Ở quê giờ nhiều người muốn thuê giúp việc
Trước đây, người giúp việc thường là “người quê” lên phố, nhưng hiện nay ở nhiều vùng quê, nhu cầu thuê giúp việc cũng trở nên phổ biến. Nhiều người từ hàng xóm láng giềng trở thành người giúp việc mà không e ngại, nề hà.
Giúp việc “bán chuyên”
Tất bật chuẩn bị bữa trưa cho hai đứa trẻ, một lên 2, một lên 4, bà Nguyễn Thị Khuyên (thôn 5, Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, bà năm nay 55 tuổi, không còn sức làm ruộng nên nhận trông trẻ. Bà Khuyên tâm sự: “Con sống ở xa, có một mình nên tôi nhận trông trẻ, vừa vui, vừa có một khoản tiền nho nhỏ tích cóp tuổi già. Ngày tôi qua nhà chủ trông trẻ, tối lại về nhà ngủ. Nhà chủ chỉ thuê trông từ thứ 2 tới thứ 7, mỗi ngày 8 tiếng, trả lương 1,5 triệu đồng/tháng”.
Ngoài thời gian trông trẻ, sáng bà Khuyên vẫn dậy sớm hái rau trong vườn đi bán, chiều về hoặc chủ nhật rảnh lại chăm sóc vườn rau quả.
Bà Nguyễn Thị Khuyên trông trẻ cho hàng xóm, có thu nhập mà không phải xa nhà.
ảnh: Minh nguyệt
Video đang HOT
Hiện nay, đa phần lao động từ 18 – 45 tuổi ở xã Hoằng Đồng đều đi làm công nhân ở các khu công nghiệp gần đó. Do vậy, nhiều cặp vợ chồng trẻ phải tìm người trông con. Ngoài việc trông trẻ, nhiều gia đình có người già mà con cái đi làm ăn xa cũng có nhu cầu thuê giúp việc.
Bà Nguyễn Thị Na, 78 tuổi (thôn 7, Hoằng Đồng) cho biết, hiện các con bà đang thuê cô hàng xóm làm giúp việc bán thời gian cho bà. “Mấy đứa con tôi đều ở trên phố, chúng nói tôi lên sống cùng nhưng tôi không chịu, nên thuê giúp việc cho tôi. Tôi vẫn khỏe, chỉ là mắc bệnh cao huyết áp nên chúng lo đêm hôm không có ai ngủ cùng nhỡ có xảy ra chuyện gì trở tay không kịp” – bà Na nói.
Chị Lê Thị Lệ, hàng xóm, cũng là giúp việc cho bà Na cho biết, hàng ngày chị chỉ đi chợ, mua đồ ăn về chuẩn bị sẵn cho bà Na. Bà tự nấu ăn, xong đến chiều chị lại qua rửa bát, lau nhà và tối đến ngủ cùng bà Na. Công việc chỉ có vậy, một tháng chị được con trai bà Na trả 2 triệu đồng. “Những lao động trung niên như tôi giờ đi xin làm ở khu công nghiệp rất khó, mà làm ruộng giờ không ăn thua nên ở nhà nhận trông trẻ hoặc trông người già thế này thôi. Thu nhập không cao nhưng lại có thời gian làm việc nhà” – chị Lệ nói.
Nhu cầu ngày càng lớn
So với công việc giúp việc gia đình ở các đô thị, giúp việc tại các vùng quê mới phát sinh do nhu cầu hiện đại hóa nông thôn. Tính chất công việc không vất vả, không tốn nhiều thời gian, lao động động có thể làm bán thời gian nên mức lương cũng không cao. Chủ yếu dao động khoảng từ 1,5 – 2 triệu đồng/tháng.
Qua khảo sát, Hoằng Hóa nằm cạnh khu công nghiệp Hoàng Long (Thanh Hóa), nơi có tới hai công ty lớn là Công ty Giày Hongfu và Công ty Hồng Mỹ thu hút hàng triệu lao động. Công ty Delta nằm ngay thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cũng thu hút hàng trăm nghìn người vào làm việc. Hầu hết những người trong độ tuổi lao động đều vào làm công nhân ở các công ty này. Chị Lê Thị Hóa (thôn 5, Hoằng Đồng) cho biết, vợ chồng chị đều đang làm cho Công ty Giày Hongfu. Ông bà nội, ngoại đều già yếu nên chị phải thuê người trông con. Sáng sớm chị đi chợ chuẩn bị đồ ăn rồi nhờ bà hàng xóm trông con, cho con ăn. “Vì con mình mới được 1 tuổi nên không thể gửi nhà trẻ được, đành phải thuê cô hàng xóm trông. Lương vợ chồng mình mỗi tháng được gần 10 triệu đồng, trả tiền thuê giúp việc 2 triệu đồng, tính cả tiền chi tiêu ăn uống cho con lớn ăn học nữa thì cũng chẳng dư được là bao” – chị Hóa chia sẻ.
Mặc dù thu nhập không cao, tiền trả cho giúp việc đi đứt gần nửa tháng lương nhưng chị Hóa không thể không thuê vì con còn nhỏ, chưa đi học được, mà chị cũng không thể nghỉ việc được.
