‘Nước cờ’ mới của Vietbank có ’sáng’?
Từ lúc thoát khỏi cái tên “ ngân hàng của Bầu Kiên”, Vietbank đã dần chọn những lối đi mới cho mình. Nhưng, Vietbank có dễ để vực dậy?
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank – VBB) trước đây vẫn được người ta gọi với cái tên “ngân hàng của Bầu Kiên”. Sở dĩ gọi như vậy là bởi tại nhà băng này, bầu Kiên, tức ông Nguyễn Đức Kiên – người đang phải thụ án bởi liên quan đến 4 hành vi phạm tội về kinh tế – và người nhà từng sở hữu lượng rất lớn cổ phần.
Tuy nhiên gần đây những biến động về chuyển giao cổ phần cổ phiếu liên quan đến các cổ đông là vợ chồng ông Kiên và người nhà cho thấy cái tên “ngân hàng của Bầu Kiên” có lẽ sắp không còn phù hợp.
Xuất phát điểm thấp
VietBank hiện là một trong những ngân hàng nhỏ nhất hệ thống, với quy mô vốn điều lệ xếp vào hàng bậc thấp trong các NHTM: 4.190 tỷ đồng.
Như nhận xét của chính bản thân ngân hàng: “Thương hiệu VietBank chưa được nhận biết trên thị trường, độ nhận biết của thương hiệu VietBank thuộc nhóm thấp nhất thị trường (24/28 ngân hàng được xếp hạng). Độ phủ truyền thông rất thấp, chỉ đạt 0,07% trên tổng tin ngân hàng”.
Trong khi hạ tầng công nghệ cũng khá lạc hậu. Hệ thống core banking TCBS mua từ ACB cách đây 10 năm, không có bảo trì bảo hành và nâng cấp. Đến nay đã quá lạc hậu và bộc lộ rất nhiều hạn chế về mặt tính năng, vận hành và bảo mật.
Tính đến giữa năm 2017, mạng lưới của VietBank mới có 96 điểm giao dịch tại 11 tỉnh thành. Nhiều đơn vị còn kết quả kinh doanh thua lỗ.
Về sản phẩm cung cấp của VietBank, chủ yếu vẫn là huy động và cho vay. Dịch vụ để thu phí còn rất khiêm tốn. Hệ thống kiểm soát và quản trị rủi ro, tuân thủ còn nhiều điểm cần hoàn thiện. “Công tác kiểm soát điều kiện giải ngân lỏng lẻo, nhiều lỗi nghiệp vụ, nhiều rủi ro tiềm ẩn”, nguyên văn đánh giá từ chính ngân hàng.
Cùng với đó, chất lượng dịch vụ của VietBank cũng chưa tốt, từ hình thức bên ngoài đến kỹ năng, nhiệp vụ, ý thức chăm sóc khách hàng.
Ai sở hữu VietBank khi nhóm bầu Kiên rút lui?
Sự hình thành VietBank mang đậm dấu ấn của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm (Tập đoàn Hoa Lâm).
Theo đó, năm 2006, Hoa Lâm bắt đầu tham gia thị trường tài chính khi đầu tư số vốn lớn tại VietBank. Ông Dương Ngọc Hòa – phu quân của Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm, bà Trần Thị Lâm – là người trực tiếp đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị VietBank suốt từ khi thành lập đến nay.
Video đang HOT
“Đây cũng là cách để Tập đoàn Hoa Lâm củng cố và mở rộng tiềm lực tài chính vững mạnh”, Hoa Lâm nói về quyết định đầu tư vào VietBank.
Ngày 2/2/2007, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương tín – VietBank đã chính thức khánh thành tại địa chỉ 47 Trần Hưng Đạo, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Với số vốn góp lên đến 35%, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm đã trở thành cổ đông chiến lược tại ngân hàng. Bên cạnh đó, VietBank cũng có sự góp vốn của 39 cổ đông khác là các doanh nghiệp, cá nhân có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm trong quản trị và điều hành ngân hàng, điển hình là Ngân hàng Thương mại cổ phần ACB. Bà Đặng Ngọc Lan – phu nhân của nguyên Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB Nguyễn Đức Kiên – hiện vẫn là 7 thành viên HĐQT của VietBank.
Tại Vietbank, ACB giữ tư cách là cổ đông sáng lập nhưng không công bố cụ thể tỷ lệ sở hữu. Từ mối quan hệ “mạng nhện” giữa ACB và bầu Kiên, đến năm 2012, khi đại án bầu Kiên bị phanh phui, bấy giờ thông tin về mối quan hệ khép kín giữa Vietbank và gia đình bầu Kiên mới dần được hé lộ.
Quay lại quá khứ, trong các năm 2006 và 2008, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) thành lập và điều hành 3 công ty, gồm: CTCP Đầu tư thương mại B&B (Công ty B&B), CTCP Đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.
