Núi Hàm Lợn – Chốn hoang sơ thú vị
Ít ai nghĩ rằng ngay tại Hà Nội lại có một địa điểm lý tưởng dành cho người đam mê loại hình du lịch leo núi (trekking).
Nằm ở độ cao 462m so với mực nước biển, núi Hàm Lợn là một ngọn núi cao trên địa bàn (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn). Với thiên nhiên hoang sơ cùng địa hình đồi núi khá phức tạp, núi Hàm Lợn là điểm cắm trại, trekking lý tưởng của giới trẻ.
Một góc khu cắm trại dưới chân núi Hàm Lợn .
Cung đường trekking lý tưởng
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 35km, chỉ mất khoảng 1 giờ di chuyển theo đường cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài, du khách sẽ tới núi Hàm Lợn. Đây là ngọn núi cao nhất trên dãy núi Độc Tôn nối liền với dãy Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Do nằm trong khu vực rừng phòng hộ của huyện Sóc Sơn nên phong cảnh nơi đây khá hoang sơ, khí hậu mát mẻ, không gian trong lành, thoáng đãng. Bởi vậy, không ít du khách, đặc biệt là các bạn trẻ đã chọn núi Hàm Lợn làm điểm tham quan, dã ngoại vào dịp cuối tuần.
Để trekking núi Hàm Lợn, du khách có hai lựa chọn, phụ thuộc vào sở thích và điều kiện sức khỏe. Cung đường thứ nhất khá an toàn, dễ đi với con đường mòn đất đỏ có độ dốc thoai thoải dẫn lên tới đỉnh. Du khách sẽ đi qua một khu rừng thông xanh rì, thoang thoảng hương tinh dầu của gỗ và lá thông, dưới chân là thảm lá dày mang lại cảm giác êm ái, thoải mái. Mỗi mùa, nơi đây lại mang một vẻ đẹp riêng. Vào mùa xuân, cây cối thay lá, bao phủ toàn bộ khu rừng là màu xanh non căng tràn nhựa sống. Mùa hè, sắc tím hoa sim bạt ngàn rừng núi. Mùa thu, hoa keo trổ vàng từng chùm đu đưa trong gió. Chớm đông, cả khu rừng bồng bềnh trong sắc trắng của lau…
Cung đường thứ hai dành cho những người ưa trải nghiệm mạo hiểm. Du khách sẽ men theo con suối chảy từ đỉnh núi, nhiều đoạn bị chắn ngang bởi những tảng đá lớn. Có những đoạn, du khách phải vượt qua những bụi cây rậm rạp, đòi hỏi phải có sức khỏe và kỹ năng để bảo đảm an toàn. Thời gian di chuyển theo cung đường này kéo dài 3 – 4 giờ. Tuy vất vả nhưng phần thưởng cho những người chinh phục được đỉnh núi là không gian yên bình cùng tiếng chim hót véo von. May mắn hơn, du khách sẽ được ngắm hoàng hôn buông xuống.
Du khách Trần Giang Quân (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi là người “nghiện” trekking, ưa các hoạt động mạnh. Dịch Covid-19 liên tục bùng phát khiến tôi không thể đi lại như trước. Vì thế, trước đợt dịch thứ 4, tôi và bạn bè đã tranh thủ 2 ngày cuối tuần để trekking núi Hàm Lợn. Tôi khá bất ngờ, không thể nghĩ rằng giữa Hà Nội ồn ào, sôi động lại có một nơi hoang sơ, thú vị đến thế”.
Các bạn trẻ chuẩn bị tiệc nướng BBQ bên hồ Núi Bàu.
Khơi dậy tiềm năng du lịch sinh thái
Không chỉ là địa điểm lý tưởng cho những tín đồ ưa hoạt động thể thao mạo hiểm, núi Hàm Lợn còn là địa điểm cắm trại, dã ngoại ưa thích của nhiều bạn trẻ. Dưới chân núi có hồ Núi Bàu quanh năm nước xanh trong vắt, phẳng lặng như tấm gương soi bóng mây núi, tạo nên khung cảnh thanh nhã như bức tranh thủy mặc. Vào mùa nước cạn, nơi đây là địa điểm hoàn hảo để cắm trại qua đêm. Du khách có thể hạ trại ngay trên những doi đất sát mép hồ và thưởng thức tiệc nướng BBQ bên bạn bè. Ngoài ra, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động khác như chèo SUP (ván đứng), chèo thuyền kayak hay câu cá thư giãn… Nhờ những trải nghiệm thú vị và phong cảnh thiên nhiên hữu tình, núi Hàm Lợn và hồ Núi Bàu ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, được nhiều người biết đến.