Không riêng gì Hoằng Đồng, Hoằng Hóa (Thanh Hóa), tình trạng nông thôn thiếu người giúp việc ở nhiều vùng quê khác, nơi có quá trình đô thị hóa nhanh cũng khá phổ biến.
Chị Phạm Thị Dung (23 tuổi, Khánh Cư, Yên Khánh, Ninh Bình) tâm sự: “Thời gian làm việc nghiêm ngặt mà ông bà hai bên đều ở xa nên vợ chồng mình phải tìm người giúp. Làm công nhân thu nhập còn được chứ làm ruộng chẳng được bao nhiêu. Cứ nhờ các bà gần nhà là tiện nhất, thân quen cũng yên tâm”.
Cũng theo chị Dung, cái tiện nhất khi nhờ người trông con gần nhà là thi thoảng vợ chồng chị có đi làm tăng ca còn gửi thêm được ngoài giờ, còn nếu cho đi lớp thì ở quê các cô cũng chỉ trông đến 4 giờ 30 là nghỉ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cho rằng, đây là nhu cầu tất yếu khi các khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều ở khu vực nông thôn. Khi có cung ắt sẽ có cầu. “Mặc dù vậy, do là những lao động làm công việc bán chuyên, nên công việc chủ yếu khá đơn giản. Chỉ là trông trẻ, hoặc trợ giúp nấu ăn. Khi dịch vụ này trở nên chuyên nghiệp thì cũng nên có giao kết lao động, như ký hợp đồng công việc, hay thỏa thuận về lương để tránh các rắc rối phát sinh. Quan trọng nhất là phải chọn được người giúp việc chất lượng, uy tín, thân quen để tránh các vấn đề rắc rối về an ninh sau này”- bà Ngọc Anh nói.
Theo Danviet
Lương không đủ thuê ôsin, chồng muốn tôi nghỉ việc chăm con
Thu nhập mỗi tháng không đủ tiền thuê ô sin, chồng tôi muốn tôi nghỉ việc ở nhà trông con và thay anh quán xuyến việc nhà cửa...
Thu nhập mỗi tháng không đủ tiền thuê ô sin, chồng tôi muốn tôi nghỉ việc ở nhà trông con và thay anh quán xuyến việc nhà cửa... (Ảnh minh họa)
Cưới nhau được 4 năm, lần lượt sinh 2 đứa con. Một đứa đang đi học mẫu giáo, một đứa đã có ô sin chăm sóc, nhưng thường xuyên đau ốm, chồng muốn tôi nghỉ việc ở nhà trông con.
Tôi đang làm cho cơ quan nhà nước, thu nhập không cao, mỗi tháng chỉ khoảng 3,5 triệu, nhưng được cái ổn định. Tôi cũng yêu công việc của mình và không muốn từ bỏ công việc đó.
Nhưng chồng tôi lại cho rằng với mức thu nhập như vậy tôi không đủ trả tiền thuê ô sin hàng tháng, bao gồm tiền lương cho ô sinh 3,8 triệu, cộng với tiền ăn uống, quà cáp mỗi tháng cũng phải mất thêm 1,5 triệu.
Đã thế, ô sin chăm con không chu đáo, dù gia đình tôi đã đổi đến 3 ô sin trong vòng gần 1 năm trở lại đây, nhưng con vẫn ốm liên tục, vừa tốn tiền lại vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của con, công việc của bố mẹ. Sót tiền, sót con, nên chồng tôi luôn muốn tôi nghỉ hẳn việc ở nhà chăm sóc 2 đứa con, không cần đi làm kiếm tiền nữa và cũng chẳng cần thuê ô sinh.
Vì chồng tôi thu nhập cũng ổn định, mỗi tháng cũng được gần 30 triệu, đủ lo cho cả gia đình. Hơn nữa, công việc của anh khá vất vả, anh làm quản lý cho một công ty nước ngoài, không có nhiều thời gian rảnh rỗi, nên anh muốn tôi nghỉ việc ở nhà làm công việc nội trợ, thay anh quán xuyến công việc nhà cửa, con cái, đối nội đối ngoại để anh yên tâm công tác. Toàn tâm toàn ý cho công việc, có nhiều cơ hội thăng tiến.
Tôi thấy anh cũng có lý, vì đi làm thu nhập của tôi cũng chẳng được bao nhiêu, mà con cái thuê ô sinh thì cũng không yên tâm, nay ốm mai đau. Sau này các cháu học hành cũng cần người đưa đón, gia cho ô sin thì không thể yên tâm. Nhưng tôi chỉ lo một điều rằng, liệu tôi ở nhà chăm con như vậy, sau này già cả không có lương thì ai sẽ lo cho tôi. Lúc ấy chồng tôi liệu có lo được cho tôi?. Anh có thông cảm hay lại coi tôi là gánh nặng, ăn bám chồng con.
Hơn nữa, không đi làm, không có tiền, suốt ngày cứ động mua sắm cái gì cũng phải ngửa tay xin tiền chồng thì liệu anh có thông cảm cho vợ, hay lại coi thường vợ. Tôi rất cần các anh chị, những người đã từng trải qua hay chứng kiến người thân của mình đã từng trải qua những trường hợp tương tự thì tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn.
Theo Đất Việt