Ở đây có thêm tiền nhờ trồng loài chuối theo “chủ nghĩa độc thân”
Tại tỉnh Ninh Thuận, giống chuối cô đơn phân bố chủ yếu ở Vườn quốc gia Phước Bình ( xã Phước Bình, huyện Bác Ái). Loài chuối này không chỉ có giá trị về mặt sinh thái mà hạt chuối cô đơn hiện nay cho giá trị kinh tế khá cao, giúp người dân địa phương tăng thêm thu nhập.
Chuối cô đơn hay còn gọi là chuối mồ côi, chuối hoa sen, chuối hột Phước Bình. Chuối cô đơn có đặc tính sinh thái mọc ở vùng núi cao, cây chỉ tái sinh bằng hạt, từ khi nảy mầm đến trổ buồng chỉ duy nhất một thân cây mẹ, không đẻ cây con như chuối thường. Về đặc điểm, chuối cô đơn có chiều cao từ 3 – 5 mét, gốc phình to, hoa có màu xanh cốm, nở rộ như hoa sen.
Mỗi cây chuối cô đơn cho một buồng duy nhất, buồng lớn có 8 – 10 nải, buồng nhỏ 6 – 7 nải, mỗi nải chuối gồm 13 – 15 quả. Mỗi quả chuối có nhiều hạt, hạt to gấp 1,5 – 2 lần so với chuối hột rừng thông thường. Một buồng chuối cô đơn có thể thu được từ 3 – 5 kg hạt. Hạt chuối có màu đen, rốn lõm sâu, khi đập vỡ lớp vỏ hạt bên trong có chứa tinh thể bột màu trắng.
Cây chuối cô đơn tại Vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế – Vườn quốc gia Phước Bình cho biết, chuối cô đơn là loài thực vật ngoài chức năng góp phần làm đa dạng môi trường sinh thái còn được người dân địa phương sử dụng làm dược liệu có tác dụng điều trị một số bệnh trong y học dân gian.
Đây là loài thực vật sống độc lập, phân bố không phổ biến, có tác dụng y học được người dân thu hái ngoài tự nhiên khá nhiều. Vườn quốc gia Phước Bình đang nghiên cứu, nhân giống chuối cô đơn tại vườn thực vật để bảo tồn, chuyển giao cho người dân có nhu cầu trồng nhân rộng.
Nhằm xác định thành phần các chất có trong hạt chuối cô đơn và tác dụng dược liệu, Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận đã phối hợp với Trung tâm Sâm và Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành lấy mẫu hạt chuối cô đơn phân tích thành phần hóa học. Qua đó, xác định sự hiện diện của các nhóm hợp chất chính; xác định hàm lượng các nhóm chất chính; chiết xuất cao chiết từ hạt chuối cô đơn.
Đồng thời, kết quả phân tích còn cho thấy hàm lượng flavonoid và saponin toàn phần trung bình đã trừ độ ẩm theo phương pháp cân trong hạt chuối cô đơn tương ứng là 2,66% và 3,67%. Kết quả khảo sát độc tính cấp đường uống của cao chiết cồn 45% từ hạt chuối cô đơn sau khi cho chuột uống ở liều cao nhất mà không làm chết chuột ở liều 23,81g/kg thể trọng chuột.
Theo dõi chuột thử nghiệm trong vòng 72 giờ sau khi cho uống, nhận thấy chuột không có biểu hiện hành vi bất thường và sinh hoạt bình thường. Tiếp tục theo dõi trong 14 ngày các con chuột đều sinh hoạt bình thường. Kết luận, cao chiết cồn 45% từ hạt chuối cô đơn không có độc tính cấp trên đường uống.
Lâu nay, đồng bào Raglai ở xã vùng cao Phước Bình, huyện Bác Ái sử dụng các thành phần trên cây chuối cô đơn để bào chế thuốc chữa bệnh. Tùy vào bệnh tình, người dân lấy từng vị trí khác nhau trên cây chuối sắc lấy nước uống để chữa trị một số bệnh như sỏi thận, đau lưng, nhức mỏi xương khớp, bệnh dạ dày, kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, giải nhiệt, trị kém ăn, mất ngủ, táo bón, cảm sốt, một số bệnh ở trẻ em.
Video đang HOT
Hạt chuối cô đơn đã sơ chế, đóng gói thành phẩm.
Đặc biệt, đồng bào Raglai lấy hạt chuối cô đơn phơi khô rồi đưa lên bếp sao vàng, sau đó cho vào bình ngâm với rượu gạo, uống sau mỗi bữa ăn để trị các chứng đau lưng, nhức mỏi xương khớp rất hiệu nghiệm. Chuối cô đơn ngâm với rượu ủ lâu có màu vàng hổ phách, hương vị thơm mạnh rất đặc trưng, du khách khi tới tham quan Vườn quốc gia Phước Bình có dịp thưởng thức đã dành tặng cho mỹ từ rượu “Chivas Phước Bình”.
