Ô nhiễm Hà Nội lên ngưỡng tím, chuyên gia cảnh báo không tập thể dục buổi sáng
Tình hình ô nhiễm không khí tại thủ đô Hà Nội có xu hướng nghiêm trọng hơn khi nhiều điểm đo, trong một số thời gian đã vượt qua ngưỡng đỏ lên ngưỡng tím (ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người).
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân hạn chế ra ngoài vào thời gian ô nhiễm đồng thời không tập thể dục buổi sáng.
Từ chiều tối 28/9 đến sáng nay 29/9, Hà Nội tiếp tục trong tình trạng ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng với chỉ số chất lượng không khí một số điểm đo đã vượt qua ngưỡng đỏ (ngưỡng ảnh hưởng sức khỏe tất cả mọi người) sang ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe mọi người).
Theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí độc lập PAMAir cũng như xu thế của các trạm đo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hệ thống AirVisual quốc tế, vào 2h sáng nay 29/9, một số điểm đo lên ngưỡng tím như Đức Thắng (Bắc Từ Liêm). Đến 8h, ngưỡng tím xuất hiện ở các điểm đo thuộc đồng bằng Bắc Bộ như tại Thái Đô (Thái Thụy, Thái Bình (AQI lên 245), Đông Hưng (Thái Bình-245), Kiến An (Hải Phòng-trên 200).
Video đang HOT
Nhiều điểm ô nhiễm không khí lên ngưỡng tím-ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người vào sáng nay, theo ghi nhận của Hệ thống PAMAir.
Điểm đặc biệt của đợt ô nhiễm không khí này là ô nhiễm nghiêm trọng nhất vào đêm, sáng sớm và chiều tối. Từ cuối buổi sáng đến chiều, chất lượng không khí được cải thiện. Nguyên nhân là do hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ cũng như tình trạng đốt rơm rạ ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Trước chu kỳ ô nhiễm như trên, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam khuyến cáo, người dân hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm ô nhiễm, các trường học hạn chế hoạt động ngoài trời. Người dân hạn chế đi tập thể dục buổi sáng bởi quá trình tập thể dục, việc thở gấp sẽ khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn, gây tác động nghiêm trọng hơn. “Tập thể dục buổi sáng ô nhiễm hại nhiều hơn lợi”, ông Tùng chia sẻ.
Các chuyên gia môi trường cũng khuyến cáo, vào giờ cao điểm ô nhiễm, người dân nên giảm hoạt động ngoài trời, sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn được bụi mịn PM2,5 thay cho các khẩu trang thông thường. Sau khi ở ngoài trời về nên xúc miệng, rửa mắt mũi và các bề mặt da tiếp xúc bằng xà bông. Đóng các cửa lưu thông với bên ngoài.
Để giảm thiểu ô nhiễm, người dân không sử dụng bếp than, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân bằng việc dùng phương tiện công cộng và không hút thuốc lá.
Theo Tiền phong
Người bị viêm khớp có nên tập thể dục hay không?
Quan niệm lâu nay tin rằng những người mắc bệnh viêm khớp không nên tập thể dục. Nguyên nhân là việc tập luyện có thể khiến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây lại cho thấy kết quả rất khác.
Ảnh minh họa: Shutterstock
Không những người bệnh mà ngay cả nhiều bác sĩ cũng tin rằng tập luyện thể dục có thể khiến tình trạng viêm đau thêm nặng, đặc biệt là ở khớp gối, theo MSN.
Thế nhưng, một nghiên cứu mới đây công bố trên chuyên san British Journal of Sport Medicine đã cho thấy điều ngược lại. Các nhà khoa học ở Scotland đã phân tích 21 nghiên cứu khác nhau được thực hiện ở nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Thụy Điển.
Tất cả nghiên cứu này đều tập trung vào tìm hiểu hiệu quả của phương pháp tập luyện trị liệu với khớp gối ở những người bị viêm xương khớp hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh này.
Các hình thức tập luyện trong nghiên cứu rất đa dạng từ thời gian đến tần suất luyện. Các bài tập có thể diễn ra từ 1 đến 5 buổi/tuần, kéo dài liên tục từ 4 đến 48 tuần. Những loại bài tập chủ yếu gồm rèn luyện sức mạnh, thể thao dưới nước và sức bền.
Những đánh giá sức khỏe sau đó sẽ phân tích các dấu hiệu liên quan đến bệnh viêm xương khớp, chẳng hạn như độ dày, khối lượng của sụn và mức độ viêm.
Nhóm nghiên cứu phát hiện tập luyện thể dục, chơi thể thao không kích hoạt phản ứng viêm và tổn thương sụn ở đầu gối. Những kết luận cho rằng tập thể thao có thể gây hại cho sụn là dựa trên những thông tin sai lệch, tiến sĩ Alessio Bricca, tác giả nghiên cứu tại Đại học Aberdeen (Scotland), cho hay.
Những người bị viêm xương khớp ở đầu gối có thể yên tâm rằng việc tập luyện trị liệu theo hướng dẫn của các chuyên gia có thể giúp ngăn ngừa và điều trị triệu chứng của bệnh. Tập luyện dạng này là an toàn và có thể giúp cải thiện thành phần sụn, tiến sĩ Bricca nói.
Ngoài ra, ông cũng lưu ý là việc tập luyện trị liệu có thể gây cảm giác đau vào thời điểm ban đầu. Tuy nhiên, cảm giác này thường sẽ biến mất theo thời gian. Nếu cẩn thận, mọi người có thể tập luyện theo với cường độ nhẹ lúc đầu và tăng dần dần lên, theo MSN.
Theo Thanh niên
Tiếp xúc với chất hóa học phổ biến trong đồ nhựa gây béo phì ở trẻ em Nghiên cứu mới chỉ ra hóa chất thay thế cho BPA không an toàn cho người tiêu dùng. Tiếp xúc với hóa chất phổ biến trong nhựa và thực phẩm đóng hộp có thể gây nên bệnh béo phì ở trẻ em - theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Nội tiết. Bisphenol S (BPS) và bisphenol F...