Nút like: Vừa chia sẻ, vừa vô cảm
Một icon nhỏ bé, mất chưa đến 1 giây để bấm nhưng “mua vui” cho cả thế giới đó chính là nút “Like”. Được thay thế bởi tiền thân là một cụm từ khá dài “Become a Fan”, nút “Like” nhanh chóng được nhiều người yêu thích bởi tính tiện dụng, tương tác hiệu quả và nhanh chóng.
Khác với nút “Share”-chia sẻ, phải trải qua ít nhất 2 thao tác, nút “Like” bên cạnh việc thể hiện quan điểm đồng tình còn bao hàm luôn cả việc “chia sẻ” của người thực hiện nó.
Vì vậy có ý kiến cho rằng, “Like” chính là phím bấm tâm lý bởi những tác động lớn lao không ngờ đến tâm lý của người “được like”. Ai mà chẳng vui khi mỗi bức ảnh, mỗi status, mỗi topic mình lập nên nhận được sự ủng hộ của rất nhiều bạn bè thân quen (hay cả chưa quen)! Và thế là những cuộc “săn Like” rầm rộ nổ ra tạo nên bức tranh hỗn độn sắc màu của mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
Phản ứng dây chuyền chính là sức mạnh của phím bấm nhỏ xíu này. Gangnam style hay những hiện tượng internet khác chính là sản phẩm của phím “like”, được tạo nên bởi một đám đông vốn mang trong mình thừa thải sự tò mò: cớ gì mà người ta like nhiều thế? sao mình lại không like?!
Nắm bắt được tâm lý trên, cũng như Facebook, những đơn vị làm kinh doanh khác nhanh chóng biến đám đông vô thưởng vô phạt kia thành những người ủng hộ và là kênh quảng bá hiệu quả nhất cho sản phẩm của mình mà không mất một chút chi phí nào (nếu có thì chỉ cho bản thân của Facebook).
Ấy vậy mới thấm thía câu “nhỏ nhưng (đúng là) có võ”.
“Like” nhưng không phải “thích”!
Không bàn đến những mục đích thương mại, nút “Like” đang dần hình thành một tâm lý đáng ngại là dễ dãi và thói quen “ like dạo” khác người của các Facebookers. Lý giải cho điều này bên cạnh sự tiện lợi và dễ dàng thao tác thì tâm lý và thái độ của người dùng chính là nguyên nhân.
Facebook là trang-phải-mở-suốt-8-giờ của cánh văn phòng bên cạnh hộp mail công ty cùng một số trang mạng khác. Ngoài việc Update status (những cập nhật mới nhất), việc xem và nhấn “Like” Facebook của bạn bè, đồng nghiệp như là một liệu pháp xả tress hiệu quả. Đó chưa kể còn hàng tá các nhân vật không phân biệt nghề nghiệp tuổi tác khác ngày ngày vẫn miệt mài ấn “Like”.
Để ủng hộ người mình yêu mến, Để sẻ chia với bạn bè, Để cảm thông với những người cùng khổ, Để an ủi người yêu, Để anti fanclub một diễn viên hết thời, Để dìm hàng con A mập xấu, Để chửi rủa thằng ca sỹ B nổi như cồn…
Video đang HOT
Tất cả đều nhấn “Like” như một cách làm dễ dàng nhưng hiệu quả nhất cho nhu cầu của mình. Tuy vậy, có một sự thật là rất ít người để tâm vào những cái mình đã “Like”.
“ Mình có rất nhiều bạn trên Fb, Feeds (thông tin cập nhật) cứ thế mà dồn dập, đôi khi mình Like trước, rồi…đọc sau vì không có thời gian” M.Ngọc, một Facebooker nói. Hay Vũ Bảo, 25 tuổi thổ lộ: “Nhiều status tôi thấy có hàng nghìn người Like, tôi nghĩ họ đang ủng hộ cho một phong trào nào đó vui vui, nên cũng Like để ủng hộ theo, chỉ đơn giản vậy thôi”
Có thật là đơn giản vậy không khi bạn làm một điều gì đó trong vô thức? Biết đâu dù là không cố ý nhưng bạn đang làm tổn thương hay giết chết một nạn nhân của số đông nào đó?! Chính thói quen ấy đã vô tình biến nút “Like” trở nên trơ lì, vô duyên và vô cảm hơn bao giờ hết.
“Like” còn là cách nhanh và dễ dàng nhất để kết thúc một cuộc trò chuyện
Đã có thời gian nổ ra những cuộc đấu võ mồm nảy lửa về việc có nên dùng nút “Like” cho những tình huống gây tranh cãi hay không như: một bức ảnh nóng nhạy cảm, một hoàn cảnh khó khăn hay một tai nạn thương tâm…nhưng mọi chuyện vẫn chưa đi đến hồi kết bởi khó có thể làm thay đổi suy nghĩ số đông trong một sớm một chiều.
