Nút giao “trái tim” 150 tỷ đồng nối Phố Lu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai
Nút giao Phố Lu có 6 nhánh nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, được xây dựng tại xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai với tổng kinh phí 150 tỷ đồng.
Dự án kết nối tỉnh lộ 152 với cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại Km244 bao gồm xây dựng 6 nhánh nối tách nhập đường cao tốc, mở rộng 1 km mặt đường cao tốc tại nút giao từ 2 làn xe lên 4 làn xe, xây dựng một nhà điều hành và một trạm thu phí, mở rộng hầm chui dân sinh đi qua cao tốc. Công trình được thiết kế và xây dựng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2019/BGTVT). Tổng vốn đầu tư của dự án là 150 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Toàn cảnh dự án nút giao Phố Lu với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai có tổng kinh phí đầu tư hơn 150 tỷ đồng.
“Hiện nay nhà thầu đang gấp rút thi công các hạng mục còn lại như thi công nền móng mặt đường, xây dựng trạm thu phí và nhà điều hành. Chúng tôi đang chỉ đạo công nhân làm cả ngày và đêm, phấn đấu đến trước ngày 30/12/2021 sẽ hoàn thành công trình đi vào hoạt động, vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch ban đầu đã đề ra”, ông Phạm Hồng Thái, Đại diện nhà thầu dự án cho biết.
Trên công trường dự án nút giao Phố Lu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, gần 50 công nhân đang gấp rút thi công các hạng mục còn lại.
Video đang HOT
Hiện tiến độ dự án nút giao Phố Lu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã đạt trên 90%, các nhánh nối đã thành hình.
Trước đó ngày 29/9, UBND huyện Bảo Thắng đã tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật nút giao Phố Lu với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Đây là công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, chào mừng 30 năm ngày tái thành lập tỉnh Lào Cai.
Đoạn tuyến cao tốc được mở rộng mặt đường dài 1 km đang được các công nhân của nhà thầu lu nền đường, thảm nhựa cả hai chiều của cao tốc.
Nút giao Phố Lu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai nằm bên sông Hồng, kết nối trung tâm huyện Bảo Thắng ( Lào Cai) với các địa phương dọc tuyến cao tốc này.
Sau khi hoàn thành, nút giao Phố Lu sẽ giúp kết nối huyện Bảo Thắng, Si Ma Cai, Bắc Hà với các địa phương trong khu vực và cả nước, đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội. Chi phí vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp ra cao tốc giảm nhiều do không phải đi vòng từ 20 – 30 km cho các nút giao cao tốc IC 16, IC17. Công trình đi vào hoạt động sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho địa phương và các khu vực lân cận.
Nữ Bí thư dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới
Từ năm 2011, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thái Niên, chị Lưu Nguyệt Anh luôn đi đầu gương mẫu trong việc vận động gia đình và người nhà ủng hộ sức người, sức của cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lào Cai luôn xác định dân vận là một trong những giải pháp trọng yếu để quy tụ người dân, hình thành nền tảng sức mạnh làm nên thành công cho chương trình. Trong quá trình đó đã xuất hiện nhiều tấm gương dân vận điển hình có đóng góp không nhỏ thúc đẩy nông thôn mới về đích, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Chị Lưu Nguyệt Anh, Bí thư Chi bộ thôn Múc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, là một tấm gương như thế.
Chị Lưu Nguyệt Anh luôn đi đầu gương mẫu trong việc vận động gia đình và người nhà ủng hộ sức người, sức của cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Chị Nguyệt Anh sinh năm 1976, dân tộc Kinh, sinh ra và lớn lên tại xã Thái Niên. Ở nơi chôn rau cắt rốn này, tình cảm mà chị dành cho vùng đất bãi ven sông Hồng là không thể đong đếm. Điều đó lý giải vì sao mỗi phần việc chị làm đều được sự ủng hộ và đồng thuận cao của người dân địa phương. "Bởi vì tôi không tư lợi cho bản thân, những việc tôi làm đều là vì lợi ích chung của cộng đồng, đặt lợi ích của người dân lên trên hết", chị tâm sự.
Những người đã từng tham gia các hoạt động do chị Nguyệt Anh chủ trì dễ dàng nhận thấy nhiệt huyết mà chị dành cho công việc. Từ năm 2011, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thái Niên, chị Nguyệt Anh luôn đi đầu gương mẫu trong việc vận động gia đình và người nhà ủng hộ sức người, sức của cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Không chỉ tiên phong hiến 400m2 đất đồi rừng để xây dựng các công trình giao thông nông thôn, năm 2015, khi thấy trẻ em trong thôn phải học mẫu giáo ở nhà văn hóa, chị đã vận động người thân ủng hộ xây dựng 2 phòng học cho Trường Mầm non thôn Múc, trị giá 120 triệu đồng; ủng hộ 20 triệu đồng nâng cấp, tu sửa nhà văn hóa thôn Múc.
Năm 2017 khi được bầu là Bí thư Chi bộ thôn Múc, ngoài việc vận động đóng góp hàng ngàn ngày công thực hiện vệ sinh đường làng ngõ xóm, chị Nguyệt Anh tiếp tục hỗ trợ nguyên vật liệu xây dựng cho 5 gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn làm mới và nâng cấp công trình phụ đảm bảo tiêu chuẩn.
Khoảng 10 năm trước, vùng đất tả ngạn sông Hồng, ngoài tuyến đường sắt ì ạch kéo theo những toa tàu dài chỉ có những con đường mòn. Những con đường mòn qua bãi sậy, bãi lau lâu rồi thành đường liên thôn, liên xóm.
