Nữ tội phạm giết người trẻ nhất và thời gian thi hành án ngắn nhất
Phan Thị Thanh Hương lập cập đưa tay vào còng số 8 khi chưa tròn 17 tuổi và đang là nữ sinh lớp 11 chuyên văn trường THPT Đông Thụy Anh khi đâm chết bà hàng xóm. 10 năm tù giam là cái giá phải trả cho hành vi nông nổi của tuổi trẻ. Khi đó cô là một nữ tội phạm giết người trẻ tuổi nhất của trại giam. Phan Thị Thanh Hương đã được đặc xá trước thời hạn 3 năm cùng với 2 cái nhất: là người tích cực hoạt động nhất và được đặc xá trong thời hạn ngắn nhất.
Chiếc còng số 8 trong ngày lễ tình nhân
Nhớ lại bi kịch của đời mình, Hương vẫn còn bùi ngùi. Đó là ngày lễ tình nhân năm 2005. Trước đó một ngày, đám con gái lớp văn của Hương rủ nhau mua hoa bán nhân dịp lễ tình nhân. Tối 13-2, đám cưới anh trai Hương nên các bạn đến chơi và tiếp tục bàn về kế hoạch của mình. Gần 10h đêm, cả lũ kéo nhau ra về, Hương tiễn các bạn ra đến cổng, mọi người đùa cợt với nhau. Đúng lúc ấy, bà hàng xóm đi qua khó chịu “con gái mới tí tuổi đầu cứ xí xa xí xớn, không uốn nắn rồi mai mốt lại hỏng thôi”. Đang vui vẻ, bị bà hàng xóm nói vậy khiến Hương tái mặt xấu hổ với các bạn cùng lớp. Sau đó, mọi người ra về, Hương vào nhà nhưng trong lòng vô cùng tức tối.
Hôm sau, cô bé vẫn ra trường cùng các bạn chuẩn bị hoa để bán. Lúc gói hoa, một bạn phát hiện quên mang kéo nên bảo Hương “mày nhà gần, chạy về lấy cho nhanh”. Chẳng nghĩ ngợi gì, Hương chạy như bay về nhà. Khi cầm chiếc kéo đi qua nhà hàng xóm, thấy bà đang đứng ở sân, nghĩ đến mấy lời xúc phạm đêm trước, Hương rẽ luôn vào nhà bà thay vì ra chỗ bán hoa. Lúc đó, Hương chỉ có ý định nói chuyện bình thường để lần sau bà hàng xóm không nói mình trước bạn bè nữa. Bà hàng xóm tỏ vẻ giận giữ “Mày dạy khôn tao à? Tao có nói sai không?”. Lời qua tiếng lại, Hương và bà xông vào đánh nhau. Trong khi đang giằng co, chiếc kéo trên tay Hương vô tình trở thành hung khí đâm thẳng vào cổ người hàng xóm. Nhìn bà lão mắt trợn ngược, miệng mấp máy kêu cứu, Hương buông tay, lùi dần ra cổng và bỏ chạy cùng với tiếng nấc nghẹn vì sợ hãi.
Cùng với tiếng kêu thất thanh thì màu đỏ sẫm của máu đã trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp trong đầu cô gái tuổi 17. Bước chân xiêu vẹo, cô bé chạy như vô định, vừa chạy vừa khóc vừa tự trách mình “Tôi vừa giết người, vừa giết người rồi…”. Khi bước chân vào một ngôi nhà, Hương chui vào góc sâu nhất để trốn. Lúc đó Hương nghĩ rằng, nếu trốn ở đó, mọi người sẽ không tìm ra em.
Thế nhưng, đó không phải là một vụ đùa nghịch của mấy đứa trẻ mà là một vụ giết người, dù chỉ là ngộ sát. Vậy nên, Hương có trốn đến đâu cũng không thoát tội. Chưa đầy một tiếng đồng hồ sau, cả làng xôn xao, người nọ truyền tai người kia về việc “Con Hương giết người rồi bỏ trốn”. Mẹ Hương chạy dọc đường làng tìm con, tiếng gọi khàn đặc.
