Nữ thành viên giáo phái từng chĩa súng vào tổng thống Mỹ
Sáng 5/9/1975, một cô gái đến gặp Tổng thống Gerald R. Ford với ý định bảo vệ rừng gỗ đỏ ở California. Thay vì bày tỏ ý kiến bằng lời, cô chĩa súng vào ông.
Trong ngày hôm đó, Lynette Fromme mặc áo trùm đầu màu đỏ, chen lên phía trước đám đông, chĩa súng ngắn vào Ford, người đứng cách cô một sải tay. Cô bóp cò, nhưng khẩu súng không nổ và Tổng thống Ford không hề hấn, còn cô gái bị bắt, nhưng câu chuyện về cuộc đời cô chứa nhiều điều phức tạp hơn một âm mưu ám sát. Cô gái là tín đồ của một trong những tên tội phạm khét tiếng nhất lịch sử Mỹ: Charles Manson.
Lynette Fromme ra hầu tòa ở California năm 1975. Ảnh: Bettmann.
Điều trớ trêu là khoảng 15 năm trước khi cố gắng ám sát Tổng thống Mỹ, Fromme từng được mời đến biểu diễn tại Nhà Trắng. Fromme sinh ngày 22/10/1948 tại Santa Monica, California, trong một gia đình trung lưu. Khi còn nhỏ, Fromme biểu diễn với nhóm nhảy nổi tiếng Westchester Lariats, lưu diễn ở Mỹ, châu Âu xuất hiện trên chương trình truyền hình vào cuối những năm 1950. Fromme được miêu tả là một cô bé năng động và ngoan ngoãn.
Tuy nhiên, khi gia đình chuyển đến Redondo Beach, California năm 1963, Fromme bắt đầu giao du với bạn xấu. Cô sử dụng rượu, ma túy và chểnh mảng học hành.
Năm 1967, ở tuổi 19, Fromme bỏ học đại học và bị đuổi ra khỏi nhà. Một ngày, Fromme đang ngồi trên lề đường thì gặp Manson bước xuống từ một chiếc xe buýt. Manson hỏi cô: “Bố mẹ em đã tống em ra ngoài phải không?”. Fromme ngay lập tức nghĩ Manson là một nhà ngoại cảm và đi theo ông này.
Charles Manson khi đó mới được thả từ nhà tù liên bang đảo Terminal, California. Fromme trở thành thành viên thứ hai của giáo phái được gọi là Gia đình Manson. Nhóm gồm khoảng 50 thành viên, hầu hết là phụ nữ trẻ thuộc tầng lớp trung lưu, nhiều người trong số họ bị cực đoan hóa bởi những lời rao giảng của Manson, bị lôi cuốn bởi văn hóa hippie và lối sống tập thể. Họ thường sử dụng thuốc gây ảo giác như LSD.
Manson rao giảng rằng ông ta là hiện thân của Chúa Jesus và ngày tận thế sẽ đến khi nổ ra chiến tranh chủng tộc giữa người da màu và da trắng ở Mỹ. Là người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, Manson tin rằng người da màu sẽ giết tất cả người da trắng, ngoại trừ Manson và “Gia đình” của ông ta. Thành viên giáo phái phải phục tùng Manson như chủ nhân. Ông ta quan hệ tình dục với các nữ thành viên.
Charles Manson trong tù ở California tháng 8/2017. Ảnh: Sở Cải tạo và Phục hồi Nhân phẩm California.
Fromme say mê những triết lý và thái độ sống của Manson, gọi ông ta là “độc nhất vô nhị”. Năm 1968, Gia đình Manson đến sống tại Trang trại Spahn bên ngoài Los Angeles, nơi từng được sử dụng làm bối cảnh quay nhiều bộ phim cao bồi viễn tây.
Không đủ tiền thuê nhà, Manson đạt được thỏa thuận với chủ trang trại George Spahn, 80 tuổi: Spahn có thể quan hệ tình dục với bất kỳ nữ thành viên nào trong Gia đình Manson, đổi lại, nhóm này được sống trong trang trại miễn phí. Fromme là người tình yêu thích của Spahn.
Năm 1969, Manson ra lệnh cho một số thành viên giáo phái sát hại nữ diễn viên Sharon Tate cùng bạn bè cô tại nhà riêng. Manson bị bắt và bị kết án tù chung thân. Ông ta chết trong tù năm 2017 vì bệnh.
