Nuôi trâu vỗ béo ở vùng biên
Trâu từ Campuchia được mua về, sau khoảng vài tuần đến một tháng vỗ béo, người dân bán lại, thu lãi 1-3 triệu đồng mỗi con.
Những ngày giáp Tết, anh Huỳnh Văn Tâm (44 tuổi) nằm bên gốc cây ven kênh Lò Gạch (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An) vừa nói chuyện qua điện thoại với khách, vừa để mắt đến bầy trâu 3 con đang chăn thả bên bãi cỏ ven sông. Những con trâu này vừa mới được anh mua từ chợ Campuchia về, sừng còn dấu nước sơn để tránh bị nhầm với những con trâu khác.
Đàn trâu nuôi vỗ béo trên cánh đồng xã Hưng Điền, Tân Hưng. Ảnh: Hoàng Nam
“Tuần trước tôi mới bán bầy 7 con, sau đó mua lại ba con này. Mỗi con có giá từ 20 đến 30 triệu, sau khi nuôi vài tuần đến một tháng sẽ bán lại”, anh Tâm nói. Anh Tâm là một trong những người nuôi trâu vỗ béo có kinh nghiệm hơn 10 năm ở địa phương. Theo anh, tùy thời điểm, có đợt hút hàng trâu mới bắt về hôm trước, hôm sau đã có thương lái đến hỏi mua, lãi mỗi con cả triệu đồng.
Nghề nuôi trâu vỗ béo sôi động nhất từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch, là khoảng thời gian mùa lũ về, đồng gặt hết lúa, có nhiều lúa chét và cỏ cho chúng ăn.
Mỗi mùa nước lũ về, anh Tâm bắt khoảng 40 con. Những năm nước lũ lên chậm còn đồng cỏ cho trâu ăn nuôi lãi cao, còn năm nào nước “chụp quá nhanh”, cỏ chết người nuôi trâu lãi ít. Những năm lũ lớn, do cánh đồng trong nước bị ngập, không có cỏ, các chủ trâu phải “len” sang biên giới Campuchia, chọn những gò đất cao cho trâu ăn khoảng một tháng mới đem về.
Mỗi con trâu ăn đủ sức khoảng 80 kg cỏ một ngày. Gần Tết là mùa khô, cỏ khan hiếm, ngoài việc trồng thêm cỏ vôi, người dân chỉ nuôi mỗi đợt 3-7 con. Lúc cỏ chưa mọc kịp, người dân còn vớt cả lục bình dưới sông cho trâu ăn.
Người dân lùa trâu về chuồng tại xã Hưng Điền, Tân Hưng, sau vài tuần đến một tháng, mỗi con trâu bán lại cho thương lái, người nuôi lãi 1 – 3 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Nam
Anh Phạm Văn Phong (43 tuổi, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng), một người nuôi trâu khác cũng chia sẻ, một trong những bí quyết thành công là phải biết quan sát khi mua trâu. “Đến mùa, cứ 5h sáng khu vực chợ trâu ở Campuchia có đến 500, 600 con, mình lựa con không mập cũng không ốm quá, phải có ‘thùng’ (dáng) và chân cẳng lớn, đặc biệt không chọn con nào có bụng ‘bồ đài’, tức là chỉ lớn phần bụng, nuôi hoài không lớn”, anh Phong nói.
Người nuôi cũng cho biết, so với bò trâu rất dễ nuôi. Trước đây miệt Đồng Tháp Mười còn nhiều đỉa, mỗi lần lùa trâu qua sông, đỉa bu cắn nhiều đến mức chúng phải rống vì đau. Bây giờ, phân thuốc hóa học được sử dụng nhiều cho đồng ruộng, giống đỉa vì thế gần như tuyệt chủng. Để trâu mau lớn, mỗi ngày người nuôi cần dắt đến bờ sông cho trầm mình dưới nước để giúp chúng mát, mau lớn.
Video đang HOT
Sáng sớm, 3-4 nhà sẽ lùa trâu nhập bầy 60 – 80 con đi ăn chung, xa nhất 2-3 km, mỗi người được phân công giữ một ngày. Đến chiều, trâu có đặc điểm nhớ đường giỏi, sẽ tự tách bầy về chuồng. Cũng có trường hợp trâu đực mùa động dục không về, chủ cũng không sợ lẫn với trâu hàng xóm. Bởi trâu thoạt nhìn đều khá giống nhau, nhưng mỗi con có đặc điểm sừng, đuôi, chân khác nhau, chủ chỉ cần nhìn sơ qua là biết.