Tiếng kèn trống nổi lên trong đám ma bà hàng xóm lẫn trong tiếng rú inh ỏi của còi xe công an. Hương bị bắt ngay trong buổi chiều 14-2. Ngày lễ tình nhân, thay vì hoa hồng, sô cô la và nến, món quà Phan Thanh Hương nhận được là chiếc còng số 8 lạnh lẽo. Nhiều người tiếc nuối cho cô gái tuổi trăng tròn đẹp nổi tiếng của Thái Thụy
Video đang HOT
Trả nợ cuộc đời
Cả làng đổ ra xem khi Hương bị đưa ra xe như một tên tội phạm. Tiếng bàn tán xôn xao kèm theo cả những lời nhiếc móc. Hương bảo rằng “lúc bước chân lên xe, cô nghe giọng ai đó nói rằng giết người sẽ bị tử hình nên Hương rất sợ, cô sợ sẽ không được gặp lại bố mẹ nữa”. Công an phải rất vất vả lắm mới đưa được Hương lên thùng xe. Khi cánh cửa khép lại, Hương đã nghĩ “Mình sắp chết thật rồi” nên cố nhoài người ra ngoài ngóng tìm bố mẹ và anh trai. Không thấy bố mẹ và anh trai đâu, Hương vừa lo vừa khóc. Cô không hề biết rằng, giây phút cô được đưa đi cũng là lúc cả gia đình mình đang bị bủa vây bởi những lời chửi rủa của thiên hạ.
Với những người nông dân chân lấm tay bùn và chưa một lần đối diện với pháp luật. Nay có con gái giết người và nghe đâu nó sẽ bị tử hình nên bố mẹ Hương ngất lên ngất xuống. Mẹ Hương không thể gượng dậy ăn nổi bát cơm còn bố thì đôn đáo vay tiền để khắc phục hậu quả mà con gái đã gây ra mong vớt vát chút tình cảm láng giềng. Khi được luật sư cho biết “Cháu Hương phạm tội lần đầu và là tội ngộ sát, lại đang ở trong tuổi vị thành niên nên sẽ không bị tử hình”. Mẹ Hương như người chết đuối vớ được cọc khi nghe câu nói ấy, bà gượng dậy giục chồng đi tìm người cứu con.
Cuối cùng, Hương bị kết án 10 năm tù giam. Được nói lời sau cùng ở tòa án, Hương đã khóc xin lỗi gia đình nạn nhân. Điều làm Hương hối hận nhất là trong phiên xử ấy gia đình nạn nhân không một lời trách móc, không một lời xỉ nhục như những kẻ giết người khác. Lúc ấy Hương khóc rất nhiều. Cô bảo rằng “em là người gây ra tội ác nhưng vì gia đình nạn nhân quá tốt nên món nợ em phải trả cũng nhẹ hơn phần nào”.
Hương luôn bị ám ảnh bởi phiên tòa xét xử mình. Khi tòa kết thúc, mọi người về hết, còn Hương đi giữa hành lang tòa án, cô đơn đến cùng cực. Bố quá thương nhưng không đủ can đảm để chạy theo nhìn con bước lên chiếc xe chở tù nhân. Dáng mẹ cô liêu xiêu chạy trong chiều lạnh, nước mắt giàn giụa kéo tay áo con gái dặn dò “Nhớ cải tạo tốt để được giảm án con nhé”. Sau phiên tòa ấy, Hương được đưa thẳng vào Trại giam Thanh Phong (Thanh Hóa)..
Phục thiện
Vốn được yêu chiều từ nhỏ, bố mẹ lại rất thương con nên Hương gần như không phải làm gì. Ngoài việc học và giúp mẹ trông coi cửa hàng ăn uống thì việc cô con gái làm gì cũng luôn được gia đình ủng hộ. Vậy nên, khi vào sống trong trại giam đi đâu cũng bị quản thúc, lại phải làm việc theo quy định nên với Hương như một cực hình. Cô luôn trong tình trạng chán nản. Cái chết của bà hàng xóm càng ám ảnh tâm trí Hương nhiều hơn. Nhiều đêm mất ngủ triền miên, lo lắng cho một tương lai mịt mờ nên có lúc Hương tính chuyện tự tử.