Múc vốn là vùng đất bồi màu mỡ, hoa trái sum suê nhưng đời sống nhân dân khi ấy còn gặp nhiều khó khăn. Con đường kết nối giao thương thuận tiện đã trở thành niềm đau đáu của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân địa phương. Do đó, khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để liên tục hình thành và bê tông hóa gần 83km đường giao thông nông thôn, người dân Thái Niên nói chung và thôn Múc nói riêng đã sẵn sàng hiến đất vườn rừng cho mục tiêu chung của địa phương.
Khi ấy, các tuyến đường đi qua thôn Múc cắt qua khá nhiều mảnh vườn, đồi cây ăn quả, những đồi quế, đồi chè xanh tốt. Để thuận lợi thi công, trong hai năm 2019 và 2020, chị Nguyệt Anh đã vận động được 35 hộ dân thôn Múc hiến 12.500m2 đất, nhiều hộ đã chuyển nhà, di dời mộ phần dù không được đền bù. Việc tâm linh khó thực hiện nhưng người dân thôn Múc đã chung sức, đồng lòng để đổi lấy một tuyến đường như mong ước. Cũng nhờ công tác dân vận khéo, nhân dân thôn Múc đã đồng thuận góp sức, xã hội hóa gần 4,4 tỷ đồng để làm đường giao thông, đường điện, các công trình công cộng.
Làm nên những con đường đã khó, để giữ gìn những tuyến đường này luôn an toàn, sạch đẹp, chị Nguyệt Anh tham mưu các cấp cùng người dân phối hợp thực hiện tốt việc triển khai 8 tuyến đường hoa với chiều dài 8,5km và 7km đường điện thắp sáng tổng trị giá 136 triệu đồng.
Giờ đây, dải đất ven sông Hồng thôn Múc bạt ngàn cây trái. Rau, củ, quả được người dân thu hái, vận chuyển trên những tuyến đường liên thôn, liên xã trải nhựa, trải bê tông phẳng phiu, thênh thang ra bến đò. Rồi dòng sông "cõng" trên mình những chuyến đò ngang chở người, xe cộ và nông sản tấp nập từ những ngôi làng ven sông sang thành phố.
Nhờ có những tuyến đường thuận tiện, đời sống của người dân Múc ngày càng đổi thay. Từ đây, chị Nguyệt Anh tiếp tục tích cực vận động chị em tham gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển và gìn giữ thương hiệu bưởi Múc.
Năm 2017, ngay khi vừa được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn, chị Nguyệt Anh là người đi đầu tham mưu thành lập Hợp tác xã bưởi Múc với 16 thành viên, do chị làm Giám đốc. Đến nay, Hợp tác xã có 25 thành viên, 15,5 ha bưởi đã cho thu hoạch. Thông qua Hợp tác xã, sản phẩm bưởi Múc đã trở thành mặt hàng có uy tín và có mặt rộng rãi trên địa bàn tỉnh Lào Cai cùng các tỉnh bạn. Sản phẩm được đăng ký thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc. Bưởi Múc cũng là một trong những loại nông sản nổi bật của ngành nông nghiệp huyện Bảo Thắng, được đánh giá đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Lào Cai.
Thu nhập của người dân từ sản phẩm ngày càng được nâng cao. Điển hình như gia đình ông Lê Văn Lênh, thành viên của Hợp tác xã có 20 gốc bưởi lão (hơn 30 năm) và trồng thêm 50 gốc bưởi tơ (dưới 10 năm). "Năm 2019, 2020, gia đình tôi thu được 70 triệu đồng/vụ từ bán bưởi", ông Lênh cho biết.
Chị Nguyệt Anh cho biết, trong giai đoạn tới, bên cạnh hoạt động kinh doanh, mục tiêu quan trọng nhất mà Hợp tác xã hướng tới là khẳng định thương hiệu bưởi Múc trên thị trường, đưa quả bưởi trở thành loại hàng hóa chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế.
Để chị em trong thôn có nguồn vốn sản xuất, chị còn thực hiện tốt công tác quản lý vốn vay của 11 tổ do tổ chức Hội Phụ nữ quản lý, với tổng số vốn là 14,7 tỷ đồng cho 290 hộ vay. Từ đây thu nhập của các hộ trong xã được nâng lên mức trung bình 36,5 triệu đồng/người/năm trong năm 2020.
Tháng 1/2021, xã Thái Niên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là sự ghi nhận thành quả nỗ lực của cả tập thể xã Thái Niên nói chung trong đó có nhân dân thôn Múc cùng nữ Bí thư Chi bộ dân vận khéo Lưu Nguyệt Anh nói riêng. Chị đã được Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai gửi thư khen ngợi "Điển hình dân vận khéo" giai đoạn 2016-2020; Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Lào Cai xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2016-2020; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020"...
Bí thư Đảng ủy xã Thái Niên Lê Thị Thùy cho biết, giỏi việc nước, đảm việc nhà, chị Nguyệt Anh còn được người dân tin tưởng, yêu quý vì "dám nghĩ dám làm", lăn xả vào công việc chung. Dưới sự lãnh đạo của chị Nguyệt Anh, Chi bộ thôn Múc là đầu tàu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế tại địa bàn. Năm 2021, thôn Múc phấn đấu trở thành thôn kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới.
Yên Bái: Phát hiện người đàn ông tử vong bên vệ đường Chiều ngày 25/6, người dân địa phương bàng hoàng khi phát hiện một người đàn ông mặc quần áo của ngành điện lực đã tử vong bên vệ đường. Vụ việc ngay sau đó đã được trình báo cơ quan chức năng. Hiện trường nơi phát hiện một người đàn ông tử vong Cụ thể vào khoảng 14h ngày 25/6, nhiều người tham...