Hiện nay, một số hộ dân sinh sống ở khu vực xung quanh núi Hàm Lợn đã chuyển hướng sang kinh doanh các dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch, cắm trại tại đây. Chị Nguyễn Thu Trang, chủ cửa hàng Trang Thiều Camping chia sẻ: “Gia đình tôi có đầy đủ các trang thiết bị, đồ dùng cần thiết cho hoạt động dã ngoại như lều, thảm lót, túi ngủ, bếp nướng, thực phẩm tươi, đồ uống… để phục vụ nhu cầu của du khách. Mỗi khi cho khách thuê đồ, chúng tôi đều nhắc nhở khách phải có ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan và thu gom rác đúng nơi quy định. Những đoàn không thể thực hiện việc này, chúng tôi sẽ hỗ trợ, thu 10 nghìn đồng/người. Chúng tôi luôn xác định rằng muốn có sinh kế bền vững từ phát triển dịch vụ, du lịch thì phải bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên nơi đây”.
Trong hành trình tham quan, khám phá núi Hàm Lợn, du khách có thể kết hợp thăm một số điểm đến lân cận như hồ Đồng Đò, hồ Hoa Sơn, thung lũng Xanh – hồ Kèo Cả, núi Đôi, Việt Phủ Thành Chương hay Khu du lịch sinh thái Bản Rõm… Đây đều là những điểm đến lý tưởng và là nền tảng để huyện Sóc Sơn đẩy mạnh việc phát triển mô hình du lịch sinh thái đầy tiềm năng.
Trải nghiệm hoang sơ tại Chênh Vênh (Quảng Trị)
Thôn Chênh Vênh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nằm sát đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, được bao bọc bởi sông suối, đồi núi và đặc biệt là cánh rừng Chênh Vênh.
Video đang HOT
Với vẻ đẹp nguyên sơ và nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Vân Kiều, nơi đây có tiềm năng lớn về phát triển du lịch sinh thái, du lịch gắn với phát triển rừng. Đến Chênh Vênh du khách sẽ được về với thiên nhiên và trải nghiệm Thác chênh Vênh về với thiên nhiên.
Gác lại những bộn bề của công việc, tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi quyết định lang thang, trải nghiệm vùng đất miền Tây tỉnh Quảng Trị bằng đường bộ từ hướng Quảng Bình. Từ thành phố Đồng Hới theo đường Hồ Chí Minh nhánh Đông chạy ngược về phía Nam khoảng 43km đến ngã tư Thạch Bàn, rẽ theo Quốc lộ 15 thêm 25km nữa thì gặp đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.
Hành trình đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến Thác Tà Puồng
Từ đây, con đường quanh co giữa núi rừng của khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong phía Quảng Bình và khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa phía Quảng Trị ngút ngàn rừng cây, thỉnh thoảng xuất hiện vài thác nước nhỏ bên đường mỏng manh như dải lụa trắng điểm xuyến trên nền xanh.
Đường vào thác Tà Puồng. Ảnh: Hoàng Bùi
Những con dốc lúc lên, lúc xuống dài miên man với biển mây bồng bềnh. Các điểm cao từ trên 800m trở thành vùng tiểu khí hậu trong lành có bốn mùa trong một ngày. Cả một quãng đường không thấy bóng người, chỉ có tiếng chim kêu, tiếng vượn hú và tiếng máy xe dội vào vách núi như độc thoại với thiên nhiên hoang vu.
Qua hết địa phận của khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, chúng tôi mới gặp lác đác vài bản làng xa xa bên các triền núi, những ngôi nhà sàn yên ắng, nằm lẻ loi dưới bóng nắng nhạt phếch, lộng gió núi.
Điểm dừng chân đầu tiên là cây cầu cùng tên bắc qua dòng Sê Păng Hiêng. Sông Sê Păng Hiêng ở miền tây Quảng Trị vẫn được xem là một dòng sông mang số phận "truân chuyên" khi chỉ cách Cửa Tùng chưa đầy 50km mà phải chảy ngược qua đất Lào, hành trình qua bao ghềnh thác mới trở về với sông cái Mê Kông rồi trở ngược lại đất Việt trước khi hòa mình vào biển lớn.
Vẻ đẹp thác Tà Puồng. Ảnh: Hoàng Bùi
Sông mùa này cạn nước, trơ trọi toàn đá lởm chởm có thể lội bộ. Cách chân cầu hơn 100m là ngã ba nơi dòng suối từ thác Tà Puồng đổ về cung cấp thêm nước cho sông. Ở huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị có hai dòng sông chảy ngược về phía mặt trời lặn, đó là dòng Sê Păng Hiêng và dòng Sê Pôn.