Nhìn gương mặt trẻ măng nhưng luôn luôn lo lắng của nữ phạm nhân mới, các cán bộ trong trại thường xuyên gặp gỡ, động viên. Hương bảo cô sẽ nhớ mãi câu nói của quản giáo dành cho mình “Ai trong đời cũng có sai lầm, quan trọng là mình biết vượt qua sai lầm ấy để sống có ý nghĩa hơn. Hôm nay, có thể một cánh cửa đã đóng lại nhưng ngày mai, sẽ có một cánh cửa khác mở ra”.
Những ngày sau đó, Hương để ý đến xung quanh hơn, nghĩ về gia đình nhiều hơn. Và từ đó, Hương thôi nghĩ quẩn mà cố gắng để cải tạo tốt. Tết Nguyên đán năm 2009, Hương đã ngồi cặm cụi hàng ngày gắn từng viên đá nhỏ tạo nên một bức tranh đá quý tuyệt đẹp để gửi tặng gia đình. Ngắm nhìn bức tranh Hương chỉ mong nó là cuộc sống, là niềm tin hướng thiện sau này của mình. Mỗi khi ngồi mài đá với các chị trong phân trại, Hương cứ hay tưởng tượng đến một ngôi nhà nhỏ do mình tự tay gắn nên để tặng bố mẹ.
Trước đây Hương từng nghĩ trại giam là một khu biệt lập, chỉ dành cho những kẻ man rợ, mất hết tính người nhưng khi vào đây, chứng kiến sự quan tâm của mọi người dành cho mình thì Hương hiểu “Ở đâu cũng có tình yêu thương nếu như mình sống tốt với người khác”.
Tình yêu từ trại giam
Trong trại Thanh Phong có một căng tin nhỏ. Thỉnh thoảng phạm nhân cải tạo tốt vẫn được ra đó mua thêm mấy món đồ lặt vặt. Hương cũng không ngoại lệ. Một lần, cô ra căng tin mua đồ và nhìn thấy chàng trai bán hàng cứ nhìn mình chăm chú. Ở lứa tuổi “dở dở ương ương” ấy, Hương bỗng thấy xấu hổ khi nghĩ “Chắc thấy mình nhỏ vậy mà mang án giết người nên họ khinh bỉ thôi”. Nhưng khi Hương ngồi xuống, anh mỉm cười hỏi “Em mới vào trại à?” Hương đáp qua quýt rồi lẳng lặng đứng dậy bỏ đi thật nhanh.
Rồi những lần sau, lần sau nữa… mỗi khi ra căng tin, cô lại gặp anh. Câu chuyện cũng trở nên dài hơn. Có lần Hương hỏi “Anh có ghét em không?”. Anh hỏi lại “Tại sao phải ghét?”. Hương đáp lí nhí “Vì em giết người”. Anh lắc đầu “Anh nghe chuyện của em rồi. Mọi người trong trại không ai ghét em đâu. Chỉ cần em chăm chỉ lao động và cố gắng cải tạo tốt thì sẽ được ra trại sớm”.
Nghe chàng trai nói, Hương cảm thấy được an ủi phần nào. Từ đó, cô tâm sự với anh nhiều hơn. Anh cũng giúp đỡ Hương nhiều trong quá trình cải tạo. Dần dần, cả hai cảm nhận được tình cảm mà đối phương dành cho mình. Khi anh ngỏ lời yêu, Hương im lặng rất lâu. Sở dĩ cô không dám nhận vì xấu hổ với bản thân và tự ti về hoàn cảnh gia đình ở quê. Trong khi đó, gia đình anh ở Hà Nội, anh có đủ điều kiện để tìm được những người con gái khác tốt hơn Hương nhiều lần.
Sự cố gắng của Hương đã được đền đáp xứng đáng khi dịp Quốc khánh năm 2011, Hương là một trong 180 phạm nhân của trại giam Thanh Phong được xét đặc xá. Lúc đầu cô chỉ nghe mang máng, nhưng đến ngày 31-8, khi danh sách được đưa xuống, cô vui mừng đến nỗi đứng khóc như mưa.
