“Ở nông thôn tiếng ếch, tiếng nhái còn rất ít”
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lo ngại, ở Việt Nam hiện nay đang mất cân đối sử dụng phân bón, trong đó quá nghiêng về việc sử dụng phân bón vô cơ. Phân bón vô cơ làm cho hệ sinh thái suy kiệt, nhiều côn trùng bị tiêu diệt, ở nông thôn tiếng ếch, tiếng nhái còn rất ít.
Ngày 9/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị “Phát triển phân bón hữu cơ”. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì, với sự tham gia của Ủy Ban khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Công thương,…
Quang cảnh hội nghị…
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 12/2017, số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đang được sản xuất, nhập khẩu và sử dụng trong nước nhiều gấp 19 lần so với phân bón hữu cơ (713 sản phẩm phân bón hữu cơ và 13.423 sản phẩm phân bón vô cơ). Việc sử dụng phân bón hóa học trong một thời gian dài đã gây ô nhiễm, thoái hóa đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản.
Hiện nay, cả nước có 180 doanh nghiệp sản xuất phân bón, chiếm 24,5% trên tổng số 735 doanh nghiệp sản xuất phân bón đã được Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cấp phép với quy mô công suất lớn nhỏ khác nhau (từ 20 nghìn đến 500 nghìn tấn/năm).
Với mục tiêu chung là phát triển phân bón hữu cơ, đảm bảo hiệu quả, bền vững góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường trong thời gian tới và mục tiêu cụ thể: Sử dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; Tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm.
Lựa chọn, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tế về nhân lực, trang thiết bị và nguyên liệu sẵn có của Việt Nam; Tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10% trong thời gian tới; Khuyến khích, vận động để đảm bảo ít nhất 50% trong tổng số các đơn vị sản xuất phân bón cả nước cam kết đầu tư phát triển sản xuất phân bón hữu cơ, đặc biệt là các đơn vị sản xuất phân bón vô cơ lớn hiện nay.
Trong năm 2018, cơ bản hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về phân bón hữu cơ phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lo ngại tình trạng mất cân đối khi sử dụng phân bón.
Video đang HOT
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Hiện nay Việt Nam việc đang lạm dụng quá mức sử dụng phân bón vô cơ, trong tổng số 11 triệu tấn phân bón hàng năm, thì 90% là phân vô cơ, tỷ lệ sử dụng phân hữu cơ rất thấp so với yêu cầu. Điều đó dẫn đến hiệu quả kinh tế rất thấp, các báo cáo của Việt Nam kể cả trong nước và ngoài nước đánh giá hiệu quả phân bón chỉ được khoảng 50%, đó là hệ lụy; hệ lụy thứ 2 chất lượng nông sản của Việt Nam là bón phân vô cơ là chính không bao giờ có chất lượng nông sản tốt nhất; hệ sinh thái môi trường, phân bón không chỉ là một yếu tố quyết định, nhưng phân bón cũng làm cho hệ sinh thái ngày càng suy kiệt.