Để công việc trôi chảy, thương lái cũng ăn chia với lực lượng “cò trâu”. Mỗi con họ trả cho “cò” khoảng 100.000 đồng. Trâu từ đây được các thương lái đưa về Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh lẫn phía bắc tiêu thụ.
Anh Huỳnh Văn Tâm chia sẻ, nghề nuôi trâu vỗ béo nhìn có vẻ nhàn hạ, nhưng vào mùa mưa, đất sình lầy việc chăn thả rất vất vả. Ngoài ra, còn có những tai nạn ngoài ý muốn. “Khi lựa trâu từ chợ phải để ý con nào mắt láo liên, hay di chuyển thường dữ, hay dở chứng không nên bắt”, anh Tâm nói.
Những con trâu tại Hưng Điền, Tân Hưng sau một ngày chăn thả, được chủ cho trầm dưới ao nước để giúp chúng mát, mau lớn. Ảnh: Hoàng Nam
Gần hai năm trước, hàng xóm của anh Tâm không để ý, đã mua nhầm trâu dữ. Sau mấy ngày, khi bị chủ đánh đau, con trâu đã bứt đứt dây vàm, lao ra đường húc xe máy, chém 3-4 người bị thương, nếu không chạy kịp đã bỏ mạng. Sau sự cố, chủ bán trâu vẫn không đủ bồi thường tiền thuốc cho những người bị nạn.
Ông Trương Đông Hồ, Chủ tịch UBND xã Hưng Điền cho biết, toàn xã có khoảng vài trăm hộ nuôi trâu bò, tổng đàn 1.400 con, chủ yếu là trâu, là địa phương có đàn trâu bò lớn nhất huyện Tân Hưng. “Nghề nuôi trâu vỗ béo đã có hàng chục năm ở địa phương, có hộ nuôi nhiều, mỗi đợt nuôi vỗ béo 1- 2 tháng, lãi 50-70 triệu là bình thường”, ông Hồ nói.
Ông cũng cho hay, do lượng trâu, bò chủ yếu được người dân thu mua từ nước bạn, nên trước khi về chuồng trại, chúng được tập trung, địa phương cử cán bộ thú y đến hỗ trợ tiêu độc khử trùng, nhằm đề phòng dịch bệnh.
Khi mặt trời khuất sau bụi tre, thấy đàn trâu đứng yên một chỗ, bụng bên trái phình to ra, biết chúng no, anh Tâm chậm rãi dắt từng con vô chuồng. Cạnh bên, chiếc vạt tre có mùng, mền chiếu gối sẵn, những khoanh nhang trừ muỗi cháy dở cũng nằm ngổn ngang dưới nền đất. “Bình thường buổi tối hễ dưới 10 con thì mình tui giữ, còn bầy lớn 40-50 con tui phải kêu bả ra ngủ giữ phụ để đề phòng trộm cắp, nhất là những ngày cuối năm”, anh Tâm nói.
'Con trâu là biểu tượng của sự an lành và sức khỏe'
Con trâu khỏe mạnh là biểu tượng cho mong muốn năm mới sức khỏe dồi dào, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.
Ngày đầu tiên của năm mới Tân Sửu 2021, ông Nguyễn Hùng Vĩ trả lời phỏng vấn VnExpress về hình ảnh con trâu trong đời sống xã hội, văn hóa của người Việt.
- Con trâu bắt đầu bước vào đời sống xã hội và văn hóa của người Việt từ khi nào, thưa ông?
- Hiện nay có nhiều tài liệu của các ngành nghiên cứu khác nhau như khảo cổ học, lịch sử, sách vở trung đại, dân tộc học, nghiên cứu văn hóa... nói về nguồn gốc của con trâu. Từ những nghiên cứu này, chúng ta có thể hình dung ra con trâu trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt.
Trước hết, trâu là loài đại gia súc, sức chịu lạnh kém, ăn thực vật nên có cơ chế nghiền và nhai lại. Vì những đặc tính này, nên trâu phân bố nhiều ở các vùng nhiệt đới.