Hơn 3 năm ở Thanh Phong, Hương đã lớn lên, trưởng thành và biết suy nghĩ thấu đáo về cuộc đời hơn. Cho đến giờ, nhìn lại những năm tháng đã qua, Hương vẫn bảo với tôi rằng “Không ai mong mình vào trại giam nhưng khi vào rồi, em thấy mình trưởng thành lên rất nhiều bởi em chưa từng hình dung đến những vấp váp ấy. Qua đây em cũng mong sự cảm thông chia sẻ của mọi người đối với phạm nhân, những con người lầm lỗi, có thể là sự bồng bột như em hoặc có thể vì những cám dỗ của cuộc sống. Sẽ không có gì là muộn nếu mỗi phạm nhân biết yêu cuộc sống, yêu thương con người, trân trọng hạnh phúc. Và các bạn trẻ, hãy suy nghĩ và luôn làm chủ bản thân mình trong mọi tình huống để không phải ân hận và tiếc nuối khi đánh mất những năm tháng thanh xuân của chính mình. Em cảm ơn những năm tháng ở trại giam đã cho em thấy cuộc sống thật tuyệt vời với những tấm lòng nhân hậu mà nhờ họ em hiểu hơn giá trị cuộc sống”.
Hương sẽ nhớ mãi ngày hôm ấy, khi cánh cửa trại giam mở ra, lần lượt 180 người bước ra khỏi trại giam bỏ lại sau lưng những tháng ngày lầm lỗi. Bố mẹ, anh trai và gia đình bạn trai tới trại giam đón Hương từ sớm. Trút bỏ chiếc áo kẻ sọc, Hương hòa mình trong dòng người đông đúc. Nắng thu hôm ấy trong vắt.
Theo ANTD
Con đường hoàn lương: Ngày về của ông lão...
Con cháu đề huề, gần cuối đời ông Sinh lại "đâm hư". Hơn một năm nếm trải cuộc sống nơi trại giam, ông lão thấm nỗi dày vò. Với phạm nhân này, 2-9 năm nay khắc dấu ấn trong chuỗi ngày ngắn ngủi còn lại.
Chuyện không muốn vẫn phải nhắc...
Cho đến giờ, tôi còn nhớ như in hình ảnh bà Nguyễn Thị N (vợ của bị cáo Lê Xuân Sinh, 75 tuổi, trú tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Khi ấy, nghe vị chủ tọa tuyên chồng mình 9 năm tù về tội "Hiếp dâm trẻ em", bà đứng như trời trồng. Ở cái tuổi "xưa nay hiếm", nếu chấp hành bản án này, ông Sinh hẳn rũ tù quãng đời còn lại. Suốt phiên xử, người đàn bà ấy đau đáu nhìn về phía chiếc vành móng ngựa, nước mắt lã chã. Bà không chỉ là thân nhân của bị cáo mà còn là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bao năm chung sống, bà N không ngờ, ở tuổi "xế chiều", cảnh nhà lại u ám thế này. Chuyện đã vậy nhưng trong mắt bà, ông vẫn là một người chồng tốt. Ông từng một tay lo cho vợ và 6 đứa con. Ngày ông nghỉ hưu, đôi vợ chồng già lấy nghề làm chổi tìm thú vui. Chứ sinh hoạt phí đã có tiền cho thuê dãy nhà trọ. Mà mọi chuyện cũng từ cái khu nhà trọ ấy:
Theo bị hại, tháng 10-2007, họ thuê nhà của vợ chồng ông Sinh. Hai mẹ con chị M bán quán nước trên vỉa hè đường Mễ Trì. Cháu Hương thường được mẹ sai vào nhà ông Sinh mua đá. Những lần đó, cô bé đã bị ông lão "cướp tình". 12 tuổi, Hương nom phổng phao. Cô bé tỏ ra dạn dĩ và trả lời rành rọt các câu hỏi của HĐXX. Bị hại nói, mỗi lần "gần gũi", ngoài cho quà hoặc ít tiền, ông Sinh còn đe, nếu hé răng nửa lời, sẽ kể cho mọi người biết chuyện. Sợ xấu hổ nên cô bé giấu mẹ.
