Nuôi thứ cá đặc sản trên “vịnh Hạ Long” Tây Bắc, lãi 300 triệu/năm
Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thuộc địa phận huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La được biết đến như “ vịnh Hạ Long” giữa đại ngàn Tây Bắc. Một nông dân người Thái đã tìm ra cách bắt vùng lòng hồ này “đẻ” ra tiền nhờ mô hình nuôi cá lăng – một trong những loài cá nằm trong nhóm cá tứ quý từng dùng để tiến vua.
Huyện Quỳnh Nhai có hơn 10.000ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La. Nơi đây dược ví như “vịnh Hạ Long” giữa đại ngàn Tây Bắc. Tận dụng diện tích mặt nước rộng mênh mông này, anh Lò Văn La, dân tộc Thái, đã tìm cách nuôi cá lăng.
Trao đổi với DANVIET.VN, anh La chia sẻ: “Trước đây khi lòng hồ thủy điện Sơn La chưa tích nước, gia đình tôi trồng cây ngô, cây sắn. Năm được mùa thu hoạch được 20 bao thóc, vài tấn ngô, sắn, bán được vài chục triệu đồng, ăn tiêu đôi ba tháng hết sạch. Năm 2010, lòng hồ thủy điện tích nước, bà con chúng tôi được huyện định hướng phát triển nghề nuôi cá lồng. Qua nhiều buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân ở tỉnh, huyện, năm 2012, tôi nuôi thử nghiệm 2 lồng cá trắm cỏ. Nguồn nước ở đây rất trong, sạch quanh năm nên cá sinh trưởng và phát triển rất tốt. Vì thế tôi đã nuôi thêm cá lăng…”.
Nhờ nuôi cá lăng trong lồng, mỗi năm anh La “bỏ túi” trên 300 triệu đồng. Ngôi nhà của anh La nằm ngay đầu cầu Pá Uôn (bản Đồng Tâm, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) – cây cầu cao nhất Việt Nam với trụ chính cao 103,8m.
Để có nguồn giống cá lăng đảm bảo chất lượng, anh La nhập giống cá từ các trại giống có uy tín ở tỉnh Bắc Ninh. “Con cá lăng giống khi nhập khoảng từ 2 – 3 tháng tuổi, giá 2.000 đồng/con. Thời điểm thích hợp lấy cá lăng giống về nuôi là tháng 7 hàng năm. Sau khi nuôi được 15 tháng, cá lăng đen đạt trọng lượng trung bình 2,5 – 3kg”, anh La cho biết.
Theo anh La: “Nuôi cá lăng rất đơn giản, thức ăn của cá lăng chủ yếu là cá mương có sẵn ở trên lòng hồ sông Đà. Mùa bà con đi làm không săn được cá mương, tôi cho cá ăn cám chất lượng cao nhập từ Hà Nội. Mỗi ngày cho cá lăng ăn một lần vào lúc 19h tối”.
Video đang HOT
“Để cá lăng phát triển tốt, lồng nuôi phải sâu khoảng 5m, nếu lồng nông từ 2 – 3m cá lăng hay bị chết. Một tháng khử trùng lồng cá 2 lần bằng lá xoan trộn với vôi bột, chứ không bao giờ sử dụng đến thuốc. Nên đặt lồng cá ở những nơi xa khu vực làm nương rẫy của bà con, đường cái. Bởi vì, nếu đặt lồng cá ở gần nương rẫy, gần đường người dân thường phun thuốc trừ cỏ, khi nào mưa xuống gây ô nhiễm mặt nước cá hay bị chết”, anh La tiết lộ với DANVIET.VN.
Nói thêm về kỹ thuật nuôi cá lăng đen, anh La bảo: “Khi mới mua cá lăng giống về cá còn bé, mỗi lồng nuôi khoảng 600 con. Sau 2 tháng nuôi, cá lăng tăng trọng khoảng 3 – 5 lạng. Lúc này phải sàng lọc tách lấy những con 3 lạng ra ở một lồng, 5 lạng ra một lồng riêng, không được để lẫn cá nhỏ với cá to. Nếu nuôi cùng một lồng loại to sẽ ăn thịt loại nhỏ và chiếm hết phần thức ăn của cá lăng nhỏ”.
Sau 8 năm “làm nương” trên mặt nước, anh La đã có 30 lồng cá, mỗi lồng rộng 36m2. Hiện, 30 lồng cá của anh La chỉ nuôi duy nhất cá lăng đen. Mỗi lồng có hơn 1 tấn cá lăng. Năm 2019, anh La xuất bán được 10 tấn cá lăng đen ra thị trường, thu về trên 800 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh La lãi trên 300 triệu đồng. Để tạo đầu ra ổn định, anh La kết nối với một số nhà hàng ở Hà Nội. Đến thời điểm xuất bán, anh trực tiếp dùng ô tô của gia đình chở cá lăng về tận Hà Nội cho nhà hàng. Giá cá lăng bán tại lồng là 80.000 đồng/kg, giá cá lăng bán khi chở về tới Hà Nội là 150.000 đồng/kg.
