lẽ tất yếu, mọi thứ sẽ cứ tràn lan thôi!
Video đang HOT
Do vậy, theo quan điểm của vị tour guide kỳ cựu của Hanoi Redtours này, biện pháp tốt nhất để tránh tình trạng “bún mắng, cháo chửi”, tổ dân phố nên vào cuộc, tuyên truyền và giáo dục tất cả các thành viên đang sinh sống và làm việc trên địa bàn, nhắc nhở họ giữ văn minh nơi phường, xã.
“Tôi nghĩ những người Hà Nội cũng như người nhập cư, họ không quá xấu, nhất là nơi mình ở hoặc thuê làm kinh doanh, ai chả muốn văn minh. Hội An cũng thế thôi, họ giáo dục rõ ràng nên ai cũng cố gắng giữ gìn nơi mình sinh sống. Hợp nhau lại là văn minh thôi mà!”.
Có những điều còn đáng buồn hơn cả “bún mắng, cháo chửi”
Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề tour guide, bên cạnh văn hóa bán hàng kiểu “bún mắng, cháo chửi”, anh Trần Quốc Hưng cho rằng: Có những điều khác nữa cũng khiến anh cũng phải suy nghĩ, trăn trở, đôi lúc cảm thấy xấu hổ trước cách ứng xử “có một không hai” của người Việt.
Anh cho biết: Trước mỗi chuyến đi sang nước ngoài, làm hướng dẫn viên cho đoàn khách gốc Việt, anh luôn phải nói “chặn” trước khi khởi hành, tránh những “sự cố” không mong muốn có thể xảy ra.
Ví dụ khi khởi hành lên sân bay, anh luôn mở lời xin lỗi du khách vì phải nhắc nhở du khách 3 điều cần lưu ý để giữ nét văn minh cho hình ảnh dân tộc Việt Nam trên đất nước bạn.
Thứ nhất là giữ trật tự trong khách sạn. “Ở nơi công cộng, trên xe hay trong phòng riêng khách sạn, bạn có thể nói rất to và ồn ào. Nhưng tại nhà hàng, sảnh khách sạn và hành lang dọc các phòng ngủ, chúng ta phải giữ trật tự, vì đó là những nơi nghỉ ngơi, không thể ầm ầm, hỗn loạn, bát nháo được. Tôi nói điều này vì chính tôi đã phải trả giá khá đắt cho việc đó khi làm hướng dẫn viên. Bởi lẽ, khi thấy ồn ào quá, các khách nước ngoài thường hỏi lễ tân “cánh nào đấy?”. Lễ tân nói: Việt Nam. Là người Việt Nam, trong trường hợp này, tôi cảm thấy rất xấu hổ!?
Từng đi nhiều, biết nhiều, tour guide Trần Quốc Hưng cho rằng: Văn hóa bán hàng kiểu “bún mắng, cháo chửi” ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung không phải do văn hóa kém mà do luật chưa nghiêm.
Có thể thấy, tại các khách sạn của Việt Nam, có rất nhiều đoàn nước ngoài ở nhưng hầu như không nghe thấy tiếng gọi, ngược lại, cứ ở đâu có 1 đến 2 đoàn Việt Nam thôi là biết liền, ầm ĩ hết cả lên, nhất là đi đâu về đêm hôm, cứ nhớn nhác gọi nhau, nói chuyện…”.
Điều thứ hai mà anh Hưng luôn nhắc khách Việt của mình đó là: Ăn các bữa sáng hay buffet xin không để thừa. “Các bạn có thể ăn bao nhiêu tùy thích, kể cả hết nhà hàng, nhưng xin đừng lấy ra quá nhiều và để thừa, người nước ngoài sẽ nhìn ta không được “văn minh” lắm! Tại một số nước như Singapore, nếu ăn không hết, thậm chí họ còn phạt. Là người Việt Nam, tôi cảm thấy rất tự ái”.
Điều thứ ba: “Trên máy bay, nhân viên phục vụ đồ ăn, thức uống bằng những chiếc cốc thủy tinh hay dĩa, đĩa inox, xin các bạn đừng bỏ túi mang về. Tôi đã đi cùng rất nhiều đoàn khách Việt Nam, cứ ăn xong là mất hết dao và dĩa. Đến nỗi tiếp viên đã gặp trực tiếp tôi, nói bằng tiếng Anh: “Xin bạn nói giúp với khách là những thứ này chúng tôi còn dùng lại”. Tôi thấy hành động đó hoàn toàn không đẹp cho hình ảnh người Việt Nam mình. Thậm chí, có những tuyến bay như Phương Nam Trung Quốc, trong đường bay đến Việt Nam, họ còn phản ứng với cách “táy máy” ăn trộm vặt đồ của người Việt bằng cách thay hẳn đồ ăn và bát đĩa bằng giấy. Như vậy, ai thích lấy thì lấy, họ không lo bị mất đồ quá nhiều”.
Theo GDVN
Vì sao bà chủ quán "bún chửi" nức tiếng Hà thành hay chửi khách?
Với câu hỏi: "Tại sao bà ấy hay quát mắng thế", cô con dâu của bà Thảo, chủ quán "bún mắng" nức tiếng Hà Thành chỉ giải thích ngắn gọn: Từ khi sinh ra tính bà đã như thế!.
Chúng tôi tìm đến quán bún chửi của bà Thảo (trong chợ Ngô Sĩ Liên, Hà Nội) có lẽ do tò mò về tin đồn một bà chủ hay chửi khách nhiều hơn là vì nghe danh tiếng về món bún dọc mùng ngon nức tiếng của bà. Chúng tôi muốn biết thực sự lý do vì sao mà một người phụ nữ làm ăn tay chân, dân lao động như bà lại có thể "xổ" ra những lời khiếm nhã đối với những khách hàng, "thượng đế" đang bỏ tiền ra mua dịch vụ của mình.
