Nuôi gà trên đồi, mỗi năm người dân Yên Thế thu tới 1.200 tỷ
Huyện Yên Thế (Bắc Giang) hiện có khoảng 3,3 triệu con gà, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 12 – 14 triệu con, mang lại giá trị sản xuất khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Những năm qua, chính quyền địa phương và ngành chức năng chú trọng chăn nuôi gà đồi theo hướng bền vững, từ đó phát huy thương hiệu, ngăn chặn gà nhập lậu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhiều thăng trầm
Sau hơn 10 năm phát triển, chăn nuôi gà đồi hiện trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện miền núi Yên Thế. Năm 2011, gà đồi Yên Thế là vật nuôi đầu tiên trong cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp chứng nhận nhãn hiệu bảo hộ độc quyền.
Với sự nỗ lực của người chăn nuôi cũng như các cấp chính quyền địa phương, gà Yên Thế được tiêu thụ mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố, góp phần đáng kể ngăn chặn gà nhập lậu. Nông dân Yên Thế đã thực sự hưởng lợi từ thương hiệu do chính họ tạo nên.
Chăn nuôi gà đồi tại xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế. Ảnh: Văn Thư
Ông Thân Minh Sâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết: Bên cạnh nâng cao chất lượng giống, sản phẩm, địa phương còn luôn tích cực tuyên truyền, quảng bá thương hiệu “gà đồi Yên Thế”.
UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế có sự tham gia của lãnh đạo Bộ NNPTNT, Công Thương, KHCN, các địa phương lân cận và nhiều doanh nghiệp thu mua.
Nhưng cần biết rằng, đã có lúc, con gà cũng khiến nhiều gia đình nơi vùng cao này “tán gia, bại sản”. Do có thời điểm bà con tăng quy mô đàn ồ ạt, thiếu định hướng khiến gà Yên Thế luôn phải đối mặt với sức ép về thị trường tiêu thụ.
Mặt khác, người nuôi thiếu sự chọn lựa giống, chỉ chú trọng vào loại gà lớn nhanh, mã đẹp… làm cho chất lượng thịt kém, người mua quay lưng. Trong khi đó, vấn đề kiểm soát nguồn thức ăn, thuốc thú y khiến chất lượng và độ an toàn của sản phẩm luôn đặt ra nhiều dấu hỏi.
Video đang HOT
Đó là chưa kể dịch bệnh luôn đe dọa người chăn nuôi, vào các năm 2008 – 2010, hàng triệu con gà chết vì dịch bệnh, phải tiêu hủy. Hay như việc thiếu thông tin trong chăn nuôi vào năm 2014 khiến hàng nghìn gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần do tăng đàn đột xuất, trong khi giá gà “lao dốc” không phanh…
Những vấn đề trên đặt ra cho chính quyền và ngành chức năng tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Thế nhiệm vụ phát triển gà đồi theo hướng bền vững. Cụ thể, phải xây dựng được các mô hình chăn nuôi vừa giữ vững, phát huy được thương hiệu sẵn có, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao và được thị trường đón nhận…
Xây dựng chuỗi liên kết
Từ năm 2012 đến nay, địa phương rất chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm gà đồi, thực hiện hiệu quả đề án sản xuất, cung ứng gà; chú trọng xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; đẩy mạnh liên kết chăn nuôi – tiêu thụ… Trong đó, tỉnh Bắc Giang dành nhiều tỷ đồng hỗ trợ công tác lai tạo, thuần hóa các giống gà phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương. Các giống gà hiện được bà con nuôi chủ yếu gồm: Gà ri lai chiếm khoảng 55%, Mía lai 35%, còn lại là lai chọi, lai Hồ, lai Đông Tảo…
Ngoài ra, UBND huyện Yên Thế phối hợp Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nghiên cứu, lai tạo thành công giống gà VP34, mang những đặc trưng riêng như: Khỏe, nhanh lớn, ít dịch bệnh, thịt thơm ngon… Hiện, giống gà này bước đầu được giao cho một số hộ nuôi thí điểm, cho hiệu quả tích cực và đang hoàn thành các thủ tục liên quan để đưa vào chăn nuôi đại trà.
Bên cạnh việc chuẩn hóa con giống, các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp, HTX hoặc hình thành các nhóm hộ, tổ hợp tác… Thời gian chăm sóc được ghi chép đầy đủ, theo dõi chặt chẽ theo quy trình VietGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản xuất sạch, giá trị cao…
Đơn cử như Công ty TNHH Giang Sơn đã liên kết với 80 hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn huyện; HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế ký hợp đồng cam kết tiêu thụ hơn 60.000 con gà, tạo ra các chuỗi từ chăn nuôi đến chế biến, tiêu thụ…
Bà Nguyễn Thị Tâm – Giám đốc Công ty TNHH Giang Sơn cho biết: Chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm quy trình chăn nuôi ; sản phẩm được kiểm soát về chất lượng, gắn tem, kẹp chì truy xuất nguồn gốc, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá thu mua được ấn định ở mức ổn định 68.000 – 70.000 đồng/kg tùy loại, cao hơn từ 10.000 – 12.000 đồng/kg so với thị trường, bảo đảm các hộ có lãi. Đổi lại, các hộ cam kết nhập giống, chăn nuôi theo quy trình hướng dẫn, chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ về chất lượng của doanh nghiệp.