Fromme được coi là không tham gia vào vụ giết người này nên không bị truy cứu. Sau khi thủ lĩnh vướng vòng lao lý, hầu hết thành viên Gia đình Manson từ bỏ sự ủng hộ với Manson, nhưng Fromme không bao giờ làm vậy. Khi Manson bị giam tại nhà tù Folsom, Fromme và nữ tín đồ Sandra Good chuyển đến sống tại Sacramento để được ở gần ông ta.
Năm 1972, Fromme chuyển đến hạt Sonoma và lại dính líu đến những người bạn xấu. Nhóm người mà cô sống cùng đã sát hại một cặp vợ chồng, khiến Fromme bị bắt và bị giam hơn hai tháng vì trong diện tình nghi. Fromme bác bỏ cáo buộc và cuối cùng được tuyên vô tội.
Fromme sau đó lại chuyển về sống với Sandra Good ở Sacramento và đắm chìm sâu hơn vào những giáo lý của Manson. Fromme đổi tên thành “Đỏ” còn Good thành “Lam”. Họ bắt đầu mặc áo khoác có màu sắc tương ứng để thể hiện tình yêu với rừng cây gỗ đỏ ở California và đại dương.
Nhờ xem thời sự, Fromme biết tin Tổng thống Gerald Ford sẽ phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Sacramento vào sáng 5/9/1975. Ford vừa yêu cầu quốc hội nới lỏng các điều khoản của Đạo luật Không khí sạch, và Fromme, một người yêu cây, lo sợ khói ô tô sẽ tàn phá rừng cây đỏ của California nên muốn đối chất với Tổng thống. Trung tâm hội nghị cách căn hộ của cô chỉ khoảng một km.
Fromme đeo một khẩu súng Colt vào chân trái, đi đến khu đất bên ngoài tòa nhà nghị viện bang, nơi Tổng thống Ford đến bắt tay người dân sau khi phát biểu vào buổi sáng. Cô lách người trong đám đông để chen lên phía trước, cho đến khi cách Tổng thống Ford vài bước chân rồi giơ súng lên.
Một mật vụ lập tức chụp lấy tay của Fromme rồi đẩy cô vào đám đông, trong khi các mật vụ khác vây xung quanh Ford để bảo vệ ông. Những người đứng xung quanh nói rằng họ nghe thấy tiếng “cạch”, nhưng không phát đạn nào được bắn ra.
Có 4 viên đạn trong hộp tiếp đạn của khẩu súng, nhưng không có viên nào trong buồng đạn. Khi Fromme bị các mật vụ khống chế, cô nói vài câu, dường như bày tỏ ngạc nhiên rằng khẩu súng “không nổ”. Tuy nhiên, năm 1980, Fromme nói rằng cô đã cố tình tháo viên đạn ra khỏi buồng đạn khi rời nhà vào sáng hôm đó. Các nhà điều tra đã tìm thấy một viên đạn trên sàn phòng tắm tại nhà cô.
Fromme trở thành người phụ nữ đầu tiên cố ám sát một tổng thống Mỹ. Ngày 19/11/1975, Fromme bị kết án tù chung thân. Năm 1987, Fromme vượt ngục trong hai ngày nhưng bị bắt lại. Dù vậy, Fromme sau này vẫn đủ điều kiện được ân xá và ra tù năm 2009.
Sau khi được trả tự do, Fromme chuyển đến Marcy, ngoại ô New York và sống cùng bạn trai, cũng từng bị kết án vì phạm trọng tội. Bạn trai bà là người hâm mộ Manson, đã viết thư tán tỉnh Fromme khi cả hai đang ở sau song sắt.
Fromme xuất bản hồi ký năm 2018. “Tôi có yêu Charlie không? Có chứ. Và tôi vẫn yêu. Chưa bao giờ hết yêu cả”, Frommen nói trong một bộ phim tài liệu của ABC tháng 4/2019, nhắc đến Manson.
Hàng xóm của Fromme tại New York mô tả bà “thân thiện, lịch sự” và sống lặng lẽ. “Họ không phải là những người khoe khoang về quá khứ”, một hàng xóm nói với các phóng viên New York Post đầu năm 2019.
