Nước cờ sai lầm của Ronaldo
Khi những tin đồn Cristiano Ronaldo sẽ rời Juventus để trở lại khoác áo Real Madrid lan rộng, tất cả có quyền đặt lại câu hỏi về sự ra đi của CR7 vào năm 2018.
Việc những tin đồn Ronaldo rời Juventus bùng lên vào thời điểm này không ngẫu nhiên, nếu đặt vào bối cảnh CLB đã bị loại khỏi Champions League, và tụt lại trong cuộc đua Serie A trước Inter Milan.
“Ronaldo định đoạt chiến thắng cho Real Madrid”
Juventus cố rướn mình để chạm tay tới món hàng xa xỉ là Ronaldo vào mùa hè 2018. Nhưng sau 3 năm, mọi chuyện giờ không còn nằm trong quyền kiểm soát của “Bà đầm già”.
Ở mùa 2020/21, đại diện thành Turin bị loại khỏi Champions League từ vòng 1/8. Tại giải Serie A, đội bóng của Andrea Pirlo cũng đứng trước nguy cơ mất ngôi vương.
Với Ronaldo, có lẽ nằm mơ anh cũng không thể nghĩ nguyện vọng “chinh phục thử thách” như lời thừa nhận khi mới gia nhập Juventus lại trở thành quả núi chắn anh với vinh quang trong màu áo mới.
Ronaldo là siêu sao chinh phục các danh hiệu tại Real Madrid. Đồ họa: Minh Phúc.
Sau khi liên tiếp nhận thất bại ở Champions League, Ronaldo có thể đang nhớ Real, nơi anh nhiều lần chạm tay tới vinh quang. Tại Bernabeu, không ít người cũng có cảm xúc tương tự về CR7.
Chia sẻ trên Twitch , Sergio Ramos thừa nhận: “Khi Ronaldo ra đi, cả anh ấy lẫn Real đều thất bại. Tôi đáng lẽ nên ngăn Ronaldo rời CLB. Anh ấy là một trong những người giỏi nhất và luôn giúp chúng tôi tiến gần hơn tới các danh hiệu lớn. Mối lương duyên giữa Ronaldo và Real phải kéo dài mãi mãi. Anh ấy định đoạt chiến thắng cho Real”.
Điều bất ngờ là những tuyên bố này của Ramos không lan tỏa như những gì sau đó trung vệ này nói về Messi và tương lai của chính mình. Ronaldo trở lại Real đang là mệnh đề bị tránh đề cập vào thời điểm này, khi đường hướng phát triển của Real không còn phù hợp với tuổi tác của CR7.
AS đã thu thập hơn 80.000 ý kiến từ độc giả về việc Real Madrid có nên đón Ronaldo trở lại Bernabeu. 54% số này nói có, và phần còn lại không tin CR7 sẽ thành công trong lần thứ hai khoác lên mình màu áo trắng.
Ronaldo sinh ra để chơi cho Real
Trong hai mùa cuối cùng thi đấu cho Real Madrid, Ronaldo ghi 86 bàn trên mọi đấu trường và là chân sút hay nhất của đội chủ sân Bernabeu.
Sau khi CR7 ra đi, người ghi bàn nhiều nhất cho Los Blancos là Karim Benzema. Nhưng trong gần ba mùa giải đã qua, tiền đạo người Pháp chỉ có 75 bàn trên mọi đấu trường.
Tại La Liga trong hai mùa cuối Ronaldo góp mặt, Real ghi 200 bàn. Tính cả mùa giải này cùng hai mùa trước, Real chỉ có 177 bàn.
Câu chuyện tại Champions League có lẽ không cần nói lại. Real bị loại ngay ở vòng 1/8 trong hai mùa liên tiếp.
Video đang HOT
Không Ronaldo, Real Madrid đánh mất đi sự đáng sợ trên hàng công. Ảnh: Getty.
Nếu nhìn lại trọn vẹn sự nghiệp của Ronaldo tại Real Madrid, những chỉ trích nhắm vào anh luôn song hành cùng thành công. Cây bút Sid Lowe của Guardian từng nhấn mạnh những tiếng la ó, huýt sáo chưa bao giờ thiếu trong các trận đấu tại Bernabeu của Real ngày có Ronaldo. Mô tả đó là điều “bất công” và “khó hiểu” với siêu sao người Bồ Đào Nha, khi anh luôn là đầu tàu trong hành trình chinh phục vinh quang của Los Blancos.
Đối chiếu với hoàn cảnh ở Juventus lúc này, Ronaldo hẳn đã cảm thấy khác biệt. Thay vì liên tục đặt ra tiêu chuẩn mới, ngay cả khi đang thành công, thông qua những tiếng la ó và huýt sáo như CĐV Real, các CĐV Juventus hiếm khi chỉ trích Ronaldo.
