Nữ tư lệnh khét tiếng Afghanistan đầu hàng Taliban
Bibi Ayesha chưa từng thất bại trong nhiều thập kỷ chiến tranh, nhưng ở tuổi 70, bà phải đầu hàng Taliban để đảm bảo tính mạng.
Trong cuộc xung đột kéo dài, bà Bibi Ayesha là một nữ “tư lệnh” hiếm hoi. Bà lãnh đạo đội quân bảo vệ khu đất của mình ở miền Bắc Afghanistan trước Taliban, những người thân của bà và thậm chí là chính quyền Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn.
Bước vào tuổi 70, sức khỏe đi xuống, thường xuyên ốm yếu và nằm liệt giường vì đầu gối không khỏe, bà Bibi Ayesha vẫn tự hào với thành tích bất bại trong nhiều thập kỷ chiến tranh. Người phụ nữ này được biết đến với bí danh “chỉ huy Kaftar” (Kaftar nghĩa là chim bồ câu trong tiếng Farsi), “vì bà giết kẻ thù với vẻ ngoài thanh lịch của một con chim”.
Ngày 15/10, Taliban tuyên bố những ngày tháng huy hoàng của bà Ayesha đã kết thúc. Chỉ huy Kaftar, cùng với đội quân của bà, đã đầu hàng Taliban, lực lượng này cho biết.
Bà Bibi Ayesha tại nhà riêng ở huyện Nahrin, tỉnh Baghlan, Afghanistan vào tháng trước. Ảnh: Mohammad Atif Aryan.
“Các quan chức của Ủy ban Mời đón và Hướng dẫn của chúng tôi đã chào đón họ”, Taliban tuyên bố.
Quan chức địa phương ở tỉnh Baghlan kiên cường, nơi bà Ayesha sinh sống, và những người thân của bà xác nhận hành động đầu hàng của chỉ huy. Họ nói đó là hành động để bảo toàn tính mạng. Thung lũng của bà Ayesha bị bao vây và các dân quân lân cận đã chuyển sang phe Taliban, vì vậy, bà không còn lựa chọn nào khác.
Mohammad Hanif Kohgadai, đại diện cho huyện của chỉ huy Kaftar tại hội đồng tỉnh Baghlan, nói bà Ayesha đạt được thỏa thuận thông qua một chỉ huy Taliban có liên quan đến gia đình bà.
“Taliban đã qua đêm tại nhà của chỉ huy Kaftar và ăn uống ở đó”, ông Kohgadai cho biết ngày 16/10. “Hôm nay, họ rời khỏi nhà, mang theo 13 vũ khí và các thiết bị quân sự khác”.
Video đang HOT
Một trong những người con trai của chỉ huy Kaftar nói rằng đây là thỏa thuận đình chiến hơn là đầu hàng.
“Đó chỉ là tin đồn. Mẹ tôi bị ốm”, Raz Mohammad, một trong ba người con trai còn lại của bà Ayesha, cho biết. Ba người con khác của bà đã thiệt mạng trong nhiều năm chiến tranh. “Bà ấy không tham gia Taliban. Chúng tôi không chiến đấu với Taliban nữa. Chúng tôi có vũ khí để bảo vệ mình khỏi kẻ thù”.
Biểu tượng của cuộc chiến
Việc đầu hàng của chỉ huy Kaftar không mang lại nhiều lợi ích cho Taliban về mặt quân sự. Tuy nhiên, đây là một chiến thắng về mặt tuyên truyền trước chính phủ Afghanistan đang gặp khó khăn. Điều này cho thấy trong cuộc chiến đẫm máu và bế tắc, một số người đã chuyển sang phe nổi dậy. Taliban đã tăng cường tiếp cận những người không có thiện cảm với chính phủ Afghanistan trong khi quân đội nước này phải chật vật vì Mỹ tiếp tục rút quân.
Với lực lượng từng buộc phụ nữ phải ở nhà khi lên nắm quyền vào những năm 1990, việc liên minh với một nữ chỉ huy có thể gây ra khó khăn. Taliban vẫn chưa đưa ra bất kỳ lập trường chi tiết nào trong các cuộc đàm phán hòa bình về vai trò của phụ nữ trong chính phủ tương lai. Tuy nhiên, thứ khiến bà Ayesha chuyển phe dễ dàng hơn là việc bà chỉ huy hàng trăm người đàn ông trong một xã hội cực kỳ bảo thủ và áp bức phụ nữ.
