Nuôi con không hợp là ly hôn, nông cạn!
Tôi cũng khổ, cũng ức vì bố mẹ chồng chăm cháu không theo ý mình, nhưng tôi nhịn.
Giận dỗi nhà chồng về cách chăm con mà ly hôn như bài viết Ông bà nội yêu cháu, tôi quyết ly dị, theo tôi là một quan điểm vô cùng ngốc nghếch và nông cạn. Càng nguy hiểm hơn khi lướt xuống dưới, tôi liên tiếp đọc được những dòng &’comment’ ủng hộ em gái trong bài viết này li dị. Tôi xin viết ra đây vài dòng về quan điểm cũng như câu chuyện thật của tôi, mong em và rất nhiều mẹ đang giận dỗi chồng và gia đình chồng hay suy nghĩ thấu đáo.
Tôi cũng từng ‘nung nấu’ ý định ly hôn
Bố mẹ chồng tôi vốn dĩ không ưa gì tôi. Gái quê mà lại &’mồi chài’ được con trai họ (theo họ nghĩ). Tuy nhiên, vì tôi đã có bầu, họ cũng đành chấp nhận cho tôi về làm dâu. 9 tháng 10 ngày bầu bí họ xẵng giọng tuyên bố, không thèm nhìn mặt thằng cháu. Vậy nhưng khi tôi sinh con, có lẽ vì thấy con tôi xinh, lại giống hệt bố nên họ quay ngoắt 180 độ, trở nên ôm rịt thằng cháu quí tử.
Tôi còn nhớ ngày sinh, sau gần 16 tiếng vật vã vì đau đẻ nhưng con không xuống, tôi đành sinh con bằng phương pháp mổ đẻ và bị nhiễm trùng khá nặng. Vì phải liên tiếp uống kháng sinh liều cao nên tôi đã không dành được cho con những giọt sữa non quí giá. Bố mẹ chồng chỉ nhìn vào việc tôi không cho con bú được mà thở ngắn than dài. Họ lấy cớ tôi sinh đẻ hôi rình, sữa thì chẳng có đi rồi ôm rịt con tôi về phòng họ.
5 ngày sau từ viện về nhà, dù làm đủ mọi cách nhưng con tôi vẫn không chịu ti mẹ. Vết mổ vẫn chưa cắt chỉ, thỉnh thoảng rỉ đau, thuốc gây tê màng cứng làm tôi như muốn sụm xương, mỗi lần nằm nghiêng là cảm thấy ruột gan như rơi sang một bên. Vậy nhưng tôi vẫn lén giấu bác sĩ và gia đình để bỏ thuốc kháng sinh nhằm có sữa cho con bú. Kết quả vẫn không như ý. Làm mẹ nhưng suốt 1 tháng đầu tôi không thấy mặt con yêu. Miếng cơm đắng chan nước mắt ăn vào miệng nghẹn mà tôi vẫn cố ăn để có sữa cho con, hòng lấy lại được con về. Những tháng ngày đấy tôi đau đớn hoảng sợ, tôi sợ con lớn không gần hơi mẹ, sẽ không biết tôi là ai.
Tôi muốn con bú mẹ, họ pha sữa công thức. Tôi bảo bé nóng đừng ủ quá ấm, họ đắp thêm chăn vào người thằng bé. Tôi khuyên họ đừng bế cháu nhiều sinh quen, họ ra sức ầu ơ rung lắc. Tôi muốn tắm cho con, họ đuổi tôi ra khỏi phòng. Tôi thù họ đã chia mẹ cắt con, tôi ấp ủ dự định sẽ ly hôn, để giành bằng được đứa cháu mà họ yêu quí về bên mình. Tôi bị sự tức giận làm mờ mắt. Nghĩ mình ôm con ra đi rồi, chồng tôi có thể sẽ lấy vợ mới, rồi lại có con có cháu cho họ thôi. Còn tôi thì cần thằng bé này.