Chính quyền tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Thế chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, HTX xây dựng các điểm thu mua, gắn tem, logo thương hiệu đã được bảo hộ. Mặt khác, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong vùng thu giữ, xử lý sản phẩm nhái thương hiệu “gà đồi Yên Thế”; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra thú y, kiểm soát tốt vật nuôi ra, vào huyện; chú trọng quản lý thương hiệu, gắn trách nhiệm đến từng hộ chăn nuôi…
Theo Danviet
Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường dự tiệc gà đồi Yên Thế
Ngày 21.10, tại huyện Yên Thế, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế năm 2017. Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường và các lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và đại diện gần 30 Sở Công Thương của các địa phương trên cả nước; các nhà khoa học, doanh nghiệp, doanh nhân...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phương pháp sản xuất, chăn nuôi đàn gà đồi Yên Thế và việc tìm đầu ra cho sản phẩm; đồng thời, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong việc tiêu thụ, vấn đề cạnh tranh về giá cả, chất lượng, mẫu mã bao bì để gà đồi Yên Thế gây ấn tượng và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cùng các lãnh đạo các bộ, ngành tham quan, thưởng thức các món ăn chế biến từ gà đồi Yên Thế tại Hội nghị ở Bắc Giang ngày 21.10. Ảnh: Trần Quang
Sản xuất ra 18 triệu con gà đồi/năm
Bắc Giang hiện có tổng đàn gà lớn thứ hai toàn quốc với quy mô hiện nay đạt hơn 18 triệu con với sản lượng đạt 34.000 tấn; trong đó, có vùng chăn nuôi tập trung gà đồi Yên Thế - thương hiệu nổi tiếng với vật nuôi đầu tiên trong cả nước được công nhận là nhãn hiệu tập thể chỉ dẫn địa lý.
Trong đó, đàn gà thương phẩm của huyện Yên Thế hiện tại đạt 14 triệu con, tổng sản lượng đạt khoảng 23.500-28.000 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 1.200 tỷ đồng. Ông Vũ Trí Hải - Chủ tịch UBND huyện Yên Thế (Bắc Giang) cho biết, thời gian tới địa phương duy trì đàn gà đồi ổn định từ 4-4,3 triệu con; mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 11 triệu đến 13 triệu con gà thương phẩm với giá trị sản xuất từ 1.300 tỷ đến 1.500 tỷ đồng.
"Chăn nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân ở Yên Thế và cho thu nhập ổn định từ 50 - 100 triệu đồng/năm" - ông Hải nói.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cam kết sẽ yêu cầu các đơn vị có liên quan tập trung phối hợp với tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là với huyện Yên Thế để giải quyết căn bản vấn đề con giống gà đồi Yên Thế. Người đứng đầu ngành nông nghiệp yêu cầu địa phương cần phát triển sản xuất gà đồi Yên Thế theo chuỗi liên kết, nâng cao giá trị của một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở địa phương, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp Bắc Giang.
Cần thay đổi nhiều khâu
Theo ông Dương Thái Trung (Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) để phát triển chuỗi cung ứng gà đồi Yên Thế bền vững, thời gian tới tỉnh Bắc Giang cần sản xuất gà đồi theo quy hoạch, theo nhu cầu thị trường, có doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, tiêu thụ làm hạt nhân.
"Bên cạnh đó, tỉnh cần phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu dùng; mở rộng và tăng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gà đồi, đảm bảo hoạt động sản xuất, tiêu thụ gà đồi chủ yếu thông qua hợp đồng giữa các tác nhân tham gia chuỗi cung ứng" - ông Trung nói.
Để sản phẩm gà đồi Yên Thế có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là tại các siêu thị, ông Trần Huy Hùng - Giám đốc Siêu thị BigC Bắc Giang cho biết, hiện nay sản phẩm chủ yếu mà bà con Yên Thế nói riêng và Bắc Giang nói chung đưa bán ra thị trường là gà nguyên con mà chưa quan tâm đến các sản phẩm khác từ gà như chân, cổ cánh..., đặc biệt là các bao bì, nhãn mác còn rất sơ sài thiếu tính thẩm mỹ. Chính điều này đã khiến cho giá trị sản phẩm bị giảm đi rất nhiều và khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.
"Để tận dụng triệt để và tăng giá trị kinh tế, người chăn nuôi cần hướng đến việc đa dạng các sản phẩm từ gà, việc làm này sẽ vừa giúp cho việc tiêu thụ được thuận lợi hơn" - ông Hùng nói.
Kết thúc hội nghị, đã diễn ra Lễ ký kết 24 biên bản ghi nhớ, hợp đồng hợp tác tiêu thụ giữa Sở Công Thương Bắc Giang với Sở Công Thương một số tỉnh, thành lân cận; giữa UBND huyện Yên Thế với một số chợ đầu mối, siêu thị trong nước; giữa Hội Sản xuất tiêu thụ gà đồi Yên Thế với các doanh nghiệp, thương nhân.
Sản phẩm "Gà đồi Yên Thế" liên tục nhận được các giải uy tín từ năm 2011 đến nay: Là 1 trong 4 sản phẩm, thực phẩm của Việt Nam lọt vào danh sách nhận Cúp chứng nhận "Sản phẩm, thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á - ASEAN BESTFOOD/BESTFOOD PRODUCT" do Ban tổ chức Chương trình truyền thông quảng bá "Doanh nhân ASEAN vì môi trường xanh - sạch - đẹp" trao tặng được tổ chức tại Singapore từ ngày 8 - 11.9.2013.
Theo Danviet
Miền Bắc mưa dông, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất tại Bắc Giang và Hòa Bình Hôm nay (23/10), khu vực Bắc Bộ ngày có mưa rào và rải rác có dông; vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại các huyện Yên Thế, Lạng Giang, Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) và huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình). Trung tâm Dự báo...