Hành động đầu hàng của bà cũng cho thấy lỗ hổng lớn hơn của chính phủ Afghanistan. Hệ thống phòng thủ của nước này một phần phụ thuộc vào hàng nghìn lực lượng dân quân. Những lực lượng này thường xuyên vướng vào các mối thù với nhau, lạm dụng quyền lực tại địa phương và từng đổi phe.
Tổng thống Ashraf Ghani đã đưa ra nhiều tín hiệu trái chiều về lực lượng dân quân trong những năm qua.
Lực lượng đặc biệt của Afghanistan tại địa điểm xảy ra vụ tấn công ở tỉnh Baghlan vào năm 2019. Ảnh: Reuter s.
Khi nhậm chức vào cuối năm 2014, ông Ghani đã cố gắng tiêu diệt các lực lượng dân quân. Trước thái độ thù địch của tổng thống, các chỉ huy dân quân từ chối chiến đấu với Taliban và mở đường cho lực lượng nổi dậy hành quân vào thành phố Kunduz.
Trong những năm gần đây, khi quân đội Afghanistan và cảnh sát chật vật chống lại các cuộc tấn công của Taliban với lực lượng mỏng manh, ông Ghani phải chấp nhận lực lượng dân quân. Trong mùa hè, tổng thống Afghanistan công khai nói về việc “đầu tư nhiều hơn” vào một số lực lượng dân quân để làm phòng tuyến.
Những gì chỉ huy Kaftar trải qua nói lên một thực tế phức tạp ở Afghanistan. Nền dân chủ do Mỹ hậu thuẫn được xây dựng trên di sản của một cuộc xâm lược trước đó, những năm tháng vô chính phủ và sự cai trị của các “lãnh chúa”.
Chiến tranh hay mâu thuẫn gia đình?
Danh tiếng của bà Ayesha bắt đầu tăng lên khi bà giết chết các biệt kích đối thủ nước ngoài trong cuộc tấn công năm 1979. Từ đó, bà không hề hạ vũ khí xuống. Bà Ayesha đã xây dựng và nuôi dưỡng một lực lượng dân quân bảo vệ thung lũng – vương quốc nhỏ của bà. Ngay cả khi Taliban chiếm giữ phần lớn lãnh thổ Afghanistan vào những năm 1990, bà vẫn giữ vững thung lũng trước lực lượng nổi dậy.
Bà Ayesha thường kể lại việc đã chế nhạo chỉ huy Taliban ở tỉnh Baghlan với lời đề nghị mà cả hai bên đều không có lợi. Nếu bắt được người này, bà Ayesha sẽ chế nhạo ông ta bằng cách để ông ta ngồi trên một con lừa đi quanh thành phố và mọi người sẽ cười cợt người chỉ huy vì bị phụ nữ đánh bại. Còn nếu bà bị bắt? Cả thị trấn sẽ chỉ trích chỉ huy Taliban vì đã bắt một phụ nữ.
Sau cuộc đổ bộ của Mỹ vào năm 2001, chính phủ Afghanistan chuyển sang giải giáp các lực lượng dân quân như của bà Ayesha. Bà và nhiều chỉ huy dân quân khác đã chống trả. Khi được hỏi về việc chính phủ muốn tước vũ khí, bà nói: “Nếu họ đến, bạn sẽ thấy những gì tôi sẽ làm với chính phủ”.
Ngay cả ở thủ đô Kabul, bà cũng được tôn vinh như một anh hùng chống Taliban và là nguồn cảm hứng cho phụ nữ. Cựu lãnh đạo nhân quyền Afghanistan đã tham dự lễ chào mừng bà Ayesha do phó tổng thống Afghanistan tổ chức.
“Cuộc chiến này sẽ không kết thúc trong hòa bình – chỉ có Chúa, hoặc cây súng Kalashinkov xinh đẹp này mới có thể giải quyết được nó”, bà từng trả lời phỏng vấn với vũ khí đặt trên đùi. “Taliban không có khả năng thay đổi hoặc cải cách”.
Một người đàn ông Afghanistan xem đống đổ nát của một chiếc ôtô tại địa điểm xảy ra vụ nổ bom xe tải ở huyện Ghani Khel, tỉnh Nangarhar vào ngày 3/10. Ảnh: Reuters.