Trên thị trường, hạt chuối cô đơn hiện có giá bán dao động từ 80.000 – 120.000 đồng/kg. Qua khảo sát của ngành nông nghiệp địa phương, chuối cô đơn sinh trưởng và phát triển khá nhanh, kháng được một số loại sâu bệnh, cây chuối chịu hạn rất tốt phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Theo đó, có thể trồng nhân rộng chuối cô đơn để phát triển nguồn lợi thu hoạch, nhằm giảm bớt tình trạng phụ thuộc vào nguồn thu hái ngoài tự nhiên như trước đây.
Để phát triển giống chuối cô đơn, Ninh Thuận đang tập trung nghiên cứu, triển khai các giải pháp nhân rộng mô hình trồng chuối cô đơn; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu hái, chế biến hạt chuối cô đơn để nâng cao chất lượng, giá trị của loại sản phẩm này. Qua đó, tạo thêm việc làm, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân vùng cao, hướng tới phát triển thương hiệu chuối cô đơn Phước Bình – Ninh Thuận.
Theo Nguyễn Thành (TTXVN)
Tỷ phú du mục chăn cừu trên vùng thảo nguyên khô hạn Ninh Thuận
Ông Đạo Thanh Thích (thôn Phước Nhơn 1, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) đã mạnh dạn "nghĩ khác, làm khác" để vươn lên thành tỷ phú trên vùng nắng hạn khô cằn với mô hình dẫn nước về ruộng, nuôi cừu, nuôi bò sinh sản...Ông Đạo Thanh Thích là một trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019".
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm về xã Xuân Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) tìm gặp nông Đạo Thanh Thích để thăm quan mô hình chăn nuôi của ông. Đi dọc đường, hỏi về ông ai cũng biết và nói ông là "điên khùng" nhưng làm kinh tế giỏi. Từ hai bàn tay trắng, ông đã xây dựng cơ ngơi bạc tỷ và trở thành tỷ phú tại vùng đất khô hạn Ninh Thuận.
Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, nhưng với những cách làm kinh tế khác thường, ông Đạo Thanh Thích (thôn Phước Nhơn 1, xã Xuân Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) đã đúi túi gần 1 tỷ/năm.
Trò chuyện cùng NTNN/Dân Việt, ông Thích chia sẻ: "Năm 1982, sau khi lập gia đình, tài sản của vợ chồng chẳng có gì quý giá, ngoài hai bàn tay trắng. Thời điểm đó, tôi đang làm cho ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận nên sống xa nhà. Đồng lương ba cọc, ba đồng không đủ nuôi gia đình nên tôi xin nghỉ về làm kế toán ở địa phương. Tại đây, tôi nhận thấy người dân sản xuất nông nghiệp theo phương pháp thủ công, chủ yếu sử dụng sức trâu, bò để làm nên hiệu quả không cao. Ý tưởng đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu nảy sinh và tôi quyết tâm thực hiện điều này...".
Sau thời gian cần cù làm ăn, vợ chồng ông dành dụm được ít vốn và vay thêm 5 triệu đồng từ ngân hàng để bắt đầu khởi nghiệp. Ông Thích ra Khánh Hòa mua lại một chiếc máy cày cũ, rồi tiến hành dịch vụ làm đất cho nông dân trong vùng.
"Nắm bắt được nhu cầu của người dân, tôi lại tiếp tục tậu thêm chiếc máy cày thứ 2. Cứ vào mùa vụ, cả hai chiếc máy cày hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Dịch vụ làm đất đã giúp cuộc sống gia đình tôi khá hơn trước và chỉ 2 năm sau đã xây dựng được căn nhà khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng...", ông Thích kể.
Năm 2010, giá cừu liên tục xuống thấp, thậm chí có thời điểm giá một con cừu chỉ ngang bằng một con gà, nhưng ông Thích vẫn bám trụ giữ đàn cừu.
Tiếp đó, vợ chồng ông vay vốn thêm để mua 14 con bò, 20 con cừu về nuôi. Sau thời gian chăm sóc, số cừu đã lên 200 con; nhiều con mập mạp được thương lái trả giá 7 triệu đồng/con. Tuy nhiên, ông quyết định không bán mà giữ lại đàn cừu để nuôi.