Trâu xuất hiện trong không gian văn hóa, xã hội của người Việt cổ từ rất sớm. Người ta tìm thấy xương của đại gia súc gồm trâu bò trong rất nhiều di chỉ khảo cổ học. Có thể trâu đã xuất hiện trong đời sống người Việt từ trước nữa, nhưng muộn nhất là vào thời văn hóa Hòa Bình cách đây 10.000 - 15.000 năm. Các nhà khảo cổ học tìm thấy nhiều khu vực cư trú ở thời kỳ này có xương trâu, bò. Con người ngoài dùng trâu như một loại thức ăn còn biết thuần hóa trâu. Bởi nghé (trâu con) rất lành, thân thiện với con người, thường đi theo người để ăn than củi hoặc muối, nên dễ được thuần hóa.
Khi xã hội tiến lên thời kỳ các bộ lạc và hình thành các quốc gia cổ đại, cùng với việc làm nông nghiệp thì trâu ngày càng được thuần hóa. Bằng chứng rất rõ ràng là trên di chỉ khảo cổ học trống đồng Đông Sơn đã có hình ảnh con trâu có sừng. Thậm chí người ta còn tìm được những tượng trâu bằng đồng. Đó là bằng chứng sự xuất hiện của trâu rất sớm trong đời sống của cư dân Việt cổ.
Đến thời phong kiến thì càng có nhiều tượng trâu được tìm thấy. Thế kỷ X, XII, XIII, tượng trâu đã xuất hiện tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh).
Trong nhiều tài liệu cũng ghi chép trâu xuất hiện rất sớm ở vùng phương Nam. Sử nhà Hán khi nói về trống đồng Đông Sơn có ghi rằng, một chiếc trống đồng tốt của cư dân phương Nam có thể đổi ngang với 60 - 80 con trâu. Số lượng trâu và trống đồng còn được dùng để đánh giá sức mạnh của các thủ lĩnh.
Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. Ảnh: Viết Tuân
- Theo nghiên cứu của ông, con trâu mang ý nghĩa như thế nào trong đời sống tinh thần của người Việt?
- Trong quan niệm Phật giáo, sức mạnh của trâu đã trở thành biểu tượng gọi là Ngưu vương. Phật giáo có bộ tranh Thập mục ngưu đồ (mười bức tranh về chăn trâu), ngụ ý nói về việc tu thiền để bớt tham, sân, si của con người.
Hiện còn nhiều huyền tích trong dân gian và sách vở về hình ảnh con trâu. Cư dân đồng bằng Bắc Bộ còn lưu truyền rằng, nếu ngậm lông trâu nước - hay còn gọi là trâu đen, ăn cỏ hôi vùng ngập nước - thì có thể lội dưới nước đi qua sông. Nhà Trần có truyền thuyết Yết Kiêu đánh hai con trâu nước, lông nó dính vào vũ khí, ông ăn nên có thể đi lại dưới nước như trên cạn.
Qua nghiên cứu dân tộc học, lễ hội, văn học dân gian, tôi thấy rằng từ lâu đồng bằng Bắc Bộ đã trở thành trung tâm của các phong tục tế lễ, thờ trâu. Đơn cử là câu chuyện về hai làng Trâu Lỗ (Hiệp Hòa, Bắc Giang) và Kim Thượng (nay là xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) ở hai bên sông Cầu, đã kết nghĩa 500 năm qua, liên quan đến sự tích con trâu (ngưu tinh). Dân gian lưu truyền, năm 1593, đến mùa lễ hội, làng Kim Thượng mở hội tế đình, dắt đến con trâu trắng, nhưng bất ngờ trâu đứt mũi, chạy qua sông sang làng Trâu Lỗ. Người làng Kim Thượng vội chạy sang tìm thì thấy trâu nằm ở bãi cỏ, hướng về đình làng Trâu Lỗ, bèn xin chuộc về. Người làng Trâu Lỗ không màng của cải, nên sẵn sàng cho lại trâu. Từ đó, hai làng kết nghĩa với nhau, suốt 500 năm qua vẫn giữ lệ này.