Mặc dù 20 thành viên gia đình bà Ayesha thiệt mạng trong cuộc chiến với Taliban, phần lớn cuộc chiến của bà trong những năm gần đây liên quan đến mâu thuẫn gia đình.
Một số mâu thuẫn, bao gồm cả cuộc chiến với một trong những chị em gái của bà, đã kéo dài hơn hai thập kỷ với nhiều người chết ở mỗi bên. Trong mâu thuẫn kéo dài khác, bà đuổi một người họ hàng ra khỏi thung lũng sau nhiều thương vong ở cả hai bên. Nhiều năm sau, người đàn ông này quay trở lại với tư cách là chỉ huy của Taliban, lực lượng bà đã đầu hàng.
Tin tức về số phận của chỉ huy Kaftar đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là kết quả của cuộc đình chiến giữa hai gia đình, hay là sự đầu hàng của một chỉ huy dân quân trước thủ lĩnh Taliban. Ở những khu vực khác của Afghanistan, với ranh giới của các cuộc chiến ngày càng mờ nhạt, cả hai nguyên nhân đều như nhau.
“Chỉ huy Kaftar là một lãnh chúa già nua, một phụ nữ kiệt quệ”, nhà văn Jennifer Percy viết về bà Ayesha năm 2014 trên tạp chí The New Republic. “Cô đơn, bà ấy sống sót nhờ sự chú ý, nhờ khả năng khơi dậy nỗi sợ hãi thông qua sức mạnh từ huyền thoại của chính bà. Ở Afghanistan, huyền thoại rất mạnh, thậm chí có thể mạnh hơn cả năng lực quân sự”.
Taliban từ chối công nhận Chính phủ Afghanistan
Lực lượng Taliban tại Afghanistan ngày 15/8 tuyên bố không công nhận Chính phủ được bầu tại nước này là một hệ thống hợp pháp.
Động thái của Taliban được đưa ra ngay trước thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan.
Một nhóm người cầm theo cờ của Taliban tại Kabul, Afghanistan. Ảnh minh họa Reuters.
Trong một phát ngôn chính thức, lực lượng Hồi giáo này cho rằng Chính phủ ở Kabul là một 'cấu trúc nhập khẩu từ phương Tây' nhằm duy trì sự chiếm đóng của Mỹ. Còn trong một cuộc phỏng vấn với báo Hamshahri của Iran, người phát ngôn của Taliban Suhail Shaheen khẳng định, lực lượng này là 'người chiến thắng trong cuộc chiến', và nhóm này chỉ tham gia các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan để hoàn tất mục tiêu xây dựng một Chính phủ Hồi giáo tại nước này.
Đại diện của Taliban cũng tuyên bố sẽ đàm phán với mọi thành phần tại Afghanistan chứ không chỉ riêng Chính phủ. Phản ứng trước thông tin này, Phủ Tổng thống Afghanistan cho rằng Taliban đang lãng phí thời gian và đưa ra những lời bào chữa không phù hợp. Các quan chức Chính phủ Afghanistan đồng thời kêu gọi Taliban chấp nhận Chính phủ là một đối tác đàm phán chính.
Tuyên bố của Taliban được đưa ra ít ngày sau khi Quốc hội Afghanistan bỏ phiếu thông qua việc phóng thích 400 thành viên Taliban đang bị giam giữ trong các nhà tù của Chính phủ. Đây được coi là cử chỉ thiện chí của chính quyền Kabul nhằm khởi động các cuộc đàm phán trong nội bộ Afghanistan.
Việc phóng thích tù nhân là một trong những rào cản cuối cùng nhằm khởi động lại các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan, giữa Chính phủ được quốc tế công nhận và Taliban. Chính phủ Afghanistan tuyên bố đã phóng thích hơn 4.600 tù nhân Taliban kể từ tháng 2, theo đúng như các điều khoản Thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban./.
Nhà đàm phán bị ám sát ở Afghanistan trước cuộc họp với Taliban Fawzia Koofi, nhà hoạt động nữ quyền và thành viên đoàn đàm phán hòa bình với Taliban, bị ám sát nhưng may mắn chỉ trúng đạn ở cánh tay. Giới chức Afghanistan cho biết bà Fawzia Koofi bị thương trong một vụ ám sát. Bà là cựu đại biểu quốc hội, nhà hoạt động nữ quyền nổi tiếng tại quốc gia Trung Á...