Năm 2010, bước ngoặt khó khăn thật sự đến với gia đình của ông khi giá cừu liên tục xuống thấp, thậm chí có thời điểm giá tiền một con cừu chỉ ngang bằng một con gà. Một số cừu nuôi còn bị chết do ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán. Nhiều hộ dân xung quanh phải bỏ nghề nuôi cừu và chuyển sang nghề khác để mưu sinh.
"Để giảm chi phí trong chăn nuôi, sau giờ lao động trên đồng ruộng tôi lại đi thu gom lá táo, cành nho và rơm rạ về phục vụ cho đàn cừu, bò của gia đình. Chỉ một thời gian ngắn, giá cừu lên cao ngất ngưỡng. Từ đó đến nay, đàn cừu, bò đã giúp cho gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn...", ông Thích chia sẻ.
Thành triệu phú vùng nắng hạn
Ông Đạo Thanh Thích chia sẻ: "Sở dĩ người dân nói tôi "điên khùng" cũng đúng, bởi tôi bỏ hàng trăm triệu đồng mua những đồng ruộng bạc màu, hoang hóa để làm. Đồng thời, tôi bỏ ra 100 triệu đồng để làm hệ thống dẫn nước tưới tiêu cho cánh đồng, tuy nhiên bị thất bại và không hoạt động được. Người dân lúc này lời ra tiếng vào nói tôi khùng thiệt. Thế nhưng, tôi vẫn bỏ ngoài tai chuyện thiên hạ và quyết tâm đưa hệ thống nước này vào ruộng. Sau khi hoàn thành vận hành tốt, nhiều người mới ghi nhận, đồng ruộng sản xuất từ 1 vụ/năm đã trở thành 3 vụ/năm".
Hiện nay, ông Thích có hơn 7ha ruộng lúa, sản xuất 3 vụ/năm, năng suất đạt từ 18 - 20 tấn/ha. Với giá bán bình quân 5 triệu đồng/tấn lúa, trừ chi phí lãi trên 350 triệu đồng/năm. Riêng đàn cừu 200 con sinh sản và 65 con bò, mỗi năm mang lại lợi nhuận gần 300 triệu đồng.
Ngoài ra, với 2 chiếc máy cày đất, máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm rạ mang lại lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm cho gia đình ông Thích. Ước tính, mô hình tổng hợp của gia đình ông Thích mang lại doanh thu từ 1,4 - 1,5 tỷ đồng/năm; sau trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông lãi từ 850 - 900 triệu đồng.
"Tôi chẳng có bí quyết làm ăn gì đâu, quan trọng là làm cái gì chắc chắn cái đó. Bên cạnh đó, phải biết nắm bắt được nhu cầu sản xuất của bà con nông dân địa phương. Đồng thời, biết tiết kiệm, mạnh dạn đầu tư và có hướng làm ăn mới...", ông Thích nói.
Vào mùa nắng hạn, ông Thích thường dự trữ thức ăn cho cừu, bò
Ông Võ Thành Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hải cho biết, hộ ông Thích là một trong những hộ tiên phong trong phát triển kinh tế của địa phương. Trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giá cả nông sản bấp bênh, ông Thích vẫn cần cù, biết cách vượt qua khó khăn để biến vùng đất bạc màu, khô hạn trở thành trù phú, kiếm ra tiền, làm giàu chính đáng cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
200 con cừu sinh sản và 65 con bò đem lại lợi nhuận gần 300 triệu đồng/năm cho gia đình ông Thích
"Ông cũng là hội viên nông dân tiêu biểu trong các phong trào vận động người dân đóng góp kinh phí làm đường bê tông nông thôn, kêu gọi người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ các phong tục lạc hậu. Ngoài ra, ông Thích còn giúp đỡ vốn và hỗ trợ dịch vụ làm đất, thu hoạch cho nông dân nghèo, khó khăn", ông Võ Thành Lâm cho hay.
Với những kết quả trên, ông Đạo Thanh Thích đã được các cấp tặng thưởng nhiều Bằng khen, giấy khen. Năm 2014, ông Đạo Thanh Thích được UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen đã có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước. Năm 2016, UBND tỉnh tặng ông Thích Bằng khen đã có thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Năm 2017, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng ông Đạo Thanh Thích Bằng khen bởi đã có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Ông Đạo Thanh Thích vừa được bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019".
Theo Danviet
Tăng cường hợp tác thông tin giữa TTXVN và UBND tỉnh Ninh Thuận Thông tấn xã Việt Nam kịp thời bác bỏ những thông tin sai trái, không đúng sự thật gây hậu quả xấu đối với tỉnh Ninh Thuận, nhằm góp phần giữ gìn sự ổn định và phát triển của tỉnh. Ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN (bên trái) và ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch Ủy...