Ô nhiễm không khí trầm trọng, phụ huynh yêu cầu lắp máy lọc không khí trong lớp học để bảo vệ sức khỏe học sinh
Chỉ số ô nhiễm không khí nghiêm trọng với mức độ bụi mịn PM 2.5 cao có thể gây nhiều căn bệnh về đường hô hấp.
Ô nhiễm không khí đang là vấn đề nhức nhối tại nhiều quốc gia. Đối với các em nhỏ, đây là điều vô cùng nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sức đề kháng.
Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong môi trường khói bụi thì mới đây chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học phải lắp các máy lọc không khí có hệ thống thông gió. Điều này nhằm thanh lọc không khí và ngăn chặn carbon dioxide tập trung trong lớp học.
Vào những ngày mật độ khói bụi ở mức trung bình, các trường cần đóng kín cửa sổ. Nếu tình trạng ô nhiễm ở mức cao, các trường học nên dừng toàn bộ hoạt động ngoài trời.
Trung Quốc yêu cầu các trường học lắp máy lọc không khí để đảm bảo sức khỏe người dân.
Các yêu cầu này nằm trong “Hướng dẫn đối phó với ô nhiễm không khí” được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ban hành hôm 13/12.
Các hướng dẫn của ủy ban cũng cho biết người dân cần tự bảo vệ mình khỏi khói bụi như sử dụng các thiết bị chống ô nhiễm và có các biện pháp giảm thiểu tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
Ủy ban Y tế kêu gọi người dân cắt giảm than đốt, hạn chế sử dụng xe hơi và các hoạt động gây khói như nướng thịt, đốt rác,…
Doreen Lin, một bà mẹ có con trai học lớp 3 ở thành phố Thượng Hải cho biết, cô sẽ đóng góp tiền cho nhà trường mua máy lọc không khí để bảo vệ sức khỏe con em. Tuy nhiên, cô khá lo ngại về tiêu chuẩn cũng như việc duy trì, bảo dưỡng máy móc.
Thượng Hải hiện đang đối mặt với ô nhiễm không khi khủng khiếp.
Cô Lin cho biết, bản thân kiểm tra chỉ số ô nhiễm không khí hàng ngày và luôn dùng máy lọc không khí vào những ngày ô nhiễm cao.
“Máy lọc không khí đã bảo vệ gia đình tôi suốt 2 năm qua. Trước đây mỗi lần vào mùa sương mù, tôi cảm thấy như có bùn trong miệng, khó thở. Thậm chí tôi từng nghĩ đến việc rời Thượng Hải, chuyển đến sống ở thành phố nhỏ, đỡ ô nhiễm hơn”, cô Lin chia sẻ.
Trước tình hình ô nhiễm hiện tại ở Trung Quốc, các trường học quốc tế với hệ thống lọc không khí tốt thường thu hút phụ huynh hơn.
Nhiều trường quốc tế ở Bắc Kinh đã lắp mái vòm bơm hơi khổng lồ, bao trùm sân chơi. Nhờ đó, các em học sinh được hoạt động trong bầu không khí tinh khiết. Trong khi đó ở các trường công lập và tư thục bình dân, học sinh vẫn phải vui chơi ở ngoài trường trong những ngày ô nhiễm không khí chưa lên mức độ cam.
Nhiều trường học ở Trung Quốc lắp mái vòm bơm hơi để bảo vệ sức khỏe học sinh.
Đầu tháng 12, một số trường học ở Bắc Kinh đã tạm đóng cửa vì nồng độ bụi mịn PM 2.5 đạt mức báo động đỏ. Hôm 11/12, Thượng Hải đưa ra cảnh báo không khí đã đạt chỉ số ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ số PM 2.5 gấp hơn 20 lần mức an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo.
Hôm 15/12, chỉ số PM 2.5 của Bắc Kinh là 183.