Hiện nay, anh La đang làm Giám đốc hợp tác xã (HTX) Thủy sản Hồ Quỳnh. HTX có 7 thành viên với 143 lồng cá. Năm 2017, HTX được cấp giấy chứng nhận chăn nuôi cá lồng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2019, HTX tiếp tục được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La trao quyết định nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La”. Mỗi năm, HTX xuất bán hàng trăm tấn cá các loại: Lăng đen, trắm đen, chép… cho doanh thu gần 10 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Sơn La: Nuôi cá, nuôi trâu....khá giàu thì cũng chả mấy
Nhờ biết phát huy tiềm năng thế mạnh, chuyên đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng khoa học kỹ thuật trong vào sản xuất, nhiều nông dân ở xã Chiềng Bằng (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Đến thăm mô hình nuôi cá lồng của hội viên nông dân Lềm Văn Sơn, bản Bung Én (Chiềng Bằng). Nhờ "dám nghĩ, dám làm", anh đã trở thành một trong những nông dân có thu nhập khá trong bản. Sinh ra và lớn lên trong gia đình hoàn cảnh khó khăn, cũng như nhiều nông dân khác anh Sơn hiểu được cảnh nghèo của bà con dân bản.
Mô hình nuôi cá lồng của hội viên nông dân xã Chiềng Bằng.
Anh Sơn chia sẻ: Năm 2012, tận dụng mặt nước trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, gia đình đã chuyển từ canh tác nương rẫy sang nuôi cá lồng. Được hỗ trợ vốn vay đầu tư từ Quỹ hỗ trợ nông dân và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc của cán bộ khuyến nông xã, huyện, công việc nuôi cá lồng của gia đình ngày càng phát triển. Đến nay, gia đình tôi luôn nuôi duy trì 16 lồng cá, trung bình mỗi năm thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng.
Nuôi cá lồng giúp nhiều nông dân Chiềng Bằng có thu nhập cao.
Còn ông Quàng Văn Họp, nông dân bản Ngáy (xã Chiềng Bằng) với mô hình nuôi gia súc và trồng cây ăn quả trên đất dốc, mang lại thu nhập cho gia đình mỗi năm hơn 200 triệu đồng/năm. Ông Họp nói rằng: Để phát triển kinh tế gia đình, tôi đã học hỏi cách làm từ các mô hình đi trước đạt hiệu quả. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hiện gia đình tôi đang duy trì nuôi 6 con bò, 2 con trâu, gần 1 ha cây ăn quả các loại.
Nuôi trâu, bò nhốt chuồng đang là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế của nông dân Chiềng Bằng.
Những năm qua, để giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Hội Nông dân xã Chiềng Bằng đã có nhiều cách làm hiệu quả. Tích cực vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hội viên xây dựng mô hình kinh tế phù hợp. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; ký kết với các doanh nghiệp trong huyện cung ứng giống, vật tư nông nghiệp theo phương thức trả chậm cho nông dân.
Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của nông dân Quỳnh Nhai.
Ông Lù Văn Cư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Bằng, cho biết: Để giúp bà con nông dân trên địa bàn xã phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Hội nông dân xã đã tư vấn cho hội viên lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp với trình độ thâm canh và điều kiện kinh tế của từng hội viên. Vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Đặc biệt là nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ, chăn nuôi đại gia súc và trồng cây ăn quả trên đất dốc. Hiệu quả kinh tế mang lại từ những mô hình này rất tốt. Nhiều hộ nông dân trước đây vốn thuộc diện nghèo, nay đã thoát nghèo, trong đó một số hộ đã vươn lên thành hộ giàu có.
Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp nhiều nông dân Chiềng Bằng vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Ngoài ra, để hỗ trợ hội viên tiếp cận tiến bộ kỹ thuật sản xuất, Hội đã phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, trong đó tập trung hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đói rét cho đàn vật nuôi. Nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 3,8 tỷ đồng cho 109 hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế; tiếp nhận, quản lý hiệu quả 200 triệu đồng Quỹ hỗ trợ nông dân huyện cho 10 hội viên vay đầu tư chăn nuôi gia súc.
Mô hình nuôi cá lồng của nông dân các xã vùng lòng hồ Sông Đà ở Quỳnh Nhai.
Với nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã Chiềng Bằng đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong cách nghĩ, cách làm của hội viên, góp phần tích cực nâng cao đời sống cho nông dân, góp phần làm cho diện mạo nông thôn của xã ngày càng khởi sắc.
Theo Danviet
Quảng Ninh chi hơn 2.100 tỷ xây cầu vượt vịnh Cửa Lục Dự án cầu Cửa Lục 1 hoành thành sẽ giúp giảm tải giao thông cho cầu Bãi Cháy, kết nối khu vực trung tâm TP Hạ Long với Hoành Bồ sau khi sáp nhập. Ngày 28/4, tỉnh Quảng Ninh khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Lục 1, nối khu vực trung tâm Hạ Long với huyện Hoành Bồ cũ...