Còn ông Sinh, dáng vẻ tiều tụy, râu, tóc bạc trắng. Thi thoảng, ông lão vớ chiếc khăn mặt vắt trên vành móng ngựa để lau mồ hôi. Sự căng thẳng lộ rõ trên khuôn mặt khắc khổ, già nua. Bị cáo cho rằng, tuổi thế này rồi, không còn hơi sức để làm "chuyện ấy". Nhưng cơ quan giám định lại có căn cứ ngược lại. "Nếu ông không có tội, sao ông lại chủ động bồi thường 200 triệu đồng?" - tòa hỏi, ông Sinh đáp: "Các con góp tiền bồi thường mong tôi đỡ phải tù tội, tôi không biết việc này".
Dĩ nhiên, bị cáo kháng cáo và phiên tòa phúc thẩm, TAND TC đã giảm án cho ông Sinh xuống còn 5 năm tù.
Ông Lê Xuân Sinh là một trong số 182 phạm nhân của Trại giam Vĩnh Quang được đặc xá đợt 2-9-2011
Phạm nhân cao tuổi nhất được đặc xá
Trong cái nóng còn sót lại của mùa hè, chúng tôi tới thăm Trại giam Vĩnh Quang, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc, vào một ngày cuối tháng 8. Dịp này, Trại đang tưng bừng chuẩn bị cho lễ đặc xá nhân ngày Quốc khánh 2-9-2011.
Ông Sinh: Tôi tên Lê Xuân Sinh, 75 tuổi, quê ở Mễ Trì..."
Ông lão nói chưa dứt câu, tôi đã cắt ngang:
PV: Thì ra là bác. Không ngờ ở chốn này, cháu lại gặp "người quen".
Gọi là quen chứ thực ra tôi chỉ dự phiên tòa trên. Vẫn chòm râu ấy, vết lõm sâu trên trán ấy, nhưng xem ra khuôn mặt ông lão đầy đặn hơn. Không tăng cân sao được khi mà ở đây, ông Sinh không phải nghe những điều thị phi và được cán bộ trại giam chăm sóc chu đáo. Từ ngày chấp hành án ở Trại, phạm nhân này đã có được giấc ngủ sâu. Bữa ăn tuy đạm bạc nhưng ông thấy ngon và tận hưởng khí trời trong mát của Tam Đảo. Nếu không mất tự do, ông lão coi như mình đang nghỉ dưỡng. Sức khỏe yếu, ông Sinh không phải tham gia lao động. Ông điều trị tại trạm xá của Trại.
Hỏi chuyện cũ, ông Sinh nhớ nhớ, quên quên. Ông nói, vết thương ở trán như ma xui quỷ khiến đã biến ông thành con "quỷ ác". Xảy chuyện, vợ con thương ông nhiều hơn trách. Tháng nào, cả nhà cũng đánh xe lên thăm ông. Lần nào gặp, bà N cũng khóc. Nước mắt nhiều hơn lời nói. Ông buốt ruột lắm, lại vỗ về, động viên vợ.
Ông Sinh: Tôi vẫn nói với bà ấy, tôi không thể chết được đâu. Tôi còn phải sống mà bầu bạn với bà chứ.
Quên nhiều nhưng ông Sinh vẫn nhớ vườn cảnh của mình. Vướng vào vụ án, ông giao lại tâm huyết bao năm cho người con rể. Ngoài bầu bạn với vợ, điều ông Sinh mong muốn nhất khi rời Trại là bắt tay làm lại vườn "bonsai" của mình. "Khoe" vườn cây rộng vài ha, khuôn mặt ông lão rạng rỡ. Lấy cây làm thú vui cũng là tạo thu nhập, ông Sinh từng nay đây mai đó tìm giống và học cách cắt tỉa. Ông kể, đã lặn lội về Thái Bình, sang Thái Lan, Trung Quốc học kỹ thuật chăm, uốn thế cây cảnh. Ông cho biết, mình có thẻ hội viên sinh vật cảnh Việt Nam.