Hà Nội cũng đang đối mặt với ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Thời gian gần đây, Hà Nội liên tiếp nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo xếp hạng của Air Visual. Nhiều trạm quan trắc phủ màu tím với chỉ số AQI vượt trên 200, tương đương mức rất xấu. Một số điểm thậm chí chạm mốc nâu.
Ngày 10/12, trạm quan trắc tại Đại sứ quán Pháp ở Hoàn Kiếm báo chỉ số AQI ở mức 336. Ngày 13/12, trang Air Visual xếp Hà Nội đứng đầu trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI ở mức nâu 316.
Ngày 14/12, theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí miền Bắc của Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội, ô nhiễm không khí lần lượt ở ngưỡng tím, là rất xấu, rất có hại cho sức khỏe.
Người dân Hà Nội lao đao vì khói bụi.
Theo đó chất lượng không khí được chia làm 5 mức. Từ 0-100, chất lượng không khí tốt và chấp nhận được. Từ 101-200 là kém, người dân cần hạn chế ra đường. Chỉ số AQI từ 201-300 là thang màu tím, thuộc nhóm rất ô nhiễm, trên 300 Là thang màu nâu, ở ngưỡng nguy hại, khuyến cáo người dân nên ở trong nhà.
Theo các chuyên gia, không khí Hà Nội hiện tại có nồng độ bụi mịn PM 2.5 rất cao, có thể gây nhiều bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn,…
Trước tình trạng ô nhiễm trầm trọng này, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội bắt đầu có động thái bảo vệ sức khỏe học sinh.
Từ tháng 10, trường Tiểu học Lê Quý Đôn (khu đô thị Mỹ Đình 1, Từ Liêm) đã thông báo tạm dừng các hoạt động dã ngoại, thể chất ngoài trời để đảm bảo sức khỏe học sinh. Với các môn thể dục và các môn năng khiếu, thay vì hoạt động ngoài trời học sinh sẽ học ở các phòng chức năng.
Thông báo của trường Lê Quý Đôn.
Ông Tạ Như Việt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết, trước tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội nặng nhất vào buổi sáng, trường đã tiến hành đổi thời khóa biểu một số tiết thể dục ở buổi sáng, giữa giờ sang buổi chiều khi không khí bớt ô nhiễm.
Ngoài ra, trong lớp học sẽ bật điều hòa, đóng kín cửa sổ để hạn chế tối đa ô nhiễm không khí.
Trường Tiểu học Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm) và trường Phổ thông liên cấp Việt – Úc Hà Nội (khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) trước đó cũng có động thái tượng tự.
Tiểu học Lômônôxốp và Phổ thông liên cấp Việt – Úc cũng có động thái bảo vệ học sinh.
Mới đây trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy) cũng gửi tin nhắn khuyến cáo phụ huynh mặc áo ấm cho con em khi ra đường, đồng thời đeo khẩu trang tránh khói bụi. Trong thời gian tới, trường không tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể ngoài trời. Học sinh chơi và vận động tại lớp.
Trường Tiểu học Lý Thái Tổ đưa ra khuyến cáo.
Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này, nhiều phụ huynh đang vô cùng lo ngại cho sức khỏe con em và cùng kiến nghị nhà trường mua máy lọc không khí.
Theo Helino
Ô nhiễm không khí Hà Nội ở mức đặc biệt nguy hiểm: Chính quyền phải vào cuộc xử lý triệt để
Chuyên gia cho rằng đã đến lúc chính quyền cần phải vào cuộc, có biện pháp xử lý tận gốc vấn đề ô nhiễm không khí đang ở mức đặc biệt nguy hiểm.
Những ngày qua, chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các thành phố lớn luôn ở mức báo động khiến người dân lo lắng. Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên nước ta có thành phố "lọt top" những thành phố có chỉ số ô nhiễm cao nhất thế giới trên nhiều thang đo quốc tế.
Tuy nhiên, trước những diễn biến rất đáng báo động của tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay, ngoài việc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế đưa ra một vài giải pháp khuyến nghị người dân đối phó, chưa có bất cứ thông tin nào từ chính quyền về nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục triệt để vấn đề nghiêm trọng này.