Có lẽ cha đẻ của nút “Like” cũng không thể ngờ “quyền năng” lớn lao đến không ngờ của nó khi làm khuynh đảo cả thế giới theo đúng cả 2 nghĩa. Bên cạnh đó là những rắc rối phát sinh, những hệ lụy đáng tiếc mà nguyên nhân là ở sự vô tâm của người sử dụng. Việc cấm sử dụng nút “Like” tại vùng Schleswig-Holstein của Đức vì “vi phạm quyền tiêng tư cũng như luật bảo vệ dữ liệu của liên minh Châu Âu” là một minh chứng về việc còn quá nhiều tranh cãi xoay quanh phím bấm nhỏ bé này.
Nếu đã từng hơn một lần mở Facebook lên và “Like” vô tội vạ thì bạn nên suy nghĩ lại. Có bất nhẫn quá không nếu như người được chia sẻ nhận ra rằng bạn “Like” bức ảnh hay những điều họ viết chỉ vì thói quen thích nhấn like?
“Thích” là quyền của mỗi cá nhân nhưng chẳng ai lại muốn nhận được sự “thích” từ một hành động vô cảm. Khác với máy móc, con người luôn biết nhận thức và có một cái tâm. Sao người ta cứ mãi “ru” nhau vào mộng mị bằng cách “nhấn Like” mà thiếu mất một cảm xúc?
Còn bạn, bạn sẽ Like hay Comment bài viết này?
Theo NCĐT
Đừng quá lạm dụng nút "Like" trên Facebook
Ông vừa mất giờ bà lại yếu. Con lo quá'. Like việc ông mất, bà yếu hay like chủ nhân lo? Man rợ hơn là trò đăng ảnh hành hạ động vật để câu like... phản đối.
Ước tính trên năm triệu người trẻ Việt đang lang thang mỗi ngày trên Facebook. Với cộng đồng trên một triệu người trẻ vậy, có những câu chuyện mà nói thật: Chỉ có thể xảy ra trên Facebook!
Quyền được phán
Facebook quả thực là một diễn đàn lớn, một mảnh đất rộng lớn để người trẻ có thể nói ra những bức xúc của họ. Nơi mà ai cũng có thể trở thành người đưa tin. Đó thực sự là một điều đáng mừng và đáng cổ súy. Mỗi thông tin đưa lên đều đón nhận phản hồi ngay lập tức và thậm chí trở thành sức ép mạnh mẽ với đối tượng bị nêu tên. Tuy nhiên, trong số những ý kiến, tiếng nói ấy có bao nhiêu thực sự có giá trị?
Việc lên án một ai đấy, một điều gì đó, một sự kiện, sự việc vừa xảy ra là điều dễ làm song lại chẳng mang một giá trị nào cả một khi đó chỉ là những lời phán ra mà không hề suy xét. Bởi nếu chỉ là để phán, chúng ta sẽ giống như những Chí Phèo trên mạng hơn.
11 người dùng nghĩ gì khi nhấn "Like" cho câu status chửi mẹ ruột của cô bạn này?
Tiếc thay, một phần không nhỏ người trẻ hiện nay trên Facebook là vậy. Họ giăng status lên án cho sướng mồm, cho ra vẻ hiểu biết, cho oai, cho việc thể hiện thứ quyền lực ảo tưởng nào đó (dựa trên số like mà những người khác sẽ click cho họ sau đấy). Mà đằng sau là những con người thế nào? Ở trong lớp chẳng bao giờ đủ can đảm giơ tay phát biểu. Ở nhà, chưa chắc đã dám có ý kiến với cha mẹ. Ngoài đường, đương nhiên, chẳng dám lên tiếng với những cảnh tượng trái tai gai mắt. Nhưng trên Facebook, họ làm được mọi điều.
Những status bừng bừng, những comment mãnh liệt và cả những note hùng hồn. Phán một điều gì đó không ai cấm song nếu phán mà quên xét thì lời phán đó thật là thiển cận và trẻ con. Trên Facebook, những người thiển cận và trẻ con không ít!
Thiện nguyện bằng Like?
Hãy like để động viên và chia sẻ cho những trẻ em nghèo châu Phi hay Hãy like để ủng hộ đẩy lùi nạn đói ở Somalia là những thứ kỳ quặc nhất đang thịnh hành trên Facebook. Những bức ảnh đáng sợ hơn là đáng thương được phát tán đi khắp nơi với lời kêu gọi thiện nguyện một cách lãng xẹt: Like.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp người ta còn mơ mộng rằng: Mỗi like của các bạn là đóng góp 1 cent, 1 đôla... cho tổ chức XYZ. Nghe đã không tin nổi vậy mà bức ảnh đó cũng thu hút cả nghìn like. Một trò man rợ không kém nữa là đăng những bức ảnh hành hạ động vật để câu like... phản đối. Hay những bức hình giả mạo chỉ để đánh vào lòng thương người khác mà ăn like. Trách người đăng một nhưng phải trách những người like mười vì chính họ đã góp phần phát tán những thứ vô bổ ấy đi khắp nơi.