Nhắc đến ngày về, ông Sinh mừng nhưng tủi. Đến giờ, ông lão vẫn bị ám ảnh bởi những ánh mắt thiếu thiện cảm của những người xung quanh. Ngoài 70 phạm vào cái tội đó, nó như một vết nhơ khó rửa.
Ông Sinh: Coi như tôi đi nghĩa vụ đời mình.
Đã ăn một cái tết ở Trại, ông Sinh thèm sự ấm cúng của gia đình. Hôm nay là ngày Quốc khánh cũng ghi mốc ông đoàn tụ cùng vợ, con, cháu, chắt. Vì hồi hộp, phạm nhân này thức dậy từ sớm.
Trên đường về, ông sẽ ghé thăm người bạn tù - anh Nguyễn Hữu Quyết, đang chấp hành bản án 8 năm tù về tội "Trộm cắp tài sản". Anh Quyết mắc bệnh AIDS và đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Sinh: Gần 2 năm qua, anh Quyết luôn chia sẻ với tôi. Người ta nói: "Một miếng khi nói bằng một gói khi no", tôi mến anh ta từ lúc nào không hay.
Quý và cảm thông với người bạn tù, ông Sinh đã cho anh Quyết vay vài triệu đồng (vợ, con gửi tiền, ông để dành). Nói là cho vay thực ra là vay không hoàn lại. Giờ tiền bạc với ông lão không có ý nghĩa gì.
Chuyện mình, chuyện người, ông Sinh còn nhiều điều muốn giãi bày. Nhưng tiếng kẻng điểm giờ trưa đã vang và ông bạn tù phải dùng bữa cho đúng lịch.
Đại tá Trần Mạnh Hùng, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết, Trại đã tổ chức quán triệt sâu sắc đến toàn thể CBCS trong đơn vị về công tác đặc xá năm 2011 và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá về điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá năm 2011. Đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, văn phòng phẩm và các dụng cụ cần thiết phục vụ cho việc lập hồ sơ đặc xá; tổ chức giáo dục, tuyên truyền, phổ biến cho toàn thể phạm nhân hiểu rõ được điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá năm 2011. Sau đó, cán bộ quản giáo phụ trách đội phạm nhân tổ chức họp đội phạm nhân giới thiệu, bình xét và bỏ phiếu kín những phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá để đề nghị Hội đồng xét và đề nghị đặc xá của Trại xét duyệt.
Qua đó, tập thể đội phạm nhân giới thiệu, bình xét và cán bộ quản giáo đề nghị Hội đồng xét đặc xá của Trại xem xét là 306 phạm nhân. 124 trường hợp không được xét đợt này là do nghiện ma túy, bồi thường dân sự, án phí dân sự còn thiếu, thời gian cải tạo chưa đủ 1/3 mức án. Lần đặc xá này, gồm những phạm nhân phạm tội giết người, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp, lừa đảo, tham ô...
Trại giam Vĩnh Quang được thành lập năm 1965. Hiện, trại có 2075 phạm nhân. Trại nổi bật với công tác dạy nghề cho các phạm nhân (nghề mộc, may, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, khâu bóng, dán vàng mã, đóng gạch...). Mấy năm gần đây, Trại không có phạm nhân trốn trại. Bởi vậy, Trại giam Vĩnh Quang luôn là Đơn vị quyết thắng và vừa qua, trại được tặng Huân chương lao động hạng Ba.
Theo PLXH
Tâm sự người phụ nữ Lào trước giờ đặc xá Tham gia đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua cửa khẩu Việt - Lào, cùng với chồng, Xổm bị bắt giữ và tuyên án chung thân. Với sự cố gắng, cải tạo tốt, người phụ nữ này được giảm án rồi đặc xá. Ngồi ngay hàng ghế đầu cùng nhiều phạm nhân nữ khác trong hội trường lớn của Trại giam...