VTC News có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng về vấn đề này.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng.
- Ô nhiễm không khí thời gian qua trở thành vấn đề rất đáng lo ngại ở Hà Nội và các thành phố lớn hiện nay, thưa bà?
Thực ra, thông tin về ô nhiễm được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, ô nhiễm ở Hà Nội nói riêng và ở các thành phố lớn nói chung đã ở mức báo động, chỉ số những ngày qua luôn luôn ở mức nguy hại, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trên nhiều thang đo.
Tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khoẻ con người đã nói đến rất nhiều và chúng ta cũng đều biết, tôi không muốn nhắc lại nữa. Tuy nhiên, ngoài ảnh hướng đến sức khoẻ, sẽ kéo theo ảnh hưởng đến năng suất lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, vấn đề nghèo đói và rất nhiều những tác động khác.
Cho nên, vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để xử lý, giải quyết những chuyện này.
- Gần đây khi công bố kết quả quan trắc về chất lượng không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đưa ra một vài khuyến cáo với người dân, tuy nhiên kết quả quan trắc không nhắc tới nguyên nhân cụ thể dẫn tới tình trạng ô nhiễm. Hiện cũng chưa có công bố nào về nguyên nhân ô nhiễm từ các cơ quan chức năng, thưa bà?
Đúng vậy, đến nay vẫn chưa đưa ra nguyên nhân cụ thể của thực trạng ô nhiễm hiện nay. Tôi cho rằng nhà nước cần phải vào cuộc, có sự đầu tư để đánh giá cụ thể vì chuyện đánh giá nguyên nhân sẽ liên quan đến việc đưa ra giải pháp sau này.
Phải đánh giá được nguyên nhân, nhân tố chính gây ra ô nhiễm với các thành phố. Chẳng hạn như vấn đề giao thông chiếm bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu đến từ các phương tiện giao thông, ô tô, xe máy cũ nát; bao nhiêu phần trăm ô nhiễm đến từ nông nghiệp như việc đốt rơm rạ; bao nhiêu phần trăm từ công nghiệp, khói bụi của các nhà máy gây ra, hay bao nhiêu phần trăm do xây dựng gây ra... phải đánh giá được chuyện đó, trên cơ sở đó xác định nguyên nhân nào dẫn đến tình trang ô nhiễm ở mỗi thành phố và từ đó đưa ra giải pháp thích hợp.
Chính quyền phải vào cuộc, phải lên tiếng và có giải pháp tận gốc cho người dân để triệt các nguồn gây ô nhiễm không khí, ổn định xã hội, phát triển kinh tế. PGS.TS Bùi Thị An
Ví dụ như các khu công nghiệp phải di dời ra khỏi các thành phố, hay các phương tiện giao thông cá nhân phải hạn chế, các loại xe quá niên hạn không cho chạy nữa; đối với nông thôn có thể vận động ngừng đốt rơm rạ để làm thức ăn cho gia súc hoặc sử dụng vào việc khác...
Đặc biệt, phải cân nhắc việc sử dụng các loại năng lượng khác như năng lượng tái tạo để hạn chế lượng khí phát thải, ô nhiễm không khí, tăng cường trồng cây xanh cũng là việc làm cực kỳ quan trọng.
Tóm lại, phải có một giải pháp tổng thể tất cả các yếu tố, nhưng đối với một thành phố riêng lại phải đánh giá cái nào là yếu tố chính để từ đó có một giải pháp thích hợp nhất.
- Nhiều thông tin cho rằng thời tiết là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm hiện nay?
Yếu tố thời tiết hiện nay tuy góp phần khiến bụi trong không khí đậm đặc hơn nhưng đây không phải là nguyên nhân thực sự, bởi nếu không khí trong lành thì tầng nhiệt thế nào cũng không thể tạo ra khói bụi. Thời tiết chỉ góp phần làm tăng mức độ ô nhiễm của từng vùng, từng địa phương nhưng đó không phải là nguyên nhân chính.