Họ coi CR7 là cứu tinh ở đấu trường châu Âu ngay từ thời điểm anh gia nhập đội bóng, và luôn dành sự tôn trọng lớn cho Ronaldo. Để đến khi Juventus bị Porto loại khỏi Champions League, những chỉ trích nhắm thẳng vào Ronaldo không thương tiếc.
Trên những diễn đàn CĐV Juventus ở toàn thế giới, Ronaldo là người phải giơ đầu chịu báng sau thất bại. Họ muốn anh phải ra đi. Khoản lương 30 triệu euro/mùa cho Ronaldo giờ trở thành cái gai trong mắt CĐV.
Sự chỉ trích đã luôn nhắm vào Ronaldo trong mọi thời điểm ở Real. Nhưng ở Juventus, Ronaldo chỉ bị tấn công khi thất bại.
Sự lệch pha trong văn hóa cổ vũ tại Real và Juventus có thể là điểm khác biệt lớn nhất trong tâm lý của Ronaldo, người từng thừa nhận luôn “cảm thấy phấn khích và có động lực hơn” nghi nghe những tiếng la ó trên khán đài.
Hệ thống hỗ trợ Ronaldo tại Juventus cũng không hùng hậu như Real. Benzema từng thừa nhận không ít lần phải hy sinh để CR7 tỏa sáng. AS nhấn mạnh không chỉ Benzema, Toni Kroos, Luka Modric hay Marcelo cũng chịu làm nền để Ronaldo công phá hàng công.
Tại Juventus, sự hỗ trợ dành cho Ronaldo về hệ thống cũng được tối ưu. Song Alvaro Morata không phải Karim Benzema, Aaron Ramsey, Rodrigo Bentancur không phải Toni Kroos, Luka Modric. Alex Sandro lại càng không phải Marcelo. Tại Real, Ronaldo là chủ công trong dải thiên hà. Tại Juventus, Ronaldo là thủ lĩnh trong dàn cầu thủ hạng B.
Real có lẽ cũng nhớ Ronaldo. Cuối mùa giải 2018/19, Zidane từng thừa nhận trong phòng họp báo: “Ronaldo là không thể thay thế. Chúng tôi có thể mang về mọi cầu thủ, nhưng không ai sẽ làm được điều Ronaldo đã làm. Chắc chắn là như vậy”.
Đầu mùa trước, Zidane tiếp tục nhấn mạnh: “Cuộc sống thiếu Ronaldo ư? Tôi sẽ không nói về những gì cậu ấy làm được tại Madrid. Tất cả đều biết, và chúng tôi phải thích nghi với những con người mà mình có. Chúng tôi muốn tiếp tục thành công vì điều đó là DNA của đội bóng”.
Real không Ronaldo đã vô địch La Liga mùa trước, nhưng thất bại toàn diện tại Champions League trong hai mùa gần nhất (trước Ajax và Man City). Mùa này, Real đã thắng chật vật Atalanta ở lượt đi tại Italy với điểm nhấn là thẻ đỏ khó tin cho đội chủ nhà.
Trong các thời khắc quan trọng, người tỏa sáng cho Real luôn là Benzema, Luka Modric hay Sergio Ramos, những cựu binh, thay vì các ngôi sao đã được mang về để lấp vào khoảng trống của CR7.
ESPN đặt câu hỏi liệu việc rời Real vào năm 2018 của Ronaldo có phải “quyết định cá nhân sai lầm nhất trong lịch sử bóng đá”?
Phần lớn độc giả tin là có.
Một cuộc tái hợp giữa Real và Ronaldo có thể cải thiện được vấn đề? Có thể có, hoặc không.
Nhưng rõ ràng tinh thần chiến đấu bất chấp chỉ trích của Ronaldo được sinh ra để thi đấu cho một CLB với những tiêu chuẩn và áp lực khác biệt hoàn toàn như Real Madrid. Nói cách khác, cả Real lẫn Ronaldo đều sai khi chia tay nhau vào mùa hè 2018. Ronaldo cần Real để chinh phục danh hiệu, và ngược lại.
Ronaldo là cánh én cô đơn ở Champions League
Cristiano Ronaldo vẫn là siêu sao của bóng đá thế giới, nhưng khả năng CR7 cùng Juventus chinh phục Champions League dần nhỏ đi qua từng mùa giải.
Trước khi Cristiano Ronaldo gia nhập, Juventus vào năm 2018 có thể xem là một thế lực thực sự tại UEFA Champions League. Trong 4 mùa giải, từ 2014/15 đến 2017/18, "Bà đầm già" đã vào 2 trận chung kết Champions League và từng quật ngã những địch thủ mạnh nhất (Real Madrid ở bán kết mùa 2014/15, Barca ở tứ kết 2016/17).