Từ cầu Sê Păng Hiêng đi khoảng 1km nữa, khách tham quan sẽ đến được thác Tà Puồng, đây là thác nước đẹp, hoang sơ và hùng vĩ bậc nhất của tỉnh Quảng Trị. Nghỉ ngơi, chụp vài tấm hình lưu lại kỷ niệm, chúng tôi tiếp tục vượt đèo Sa Mù.
Đỉnh đèo Sa Mù bốn mùa mây giăng. Ảnh: Hoàng Bùi
Chinh phục đỉnh Sa Mù
Đỉnh đèo Sa Mù cao hơn 1.000m, một đồng cỏ rộng khoảng 20ha, được người dân làm nơi chăn thả gia súc và làm nương rẫy. Đây cũng là điểm lý tưởng để ngắm mây bay giữa các đỉnh núi. Ngay dưới chân đèo Sa Mù là thôn Chênh Vênh thuộc xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Chỉ riêng mỗi cái tên thôi cũng đã cuốn hút lắm rồi. Mới nghe qua, đã thấy chông chênh, chơi vơi như những đám mây bay qua đỉnh Sa Mù.
Trải nghiệm Chênh Vênh
Thôn Chênh Vênh có diện tích 1.500 ha, với 130 hộ, 440 khẩu, 100% cư dân là người Vân Kiều. Thôn nằm sát đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, được bao bọc bởi sông suối, đồi núi hoang sơ, hùng vĩ và đặc biệt là bởi cánh rừng Chênh Vênh.
Gặp gỡ, tiếp xúc với những người cao tuổi trong thôn, chúng tôi được kể lại rằng, rừng Chênh Vênh đã tồn tại dưới chân núi Sa Mù hàng trăm năm rồi. Thời chiến tranh, cánh rừng này còn là rừng nguyên sinh, gần như chưa có bước chân người đặt tới.
Vẻ đẹp hoang sơ của thác Chênh Vênh. Ảnh: Hoàng Bùi
Đến khi cộng đồng người Bru - Vân Kiều về sinh sống dọc con suối Chênh Vênh chạy cắt ngang giữa khu rừng, thì khu rừng này trở thành rừng thiêng và được gọi tên theo tên con suối.
Người Vân Kiều sống nhờ rừng, thức ăn cũng từ rừng, nước uống cũng từ rừng nên không ai dám xâm phạm vào rừng. Nhưng người từ nơi khác đến đã từng bước phá hoại khu rừng. Trước thực tế ấy, từ năm 2017, UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã giao cho thôn Chênh Vênh quản lý gần 700ha. Từ đó đến nay, diện tích rừng này đã phát triển rất tốt, từng bước hạn chế tình trạng phá rừng. Không phải ngẫu nhiên mà từ 5 năm qua rừng Chênh Vênh đã trở thành khu rừng bền vững và có giá trị cao.
Rêu xanh bên suối Chênh Vênh. Ảnh: Hoàng Bùi
Chúng tôi đã rất bất ngờ khi biết được rừng Chênh Vênh là cánh rừng đầu tiên tại Việt Nam do cộng đồng bà con Vân Kiều quản lý được cấp chứng chỉ chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC (một chứng chỉ có 10 bộ nguyên tắc với gần 200 nguyên tắc và tiêu chí của Hội đồng Quản trị rừng thế giới Forest Stewardship Council - FSC - một tổ chức phi chính phủ quy mô toàn cầu có trụ sở tại Đức biên soạn).
Cây cổ thụ trong rừng Chênh Vênh. Ảnh: Hoàng Bùi
Cơ sở để thôn Chênh Vênh nhen nhóm ý tưởng làm du lịch từ rừng bắt nguồn như thế. Nhưng dấu ấn "nâng tầm" du lịch sinh thái ở đây là việc Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCVN), phối hợp UBND xã Hướng Phùng tổ chức khai trương tour du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở thôn Chênh Vênh. Đây là tour du lịch gắn với phát triển rừng, kết hợp tìm hiểu đời sống người dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều.
Nấm mọc trên các thân gỗ mục trong rừng Chênh Vênh. Ảnh: Hoàng Bùi
Bà con Chênh Vênh làm du lịch cộng đồng
Biết chúng tôi có ý định đi tham quan, tìm hiểu quanh thôn, anh Hồ Văn Nhân, thành viên ban quản lý rừng cộng đồng vui vẻ nhận lời dẫn đường. Điểm đến đầu tiên là rừng Vầu (tên người dân dùng để gọi rừng tre), bước qua lối mòn nhỏ bên đường, du khách sẽ như lạc vào một không gian của phim trường cổ trang nào đó, mênh mông, bạt ngàn toàn tre, thẳng tắp.