Ô nhiễm không khí trở thành vấn đề báo động tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn.
- Sau Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế cũng lần đầu cảnh báo, đưa ra 14 gợi ý với người dân để đối phó với ô nhiễm, bà đánh giá thế nào?
Việc đưa ra khuyến cáo là rất cần thiết nhưng khuyến cáo đó theo tôi là khó khả thi, chẳng hạn như khuyến cáo người dân hạn chế ra đường thì rõ ràng chuyện ra đường ai cũng phải ra để đi làm, để mưu sinh, trừ các cụ già, em nhỏ, mà ngay cả các em nhỏ thì cũng phải đi học.
Hay việc phải đeo khẩu trang đạt chuẩn thì các loại khẩu trang đảm bảo tiêu chuẩn thì rất tốn kém, người dân có mua được không? Hay chính quyền có phát khẩu trang đạt tiêu chuẩn không?
Theo tôi, các cơ quan chức năng phải vào cuộc để hạn chế tối đa các nguồn gây ô nhiễm, nếu không sẽ không thể xử lý được. Khuyến cáo thì cần thiết nhưng hiệu quả thực sự không cao.
- Vậy còn chính quyền, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy giải pháp cụ thể nào, phải chăng chính quyền đang im lặng, và chính bản thân người dân cũng không ít người thờ ở với sức khoẻ của mình?
Người dân rất lo lắng, tôi thấy Hà Nội cũng bắt đầu chú ý và yêu cầu phải tăng các trạm quan trắc, tuy nhiên những chuyện này chỉ là giải pháp tình thế, vấn đề nằm ở giải pháp gốc và hiện nay chưa có.
Tôi kiến nghị phải có nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp gốc, xử lý triệt để vấn đề này, đảm bảo thành phố không bị ô nhiễm, đảm bảo sức khoẻ cho người dân cũng là đảm bảo năng suất lao động và những vấn đề khác với người dân.
Còn với người dân, nhiều người lo lắng nhưng nhiều người cũng không quá để ý bởi họ "có kêu cũng thế thôi", họ vẫn phải đi làm và không còn cách nào khác. Nhiều người cũng không nhận thức rõ ràng tác hại của ô nhiễm, họ cũng chẳng hiểu bụi PM2.5 là thế nào, tác động ra sao.
Vấn đề chính nằm ở cơ quan quản lý và phải có giải pháp cho dân. Chính quyền phải vào cuộc, lên tiếng có giải pháp tận gốc cho người dân để triệt các nguồn gây ô nhiễm không khí để ổn định xã hội, phát triển kinh tế.
- Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước cần ban hành chính sách, luật chống ô nhiễm không khí, thưa bà?
Giải pháp khắc phục ô nhiễm có thể bằng giải pháp hành chính, bằng thuế phí nhưng yêu cầu phải chính xác. Nếu không phân biệt được chính xác nguyên nhân gây ra ô nhiễm thì khi định ra các chính sách sẽ không khả thi và người dân sẽ kêu.
Theo tôi, Nhà nước, hay ngay tại thành phố và các cơ quan chức năng cần có nghiên cứu cho chuyện này, điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân trực tiếp đến giải pháp gốc để khắc phục ô nhiễm.
- Xin cảm ơn bà!
Video: Hà Nội có thờ ơ với tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng?
(thực hiện)
XUÂN TRƯỜNG
Theo vtc.vn
TP.HCM có ngày nắng, đêm se lạnh đến Giáng sinh Chuyên gia cho rằng từ nay đến Giáng sinh thời tiết chủ đạo ở Nam Bộ là nắng nóng, nhiệt độ trung bình ban ngày khoảng 34 độ C, đêm se lạnh. Theo chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, hình thái thời tiết tại Nam Bộ những ngày tới chủ yếu là nắng và không có mưa. Nhiệt độ ban ngày...