Trước khi đi, chị bạn tôi đã dặn đi dặn lại: "Bà này nổi tiếng chua ngoa. Mắng té tát vào mặt, nhiều khi nói nhục lắm đấy" - tôi chỉ ậm ừ, bởi lẽ tôi nghĩ chắc bà cũng được xếp vào tốp những người "hơi khó tính" chút thôi, chứ "mình có làm gì đâu mà bà ấy chửi".
Chỉ là quán bún dọc mùng với chân giò, lưỡi lợn nhưng theo phản ánh của nhiều thực khách, nếu ai đó cao hứng hỏi han hay thắc mắc gì lập tức sẽ bị "ăn chửi" của bà chủ quán.
Qua đoạn đường rẽ vào Trần Quý Cáp, tới đầu chợ Ngô Sĩ Liên, tôi dừng xe, hỏi thăm đường ở mấy cô hàng hoa quả đứng bên lề. Vừa nhắc tới tên bà Thảo, một người phụ nữ đứng bên cạnh đã lớn tiếng hỏi: "Lại ăn bún chửi à?" - Xem ra bà Thảo cũng khá nổi tiếng về ngoa ngoắt trong cái khu chợ nhỏ, ngóc ngách này.
Tôi và đứa bạn vào quán lúc hơn 11h, khi ấy quán vẫn còn vắng, mới chỉ có 2-3 bàn ngồi ăn. Bà Thảo ngồi khuất sau ngổn ngang những chồng bát đĩa, chỉ để lộ ra nửa người. Khuôn mặt bà lúc nào cũng cau có, dường như chỉ chực để lên tiếng gắt gỏng.
Vì là lần đầu tiên vào quán, tôi không biết quán có những món bún gì. Nhìn thấy khách vào, chị giúp việc trong quán nhanh nhảu hỏi: "Chị ăn bún gì?" Nhưng chưa dứt câu, bà Thảo đã quay ra lớn tiếng quát: Không thấy họ lần đầu tới đây, vừa hỏi thăm nhà đấy à?
Chị người làm rón rén một tiếng "dạ" rồi khẽ khàng giới thiệu các loại bún. Tôi cứ tưởng bà chỉ "khó tính" với khách ăn, ai dè bà cũng không ngần ngại quát, mắng cả nhân viên phục vụ.
Tới gần giờ trưa lần lượt khách kéo tới ngày một đông. Chị phụ nữ mang bầu ngồi cạnh bàn tôi thủ thỉ: "Hôm nay chưa thấy bà quát", anh chàng ngồi bên đáp lại một cách hóm hỉnh: "Chắc hôm nay mát trời". Hỏi chị tại sao biết bà chủ quán hay chửi mà vẫn cứ tới, chị nói: Bà ấy chửi nhưng mình có nghe đâu. Đôi khi bà ấy chửi bâng quơ, quát mắng ở đâu đâu ấy mà!
Không ít khách tới đây như một thói quen, thậm chí ngày nào cũng ra ăn, sẵn sàng bỏ thêm 5.000 đồng tiền gửi xe, đội thêm chi phí cho một bát bún lên tới 40.000 đồng/bát.
Cô chủ quán nước đối diện quán "bún chửi" của bà Thảo kiêm luôn khâu trông giữ xe tại đây cho biết: Mùa này còn vắng, mỗi ngày chỉ khoảng 20 cái xe, tới mùa đông đông lắm, lên tới 50 - 60 cái xe. Tuy vậy, khi nói về "phong cách" phục vụ của bà Thảo, cô chủ quán nước cũng thừa nhận lối tiếp khách "kỳ quặc" của bà này.
"Dần dần rồi khách cũng bỏ đi hết, bán mà cong cớn như muốn đuổi khách đi, ai mà muốn vào chứ!" - cô nói.
Tới gần trưa, lượng khách tới quán bún của bà Thảo khá đông, mặc dù, theo ghi nhận của những người dân xung quanh đây, số người tới ăn đã thưa thớt hơn trước do lối "vung miệng" quá đà của bà chủ quán.
Khi chúng tôi quay ra để trả tiền thanh toán, định bụng hỏi han bà mấy câu nhưng giọng chanh chua, bà gằn giọng: "Phỏng vấn gì? Ra phường". Quay sang hỏi cô con dâu đang ngồi ngay cạnh bà. "Tại sao bà hay quát mắng thế?", câu trả lời của cô con dâu khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên: "Từ khi sinh ra tính bà đã thế!".
Có lần, người đàn bà nổi tiếng này cũng đã từng chia sẻ: Bà không muốn chửi khách đâu nhưng chẳng hiểu sao bà không kiềm được miệng.
Xem ra ý định lắng nghe những tâm sự của những người bún mắng, cháo chửi của chúng tôi coi như thất bại! Đến giờ ngay cả người con dâu của bà cũng "đổ tội" bởi bản tính, trời sinh thì chúng tôi thực sự cũng không thể lý giải nổi: tại sao bà lại như thế!
Theo GDVN
"Tôi sợ những người bán hàng ở Hà Nội lắm, vừa đanh đá, vừa chua ngoa" "Tôi sợ những người bán hàng ở Hà Nội lắm, vừa đanh đá, vừa chua ngoa, vừa hung dữ", Độc giả Nguyễn Anh Sáng ở Đà Lạt bày tỏ. Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài viết xung quanh vấn đề văn hóa ứng xử và văn hóa phục vụ, mới đây là bài viết của độc...