Hoặc tục chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian thấy vào đêm trăng sáng, có hai con trâu từ dưới nước lên chọi nhau dưới trăng. Đặc biệt, trong sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường còn dành hẳn một chương nói về "đẻ trâu"...
Cách đây 50 năm giáo sư Đinh Gia Khánh khảo sát cả một vùng rộng lớn ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Đông, Thái Nguyên... thì thấy rất nhiều nơi có sông Kim Ngưu - tức sông do trâu vàng chạy qua tạo thành. Sau này, giáo sư Trần Quốc Vượng cũng nhận định trung tâm văn hóa thờ trâu nằm bên kia sông Hồng, chứng tích còn lại là Trâu Quỳ ngày nay. Vì vậy, các lễ hội về trâu trải dài những nơi này.
Người dân miền Trung hiện nay còn lưu giữ nhiều làn điệu dân ca gắn với công việc sử dụng sức lao động của trâu, như hò lỉa trâu.
- Trong xã hội ngày nay, vai trò của con trâu đã thay đổi ra sao?
- Từ xa xưa, trâu là một tài sản rất lớn với cư dân làm lúa nước như người Việt cổ. Trâu có sức sản xuất lớn, vừa dùng để cày bừa ruộng, kéo xe, kéo gỗ, kéo đá, kéo mật mía. Đây được coi là loài vật có sức lao động bền bỉ, giúp ích nhiều cho con người. Vì vậy, thường tầng lớp trung nông mới có trâu, còn những gia đình nghèo hơn chỉ nuôi bò. Con trâu từ lâu đã trở thành giá trị tài sản, nên dân gian có câu "con trâu là đầu cơ nghiệp". Một trong ba việc lớn trong đời người là tậu trâu, cưới vợ, làm nhà.
Trâu là loài vật hiền lành, làm việc chăm chỉ. Đặc tính này giống với người nông dân Việt Nam quanh năm cần cù làm việc trên đồng ruộng. Đặc biệt, trâu rất thân tình, thậm chí có thể hiểu tiếng người.
Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, khi máy móc xuất hiện ngày càng nhiều, nền nông nghiệp được hiện đại, cơ giới hóa thì hình ảnh con trâu trong đời sống của người nông dân không còn đóng vai trò quan trọng như xưa. Thậm chí bây giờ, không còn khái niệm trẻ chăn trâu nữa. Những vùng nông thôn, chỉ còn ít hộ gia đình nuôi trâu để cày bừa hay kéo xe nữa. Trâu chủ yếu được nuôi để cung cấp thực phẩm. Vì vậy, việc chọn trâu cũng đơn giản hơn xưa, chủ yếu đo vòng bụng, chiều cao, cân nặng.
Tuy nhiên, trâu vẫn có ý nghĩa tinh thần quan trọng trong đời sống và tâm thức người Việt Nam.
- Vậy theo ông, trong tâm thức của người Việt, năm Tân Sửu mang ý nghĩa như thế nào?
- Trâu là một trong 12 con giáp - tức những con vật được dùng làm biểu tượng cho thời gian một năm theo quan niệm dân gian. Vì vậy, những năm Sửu (năm con trâu) thường mang theo nhiều ước vọng của mọi người gắn với những đặc tính tốt của loài vật này.
Trâu khỏe mạnh, nên biểu tượng cho mong muốn năm mới sức khỏe dồi dào. Trâu đại diện cho giá trị tài sản lớn, thể hiện mong muốn năm mới sẽ làm ăn phát đạt. Trâu có đức tính cần cù, chịu khó nên mọi người hi vọng năm mới sẽ chăm chỉ làm việc hơn. Trâu sống thân ái với con người, là biểu tượng cho mong muốn cuộc sống an lành trong năm mới.
Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, tôi nghĩ rằng trong năm mới Tân Sửu, mọi người dân đều mong ước cuộc sống an lành và sức khỏe.
Niềm mong mỏi từ những con đường Hiện ở Long An vẫn còn sáu xã thuộc vùng biên giới huyện Tân Hưng gồm: Hưng Điền, Hưng Hà, Vĩnh Châu A, Vĩnh Bữu, Thạnh Hưng, Hưng Điền B chưa có đường nhựa về trung tâm xã. Điều này gây khó khăn cho việc đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Con đường từ...