Ngay cả trong những thất bại, Juve cũng để lại những dấu ấn đậm nét về tinh thần và bản lĩnh. Họ chỉ thua Bayern của Pep Guardiola tại vòng 1/8 mùa 2015/16 trong hiệp phụ, sau khi suýt đánh bại địch thủ ngay tại Allianz Arena nếu Thomas Mueller không ghi bàn gỡ hòa đúng những giây cuối cùng của thời gian thi đấu chính thức.
Ronaldo chưa vào bán kết từ khi tới Juventus, điều anh có được trong 8 mùa liên tục trước đó khi khoác áo Real Madrid. Ảnh: Getty.
Mùa 2017/18, Juve thua Real Madrid 0-3 tại sân nhà ở tứ kết trước khi thắng 3-0 tới phút bù giờ cuối cùng tại Bernabeu. Quyết định thổi phạt đền khi thời gian thi đấu chính thức chỉ còn tính bằng giây sau đó của trọng tài Michael Oliver tới giờ vẫn còn gây tranh cãi lớn.
Sau khi chân sút vĩ đại nhất lịch sử giải đấu, Cristiano Ronaldo, gia nhập vào mùa hè 2018, Juventus đã không còn là chính mình ở sân chơi danh giá nhất châu lục.
Juve quá phụ thuộc vào Ronaldo
Sau gần 3 năm tới Italy, Ronaldo cùng Juventus đã thi đấu 7 trận ở vòng knock-out Champions League. "Bà đầm già" chỉ thắng đúng 1 trận, thua tới 4.
Chiến thắng duy nhất đến ngay ở mùa giải đầu tiên Ronaldo khoác lên mình chiếc áo sọc trắng đen. Juve khi đó thua Atletico 0-2 trên đất Tây Ban Nha. Xuyên suốt lịch sử, Juve chưa từng ngược dòng tại cúp châu Âu sau khi thất bại với tỷ số này ở lượt đi.
Song Ronaldo đảo ngược tất cả với cú hat-trick ở lượt về, đưa Juve thắng 3-0, hãnh diện tiến vào tứ kết. Bi kịch của Bianconeri bắt đầu từ đây.
Thành tích của Juventus giảm rõ rệt sau khi có Ronaldo. Đồ họa: Minh Phúc.
Họ hòa Ajax bị đánh giá yếu hơn trên đất Hà Lan ở tứ kết lượt đi với Ronaldo là người ghi bàn duy nhất. Đến trận lượt về, Ronaldo lại ghi bàn, nhưng Ajax thắng 2-1 và hất cẳng CR7 khỏi Champions League từ trước vòng bán kết, điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2010.
Mùa trước, thảm họa còn đến nhanh hơn. Juve thua Lyon 0-1 trên đất Pháp trong trận đấu không sút trúng đích đối phương lần nào. Lượt về tại Italy, Ronaldo lập cú đúp nhưng bàn thắng trên chấm phạt đền của Depay khiến Juve bị loại ngay ở vòng knock-out đầu tiên.
Mùa này, Juve thua Porto 1-2 trên đất Bồ Đào Nha và buộc phải thắng nếu không muốn trở thành kẻ ngoài cuộc ngay từ vòng 1/8.
Trong 7 trận tại vòng knock-out Champions League suốt 3 năm qua, Juve có 8 bàn. Ronaldo ghi 7 trong số này. Sự phụ thuộc quá đáng vào CR7 khiến Juve đánh mất đi yếu tố quan trọng nhất từng giúp họ trở thành đối thủ cực kỳ khó bị đánh bại: Tinh thần tập thể.
Khi Juve đánh bại Barca 3-0 ở tứ kết lượt đi mùa giải 2016/17 và cầm hòa 0-0 tại Camp Nou tại lượt về, HLV Max Allegri khi ấy nhấn mạnh: "Đá 3 tiếng nữa với Barca chúng tôi cũng không để thủng lưới". Barca bị Juve khống chế trọn vẹn năm đó chính là đội bóng đè bẹp PSG 6-1 để tạo ra cuộc ngược dòng vĩ đại nhất lịch sử cúp châu Âu.
Song Juve không cho phép điều đó khi thể hiện họ mạnh hơn toàn diện về lối đá tập thể. Mario Mandzukic, tiền đạo cả sự nghiệp chỉ đá trung phong, năm đó đã chấp nhận lui xuống đá tiền vệ cánh trái. Sự hy sinh như Mandzukic có thể xem là hình ảnh biểu tượng cho sức mạnh của Juve.