Bạt ngàn rừng tre thẳng tắp. Ảnh: Hoàng Bùi
Anh Hồ Văn Nhân cho biết thêm, bên cạnh những khu vực chỉ có cây thuần chủng như rừng Vầu này thì rừng Chênh Vênh còn có rất nhiều loại cây thảo dược quý được người dân địa phương lấy về chữa bệnh thông thường và dùng hằng ngày trong sinh hoạt như lá quế, lá vằng, cỏ máu...
Ấn tượng đến nỗi cứ bước được vài bước, người trải nghiệm lại đứng chụp hình, có lẽ cũng vì muốn giới thiệu thêm nhiều điểm tham quan của quê hương nên người dẫn đường luôn miệng giục. Do đó, dù chỉ mới đi được vài trăm mét nhưng lại mất hơn một giờ nên chúng tôi đành quay ra để đến điểm tham quan thứ hai. Đó là suối Chênh Vênh với điểm nhấn là thác nước.
Bà con trong thôn đã cải tạo làm thêm các cầu tre để lên xuống suối được dễ dàng. Chúng tôi quan sát thấy còn có nhiều lán được dựng bằng tre làm chỗ nghỉ chân phục vụ ăn uống cho du khách. Loanh quanh một hồi thì mặt trời cũng đã xế bóng, người viết và Nhân quyết định quay về. Điểm lưu trú tối có tên là xóm Rờ Vê. Những người có ý tưởng lập nên tour du lịch này cũng đã hỗ trợ cải tạo một số nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều để xây dựng thành homestay phục vụ khách du lịch.
Xóm Rờ Vê, nơi bà con Vân Kiều đón khách. Ảnh: Hoàng Bùi
Du khách có thể lựa chọn ngủ trong nhà sàn hoặc ngủ lều trên đỉnh đồi Sa Mù để ngắm bình minh. Cải tạo nhà sàn truyền thống, quầy trưng bày nông sản, hệ thống nước sạch, nhà tắm sử dụng năng lượng mặt trời, tập huấn kỹ năng làm du lịch, thành lập đội quản lý và bảo vệ du lịch... cho người dân. Khoảng sân rộng ở giữa dùng để tổ chức sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các lễ hội truyền thống của người dân...
Bà con địa phương chế biến món ăn cho khách. Ảnh: Hoàng Bùi
Với 100% cư dân ở làng là người Vân Kiều nên nét văn hóa truyền thống còn rất "đậm đặc" để hút khách khám phá, tìm hiểu. Tùy vào từng thời điểm trong năm, du khách có thể được chứng kiến các lễ hội đặc sắc của người Vân Kiều như Lễ hội mừng lúa mới, lễ cúng Trời, lễ hội mừng làng mới, lễ hội cồng chiêng... Cùng với đó, là các phong tục tập quán truyền thống, các làn điệu dân ca như Oát, Tà Oải, Cha Chấp, Ka Lơi, A Dên... và nhiều nghề thủ công truyền thống của người Bru Vân Kiều như đan lát, nấu rượu men lá.
Buổi tối, những món ẩm thực như xôi nếp rẫy, gà, heo nướng, các món rau rừng, măng luộc, bắp chuối rừng luộc... được mang ra đãi khách. Du khách sẽ say sưa với những món ăn dân dã, ngất ngây với rượu men lá, chìm đắm trong tiếng đàn ta lư giữa núi rừng...
Đặc sản núi rừng bà con Vân Kiều dùng để đón khách. Ảnh: Hoàng Bùi
Sau bữa sáng với tô mì tôm trứng, chúng tôi thu dọn hành lý tạm biệt bà con để tiếp tục hành trình quay về. Lưu luyến cảm xúc về Chênh Vênh cùng mô hình du lịch sinh thái đang dần hình thành với bà con Vân Kiều dưới chân đèo Sa Mù. Để rồi dự cảm một tương lai không xa, Chênh Vênh chỉ là tên gọi của thôn làng chứ không còn là hiện thực cuộc sống. Chênh Vênh sẽ là điểm đến có sức hút đối với du khách xa gần.
Thi vị Tam Đường, Lai Châu Sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thiên nhiên và là điểm đến lý tưởng của những du khách yêu thích du lịch mạo hiểm, khám phá bản sắc văn hóa của các tộc người, cũng như tận hưởng cuộc sống bình yên nơi miền sơn cước. Du khách trải nghiệm khám phá tại Cầu kính rồng mây Lai Châu Điểm...