“Chúng ta ngồi đây các đại biểu đều biết, từ con côn trùng, động vật lưỡng hệ, bây giờ ở Việt Nam kể cả ở khu vực nông thôn nếu còn nghe thấy tiếng ếch, nhái là rất ít. Con đỉa ngày xưa chị em đi cấy là nỗi sợ hãi, thì hiện nay hầu như cũng không còn. Đất đai chúng ta suy kiệt, thách thức lớn nhất hiện nay là mất cân đối nghiêm trọng về sử dụng phân bón, trong đó quá nghiêng về sử dụng phân bón vô cơ” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp Việt Nam hiện nay sức sản xuất hàng hóa là chính, mà hàng hóa là phải theo tín hiệu thị trường, tín hiệu thị trường ở đây không phải thị trường trong nước mà là thị trường 7 tỷ dân trên thế giới. Hàng nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi 180 quốc gia, mà hiện nay đòi hỏi ngày càng khắt khe ở về chất lượng nông sản theo hướng thân thiện với môi trường, hướng hữu cơ, hướng nông sản đặc sản đó là một đòi hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, vấn đề thách thức thứ 3 là tác động biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tổn thương của BĐKH, mà BĐKH cần có hệ thống giải pháp tổng thể, trong đó biện pháp canh tác là một trong nhóm giải pháp chủ động căn cơ ban đầu. Trong nhóm giải pháp này thì hệ sinh thái đất, để từ đó phát triển cây trồng có tính thích ứng kể cả quá trình chống chọi với BĐKH, kể cả quá trình tái tạo, phục hồi sau các rủi ro của tác động BĐKH. Chính vì thế sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ được coi là một trong những giải pháp rất quan trọng đặt ra hiện nay cho ngành nông nhiệp, cho khu vực nông nghiệp của chúng ta
Nguyễn Dương
Theo Dantri
BÁO ĐỘNG ĐỎ: 2,2 triệu ha đất bị hủy hoại bởi phân bón vô cơ
Trong những năm qua, việc lạm dụng và sử dụng phân bón vô cơ diễn ra tràn lan đã hủy hoại ít nhất 2,2 triệu ha đất canh tác nông nghiệp (đất bạc màu, chua, mặn...). Trước thực trạng đó, hôm nay (9.3), Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị về phân bón hữu cơ.
Xung quanh vấn đề này, PV NTNN đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Trung (ảnh) - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT).
Lạm dụng phân bón vô cơ
Xin ông đánh giá về việc sử dụng phân bón hữu cơ so với cơ cấu phân bón vô cơ hiện nay và vì sao chúng ta cần phải chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ?
Bộ NNPTNT đang khuyến khích việc sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác cây trồng. Ảnh: T.L
Hơn 400 đại biểu dự hội nghị phân bón hữu cơHôm nay 9.3, tại Hà Nội, lần đầu tiên Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về phân bón hữu cơ với sự tham dự của trên 400 đại biểu trong nước và quốc tế. Dự kiến, hội nghị sẽ bàn về việc khuyến khích doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu, uy tín về chất lượng sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh, phân phối; kiến nghị chính sách hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến, các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu, phục vụ phát triển sản xuất phân bón hữu cơ, xác định sản xuất, chế biến hữu cơ là công nghệ cao của khoa học.
- Trước hết, phải khẳng định phân bón nói chung và phân bón hữu cơ nói riêng có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta vẫn thiên về sử dụng phân bón vô cơ, mà lãng quên dần việc sử dụng phân bón hữu cơ. Hiện nay, từ số lượng sản phẩm đến sản lượng, phân bón vô cơ đều vượt hữu cơ dẫn đến tình trạng hủy hoại môi trường đất, gây ra các hiện tượng như đất bạc màu, phèn chua, tạo ra các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Có thể nói, khi lạm dụng phân bón vô cơ, chúng ta sẽ lãng phí một nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất phân bón hữu cơ và nguồn này sẽ thải ra môi trường. Theo thống kê, hàng năm ở nước ta có 184 triệu tấn phụ phẩm có thể dùng để sản xuất phân bón hữu cơ, trong đó các phế phẩm trong chăn nuôi là 85 triệu tấn, trồng trọt 46 triệu tấn, than bùn 1,7 tỷ m3, rác thải sinh hoạt 22 triệu tấn... Hiện tại cả thế giới nói chung đang hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, riêng ở nước ta, Chính phủ cũng sắp ban hành nghị định về nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ NNPTNT, cần có những chính sách cụ thể để thực thi vấn đề này.
Cụ thể, cần chuyển dần sang sử dụng phân bón hữu cơ, trung bình hàng năm cả nước sử dụng hết 26,7 triệu tấn phân bón vô cơ, trong khi hữu cơ chỉ chiếm 2,5 triệu tấn. Chính vì thế, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị về phân bón hữu cơ nhằm đánh giá lại các giải pháp để thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ.
Ông có thể cho biết số lượng phân bón hữu cơ so với vô cơ hiện nay?