Nhà của Fromme được trang trí đầy đầu lâu. Bạn trai của bà có một cây gậy bóng chày và ông nói với các phóng viên New York Post rằng ông không ngại sử dụng nó.
Cựu đặc vụ CIA 'xấu hổ' với cuộc tranh luận Trump - Biden
John Sipher, cựu nhân viên CIA, cảm thấy xấu hổ với những gì diễn ra trong cuộc tranh luận Trump - Biden, còn nhiều người Mỹ ví nó như "cuộc cãi lộn".
"Cả thế giới đang dõi theo. Là một người Mỹ, tôi cảm thấy thật xấu hổ", John Sipher, người từng phục vụ 28 năm tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), hôm nay đăng trên tài khoản Twitter của mình, sau khi cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên diễn ra giữa Donald Trump và đối thủ Joe Biden.
Trong cuộc tranh luận kéo dài hơn 100 phút vào tối 29/9 (sáng 30/9 giờ Hà Nội) tại hội trường Đại học Case Western Reserve ở Cleveland, hai đối thủ liên tục công kích, cướp lời nhau, khiến người cầm trịch Chris Wallace nhiều lần phải chật vật đề nghị Trump không ngắt lời đối thủ.
Wallace đặt một số câu hỏi chính trong tranh luận như Covid-19, biến đổi khí hậu hay báo cáo thuế của Trump, song dường như ấn tượng rõ nét ông để lại là hình ảnh "một trọng tài không thể quản nổi cầu thủ".
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc trong luận đầu tiên tại Cleveland, Ohio, hôm 29/9. Ảnh: AP.
"Đáng lẽ Wallace nên mang theo một chiếc còi hơi", tài khoản John Paczkowski bình luận, sau khi chứng kiến người dẫn chương trình này chật vật ngăn hai đối thủ "cắt vụn" thông điệp của nhau. Wallace thậm chí có lúc phải "cầu xin" Trump để yên cho Biden trả lời trọn vẹn câu hỏi trong hai phút.
"Trump rõ ràng áp dụng chiến lược ngắt lời để xem Biden có thể duy trì thông điệp và nói mạch lạc hay không. Đó cũng không phải chiến lược tồi", tài khoản Miriti Murungi bình luận.
Hai ứng viên đều dành quá nhiều thời gian công kích đối phương thay vì đưa ra những khác biệt trong chính sách, điều các cử tri muốn lắng nghe. Cuộc tranh luận bị cho là "hỗn loạn" dường như cũng khiến nhiều người dân Mỹ "ngán ngẩm".
Asha Rangappa, luật sư và là giảng viên cấp cao tại Đại học Yale, nói đùa rằng Wallace "không thể ngăn lũ trẻ đánh nhau", trong khi tài khoản Robert Allbritton ví cuộc tranh luận với "buổi họp qua Zoom tệ hại nhất lịch sử".
Những lần Trump ngắt lời Biden trong tranh luận. Video: CNN.
Nancy Cook, phóng viên Nhà Trắng của Politico, cũng cho rằng cuộc tranh luận không khác gì "buổi họp Zoom tệ hại", trong khi mọi thứ diễn ra quá nhanh và "quá khó để bắt kịp nội dung tranh luận".
CNN nhận định Tổng thống Trump là người lấn át trong cuộc tranh luận lần này, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ông là người chiến thắng. Trong khi đó, Trump đăng lên Twitter bức ảnh gồm ba người, ông một bên, Biden và Wallace một bên, ám chỉ ông phải "một chọi hai".
Cuộc tranh luận tiếp theo giữa Trump và Biden sẽ diễn ra ngày 15/10 tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Adrienne Arsht ở Miami và cuộc tranh luận thứ ba được tổ chức ngày 22/10 tại Đại học Belmont ở Nashville.
Thư của Bush cha và Obama khi chuyển giao quyền lực Mặc dù Bush là đối thủ bại trận trước Clinton còn Obama có quan hệ không tốt với Trump, cả hai tổng thống đều duy trì truyền thống gửi thư khích lệ người kế nhiệm. Vào mùa bầu cử năm 2016, trong cuộc tranh luận tổng thống Mỹ cuối cùng, Trump tỏ ý ông sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử ngày...