Ngày 30/11/2010, bầu Kiên sử dụng pháp nhân Công ty B&B vay của ACB số tiền 1.000 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành và bán trái phiếu cho ACB trong thời hạn 120 tháng. Khi vay được số tiền trên, bầu Kiên và 8 người thân trong gia đình đã sử dụng 975 tỷ đồng để mua 33% cổ phần của Vietbank, nâng tỷ lệ sở hữu của ông và gia đình lên 41% tại Vietbank. Sau đó, bầu Kiên dùng số cổ phần mua mới của Vietbank làm tài sản thế chấp cho khoản vay 1.000 tỷ đồng tại ACB.
Cũng nằm trong tình tiết đại án, dưới sự chỉ đạo của bầu Kiên, để có tiền đầu tư cổ phiếu ACB, ngân hàng ACB cho Vietbank vay liên ngân hàng gần 1.700 tỷ đồng với lãi suất từ 9.8% đến 11.7%/năm để ngân hàng này cho hai công ty của bầu Kiên vay lại dưới hình thức mua trái phiếu lãi suất 11.05% – 14.6%/năm. Khi sai phạm bị phát hiện, hai công ty của bầu Kiên còn nợ Vietbank gần 1.200 tỷ đồng, đây cũng là số tiền Vietbank nợ của ACB.
Mối quan hệ chồng chéo giữa 2 nhà băng của bầu Kiên, tức ACB và Vietbank càng được làm rõ hơn khi đầu năm 2014, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo đã thực hiện chuyển quyền sở hữu 35 triệu cp ACB từ Vietbank sang Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư An Phát, với mức giá 15,800 đồng/cp, việc chuyển quyền sở hữu trên đã giúp Vietbank thu về khoản tiền 553 tỷ đồng.
Chưa rõ cơ cấu sở hữu VietBank hiện thời như thế nào và tỷ lệ sở hữu của nhóm Hoa Lâm tại VietBank đã được điều chỉnh ra sao.
Bởi lẽ, theo quy định tại Luật các TCTD năm 2010 (Điều 55. Tỷ lệ sở hữu cổ phần): Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (trừ một số trường hợp đặc biệt); Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
Nên biết rằng, VietBank mới chỉ chính thức được công nhận là công ty đại chúng (có từ 100 cổ đông trở lên) từ ngày 17/4/2017, theo Công văn số 2028/UBCK-GSĐC của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Cập nhật đến ngày 05/09/2017, tổng số cổ đông của ngân hàng chỉ là 106, đại diện sở hữu cho 324,9 triệu cổ phần.
Lưu ý, dù đăng ký trụ sở chính tại địa chỉ 47 Trần Hưng Đạo, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng nhưng nhiều cuộc họp của HĐQT VietBank lại được tổ chức tại địa điểm Lầu 11, 62A, Cách Mạng Tháng 8, P. 6, Q. 3, Tp. HCM.
Nơi tổ chức cuộc họp là một căn phòng thuộc tòa nhà Lim II, do Tập đoàn Hoa Lâm đầu tư xây dựng, cũng là nơi đặt trụ trở điều thành của nhiều công ty thuộc tập đoàn Hoa Lâm.
Công Ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Chợ Đũi – pháp nhân đầu tư Tòa nhà Lim II, Công ty TNHH Sản xuất Thương Mại Mai Anh – pháp nhân đầu tư Tòa nhà Lim I, và nhiều công ty thành viên khác trong Tập đoàn Hoa Lâm có quan hệ tín dụng chặt chẽ với VietBank.
Hiện trong cơ cấu quản trị VietBank, ngoài ông Dương Ngọc Hòa, thì trưởng nam của ông Dương Ngọc Hòa và bà Trần Thị Lâm, là ông Dương Nhất Nguyên cũng là một trong các Thành viên HĐQT. Khi bầu Kiên và gia đình quyết định “rời đi” khỏi Vietbank, tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày 18/01/2019, cổ đông Vietbank đã chính thức thông qua đơn từ nhiệm khỏi vị trí thành viên HĐQT của bà Đặng Ngọc Lan.
Việc rời đi của nhóm bầu Kiên đã đặt ra câu hỏi: “Ai sẽ thay thế chỗ trống này tại Vietbank?”.
Câu hỏi này hiện vẫn chưa có câu trả lời. Tuy vậy, nhiều khả năng cho rằng, vốn của nhà băng này sẽ lại tập trung vào tay một nhóm cổ đông mà không ai khác đó là nhóm cổ đông của Tập đoàn Hoa Lâm.