Video đang HOT
Chồng tôi không giúp gì được cho vợ. Tình yêu như đã chết kể từ khi chúng tôi lấy nhau. Từ ngày bầu bí đến giờ sinh con đã được gần 1 năm, đêm nào tôi cũng lủi thủi đắp chăn ngủ một mình. Anh lấy cớ bận rộn công việc, thường xuyên thức bên máy tính đến khuya, sáng hôm sau vội vã đi làm trước khi tôi kịp mở mắt. Tiền anh có để cho tôi, nhiều lắm. Nhưng ngoài tiền, tôi không có gì hơn.
Nói vậy để biết, hoàn cảnh và sự bị đát của tôi không kém nhiều chị em. Vậy nhưng vì sao đến giờ tôi vẫn ôm con, lủi thủi trong ngôi nhà này dưới sự ghẻ lạnh của bố mẹ chồng và sự hờ hững của chồng? Tất cả là vì con tôi.
Vì con, tôi bỏ ý định ly dị (ảnh minh họa)
Sau ly hôn tôi được gì?
Chẳng gì hết. Tôi sau khi hỉ hả vì trả thù được bố mẹ chồng, cho chồng một &’bài học’ về sự mải mê kiếm tiền bỏ mặc vợ con..thì sẽ chẳng còn lại gì. Một đứa con không cha, một người đàn bà đã qua một lần đò. Nghe có vẻ không mấy vui vẻ. Rồi tôi sẽ mang con đi đâu? Trở về vùng quê nghèo, cho nó đi học trường làng, tụm năm tụm bảy nghịch đất nghịch cát với những đứa trẻ quê mùa lấm lem? Tôi đã quá hãi, cũng không muốn con mình quay lại như vậy. Rồi bao ảnh mắt người ngoài nhìn vào, bố mẹ tôi sẽ chịu làm sao. Sao tôi đã lớn mà còn phải để họ mãi lo lắng. Lo cho con rồi bây giờ còn lo cho cháu? Tôi thương bố mẹ già ở quê. Tôi không thể quay về.
Tôi nhớ nỗi sợ hãi cố hữu của tôi và bao bạn bè đồng trang lứa ngày xưa. Không phải sợ ma, sợ nhện hay sợ điểm kém. Cái chúng tôi sợ nhất, đó là bố mẹ cãi nhau, là gia đình tan đàn xẻ nghé. Cụm từ ly hôn trong mắt con nít, những đứa trẻ tưởng như chưa hiểu chuyện, lại là cụm từ vô cùng đáng sợ. Tôi còn nhớ cậu bạn mẫu giáo của tôi, từ một cậu nhóc vui vẻ, là cây hài của lớp lá bỗng nhiên trở nên trầm cảm, thu mình chỉ vì bố mẹ ly hôn. Tôi cũng nhớ bản thân mình, một cô nhóc 6 tuổi ngày xưa đã từng ôm người bạn gái lớp trưởng ngày ấy, khóc rưng rức vì bố mẹ cãi nhau, cô ấy học hành sa sút, lơ đãng và bị mất danh hiệu học sinh giỏi. Trẻ nhỏ tưởng không biết gì, nhưng lại rất nhạy cảm. Tôi không muốn con mình sau này phải buồn bã, sợ hãi như vậy.
Tôi đã sống nhẫn nhịn trong căn nhà đấy đến giờ cũng được 4 năm. Con trai tôi đi mẫu giáo rồi. Con được ăn ngon, mặc đẹp, học trường quốc tế. Dù đôi khi tôi vẫn phải phát điên vì mỗi khi tôi muốn dạy con, ông bà lại lao vào mắng chửi tôi. Đôi khi tôi vẫn khóc thầm vì người chồng tôi tưởng là cả cuộc sống của mình giờ chẳng một chút yêu chiều. Nhưng tôi vẫn nhín nhịn. Mọi người có thể bảo tôi hèn, nhưng tôi cũng đành chịu thôi. Tôi không thể vì sự ích kỷ của bản thân mà cướp đi của con gia đình đầy đủ. Dù đấy chỉ là vỏ bọc hình thức.
Tôi dám chắc, cũng có nhiều chị em như tôi, nản lắm, nhưng vẫn vì con mà không dám ly hôn.