Ôi, những người trẻ ngờ ngệch hay những người trẻ vô tư đến thờ ơ khi mà cứ nhắm mắt nhắm mũi vào để like cho ra vẻ mình cũng là người có tấm lòng thiện nguyện. Làm ơn, hãy thiện nguyện bằng hành động cụ thể thay vì click nút like vô cảm ấy.
Một đám người đơn giản
Vẫn là câu chuyện của nút like kỳ quặc khi mà những status vô nghĩa kiểu: Con gà gáy ò ó o. Đúng thì like, sai thì comment lại nhận được nhiều like và bình luận hơn những bài viết sâu sắc, tình cảm. Một bức ảnh vu vơ lại khiến người trẻ like điên đảo hơn cả một bức ảnh lay động lòng người. Đôi khi tôi tự hỏi: Phải chăng người like là những người trẻ đầu óc đơn giản và chỉ thích những điều vô bổ thay vì để tâm đến những điều sâu sắc?
Bạn tôi phản biện rằng: Bởi người trẻ đã phải đón nhận quá nhiều những lời sâu sắc từ cha mẹ, thầy cô hàng ngày rồi nên lên Facebook, họ chỉ quan tâm đến việc giải trí cho vui thôi. Cũng đúng! Những cũng lại thấy sai quá! Vậy không lẽ lên Facebook là chúng ta bị đồng hóa thành trẻ con 4 tuổi rưỡi ư?
Và cả đám người rảnh nhảm
Bởi đều là những người đơn giản nên khi rảnh họ lướt Facebook và... nói nhảm. Họ ồn ào tham gia bất cứ cuộc ném đá tập thể nào đó bất kể nạn nhân có đáng bị ném đá hay không. Họ ồn ào bấm like chứng minh họ là những người thiện nguyện năng nổ nhất. Họ cũng thích được lên án người khác gần bằng việc họ thích được người khác ca tụng.
Thế nên những status mỗi ngày của người trẻ lại trở nên gay gắt, cực đoan hơn nữa để thu hút được nhiều like ủng hộ, chứng tỏ sức hút của bản thân. Và mặc nhiên, số đông mọi người trên Facebook đều dễ dãi với nút like đến thế. Phải thế không khi một ai đó vừa đăng lên status thì bầu đoàn thê tử người like bất kể đó là status "Ông vừa mất giờ bà lại yếu. Con lo quá". Like cho việc ông vừa mất và bà đang yếu hay like cho việc chủ nhân status ấy đang lo lắng?
Rảnh nhảm giống như Kẹo Mút Chơi Bời đăng status khoe việc gây tai nạn chết người. Hay rảnh nhảm giống như cô nàng nào đó đăng ảnh ngồi trên đầu rùa Văn Miếu và thách thức cộng đồng. Rảnh nhảm giống như việc lấy hình người khác làm hình của mình, đóng vai hot girl hot boy chỉ để thỏa lòng được khen, được quan tâm.
Rảnh nhảm có khi lại giống việc giết voọc rồi đăng thành phóng sự ảnh trên Facebook của mình. Rảnh nhảm đến nỗi đi một vòng Facebook chỉ thấy buồn, thật buồn bởi những cư dân mạng thích làm quan tòa, mê quyền lực ảo, được tung hô hay những cú like mà ngay chính họ cũng chẳng hiểu (và chẳng cần hiểu) cái mà họ like.
Không phải là áp đặt nhau phải thế này, phải thế kia bởi xét cho cùng Facebook cũng như mọi sân chơi trên Internet. Chỉ là nhắn nhủ nhau làm sao trở nên đẹp đẽ, văn minh hơn nữa, để nhìn vào người Việt trẻ trên Facebook là một cộng đồng thông minh, có chính kiến, biết chia sẻ những giá trị tích cực.
Theo Genk
Bóc mẽ những mánh khóe "câu comment" trên Facebook Cùng thử qua một số cách sẽ khiến trang cá nhân của bạn luôn luôn đông đúc, nhộn nhịp. Nhiều khi đăng nhập Facebook, người dùng sẽ thấy trang cá nhân của mình "heo hút" không một bóng "bình luận". Những lúc như vậy, hãy thử qua những cách dưới đây để lấy lại sự nhộn nhịp, đông đúc cho Facebook của mình:...