Nợ xấu tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2019
Nói về tình hình kinh doanh của ngân hàng này, từ lúc có “dính” đến bầu Kiên thì hoạt động kinh doanh của Vietbank cũng lao dốc. Từ những năm 2012 đến 2016, ngân hàng đều ghi nhận lỗ. Hơn nữa, ngân hàng này cũng không công bố nhiều về bản thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán nên những thông tin về tình hình kinh doanh, nợ xấu gần như mù mờ. Khi quyết định đánh dấu lối đi mới cho mình bằng việc trở thành ngân hàng đầu tiên trong năm 2019 đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM, ngân hàng này mới bắt đầu mạnh dạn công khai hơn về những con số trong tình hình kinh doanh của mình.
Kết thúc quý 3/2019, tổng nợ xấu của Vietbank tăng 8% so với đầu năm chủ yếu là nợ dưới tiêu chuẩn cao gấp 2,5 lần so với đầu năm.
Tại thời điểm 30/09/2019, tổng tài sản của Vietbank đạt gần 61,505 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Chủ yếu nhờ các khoản lãi, phí phải thu tăng 74% so với hồi đầu năm, lên gần 1,567 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 10% so với đầu kỳ, lên gần 39,143 tỷ đồng.
Số dư trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành mà Vietbank nắm giữ đã giảm 3% với gần 236 tỷ đồng, trong đó dự phòng giảm giá với gần 78 tỷ đồng.
Hoàng Dung
Theo nguoiduatin.vn
Vietbank trở thành thành viên thứ 14 đạt tiêu chuẩn Basel II
Ngày 4/11/2019, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank) chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt áp dụng tiêu chuẩn quốc tế Basel II trước thời hạn.
Trong suốt quá trình hoạt động, Vietbank luôn đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, với nội lực vững mạnh, từ đầu năm 2019, Ngân hàng đã chủ động triển khai hệ thống tính toán tài sản có rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II.
Việc tuân thủ Basel II giúp Vietbank nâng cao năng lực quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, đồng nghĩa với việc Ngân hàng đáp ứng các quy định khắt khe về quản trị và công nghệ.
Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc Vietbank chia sẻ, việc được Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng trước hạn Thông tư 41/2016/TT-NHNN là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Vietbank cho giai đoạn sắp tới, đảm bảo Ngân hàng phát triển bền vững và minh bạch.
Thông tư 41/2016/TT-NHNN về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định, 1/1/2020 là thời điểm tất cả các ngân hàng phải tuân thủ các quy định của Basel II. Tuy nhiên, trong số 10 ngân hàng được thí điểm áp dụng Basel II từ năm 2016 đến nay vẫn còn một số nhà băng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Mục tiêu Chính phủ đề ra cho các ngân hàng cổ phần là đến cuối năm 2020 cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực quy định của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên.
Tới cuối năm 2025, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.
Với tiêu chuẩn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cần đạt mức tối thiểu 8% - giảm 1% về mặt số học so với Basel I, nhưng việc tính toán phức tạp hơn.
Tại Việt Nam, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ CAR tối thiểu là 9%. Hiện nay, CAR của khối ngân hàng quốc doanh là 9,4%, khối ngân hàng thương mại cổ phần là hơn 11,3%. Sang năm 2020, khi Basel II được triển khai rộng rãi, CAR của nhiều ngân hàng sẽ bị đánh giá giảm theo công thức mới.
Basel II giúp ngân hàng nâng cao năng lực quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế.
Lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho các ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và tính minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của ngân hàng trước những bất ổn và biến động của thị trường. Khả năng quản trị rủi ro của ngành ngân hàng tốt hơn sẽ giảm thiểu nguy cơ vỡ nợ hay khủng hoảng, góp phần giúp nền kinh tế hoạt động bền vững hơn.
Tính đến nay, có 14 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt áp dụng Thông tư 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh nước ngoài gồm: Vietcombank, ACB, MBBank, Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, SeABank, MSB, Bản Việt, OCB, VIB, Shinhan Bank, Vietbank.
Một số ngân hàng lớn vẫn chưa hoàn tất áp dụng Basel II, vì gặp khó khăn trong việc tăng vốn, nhất là khi cổ phiếu đã lấp đầy "room" ngoại và không được chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Với BIDV, khó khăn tăng vốn đã qua khi ngân hàng này vừa hoàn tất phát hành hơn 603 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ sau chào bán, cho đối tác Hàn Quốc là Ngân hàng KEB Hana Bank, thu về ròng hơn 2.200 tỷ đồng (đã trừ chi phí phát hành).
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Vietbank được áp dụng trước hạn Thông tư 41 theo chuẩn Basel II Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) chính thức "ghi tên" mình vào "bản đồ" 14 ngân hàng được Ngân hàng nhà nước Việt Nam phê duyệt cho phép áp dụng trước hạn Thông tư 41 theo chuẩn Basel II. Vietbank là một trong số 14 ngân hàng đã được NHNN chấp thuận áp dụng thông tư 41 trước thời hạn. Ảnh...