Theo Eva
Trẻ người non dạ
Anh chàng chủ quán đỏm dáng dạo này mới thu nhận được "đồ đệ" tâm phúc, cô bé ấy mặt non choẹt, ánh mắt vẫn còn vương nét ngây thơ.
Vợ anh ta vốn đã bỏ nhà đi vác theo đứa con nhỏ từ cách đây hai năm, để đứa lớn năm tuổi ở với bố. Thằng bé nghịch như quỷ, đi học còn đỡ, về đến nhà là vầy lấm lem mặt mũi, nhem nhuốc đất cát, đối nghịch hẳn gương mặt trắng trẻo, điển trai như diễn viên của ông bố năm nay mới hai mươi bảy tuổi.
Bố nó làm nghề cắt tóc gội đầu, phong cách lúc nào cũng phiêu du như tài tử xi-nê, dù vợ bỏ đi thì anh ta cũng chẳng bao giờ thiếu gái. Đứa con đã có các cô ấy thi thoảng sớm hôm đến lo cho và anh chàng có vẻ chấm cô nàng trẻ trung nhất trong hội rỗi hơi đến nhà làm lao vụ không công. Con bé ấy chưa đến hai mươi, được bạn bè giới thiệu đến đây cắt tóc mô đen mới nhất.
Ban đầu vì được nhiều người đẹp chăm sóc nên anh chàng khá kiêu, chẳng để tâm đến con bé, càng khiến con bé nông cạn bị mê hoặc, nên cứ thiết tha qua lại hầu hạ. Sau anh ta chú ý đến, con bé dễ dàng chấp nhận ở lại ăn ngủ cho tiện việc chăm sóc hàng ngày.
Bố con bé tìm đến tận nơi, mắt ngân ngấn nước giục "Về thôi con", nó phụng phịu rồi khăng khăng "Không, con phải ở lại đây nấu cơm cho bố con anh ấy". Uất ức quá có lần ông phải lôi xềnh xệch con gái về trước bao ánh mắt ái ngại của mọi người xung quanh.
Sự việc tưởng yên, vậy mà bị giữ trong nhà nó vẫn quài được chai dầu rửa bát tu bằng hết, đúng lúc có người hàng xóm sang mượn đồ bắt gặp đưa ngay ra viện cấp cứu. Lại thêm lần khác nó lấy dây thừng treo cổ tự tử... Mẹ nó chết đi sống lại với con bao phen.
Thôi đành đất phải chịu giời, bố mẹ con bé chấp nhận cho con gái còn chưa biết lo biết nghĩ, chưa có nghề ngỗng gì sang nhà người ta sau một lễ cưới sơ sài, tủi nhục.
Giờ thằng bé con coi vợ của bố không khác gì ôsin trong nhà, nó cứ vênh váo, có lần còn hỗn láo nói "Trông cô chẳng giống người nhỉ!", con bé điên lắm mà không dám làm gì, chỉ biết lôi cổ về cho bố nó tẩn một trận.
Nó ở nhà nấu nướng, phụ chồng làm nghề, đưa đón con chồng đi học hàng ngày. Được ít lâu thì có chửa, bị rau tiền đạo, phải đi mổ cấp cứu, tưởng không qua khỏi vì máu chảy khắp taxi trên đường đến bệnh viện. Lại bố mẹ đẻ nó phải đứng ra gánh chịu toàn bộ, từ trông nom cho đến chi trả toàn bộ phí tổn liên quan đến sức khỏe của hai mẹ con. Không thể nhờ được ông bà nội vì bố nó đã làm được gì cho họ đâu mà đòi trông chờ, họ còn đang tiếc cô con dâu đầu với hai thằng cháu trai vốn đang chẳng nhận được sự quan tâm.
Trong khi đó chồng nó hai vợ rồi mà chẳng tu chí, vẫn được chăng hay chớ, bông đùa trêu ghẹo khách hàng, giọng lưỡi thì dẻo quẹo lại thêm cái tốt mã nên khách nữ cứ đến tơi tới. Con bé nghe thấy mà ngậm buồn vào trong lòng, chẳng dám ho he gì kẻo mất khách thì mất ăn.
Theo VNE