Trong cả hai chiến dịch vào chung kết Champions League, Juve đều không có những ngôi sao át vía phần còn lại. Andrea Pirlo, Carlos Tevez, Arturo Vidal, Paul Pogba của mùa 2014/15 hay Gonzalo Higuain, Paulo Dybala, Miralem Pjanic của mùa 2016/17 chỉ là những quân cờ trong hệ thống được tối ưu hóa của Max Allegri.
Juve không ra sân với kỳ vọng một ngôi sao sẽ lóe sáng để định đoạt trận đấu. Họ ra sân, chiến đấu với sự tự tin từ toàn bộ cầu thủ, nung chảy đối thủ bằng ý chí đó để giành chiến thắng.
Khi Ronaldo xuất hiện tại sân Allianz, thứ tinh thần ấy gần như biến mất. Juve trong các trận đánh lớn tại Champions League giờ nương nhờ cả vào khả năng bùng nổ của CR7, thay vì tìm cách đánh bại đối thủ bằng lối chơi tập thể.
Khi các đối thủ bắt chết Ronaldo, điều vốn không còn quá khó khăn như trước kia, Juve dễ dàng sụp đổ, bất chấp những thay đổi về hệ thống mà Bianconeri liên tục tạo ra trong 3 năm qua (Ronaldo đã làm việc với 3 HLV khác nhau tại Juve).
Ronaldo là ngoại lệ ở Juve?
Cây bút Jonathan Wilson của Guardian mới đây chỉ ra việc Ronaldo đang kéo lùi Juve ở những trận đại chiến. CR7 chỉ thực hiện trung bình 0,4 pha tắc bóng và đánh chặn/trận, ít hơn cả Messi tại Barca (0,7 lần/trận, vốn cũng rất ít, chỉ bằng 1/3 so với điều anh từng làm vào năm 2010).
Việc Ronaldo không tham gia vào quá trình pressing là nguyên nhân khiến Juve không thể chơi theo tham vọng của Andrea Pirlo, người muốn đội bóng của mình phòng ngự chủ động từ tuyến trên theo phong cách Pep Guardiola hay Johan Cruyff.
Thay vì chiến đấu và chiến thắng với Ramos, Benzema và Modric, Ronaldo giờ phải dìu dắt những cầu thủ trẻ như Kulusevski tại sân chơi cho những nhà vô địch, UEFA Champions League. Ảnh: Getty.
Sự tỏa sáng của Ronaldo trong những thời khắc quan trọng luôn giúp những đội bóng có anh vượt lên tại sân chơi căng thẳng như Champions League. Song ở cả MU lẫn Real Madrid, chất lượng chơi bóng nói chung của toàn đội luôn được duy trì ở mức cao bậc nhất thế giới khi xung quanh Ronaldo đều là những nhà vô địch với khao khát và thể lực vẹn nguyên.
Juve lúc này không có được điều đó. Họ đã thi đấu không tốt tại Serie A, kém Inter tới 10 điểm và đang giương cờ trắng trong cuộc đua vô địch. Xung quanh Ronaldo không còn những nhà vô địch như Rio Ferdinand, Van der Sar, Ryan Giggs hay Sergio Ramos, Luka Modric, Toni Kroos, Marcelo, mà giờ là Rodrigo Bentancur, Dejan Kulusevski hay Alvaro Morata.
Ronaldo có thể vẫn sẽ tỏa sáng để giúp Juve thắng Porto ở lượt về và đi tiếp vào vòng tứ kết Champions League. Song để đi xa hơn, Juve cần nhiều hơn thế.
Việc o bế một siêu sao và trông chờ anh ta tỏa sáng không phải cách để chinh phục Champions League. Siêu sao chỉ nên là viên ngọc trên vương miện, thay vì là thanh gươm quyết định tất cả. Bóng đá là cuộc đấu giữa 11 người với 11 người. Một ngôi sao, chưa và sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề thực sự trên sân cỏ.
Ngay từ thời điểm đưa Ronaldo về sân Allianz với giá hơn 100 triệu euro vào mùa hè 2018 và phó mặc giấc mơ Champions League cho CR7, Juventus có lẽ tự chọn cách bắn vào chân mình trong giấc mơ chinh phục ngai vàng Champions League.
Ronaldo có thể tái hợp Ramos Juventus đang theo sát động thái của Ramos và sẵn sàng đưa anh đến thi đấu tại Serie A trong kỳ chuyển nhượng hè 2021. Goal tiết lộ Juventus đang tiếp cận Sergio Ramos. Nhà ĐKVĐ Serie A muốn đưa trung vệ người Tây Ban Nha đến Turin vào kỳ chuyển nhượng hè năm tới. Thời hạn hợp đồng của Ramos với "Los...