- Theo ước tính, số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đang được sản xuất, nhập khẩu và sử dụng trong nước nhiều gấp 19 lần so với phân bón hữu cơ (713 sản phẩm hữu cơ và 13.423 sản phẩm vô cơ). Hiện nay, trên toàn quốc có 180 cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 24,5% trên tổng số 735 cơ sở sản xuất phân bón đã được Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương cấp phép với quy mô công suất lớn nhỏ khác nhau (từ 20.000 - 500.000 tấn/năm).
Chúng tôi đang tính toán và định hướng, các doanh nghiệp phải dần chuyển sang sản xuất phân bón hữu cơ, từ 5,3% như hiện nay lên 10%. Ngoài việc sản xuất ở các hộ gia đình, cố gắng tăng sản lượng sản xuất phân bón hữu cơ lên 3 triệu tấn/năm. Sau hội nghị này, Bộ NNPTNT sẽ có báo cáo với Chính phủ ban hành chỉ thị về sản xuất phân bón hữu cơ trong thời gian tới, đồng thời tăng cường thông tin truyền thông về vấn đề này.
Đóng cửa những doanh nghiệp vi phạm
Một trở ngại lớn nhất trong việc khuyến khích và đẩy mạnh sản xuất phân bón hữu cơ hiện nay là chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất phân bón hữu cơ. Vậy Bộ NNPTNT dự kiến sẽ ban hành những chính sách gì để thúc đẩy, thưa ông?
- Chúng tôi dự kiến ban hành các cơ chế về thuế, đất đai, thủ tục công nhận, chứng nhận sản phẩm thông thoáng hơn nữa. Cũng phải thừa nhận rằng, trong thời gian qua vì quá chú trọng đến phân bón vô cơ, nên sản lượng của ngành này ngày càng lớn, chiếm đến 93%, hình thành nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn về phân bón vô cơ.
Vì thế, để hình thành nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Bởi tình hình đã nguy cấp lắm rồi khi có 2,2 triệu ha đất canh tác ở nước ta đang bị hủy hoại bởi phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, như cầu của con người đang hướng tới việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất.
Dự kiến, Bộ NNPTNT sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành những chính sách ưu đãi, hấp dẫn chưa từng có cho doanh nghiệp như đẩy mạnh công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ, áp dụng công nghệ mới, hạn chế dần việc sản xuất phân bón vô cơ, để từ đó vừa tạo ra các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ mới, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ chuyển dần sang sản xuất phân bón hữu cơ.
Chất lượng phân bón cũng là vấn đề được quan tâm. Song song với việc thúc đẩy sản xuất phân bón hữu cơ, Bộ NNPTNT sẽ có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng?
- Chúng tôi sẽ tập trung vào công tác thanh tra, chuyển từ thanh tra định kỳ sang thanh tra đột xuất để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính. Sẵn sàng đóng cửa và rút hết các giấy phép đối với những doanh nghiệp vi phạm. Công tác này sẽ được làm trên diện rộng, tại nhiều địa phương với sự tham gia của nhiều lực lượng chức năng như Cục Bảo vệ thực vật, Văn phòng 389, Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, C49 - Bộ Công an...
Song song với đó, chúng tôi cũng tăng cường kiểm soát, đánh giá lại các phòng thử nghiệm, đưa các chuyên gia độc lập vào kiểm tra, đánh giá. Khi mới tiếp nhận từ Bộ Công Thương về, có tới 41 phòng thử nghiệm được chỉ định, song sau một thời gian chúng tôi đánh giá lại, đến nay chỉ còn 12 phòng đạt yêu cầu để tiến hành thử nghiệm và tới đây sẽ tiếp tục đánh giá lại.
Đặc biệt, sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng 3 phòng kiểm chứng có chức năng kiểm tra, đánh giá lại kết quả của các phòng thử nghiệm, cũng như giải quyết các tranh cãi về chất lượng sản phẩm. Kết quả của phòng kiểm chứng sẽ là cơ sở để Bộ NNPTNT công nhận về chất lượng sản phẩm phân bón.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
4 chìa khoá để VN tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu Ngày 11/12, Bộ NN&PTNT thông qua Chương trình Hỗ trợ quốc tế (ISG) tổ chức hội nghị toàn thể ISG 2017 với chủ đề "Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu: An toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ nông sản". Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Nienke Troostre và Giám đốc...